Bình Dương điều chỉnh kế hoạch đầu tư công: Hướng dòng vốn vào dự án hấp thụ tốt, hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh Bình Dương vừa lên phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và trung hạn 2021 - 2025. Trong kỳ điều chỉnh này, có 191 dự án được tăng vốn với tổng giá trị hơn 10 nghìn tỷ đồng, 218 dự án được điều chỉnh giảm vốn hơn 3.304 tỷ đồng. Qua đó, Bình Dương kỳ vọng hướng dòng vốn đầu tư công vào các dự án trọng điểm, hấp thụ vốn tốt, góp phần thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2022 và các năm tiếp theo.
Nhiều dự án lớn tại Bình Dương được tăng vốn trong kỳ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và trung hạn 2021 - 2025. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhiều dự án lớn tại Bình Dương được tăng vốn trong kỳ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và trung hạn 2021 - 2025. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Trong đợt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bình Dương có 94 dự án có nhu cầu tăng vốn với số vốn hơn 1.181 tỷ đồng, 153 dự án có nhu cầu giảm vốn với số vốn giảm hơn 1.908 tỷ đồng. Đối với kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, có 97 dự án đăng ký tăng vốn hơn 9.602 tỷ đồng và 65 dự án đề nghị giảm vốn hơn 1.396 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc điều chỉnh nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án. Theo đó, thứ tự ưu tiên vốn lần lượt là các dự án quyết toán hoàn thành, dự án chuyển tiếp, chuẩn bị đầu tư và dự án khởi công mới. Ngoài ra, ưu tiên dành vốn cho các dự án trọng điểm, dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư, chống sạt lở… và dự án có kết quả giải ngân tốt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, với phương án điều chỉnh kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, Tỉnh bổ sung mới 23 dự án có tổng số vốn hơn 3.120 tỷ đồng (trong đó 9 dự án quyết toán, 12 dự án chuẩn bị đầu tư, 2 dự án khởi công mới). Bên cạnh đó, Bình Dương ngưng bố trí vốn 4 dự án với tổng số vốn đã bố trí hơn 210 tỷ đồng. Có 15 dự án được chuyển từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư sang khởi công mới với số vốn tăng thêm khoảng 3.987 tỷ đồng. Đợt này cũng có 57 dự án được điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 4.605 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn 61 dự án với số vốn giảm 1.185 tỷ đồng. Theo đó, một số dự án thay đổi vốn lớn như: Dự án Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (tăng 3.000 tỷ đồng); Dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương (tăng 550 tỷ đồng); Dự án Nạo vét, gia cố tuyến Suối Cái từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai (tăng 450 tỷ đồng); Dự án Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố (tăng 1.790 tỷ đồng)...

Với một số dự án đủ điều kiện theo quy định, Tỉnh sẽ kiến nghị điều chuyển phần vốn dự kiến không giải ngân hết của kế hoạch năm 2022 sang năm sau, dùng nguồn vốn năm 2023 dự kiến bố trí cho dự án này để bố trí cho các dự án khác.

Ở giai đoạn nước rút thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, Bình Dương bổ sung mới 29 dự án với tổng số vốn tăng thêm hơn 28 tỷ đồng, ngưng bố trí vốn cho 30 dự án với tổng số vốn đã bố trí 393 tỷ đồng. Tỉnh chuyển 3 dự án từ chuẩn bị đầu tư sang khởi công mới với tổng vốn tăng thêm 473 tỷ đồng; tăng vốn cho 65 dự án với tổng số vốn tăng thêm hơn 1.634 tỷ đồng; giảm vốn 106 dự án với tổng số vốn giảm khoảng 1.269 tỷ đồng... Với sự điều chỉnh trên, tổng số vốn kế hoạch 2022 dự kiến không giải ngân hết sau khi điều chỉnh tăng vốn cho các dự án có nhu cầu là hơn 726 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giải ngân kế hoạch cả năm sau khi điều chỉnh là 91,8%.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Bình Dương đã giao hơn 8.909 tỷ đồng, phân bổ cho 316 dự án. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tính đến hết tháng 9/2022, giá trị giải ngân là hơn 3.562 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Trong trường hợp không thực hiện điều chỉnh, giải ngân cả năm ước đạt 7.637 tỷ đồng, tương ứng khoảng 78,6% kế hoạch.

Ông Trình Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, Tỉnh đang quyết liệt thực hiện các giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả và thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2022 và trung hạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt; tăng cường phối hợp giữa sở, ngành với chủ đầu tư, các huyện, thị xã, thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bình Dương sẽ rà soát lại các quỹ đất hiện có, dự báo để chủ động xây dựng các khu tái định cư, tạo chuyển biến mạnh về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

“Nguồn vốn không giải ngân hết sẽ bị hủy dự toán. Với một số dự án đủ điều kiện theo quy định, Tỉnh sẽ kiến nghị điều chuyển phần vốn dự kiến không giải ngân hết của kế hoạch năm 2022 sang năm sau, dùng nguồn vốn năm 2023 dự kiến bố trí cho dự án này để bố trí cho các dự án khác”, ông Tuấn Anh nói và khẳng định, Bình Dương sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công theo hướng điều chuyển vốn cho dự án có nhu cầu và khả năng giải ngân cao, trong đó ưu tiên dự án trọng điểm nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển.

Chuyên đề