Bị khách hàng chiếm dụng vốn, áp lực bủa vây Licogi 18

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 (Licogi 18) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực sau 9 tháng, dự kiến lãi trước thuế năm 2020 tăng trưởng 68% lên gần 59 tỷ đồng. Tuy vậy, rủi ro của Licogi 18 lại đến từ áp lực nợ vay liên tục gia tăng khi một lượng vốn lớn của Công ty đang bị khách hàng chiếm dụng.

Doanh thu của Licogi 18 từ lĩnh vực xây dựng tăng 21% trong 9 tháng năm 2020, đạt 1.076 tỷ đồng. Ảnh: ST
Doanh thu của Licogi 18 từ lĩnh vực xây dựng tăng 21% trong 9 tháng năm 2020, đạt 1.076 tỷ đồng. Ảnh: ST
  • Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của Licogi 18, doanh thu 9 tháng năm 2020 ghi nhận 1.166 tỷ đồng, tăng trưởng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực chính là xây dựng tăng trưởng tới 21%, đạt 1.076 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng giảm nhẹ từ mức 23,3 tỷ đồng xuống còn 21,9 tỷ đồng.

Dù tạo ra lợi nhuận, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Licogi 18 tiếp tục âm. Cụ thể, con số này trong 9 tháng đầu năm âm 255,3 tỷ đồng, còn năm 2019 âm 76,3 tỷ đồng.

Tình trạng kinh doanh không tạo ra tiền của Licogi 18 đến từ sự gia tăng đáng kể các khoản nợ phải thu trong thời gian gần đây. Nếu như đầu năm 2019 con số này là 868 tỷ đồng thì cuối năm 2019 đã tăng thêm 24,5% lên 1.081 tỷ đồng. Tính đến cuối quý III/2020, nợ phải thu của Licogi 18 là 1.162 tỷ đồng, tăng thêm 7,5%. Một trong những khách hàng đang có khoản nợ lớn với Licogi 18 là Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương và Công ty Tùng Lâm.

Trong các khoản nợ phải thu của Licogi 18, đáng chú ý là sự gia tăng các khoản nợ phải thu khó đòi hay nợ xấu. Tại thời điểm đầu năm 2019, con số này là 69,2 tỷ đồng thì cuối năm 2019 đã tăng lên thành 78,3 tỷ đồng và cuối quý III/2020 chạm ngưỡng 101,2 tỷ đồng.

Việc tăng khoản nợ phải thu tạo áp lực lên vốn lưu động của Licogi 18. Công ty phải sử dụng các nguồn tài chính khác để bù đắp thiếu hụt tiền mặt trong vòng quay vốn lưu động.

Để tài trợ cho tài sản lưu động, Licogi 18 tận dụng lợi thế mua trả chậm từ các nhà cung cấp và vay nợ tài chính. Trong khi các khoản thanh toán cho nhà cung cấp bị giới hạn bởi thời gian thanh toán thì các khoản vay nợ ngân hàng trở thành phương án duy nhất để huy động vốn ngắn hạn. Điều này thể hiện rõ ở các khoản phải trả và nợ ngắn hạn của Công ty.

So với đầu năm 2020, khoản vay ngắn hạn và dài hạn của Licogi 18 đã tăng 45,2%, từ mức 566 tỷ đồng lên 822 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2020. Con số nợ vay đầu năm 2019 của Licogi 18 vào khoảng 444 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, vốn lưu động của Licogi 18 đang phụ thuộc nhiều vào các khoản vay ngân hàng. Do đó, Công ty sẽ phải chịu gánh nặng chi phí lãi vay trong thời gian tới.

Để nâng cao năng lực và tự chủ tài chính, đồng thời có nguồn vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh theo kế hoạch đề ra, Licogi 18 sắp phát hành gần 23 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện là 1:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ có 1 quyền mua 1 cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian đăng ký mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 17/12/2020 - 20/1/2021.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/12, giá cổ phiếu Licogi 18 đóng cửa ở mức 9.800 đồng/cổ phiếu và không có thanh khoản. Nếu đợt phát hành hoàn tất, Công ty sẽ thu về gần 230 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên mức 460 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực đáng kể để Licogi 18 cải thiện tình hình tài chính hiện tại. Tuy nhiên, với giao dịch hiện tại trên sàn chứng khoán, việc phát hành thành công cổ phiếu của Licogi 18 gặp thách thức rất lớn.

Chuyên đề