Bị Mỹ cấm vận, Huawei vẫn muốn đi đầu thế giới về công nghệ 6G

0:00 / 0:00
0:00
Nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi nói rằng sức mạnh của Huawei đã tăng lên kể từ khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt...
Nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi - Ảnh: Getty/CNBC.
Nhà sáng lập Huawei Nhiệm Chính Phi - Ảnh: Getty/CNBC.

Sức mạnh của Huawei đã tăng lên kể từ khi bị Mỹ áp lệnh trừng phạt và “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc này sẵn sàng trả thu nhập cao hơn để thu hút nhân tài nhằm dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ viễn thông thế hệ hậu 5G - nhà sáng lập Huawei, ông Nhiệm Chính Phi, tuyên bố.

Theo hãng tin Bloomberg, trong một cuộc nói chuyện nội bộ vào tháng trước, ông Nhiệm bác bỏ ý kiến cho rằng việc bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” đã đánh bại Huawei. “Chẳng hề có sự hỗn loạn nào trong công ty”, nhà sáng lập 76 tuổi nói - theo bản ghi lại nội dung cuộc nói chuyện. “Thay vào đó, công ty giờ đây đang đoàn kết hơn bao giờ hết, và thậm chí thu hút được nhiều nhân tài hơn”.

Báo cáo tài chính gần đây của Huawei cho thấy công ty này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hãng công nghệ có trụ sở ở Thẩm Quyến chứng kiến doanh thu giảm 38% trong quý 2/2021, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Mỹ cắt đứt sự tiếp cận của Huawei với nguồn cung con chip chủ chốt và công nghệ nghệ Mỹ, từ các công cụ thiết kế chip cho tới hệ điều hành Android của Google cho điện thoại thông minh (smartphone).

Tuy nhiên, Huawei đã triển khai một loạt nỗ lực nhằm vực dậy kinh doanh.

Hồi tháng 7, Huawei giành một hợp đồng lớn về cung cấp thiết bị viễn thông 5G cho một nhà mạng viễn thông hàng đầu ở Trung Quốc. Hãng đã công bố một mẫu smartphone cao cấp mới nhưng mẫu điện thoại này không được trang bị 5G do không đủ nguồn cung chip cần thiết.

Huawei đang tìm kiếm những nguồn lợi nhuận mới để duy trì hoạt động và cố gắng tạo ra những mảng kinh doanh mới như công nghệ hỗ trợ ngành khai mỏ và ô tô điện. Ngoài ra, hãng cũng yêu cầu các nhà sản xuất smartphone khác trả tiền bản quyền bằng sáng chế, đồng thời bán thương hiệu smartphone bình dân Honor cho một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc vào năm ngoái với mức giá không được công bố cụ thể.

Ông Nhiệm đang trông chờ vào đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei để đưa công ty phục hồi từ lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất mà Mỹ từng áp lên một công ty. Trong cuộc nói chuyện, ông hứa sẽ tuyển dụng những người xuất sắc nhất trên thế giới, sẵn sàng trả họ mức lương cao hơn so với đề xuất của các công ty đối thủ.

“Dựa trên hệ thống R&D này, chúng ta sẽ không chỉ dẫn đầu thế giới về 5G, mà quan trọng hơn, chúng ta sẽ dẫn đầu thế giới trong những lĩnh vực rộng hơn”, ông nói.

Là một kỹ sư làm việc trong quân đội Trung Quốc trước khi sáng lập Huawei, ông Nhiệm đang nhìn về thế hệ tiếp theo của công nghệ không dây sau 5G. Ông nói với nhân viên của mình rằng công nghệ 6G “có thể có khả năng phát hiện và cảm ứng”, vượt khỏi khả năng truyền dữ liệu như của các công nghệ hiện có”.

“Chúng ta không thể đợi cho tới khi 6G trở nên khả thi, vì chờ đợi sẽ đặt ra trở ngại lên chúng ta vì thiếu bằng sáng chế”, ông nói.

Chuyên đề