Bịt lỗ hổng gây thất thoát tài sản công

(BĐT) - Năm 2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), thu nộp ngân sách 63.102 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện vẫn còn thấp, đạt 70,4% tổng số kiến nghị xử lý tài chính (92.499 tỷ đồng), đòi hỏi phải kịp thời giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. 
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 212 cuộc kiểm toán, phát hành 248 báo cáo kiểm toán
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 212 cuộc kiểm toán, phát hành 248 báo cáo kiểm toán

Xử lý tài chính hơn 72 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của KTNN diễn ra ngày 8/1/2020, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng KTNN cho biết, năm 2019, KTNN thực hiện 212 cuộc kiểm toán. Đến nay, KTNN đã hoàn thành và phát hành 248/290 báo cáo kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán năm 2019. Các cuộc kiểm toán đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước.

Qua các cuộc kiểm toán, kết quả xử lý tài chính của KTNN đến ngày 31/12/2019 là 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 10.276 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản (9 nghị định; 24 thông tư; 9 nghị quyết; 40 quyết định và 72 văn bản khác); kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập về chính sách như: thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, bệnh viện công lập; thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...

Ngoài ra, theo đại diện KTNN, Tổng KTNN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là việc ban hành Công văn số 670/KTNN-TH ngày 31/5/2019 về theo dõi, xử lý vướng mắc trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, năm 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán nhiều lĩnh vực nhạy cảm, ẩn chứa nhiều rủi ro tiêu cực như: các dự án BOT, các dự án ODA, công tác quản lý và sử dụng vốn nhà nước, hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng, phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, bất cập trong điều hành, sử dụng tài chính công, bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí tài sản công. 

Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, hiện đại hóa hoạt động

Ông Nguyễn Quang Thành cho biết, đến ngày 31/12/2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, thu 63.102 tỷ đồng/92.499 tỷ đồng; thực hiện theo kiến nghị của KTNN sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 19 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí; tổng hợp kiến nghị xử lý trách nhiệm 29 tập thể và cá nhân theo quy định.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý tài chính mặc dù có nhiều nỗ lực, số thu tuyệt đối lớn nhưng tỷ lệ thực hiện vẫn còn thấp (chỉ đạt 70,4% tổng số kiến nghị xử lý tài chính). Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa khai thác, phát huy tốt CNTT trong công tác kiểm toán; việc sử dụng văn bản điện tử trong quản lý, điều hành đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa cập nhật đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, con số về kết quả xử lý tài chính qua hoạt động kiểm toán đã thể hiện những nỗ lực của KTNN trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, mặt khác cũng cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các chính sách pháp luật của các đối tượng kiểm toán còn có nhiều vấn đề cần phải quan tâm, lo lắng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN phải nỗ lực hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ năm 2020 vì năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Đồng thời, KTNN cần bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong hoạt động kiểm toán, ứng dụng nhiều hơn nữa CNTT để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Về vấn đề ứng dụng CNTT, hiện đại hóa hoạt động, ông Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN cho biết, thời gian qua, KTNN đã tích hợp 6 phần mềm trên hệ thống trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ cao trong kiểm toán lĩnh vực khoáng sản, ứng dụng công nghệ siêu âm bê tông, cọc chìm…, qua đó đã phát hiện sai phạm hàng nghìn tỷ đồng trong sử dụng tài sản công, tài chính công. Thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công.

Chuyên đề