Bát nháo đấu thầu dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền

(BĐT) - Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho thấy, công tác đấu thầu dược liệu vào các cơ sở y tế công lập hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập. Một trong những nguyên nhân chính là nguồn gốc, chất lượng của đa số dược liệu của các nhà thầu cung cấp hiện nay quá kém và lộn xộn. Trong khi đó, số nhà thầu cung ứng dược liệu đảm bảo yêu cầu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mỗi năm, ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó dược liệu trong nước chỉ đáp ứng được 15-20%. Ảnh: Minh Tuấn
Mỗi năm, ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó dược liệu trong nước chỉ đáp ứng được 15-20%. Ảnh: Minh Tuấn

Bát nháo từ chất lượng đến giá cả

Bộ Y tế cho biết, hiện nay công tác cung ứng dược liệu, vị thuốc YHCT được tiến hành thông qua hình thức đấu thầu để cung cấp cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh. Các đơn vị căn cứ vào Luật Đấu thầu và Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các quy định về đấu thầu thuốc để làm căn cứ tiến hành đấu thầu mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Các đơn vị thực hiện mua dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền qua hình thức đấu thầu tập trung tại Sở Y tế hoặc do các bệnh viện tự tổ chức đấu thầu.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, mỗi năm, ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80 - 85% có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc). Việc nhập khẩu dược liệu không rõ nguồn gốc đang là vấn nạn trong những năm gần đây. Dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, phần lớn được đóng gói ở trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của dược liệu, trong khi đó trong quá trình kiểm tra chất lượng dược liệu lưu hành trên thị trường thì phần lớn dược liệu nhập vào Việt Nam là kém chất lượng hoặc đã bị chiết xuất một phần hoạt chất.

Công tác đấu thầu đã giúp ổn định nguồn cung ứng dược liệu vào các cơ sở y tế công lập trên cả nước. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc YHCT, cả nhà cung cấp và cơ sở y tế đều bị động về nguồn cung do mặt hàng phụ thuộc rất nhiều vào thời vụ và phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Mặt khác, giá dược liệu, vị thuốc YHCT biến động rất nhiều theo thời vụ và thị trường dẫn tới tình trạng giá trúng thầu dược liệu, vị thuốc của các tỉnh thành phố chênh lệch nhau nhiều. Khung giá cũng như chất lượng dược liệu và vị thuốc giữa các vùng miền không đồng đều. Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, báo giá của nhiều nhà thầu lớn chuyên cung cấp dược liệu trong thời điểm hiện nay cho thấy, có sự chênh lệch rất lớn (thậm chí chênh lệch gấp 2 - 5 lần) khi cung cấp vào các cơ sở y tế công lập. Sự chênh lệch giá quá cao giữa các bệnh viện, giữa các địa phương đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác xây dựng giá kế hoạch, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Nhà thầu cung ứng dược liệu quá non kém

Mỗi năm, ngành dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80 - 85% có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc). Việc nhập khẩu dược liệu không rõ nguồn gốc đang là vấn nạn trong những năm gần đây.
Đánh giá của Bộ Y tế còn thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống cung ứng dược liệu, vị thuốc YHCT còn nhiều cơ sở chưa có đủ điều kiện để chế biến dược liệu cũng tham dự đấu thầu các vị thuốc do chưa có quy định về điều kiện sản xuất, chế biến và điều kiện kinh doanh dược liệu, vị thuốc YHCT.

Tại địa bàn TP.HCM, chính đại diện Sở Y tế và Bệnh viện Y học cổ truyền đều có chung nhận định: “Đội ngũ nhà thầu cung ứng dược liệu, vị thuốc YHCT trên địa bàn rất yếu và thiếu. Khu vực tập trung đông đảo nhất các cơ sở sản xuất dược liệu (quận 5, quận 6) qua kiểm tra đều có chung tình trạng nhếch nhác, nghèo nàn, tồi tàn và không đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Quy mô và chất lượng sản xuất của các nhà thầu cung ứng dược liệu của TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung tồn tại rất nhiều bất cập”.

Thậm chí, đại diện Khoa Dược Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM còn bi quan: “Chưa đấu thầu chúng tôi đã biết chỉ có những nhà thầu nào có khả năng dự thầu. Bao nhiêu năm nay, quy mô của các nhà thầu cung ứng dược liệu vẫn mãi què quặt, ốm yếu và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Bản thân các chủ đầu tư không có nhiều lựa chọn khi đội ngũ nhà thầu cung ứng dược liệu chất lượng như vậy”. Đây chính là lý do chính dẫn đến tình trạng thời gian qua trong công tác đấu thầu dược liệu có nhà thầu dù trúng nhiều gói thầu dược liệu nhưng vẫn bị cáo buộc sử dụng dược liệu có nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng kém.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn khẳng định, đối với các Sở Y tế tiến hành đấu thầu tập trung còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở tuyến sở y tế hiện còn thiếu cán bộ có kiến thức chuyên sâu về dược liệu, thuốc YHCT nên việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà thầu còn chủ yếu dựa theo tân dược, chưa phản ánh được các đặc thù của dược liệu và thuốc YHCT. Nhiều đơn vị chưa có sự phân chia gói thầu dược liệu và vị thuốc YHCT (dược liệu sau chế biến) nên dẫn đến tình trạng các cơ sở khám bệnh chữa bệnh bằng YHCT sử dụng dược liệu chưa chế biến trong bệnh viện, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị cũng như có thể gây những tác dụng phụ hoặc phản ứng có hại khi sử dụng thuốc YHCT.

Chuyên đề