Tổng công suất ngành xi măng năm 2023 đạt khoảng 120 triệu tấn, trong khi nhu cầu nội địa dự tính chỉ khoảng 65 triệu tấn. Ảnh: Tường Lâm |
Quý II/2023, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên là đơn vị hiếm hoi có lãi trở lại với gần 59 tỷ đồng sau khoản lỗ 85,6 tỷ đồng quý đầu năm. Kết thúc nửa đầu năm, Vicem Hà Tiên ghi nhận lỗ 27 tỷ đồng, doanh thu bán hàng đạt 3.690 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II/2023, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn tiếp tục lỗ 6,75 tỷ đồng, nâng lỗ 6 tháng lên 55,36 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn cũng báo lỗ 32,3 tỷ đồng.
Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cho biết, do sản lượng tiêu thụ giảm nên thời gian qua Công ty đã giảm sản xuất để tránh tồn kho, giảm chất lượng. Sản lượng xi măng sản xuất trong quý II/2023 là 313.000 tấn, giảm 168.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái, còn sản lượng clinker giảm 162.000 tấn. Về giá bán xi măng, Vicem Hoàng Mai cho biết giá bình quân nội địa quý II là 1.024.857 đồng/tấn (tăng 44.540 đồng/tấn), tuy nhiên giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chỉ tính riêng giá than tăng 96 đồng/Kcal. Kết thúc quý II/2023, doanh nghiệp này ghi nhận 808 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 0,622 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 22,8% và 94,6% so với 6 tháng năm 2023.
Tích cực hơn so với các doanh nghiệp xi măng họ “Vicem”, Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI ghi nhận lãi ròng 11 tỷ đồng trong quý II/2023 và 21 tỷ đồng sau 6 tháng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước những khó khăn của ngành xi măng, ông Nguyễn Quang Cung cho biết đã kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm xi măng thông qua kích thích thị trường BĐS. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất lùi thuế, các khoản phải nộp, khoản nợ của doanh nghiệp trong ngành đến tháng 6/2024.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Quang cho biết, chưa bao giờ ngành xi măng khó khăn như hiện nay, sản lượng tiêu thụ từ đầu năm giảm mạnh. Sự suy giảm đến từ thị trường BĐS trầm lắng do giảm nhu cầu, do vướng thủ tục pháp lý, chủ doanh nghiệp thận trọng hơn khi có nhiều sự vụ trong thời gian vừa qua. Nhiều dự án nhà xưởng, khu công nghiệp cũng dừng triển khai do xuất khẩu khó khăn. “Theo tôi được biết, tất cả các dự án ở vùng lân cận tỉnh Tuyên Quang bây giờ dừng lại hết, có những dự án năm ngoái đang triển khai thì đến giờ buộc phải trả lại”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, tổng công suất ngành xi măng năm ngoái là khoảng 113,9 triệu tấn, năm nay tăng lên khoảng 120 triệu tấn, trong khi nhu cầu nội địa được dự đoán chỉ khoảng 65 triệu tấn. Hoạt động xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc rất ảm đạm do thị trường BĐS tại quốc gia này chưa hồi phục. “Nếu thị trường xuất khẩu không phục hồi thì ngành xi măng trong nước sẽ vô cùng khó khăn trong nhiều năm tới. Rất nhiều nhà máy sẽ vỡ nợ, phá sản”, ông Hùng nói và cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp đã phải thắt chặt chi phí từ năm trước nên hiện không còn dư địa, tình hình rất khó khăn.
Theo Bộ Xây dựng, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 14 triệu tấn (giá trị xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD), giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài thị trường Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Philippines cũng chính thức áp thuế chống bán phá giá tạm thời sản phẩm xi măng Việt Nam.
Ngoài những thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Banglades, các doanh nghiệp xi măng đang tích cực tìm kiếm thị trường mới. Nhiều doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu xi măng, clinker sang khu vực châu Mỹ, nhưng sản lượng chưa nhiều. Xuất khẩu xi măng sang châu Âu cũng khó bởi dự kiến từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Điều này buộc nhà sản xuất xi măng phải giảm lượng phát thải đạt chuẩn theo yêu cầu của EU. Đây cũng là điểm yếu của các doanh nghiệp xi măng Việt Nam.
Ngoài ra, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10% theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên không tái tạo. Việc thuế xuất khẩu tăng nhưng giá clinker xuất khẩu không tăng khiến khó khăn của doanh nghiệp càng thêm chồng chất.