Công tác đấu thầu trong lĩnh vực thủy lợi, giao thông nông thôn thời gian qua có nhiều vấn đề khiến nhà thầu bức xúc. Ảnh: Hoài Tâm |
9 nhà thầu ở 7 tỉnh, thành khác nhau đứng đơn tố cáo
Đơn tố cáo do 9 nhà thầu đến từ nhiều địa phương đứng tên, gồm: Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (Thanh Hóa), Công ty CP Xây dựng Trực Ninh (Nam Định), Công ty TNHH Xây dựng GJW (Đà Nẵng), Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Phong (Ninh Thuận), Công ty CP Đầu tư Tây Nguyên (TP.HCM), Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Minh Hương (Thanh Hóa), Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội), Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Lâm Đồng) và Công ty CP Đầu tư xây dựng Hoàng Nhân (Ninh Thuận).
Điều gì đã khiến cho cả 9 nhà thầu nêu trên cùng tố cáo việc bán HSMT do Ban QLDA đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đang tiến hành? Theo đơn tố cáo, ngày 11/6/2018, khi các nhà thầu đến trụ sở của Ban để mua HSMT thì được nhân viên thông báo Giám đốc Ban đi tập huấn tại Đắk Lắk đến hết ngày 13/6/2018 mới về. Do đó, Ban có hẹn các nhà thầu sáng ngày 14/6/2018 đến làm thủ tục mua HSMT.
Sáng 14/6/2018, các nhà thầu quay lại gặp ông Trung, Giám đốc Ban, thì được trả lời: “HSMT tư vấn làm bị lỗi do đó chưa bán được”. Giám đốc Ban tiếp tục hẹn các nhà thầu sáng ngày 18/6/2018 từ 8 giờ đến 9 giờ sẽ có HSMT. Tuy nhiên, khi nhà thầu đến đúng hẹn và đề nghị phát hành HSMT, Giám đốc tiếp tục đi vắng và cán bộ của Ban đề nghị chờ Giám đốc về. Các nhà thầu có gọi điện thoại nhưng ông Trung không nghe máy và đến 11 giờ 20 thì tắt máy.
Bức xúc trước việc làm trên của Ban QLDA đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận, các nhà thầu đã làm đơn tố cáo, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết việc tuân thủ quy định về đấu thầu.
2 gói thầu lớn sử dụng vốn trái phiếu chính phủ
Theo đơn tố cáo của các nhà thầu, Ban QLDA đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận đang mời thầu 2 gói thầu. Thứ nhất là Gói thầu số 9 Xây lắp và thiết bị tuyến kênh (đoạn Km3+328 đến Km23+343,89, đoạn Km39+827,07 đến Kc) và đường giao thông đoạn 4 (km86+592,85 đến Kc). Gói thầu này có thời gian thực hiện hợp đồng 800 ngày, thuộc Dự án Công trình Đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong. Gói thầu sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Thời gian phát hành HSMT từ 8 giờ 00 ngày 11/6/2018 đến 15 giờ 00 ngày 2/7/2018 (trong giờ hành chính). Bảo đảm dự thầu của gói thầu này là 2,6 tỷ đồng. Thời điểm đóng thầu là 15 giờ 00 ngày 2/7/2018.
Gói thầu khác cũng đang được Ban QLDA đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận mời thầu là Gói thầu số 10 Xây lắp và thiết bị tuyến kênh (đoạn từ Km23+343,89 đến Km39+827,07) và đường giao thông đoạn 2 (km39+488,57÷km50+192,52), đoạn 3 (Km78+890,22 ÷ Km84+905,85), cũng có thời gian phát hành HSMT tương tự, có giá trị bảo đảm dự thầu là 2,6 tỷ đồng.
Với cả 2 gói thầu nêu trên, các nhà thầu đều chưa tiếp cận được HSMT.
Như vậy, có đến 2 gói thầu quy mô lớn tại Bình Thuận đang khiến các nhà thầu lĩnh vực thủy lợi, giao thông nông thôn bức xúc. Trong ngày 19/6/2018, phóng viên Báo Đấu thầu liên tục gọi vào số điện thoại của Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận nhưng vị này đã khóa máy. Gọi điện thoại cho ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận thì được đá quả bóng trách nhiệm: “hãy gọi cho Ban”.
Thông tin về gói thầu bị các nhà thầu tố cáo như trên cho thấy sự phức tạp, lộn xộn trong việc phát hành HSMT của các gói thầu lĩnh vực thủy lợi, giao thông, nông nghiệp có sử dụng vốn trái phiếu chính phủ. Đây là lĩnh vực thường xuyên bị tố cáo về việc trốn tránh bán HSMT, cướp HSDT, hành hung nhà thầu… mà Báo Đấu thầu phản ánh thời gian qua.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến về công tác lựa chọn nhà thầu của 2 gói thầu này.