Công ty TNHH MTV Văn Sáu cho rằng, riêng việc chậm bàn giao mặt bằng thi công đã khiến nhà thầu này chậm tiến độ là 270 ngày. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Không hoàn toàn là lỗi của nhà thầu
Ngày 26/7/2019, UBND huyện Châu Thành có Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng công trình cầu Thành Triệu. Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre đã cho phép Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Châu Thành - CĐT chấm dứt Hợp đồng với Công ty Văn Sáu (địa chỉ tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Lý do là nhà thầu này vi phạm tiến độ, không còn khả năng để tiếp tục thực hiện Hợp đồng, làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của Dự án. Được biết, Công ty Văn Sáu trúng thầu với giá 4,485 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 270 ngày.
Phản hồi tới Báo Đấu thầu, Công ty Văn Sáu cho biết, CĐT đã không chi trả đủ tiền thanh toán khối lượng hoàn thành kịp thời để Nhà thầu đảm bảo nguồn vốn thi công công trình được liên tục. Phần thiết kế thi công không phù hợp địa hình, địa điểm thi công khiến Nhà thầu gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.
Ngoài ra, Nhà thầu thông tin, biên bản bàn giao mặt bằng thi công vào ngày 22/12/2017 nhưng chưa đủ điều kiện khởi công. Trên thực tế, ngày 3/7/2018 các bên liên quan mới lập biên bản đề nghị địa phương vận động mặt bằng thi công để đóng cọc thử. Đến ngày 10/9/2018 mới có mặt bằng để đóng cọc thử, thời gian đúc cọc thử chỉ mất 30 ngày. Riêng phần này đã khiến Nhà thầu chậm tiến độ là 270 ngày.
Nhà thầu có nhiều khó khăn nhất định và nhận trách nhiệm về mình, chấp nhận chịu phạt hợp đồng với việc hạ quyết tâm phải hoàn thành được Hợp đồng. CĐT cũng đã chấp thuận cho gia hạn thời gian hoàn thành đến 15/8/2019. Tuy nhiên, sau khi Nhà thầu đề xuất cho bổ sung nhà thầu phụ vào cuối tháng 6/2019 thì lại nhận được Thông báo chấm dứt Hợp đồng vào tháng 7/2019.
Nhà thầu cho rằng, CĐT đã không thanh toán cho Nhà thầu phần khối lượng còn lại tương đương 600 triệu đồng mà trừ hết vào phần tạm ứng hợp đồng chưa thanh toán hết là vi phạm điều khoản hợp đồng đã ký kết. Việc UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD huyện Châu Thành chấm dứt Hợp đồng đã ảnh hưởng tới hoạt động của Nhà thầu trong việc tham dự thầu, khiến Nhà thầu rơi vào tình trạng phá sản mà lỗi không hoàn toàn do Nhà thầu.
Chủ đầu tư và chuyên gia nói gì?
Phản hồi khiếu nại của Nhà thầu, Ban QLDA ĐTXD huyện Châu Thành “thừa nhận” có khó khăn trong việc bàn giao mặt bằng cho Nhà thầu trong thời gian đầu triển khai Gói thầu. Chia sẻ những khó khăn này, Ban QLDA đã nhiều lần thống nhất với Nhà thầu và trình cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện Hợp đồng. Theo Phụ lục Hợp đồng số 04/29/PLHĐ-BQLDA ký ngày 1/4/2019, ngày 29/6/2019 Nhà thầu phải hoàn thành công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng nếu không thì Nhà thầu bị tịch thu bảo lãnh thực hiện hợp đồng và phạt hợp đồng theo điều khoản ghi trong Hợp đồng ký ban đầu.
CĐT cũng cho hay, việc xin bổ sung nhà thầu phụ thi công tại thời điểm khối lượng thực hiện của Công ty Văn Sáu chiếm 51,8% khối lượng Hợp đồng là không phù hợp với quy định của Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng đã ký kết.
Do xét thấy Nhà thầu không còn khả năng thực hiện các hạng mục còn lại của Gói thầu, cùng với tính chất quan trọng của công trình, Ban QLDA đã đề nghị UBND huyện Châu Thành trình cấp quyết định đầu tư (Sở GTVT tỉnh Bến Tre) và UBND Tỉnh cho chủ trương thanh lý và chấm dứt Hợp đồng.
Theo chuyên gia đấu thầu - TS. Nguyễn Việt Hùng, pháp luật về đấu thầu chỉ điều chỉnh các hoạt động liên quan tới quá trình đấu thầu: từ lúc phát hành HSMT, quá trình lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu. Khi chuyển sang việc thực hiện hợp đồng được 2 bên ký kết thì mọi tranh chấp, khiếu nại đều tuân thủ theo pháp luật về dân sự. “Nếu nhà thầu cho rằng, người có thẩm quyền bên CĐT chấm dứt hợp đồng vô lý, không thỏa đáng mà ảnh hưởng đến việc tham dự các gói thầu tiếp theo thì nhà thầu có thể kiện CĐT. Nếu được Tòa án xét xử, CĐT đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng không có đủ cơ sở pháp luật thì phía CĐT sẽ phải đền bù thiệt hại cho nhà thầu” - TS. Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.