Nghi ngờ tính trung thực của các tài liệu trong HSDT, chủ đầu tư đã gửi công văn xác minh và lật tẩy hành vi gian lận của nhà thầu. Ảnh: Hoài Tâm |
Tạo dựng tài liệu giả để đấu thầu
Gói thầu nêu trên được Công ty Điện lực Bắc Giang thực hiện thông báo mời thầu qua mạng ngày 19/4/2018, mở thầu ngày 29/4/2018, với 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), trong đó có Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường. Trong quá trình đánh giá HSDT, Chủ đầu tư nhận thấy Bản xác nhận chất lượng hàng hóa của Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát; Công ty Thủy điện Sơn La; Công ty Truyền tải điện 3 do nhà thầu là Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường cung cấp không phải là một thể thống nhất, tách rời nhau. Cụ thể, phần nội dung và phần chữ ký của các giám đốc cùng với con dấu trong HSDT mà nhà thầu này tải lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có thể dễ dàng phát hiện có sự cắt ghép.
Công ty Điện lực Bắc Giang khẳng định, khi trình chiếu và thao tác trên màn hình máy tính, phát hiện rất rõ ràng việc tạo dựng tài liệu giả hoặc xâm phạm vào bản chính của tài liệu để chỉnh sửa nội dung; nội dung tài liệu và chữ ký của pháp nhân, con dấu không phải là một thể thống nhất.
Nghi ngờ vào tính trung thực của các tài liệu trong HSDT của nhà thầu, Công ty Điện lực Bắc Giang đã gửi công văn đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra, xác nhận “Bảng xác nhận chất lượng hàng hóa”. Phản hồi từ Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, đơn vị này không ký hợp đồng với Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường và không xác nhận chất lượng hàng hóa như văn bản mà nhà thầu này cung cấp cho Công ty Điện lực Bắc Giang. Còn Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát thì xác nhận có ký hợp đồng với Công ty CP Ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (không phải với Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường) và không xác nhận văn bản về chất lượng hàng hóa đối với nhà thầu này.
Cấm tham gia hoạt động đấu thầu 5 năm
Luật Đấu thầu 2013 (Điểm a Khoản 4 Điều 89 - Các hành vi bị cấm trong đấu thầu) quy định: gian lận là một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Cụ thể là trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào. Theo quy định tại Điều 122 (Hình thức cấm tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu) của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hành vi gian lận nói trên sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
Ngày 22/5/2018, Công ty Điện lực Bắc Giang đã ra quyết định cấm Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường tham gia các hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc các dự án, dự toán mua sắm do Công ty Điện lực Bắc Giang làm chủ đầu tư trong vòng 5 năm. Lý do là Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường đã vi phạm Điểm a, Khoản 4, Điều 89 Luật Đấu thầu khi tham gia gói thầu nêu trên.
Tiếp đó, ngày 23/5/2018, Công ty Điện lực Bắc Giang đã công khai quyết định hủy thầu Gói thầu 04.11 Mua sắm bảo hộ lao động năm 2018 với lý do chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Và tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Điện lực Bắc Giang vẫn chưa tiến hành mời thầu lại gói thầu này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường có vốn điều lệ hơn 4,7 tỷ đồng, địa chỉ tại số 216 đường Nguyễn Trãi, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tiền thân của Trung tâm này là Trung tâm Tư vấn chuyển giao công nghệ trang thiết bị bảo hộ lao động (được thành lập năm 2006) và từ tháng 6/2017 được đổi tên thành Trung tâm Bảo hộ lao động và Bảo vệ môi trường.