Biwase dễ dàng trúng loạt gói thầu xử lý chất thải

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) vừa được lựa chọn thực hiện Gói thầu Thực hiện công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt TP. Thuận An năm 2023. Trong bối cảnh nguồn thu từ cung cấp nước sạch đã ổn định, Biwase đang đẩy mạnh tham gia các gói thầu xử lý chất thải, phần nhiều trong số đó không phải cạnh tranh về giá.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Biwase trúng nhiều gói thầu vận chuyển, xử lý rác thải tại bình Dương. Ảnh minh họa: DC
Từ đầu năm 2023 đến nay, Biwase trúng nhiều gói thầu vận chuyển, xử lý rác thải tại bình Dương. Ảnh minh họa: DC

Tại gói thầu trên, Biwase là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu với giá 140,268 tỷ đồng, thấp hơn 0,1% so với giá dự toán. Thời gian thực hiện hợp đồng 365 ngày, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, từ đầu năm 2023 đến nay, Biwase được công bố trúng 9 gói thầu trong lĩnh vực công ích với tổng giá trúng thầu 590,8 tỷ đồng. Hầu hết các cuộc thầu mà Biwase trúng đều được tổ chức qua mạng và chỉ một mình doanh nghiệp này tham dự.

Trước đó, cuối tháng 1/2023, Biwase trúng Gói thầu Dịch vụ công ích (vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt) trên địa bàn thị xã Tân Uyên năm 2023 với giá 68,742 tỷ đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,2%). Mới đây, không phải cạnh tranh về giá, Biwase trúng Gói thầu Dịch vụ xúc, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Dĩ An năm 2023 với giá 144,479 (tiết kiệm 0,13% sau đấu thầu) và Gói thầu Công tác vệ sinh đô thị, thuộc Dự án Công tác vệ sinh đô thị trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một năm 2023 với giá 190,868 (tiết kiệm 1,7%).

Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, giá trị trúng thầu trong lĩnh vực xử lý chất thải của Biwase đã vượt qua con số 436,44 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đạt được trong cả năm 2022. Còn trong năm 2021, Biwase được ghi nhận trúng 17 gói thầu với tổng giá trị khoảng 122,7 tỷ đồng.

Được biết, việc xâm nhập sâu vào lĩnh vực xử lý chất thải đã được lãnh đạo Biwase xác định khi tốc độ tăng trưởng mảng cung cấp nước dần chậm lại. Mới đây, HĐQT Biwase thống nhất chủ trương đầu tư mua cổ phần một loạt công ty trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Long An và Quảng Bình. Theo đó, Biwase dự kiến sẽ mua số lượng cổ phần tương ứng với tỷ lệ sở hữu từ 50% đến 100% số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, Công ty CP Công trình đô thị Châu Thành, Công ty CP Công trình đô thị Cần Giuộc, Công ty CP Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Biwase ở mức 9.987 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm 55%, tương đương 5.449 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ phải, trả nợ vay chiếm 74%, gồm 1.326 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 2.691 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Tuy nhiên, số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Biwase tại thời điểm cuối năm 2022 ở mức khá cao, khoảng 1.247 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh năm 2022, Biwase tiếp tục ghi nhận doanh thu tăng 11,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 746,4 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2021. Trong giai đoạn 2019 - 2021, doanh thu và lợi nhuận ròng liên tục tăng trưởng. Doanh thu từ mức 2.545 tỷ đồng năm 2019 đã tăng lên 3.025 tỷ đồng năm 2020 và đạt 3.135 tỷ đồng vào năm 2021. Lợi nhuận ròng 2021 đạt 755 tỷ đồng, tăng 41,1% so với 2020.

Biwase có vốn điều lệ 1.920 tỷ đồng, vừa tiến hành chi cổ tức bằng tiền (13%) cho các cổ đông. Ngày 31/2/2023, Biwase sẽ tổ chức ĐHĐCĐ, bổ sung một số ngành nghề theo mục tiêu mở rộng phạm vi hoạt động.

Chuyên đề