Bộ GTVT đề xuất xem xét, sửa đổi HSMT các gói thầu xây lắp sử dụng vốn ODA nhằm hài hòa với các quy định trong nước. Ảnh: Tiên Giang |
Rắc rối đến từ mẫu hồ sơ mời thầu
Tổng hợp kết quả báo cáo công tác đấu thầu năm 2016 của 39 Sở GTVT và 30 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT cho thấy, đối với việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước và vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ, tổng số có 888 gói thầu với tổng giá gói thầu là 11.758,1 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 11.135,7 tỷ đồng, tổng giá trị tiết kiệm là 622,4 tỷ đồng (tương đương 5,29% tổng giá gói thầu).
Theo Bộ GTVT, mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu xây lắp sử dụng vốn vay ODA của các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) không quy định cụ thể tiêu chí đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất kỹ thuật như quy định trong nước. Ngoài ra, các mẫu HSMT này không quy định đánh giá chi tiết về kỹ thuật, mặc dù các biểu mẫu của HSMT có yêu cầu nhà thầu phải kê khai về nhân sự, thiết bị thi công và các yêu cầu trình bày về kế hoạch, biện pháp, tiến độ thi công. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc đánh giá và thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật cũng như không phản ánh đầy đủ, chính xác năng lực của các nhà thầu tham dự. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT trao đổi, có ý kiến với các nhà tài trợ để xem xét, cho phép sửa đổi HSMT các gói thầu xây lắp sử dụng vốn ODA nhằm hài hòa với các quy định trong nước.
Bên cạnh đó, thời gian bảo hành công trình của các gói thầu xây lắp sử dụng vốn ODA của nhà tài trợ thông thường là 365 ngày (1 năm). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 35 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, thời gian bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp không ít hơn 24 tháng đối với công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp I. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất Bộ KH&ĐT kiến nghị với các nhà tài trợ thống nhất kéo dài thời gian bảo hành các gói thầu trong các dự án cấp đặc biệt, cấp I lên 24 tháng cho phù hợp với quy định trong nước.
Hạn chế nhà thầu trong nước tham gia
Bộ GTVT cũng đề cập đến một thực tế là các nhà thầu nước ngoài sau khi trúng các gói thầu ngành GTVT thường thuê lại thầu phụ là các nhà thầu Việt Nam. Trong khi đó, các nhà tài trợ lại không cho phép các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng tham gia đấu thầu các dự án do Bộ GTVT hoặc đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư. Ðiều này khiến các tổng công ty và các công ty có vốn nhà nước chi phối thuộc Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng không được phép tham gia đấu thầu nhiều dự án giao thông lớn, làm giảm tính cạnh tranh trong đấu thầu. Hiện nay, chỉ trừ các dự án ODA sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA (ngoài vốn vay đặc biệt STEP có điều khoản ràng buộc) cho phép nhà thầu trong nước được tham gia đấu thầu, còn lại, hầu hết các nhà tài trợ khác đều có những quy định ngặt nghèo về tư cách hợp lệ đối với nhà thầu tham gia thực hiện dự án ODA, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - hai nhà tài trợ lớn ở lĩnh vực giao thông.
Bộ GTVT cho biết, các dự án ODA thường có tổng mức đầu tư lớn, việc phân chia gói thầu của dự án phải được nhà tài trợ thống nhất trong quá trình thương thảo hiệp định vay và đa số được phân thành các gói thầu có quy mô và giá trị lớn (hàng nghìn tỷ đồng). Điều này làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu trong nước.
Bên cạnh đó, thời gian qua, thực tiễn công tác đấu thầu tại Bộ GTVT đã phát sinh nhiều tình huống phải xử lý, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Điển hình là trường hợp có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), nhiều tình huống chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT, đặc biệt đối với các dự án vay song phương thì có quy định chỉ hạn chế các nhà thầu thuộc nước cho vay được tham gia đấu thầu. Một câu chuyện khác là giá dự thầu vượt giá gói thầu được duyệt. Các nhà tài trợ không quy định nội dung trên, tuy nhiên, do gói thầu có quy mô và giá trị lớn nên nhiều gói thầu vượt dự toán được duyệt với giá trị khá lớn nên thường phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến xử lý. Nhiều trường hợp, việc giải quyết tình huống đấu thầu kéo dài hàng năm đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện chung của dự án.