Ảnh minh họa: Internet |
Một loạt tư vấn bị nêu danh
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ sự vào cuộc của các Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), một loạt đơn vị tư vấn đấu thầu bị chấn chỉnh, nêu danh liên quan đến việc quy định tiêu chí về hợp đồng tương tự.
Đầu tiên là Gói thầu số 2 (xây lắp) thuộc Dự án Xây dựng đường và cầu tràn qua tuyến V hồ Cầu Mới, huyện Long Thành và huyện Cẩm Mỹ do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai làm chủ đầu tư. Thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai đã chỉ rõ, đây chính là gói thầu mà hồ sơ mời thầu (HSMT) có quy định giá trị hợp đồng tương tự ít nhất là 18 tỷ đồng (tương đương với 84% giá trị công việc xây lắp của Gói thầu). Quy định này cao hơn quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT: “Có giá trị công việc xây lắp bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét”. Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Kiến Giang là đơn vị tư vấn lập HSMT và đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) của gói thầu này.
Tại TP.HCM, số đơn vị tư vấn vi phạm nội dung này rất nhiều. Có thể kể đến Công ty CP Tư vấn xây dựng Liên Hiệp khi được giao thực hiện lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu Thi công xử lý nền đường giao thông khu Bắc thuộc Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Cái Mép. Gói thầu này có giá gói thầu là 175.552.572.036 đồng nhưng đơn vị tư vấn đã có hành vi nêu tiêu chuẩn đánh giá hợp đồng tương tự trong HSMT không phù hợp với quy mô, tính chất kỹ thuật của Gói thầu.
Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Kiến Nam cũng vừa bị Sở KH&ĐT TP.HCM xử phạt về hành vi lập HSMT không phù hợp về tiêu chí hợp đồng tương tự. Điều này xảy ra tại Gói thầu Cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Xây dựng mới Trung tâm Xét nghiệm y khoa.
Tại một gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị, một đơn vị tư vấn khác cũng bị Sở KH&ĐT TP.HCM xử lý là Công ty CP Tư vấn đấu thầu xây dựng Quốc tế. Tư vấn này bị xác định có hành vi thẩm định HSMT không phù hợp quy định về hợp đồng tương tự.
“Gọt chân cho vừa giày” bằng được?
Đưa ra tiêu chí hợp đồng tương tự không phù hợp với quy định có hai kiểu. Thứ nhất là “yêu cầu quá cao”, có trường hợp cao gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị gói thầu đang mời thầu. Thứ hai là “hạ thấp yêu cầu”, bằng cách đưa giá trị hợp đồng tương tự xuống thấp hơn hẳn so với quy định. Trường hợp này là tạo điều kiện tốt để nâng đỡ nhà thầu yếu kém năng lực có thể đàng hoàng vào sâu qua các bước đánh giá kỹ thuật. Cả hai xu hướng này đều có thể gọi chung là tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu cụ thể, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà thầu.
Chuyên gia Nguyễn Việt Hùng khẳng định, trừ những trường hợp hiểu chưa đúng bản chất của yêu cầu về hợp đồng tương tự, nếu cố tình đưa vào yêu cầu về hợp đồng tương tự không phù hợp chính là chạy theo lợi ích cá nhân, do ý chí của chủ đầu tư hoặc lợi ích nhóm. Chuyên gia này cũng khẳng định, có những trường hợp gói thầu có yêu cầu đặc thù, bên mời thầu cần có giải trình cụ thể, khoa học khi đưa ra các yêu cầu quá mức quy định về hợp đồng tương tự. Còn lại, cần tuân thủ nghiêm ngay từ khâu lập, trình, thẩm định HSMT để tránh tình trạng nội dung này trở thành những cái bẫy đối với nhà thầu.
Trên thực tế, nhiều đơn vị tư vấn còn coi nhẹ quy định về hợp đồng tương tự, từ đó dẫn tới đưa ra nhiều tiêu chí vi phạm và hiện vẫn còn tình trạng cố tình “gọt chân cho vừa giày” nhiều lần. Bằng chứng là không thiếu những bộ HSMT phải sửa đi sửa lại không dưới 3 lần chỉ để “nâng lên” hay “hạ xuống” giá trị các hợp đồng tương tự nhằm giúp “quân đỏ” trúng thầu bằng được. Thậm chí, có những HSMT sửa nội dung này đến 5 lần và tạo ra không ít bức xúc trong dư luận nhà thầu.
Theo các chuyên gia, tất cả các khâu từ lập, thẩm định và phê duyệt HSMT đều dựa vào những căn cứ pháp lý cụ thể. Đồng thời, đội ngũ cán bộ đảm nhận các khâu này đều bắt buộc phải tuân thủ quy định và phải có trách nhiệm giải trình. Việc để xảy ra tình trạng yêu cầu về hợp đồng tương tự chưa phù hợp với quy mô gói thầu cần được xem xét một cách nghiêm túc, đánh giá trách nhiệm ở từng khâu cụ thể. Nếu làm tốt khâu này, yêu cầu về hợp đồng tương tự sẽ là bằng chứng thể hiện năng lực thi công của nhà thầu có tương xứng với gói thầu hay không, chứ không phải trở thành một cái barie vô lối ngăn cản sự cạnh tranh.