Bia Hà Nội tiếp tục lao đao

Khó khăn về cạnh tranh của Bia Hà Nội đang dần bộc lộ khi sản lượng tiêu thụ sụt giảm.
Habeco tiếp tục gặp khó khăn.
Habeco tiếp tục gặp khó khăn.

Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã CK: BHN) vừa công bố báo cáo tài chính cho quý gần nhất với tình hình kinh doanh không mấy tích cực. Những khó khăn với thương hiệu bia đứng đầu thị trường miền Bắc đã dần bộc lộ khi sản lượng tiêu thụ sụt giảm, kéo lợi nhuận của Habeco đi xuống, dù công ty vẫn mạnh tay cho chi phí quảng cáo, khuyến mại.

Trong quý III, Habeco đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng năm trước. Theo giải thích từ công ty, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng tiêu thụ của Habeco và các công ty con sụt giảm. 

Kết quả kinh doanh chính sụt giảm, trong khi các khoản chi phí phát sinh vẫn duy trì như trước khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Habeco chỉ bẳng 75% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 317 tỷ đồng, giảm 27%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, dù khoản lợi nhuận khác tăng hơn gấp đôi từ chi phí thanh lý vỏ chai, két bia, nhưng lợi nhuận sau thuế của Habeco vẫn giảm 17%. Doanh thu sụt giảm là nguyên nhân chính, dù bản thân công ty cũng liên tục gia tăng chi phí quảng cáo, khuyến mại. Bình quân mỗi ngày Habeco chi ra 1,2 tỷ đồng cho khoản này.

Theo Euromonitor, tầng lớp trung lưu và dân số trẻ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bia, ước tính quy mô khoảng 147.200 tỷ đồng vào năm 2016 (khoảng 6,5 tỷ USD). Mức tiêu thụ theo đầu người dự kiến sẽ đạt 40,6 lít trong năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia đừng đầu Đông Nam Á.

"Việt Nam sẽ trở thành thị trường đáng chú ý. Nhờ văn hóa ẩm thực đường phố và quá trình đô thị nhanh, mức tiêu thụ bia tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2021", báo cáo của Euromonitor về thị trường bia khu vực châu Á Thái Bình Dương viết.

Tuy nhiên, thị phần của Habeco, theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), đã giảm liên tục trong 6 năm gần đây, từ mức gần 20% năm 2010 xuống còn 18%. Sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh đang đưa Habeco từ vị trí độc tôn tại thị trường miền Bắc dần xa xút.

Theo các công ty chứng khoán, nguyên nhân chính là thị trường phân khúc bia giá rẻ, vốn là thế mạnh của Habeco đang thu hẹp, trong khi tại phân khúc cao cấp Habeco lép vế hoàn toàn so với các đối thủ sừng sỏ như Sabeco hay Heineken. Quy mô thị trường của phân khúc bia giá rẻ đã giảm xuống 8% tổng thị trường so với mức 14% của năm 2011.

Cuối năm 2016, Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch thoái vốn tại 2 doanh nghiệp bia đứng đầu Việt Nam là Sabeco và Habeco. Tuy nhiên, sau hơn một năm, kế hoạch này đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Theo báo cáo Tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, phương án thoái vốn Nhà nước, Habeco hiện vẫn chưa chốt được con số cuối cùng. Thời hạn báo cáo với Thủ tướng được ấn định là trước ngày 15/11.

Cũng theo văn bản này, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để đàm phán, xử lý dứt điểm vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Habeco và Carlsberg, làm cơ sở cho phương án chuyển nhượng cổ phần.

Vướng mắc giữa 2 bên, theo tiết lộ của lãnh đạo Bộ Công Thương trước đây, chủ yếu vẫn nằm ở vấn đề giá.

Sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán cuối năm 2016, thị giá cổ phiếu BHN của Habeco đã có những khoảng thời gian "nhảy múa" với biên độ cao. Đã có thời điểm cổ phiếu này đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán khi được giao dịch ở mức hơn 225.000 đồng, trước khi giảm về ngưỡng 110.000 đồng ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, con số này vẫn được đánh giá là quá cao theo các phương pháp định giá.

Chuyên đề