Ảnh minh họa. |
Sau hai tháng Tập đoàn Casino rao bán BigC Việt Nam với giá 900 triệu USD, đã có ít nhất 5 đại gia bán lẻ muốn mua lại hệ thống bán lẻ này của người Pháp.
5 DN này bao gồm: hai doanh nghiệp Thái Lan là Berli Jucker (BJC, do tập đoàn TCC nắm quyền chi phối) và Central Group; Lotte Shopping (Hàn Quốc), Dairy Farm (Singapore) và mới nhất là tập đoàn Aeon (Nhật Bản).
Những doanh nghiệp lên tiếng muốn mua lại chuỗi BigC đều là những nhà bán lẻ nước ngoài đã có mặt ở thị trường Việt Nam.
Bởi theo phân tích của nhiều chuyên gia trong ngành, lợi ích sau khi thâu tóm thành công BigC, các tập đoàn này có thể tiết kiệm được đến gần 7 năm cho việc xây dựng cũng như nhiều chi phí khác để phát triển chuỗi kinh doanh.
Tuy nhiên, Vinmart hay Saigon Coop tỏ ra không mấy "mặn mà" với thương vụ này.
Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, doanh nghiệp Việt không mặn mà mua lại BigC là vì không có tiền.
"Biết BigC là miếng mồi ngon đấy nhưng không có tiền thì làm sao mà mua được", ông Phú nói.
Ông cho biết, kể cả doanh nghiệp lớn như Co.op Mart, vốn cũng chỉ 1.000 tỷ đồng, trong khi BigC được rao bán tới 900 triệu USD thì việc mua lại cực kỳ khó khăn.
Hapro cũng không thể mua nổi. Hiện nay, Hapro đã thua trên mặt trận bán lẻ, mạng lưới ở Hà Nội đang mất dần, chỉ chiếm 2% doanh số bán lẻ.
Trên thực tế, thị trường bán lẻ hiện nay đang chứng kiến rất nhiều thương vụ giữa DN nội và ngoại. Trong đó, vai trò của DN nội chủ yếu đứng ở phía "bị mua". Có thể kể ra hàng loạt siêu thị, chuỗi bán lẻ đã bị bán bớt cổ phần cho nước ngoài như Fivimart, Citimart, Nguyễn Kim...
Theo ông Phú, nếu doanh nghiệp Việt mua BigC thì phải có tiền và mua ít nhất 51% cổ phần để nắm quyền điều hành. Để chuẩn bị được chừng đó tiền đã là rất khó khăn.
Trong khi đó, ông chủ BigC hiện tại, Casino Group muốn bán BigC Việt Nam để giải quyết vấn đề nợ nần, vì vậy, chắc chắn họ không chỉ muốn bán 51%, mà phải "thanh lý" toàn bộ số cổ phần mình đang nắm giữ, như trường hợp họ đã làm với BigC Thái Lan.
BigC Thái Lan đã được TCC mua lại với giá 3,1 tỷ USD. Tập đoàn này hiện cũng vừa hoàn thành thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam.
Lúc đó, cả Metro và BigC cộng lại sẽ tạo thành doanh nghiệp bán lẻ rất lớn với 32 siêu thị BigC, 10 cửa hàng tiện lợi New Chợ và 19 siêu thị Metro.
"Các Tập đoàn Thái Lan sẽ lấn át, trở thành ông trùm trong ngành bán lẻ Việt Nam. Tỷ lệ 80% hàng Việt trong các siêu thị sẽ tụt xuống thay vào đó là hàng Thái Lan. Trong kinh doanh, nếu hệ thống phân phối không cạnh tranh nổi thì chỉ có cách đi làm thuê mà thôi", Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội lo ngại.