Bịt lỗ hổng thẩm định giá trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 6/4, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tiếp tục được thảo luận và góp ý tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách. Một trong những vấn đề “nóng” được các ĐBQH quan tâm, cho ý kiến là làm sao “bịt” được “lỗ hổng” thẩm định giá (TĐG) trong đấu thầu, bài học từ các vụ vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây.
Một trong những vấn đề “nóng” được các ĐBQH quan tâm, cho ý kiến là làm sao “bịt” được “lỗ hổng” TĐG trong đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một trong những vấn đề “nóng” được các ĐBQH quan tâm, cho ý kiến là làm sao “bịt” được “lỗ hổng” TĐG trong đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Siết chặt trách nhiệm…

Qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) chỉ ra, giá các thiết bị, phương tiện, hàng hóa bị đẩy lên rất cao. Một trong những nguyên nhân là Điều 29, Điều 42 của Luật Giá năm 2012 đã trao quá nhiều quyền cho thẩm định viên (TĐV) về giá, hội đồng TĐG, phần nhiều đều liên quan đến vấn đề TĐG, mà không có chế tài ràng buộc trách nhiệm đối với kết quả thẩm định độc lập về giá. Chỉ khi sửa đổi được 2 điều này trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) thì mới phần nào khắc phục được bất cập.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà, quy định về dịch vụ TĐG và quy định nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân trong hoạt động TĐG của Nhà nước nhận được nhiều ý kiến đề nghị rà soát, chỉnh sửa nhất tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi trong thực hiện dịch vụ TĐG, Thường trực Ủy ban TCNS đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉnh sửa các điều kiện được thi TĐV về giá, đăng ký hành nghề TĐG, quyền và nghĩa vụ của TĐV về giá, điều kiện thành lập, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp TĐG, người chịu trách nhiệm về doanh nghiệp TĐG…

Về xác định trách nhiệm, Dự thảo Luật xây dựng theo nguyên tắc: từng cá nhân, tổ chức, cơ quan phải chịu trách nhiệm tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Tổ chức thẩm định (Hội đồng TĐG của Nhà nước) phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định, bảo đảm tuân thủ Chuẩn mực TĐG Việt Nam.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật bổ sung 2 điều về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia và thành lập Hội đồng TĐG Nhà nước, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng TĐG Nhà nước, làm rõ phạm vi TĐG của Nhà nước… Ngoài ra, để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý khi xảy ra sai phạm, Dự thảo Luật bổ sung quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với Hội đồng TĐG và thành viên Hội đồng TĐG. “Những quy định trên nhằm vừa tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khả thi, giúp các cá nhân, tổ chức liên quan yên tâm thực hiện đúng chức trách được giao”, bà Hà phân tích.

Tuy vậy, ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần có quy định kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về nghĩa vụ, trách nhiệm của TĐV, trách nhiệm cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề TĐG cũng như trách nhiệm hậu kiểm. Trong đó, TĐV về giá phải có nghĩa vụ báo cáo kết quả TĐG do mình thực hiện với khách hàng, với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải khi có yêu cầu mới thực hiện. “Khi bắt đầu có hiện tượng, có báo chí đưa tin, và có nghi ngờ về vấn đề “thổi” giá mới yêu cầu báo cáo thì có lẽ đã xảy ra hậu quả mất rồi”, ông Đức nói.

… nhưng không gây khó khăn cho các bên thực thi

Bên cạnh những quan điểm đề nghị siết chặt trách nhiệm, một luồng ý kiến khác cho rằng, các quy định về TĐG cần linh hoạt hơn, không nên gây khó khăn cho việc thực thi của các bên.

Theo ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng), Dự thảo Luật vẫn còn quy định mang tính định tính, chung chung như cấm các hành vi “lợi dụng thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thảm họa, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa và dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá”…

Ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH TĐG và Giám định Việt Nam (VAI) chia sẻ, quy định này gây khó cho các đối tượng liên quan, do không có công bố về lợi nhuận định mức ngành và gián tiếp “điều tiết” giá cả thị trường hàng hóa không thiết yếu, khống chế việc tăng giá trong những thời điểm nhất định, điều chỉnh quy luật cung cầu, cạnh tranh tự nhiên của thị trường bằng mệnh lệnh hành chính, đồng thời lấy đi cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư có khả năng dự báo tốt về nhu cầu thị trường. Dự thảo Luật có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết thế nào là bất hợp lý, yêu cầu các bộ, ngành tính toán, ban hành lợi nhuận định mức ngành…

Mặt khác, theo phân tích của ông Ngô Gia Cường, để giảm thiểu rủi ro cho TĐV, cơ quan soạn thảo cần bổ sung quyền của TĐV được từ chối thực hiện TĐG khi nhận thấy không đủ cơ sở TĐG; có điều khoản loại trừ trách nhiệm cho TĐV khi khách hàng TĐG cung cấp thông tin không chính xác về tài sản TĐG, do TĐV bị hạn chế khả năng tiếp cận, đối chiếu hồ sơ gốc.

Về xác định trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đặt vấn đề, khi TĐV lấy hợp đồng giao dịch hàng hóa để làm giá so sánh hay giá đầu vào, nhưng hợp đồng đã bị hạ giá so với giá trị thực để trốn thuế thì ai là người phải chịu trách nhiệm? Chắc chắn là người hạ giá và ngụy tạo hợp đồng phải chịu trách nhiệm, chứ không thể bắt TĐV chịu trách nhiệm. Do vậy, Dự thảo Luật cần có quy định giải trừ trách nhiệm pháp lý cho TĐV.

Chuyên đề