Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động Công ty Liên Minh Tiêu dùng Việt Nam năm 2014. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Theo Bộ trưởng, bán hàng đa cấp là một lĩnh vực không mới, tuy nhiên, nhu cầu phát triển của kinh tế và xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý của nhà nước đồng thời thực hiện đúng các cam kết hội nhập.
Bộ trưởng cũng giao một thứ trưởng để đôn đốc thực hiện chỉ thị này đồng thời giao Cục Quản lý cạnh tranh hướng dẫn các địa phương một số giải pháp để xử lý hiệu quả các hành vi sai trái trong bán hàng đa cấp, qua đó có thể đảm bảo lợi ích của người tham gia lĩnh vực trên.
Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã cấp phép cho khoảng 60 công ty kinh doanh đa cấp hoạt động tại Việt Nam, trong đó có gần 20% là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Tuy vậy, thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân, gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội và đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự như vụ việc MB 24, Colony Invest, Tâm Mặt Trời, mới đây nhất là vụ Liên kết Việt khiến hàng chục nghìn người trở thành nạn nhân của công ty.
Do vậy, để siết lại hoạt động này, mới đây Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với 4 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần sản xuất thương mại Con đường Việt; Công ty trách nhiệm hữu hạn Tầm nhìn Đại Hưng 668; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Thương mại Quốc tế TNC; Công ty cổ phần New Power Việt Nam.
Cũng trong tháng Tư, Bộ Công Thương đã lập đoàn kiểm tra 7 doanh nghiệp gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Unicity Marketing Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Amway Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết tri thức, Công ty Cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn nhượng quyền Thăng Long và dự kiến cuối tháng Năm sẽ có kết quả kiểm tra các doanh nghiệp trên./.