Bình Phước xin giao lại ‘siêu dự án’ đường cao tốc cho Bình Dương làm chủ lực

0:00 / 0:00
0:00
Dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài gần 70km, dự kiến mức đầu tư lên đến hơn 24.000 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tỉnh Bình Phước có thẩm quyền thực hiện. Tuy nhiên, đến nay Bình Phước gửi công văn xin giao lại cho tỉnh Bình Dương làm chủ lực dự án.
Bình Phước xin giao lại ‘siêu dự án’ đường cao tốc cho Bình Dương làm chủ lực

Ngày 14/11, UBND tỉnh Bình Phước thông tin đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đề nghị giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đầu tư dự án đường bộ cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Trước đó, vào đầu tháng 6, Chính phủ đồng ý, giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư.

Vào thời điểm đó, Chính phủ cũng yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm chi trả chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của từng địa phương. Việc hỗ trợ ngân sách Trung ương cho dự án cao tốc chỉ hỗ trợ một phần.

Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để triển khai dự án này.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, qua xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án của tư vấn, các đơn vị chuyên môn Bộ GTVT, TP.HCM và Bình Phước thống nhất chia dự án trên thành hai đoạn để đầu tư.

Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành ra đời sẽ kết nối khu vực thuận tiện giao thông, phát triển kinh tế

Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành ra đời sẽ kết nối khu vực thuận tiện giao thông, phát triển kinh tế

Cụ thể, ở đoạn 1 có điểm đầu tại nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM), điểm cuối Km8+600 nút giao An Phú (vành đai 3). Đoạn 2, có điểm đầu Km8+600 tại nút giao An Phú (vành đai 3 tỉnh Bình Dương ), điểm cuối giao quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước).

Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM dài khoảng 1,7km, qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km và qua tỉnh Bình Phước là 7km. Quy mô dự án 6 làn xe, với vận tốc thiết kế 80-100km/h.

Hướng tuyến cao tốc trên dự kiến đi từ nút giao Gò Dưa (Km0+00) dọc theo tỉnh lộ 43 (thuộc TP Thủ Đức) khoảng 800m, rồi rẽ phải theo ĐT.743B, ĐT.743A, ĐT.747B tới trước cầu Khánh Vân. Tuyến chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại và men theo Suối Cái, song song với ĐH.409.

Sau đó, tuyến cao tốc cắt ĐT.747A tại Cổng Xanh, đi song song với ĐT.741 lên xã An Long huyện Phú Giáo rồi đi thẳng lên phía Bắc giáp phía Đông Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, kết nối với quốc lộ 14.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 12.137 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư. Vốn tư nhân khoảng 13.211 (đã bao gồm lãi vay). Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 32 năm. Do dự án này có tổng mức đầu tư lớn, theo trình tự thủ tục đầu tư Chính phủ phải báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành hình thành là một điều tất yếu và phù hợp với định hướng phát triển của khu vực chiếm 43% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Hiện nay, để di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Phước qua huyện Chơn Thành hay TP Đồng Xoài với khoảng cách từ 95-100 km với các tuyến đường mật độ xe rất cao như ĐT 741, ĐT 743, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14. Thời gian di chuyển khoảng từ 3-4 tiếng. Tuy nhiên, nếu có đường cao tốc việc di chuyển của phương tiện với khoảng cách đó chỉ từ 1-2 tiếng.

Bên cạnh đó, sau khi cao tốc này hình thành sẽ cùng với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt, Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương kết hợp cùng với các đường Vành Đai xung quanh thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, sẽ giúp cho việc giao thông và kinh tế vùng phát triển mạnh.

Chuyên đề