Bất ngờ từ nhiều dự án đấu thầu rộng rãi

(BĐT) - Thời gian gần đây, số lượng dự án sử dụng đất, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) qua sơ tuyển có từ 2 nhà đầu tư trở lên trúng sơ tuyển đã tăng lên đáng kể. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, kỳ vọng mở ra các cuộc thầu cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, có không ít bất ngờ xảy ra ở những cuộc đấu thầu này!
Hai đối thủ tại Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị KOSY Hà Nam là “người một nhà”
Hai đối thủ tại Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị KOSY Hà Nam là “người một nhà”

Khi đối thủ là người quen

Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị KOSY Hà Nam là một trong nhiều dự án sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi tại Hà Nam trong thời gian gần đây. Dự án có tổng chi phí thực hiện là 243,8 tỷ đồng, vừa bắt đầu phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 19/9 đến 19/11/2019. Theo kết quả sơ tuyển, 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển là Công ty CP Kosy và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Thủ đô. Cả 2 nhà đầu tư đều có địa chỉ tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trong cuộc thầu này, Công ty CP Kosy nắm trong tay nhiều lợi thế hơn khi là đơn vị tham gia Dự án ngay từ đầu với việc tư vấn lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Thủ đô lại không xa lạ với Công ty CP Kosy. Khi mới thành lập, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Thủ đô có tên là Công ty CP Kosy Hà Nội, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch HĐQT. Bà Thảo và Công ty CP Kosy là hai trong ba cổ đông sáng lập Công ty CP Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Thủ đô. Ngoài ra, hiện bà Thảo là thành viên HĐQT Công ty CP Kosy và là em gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kosy - ông Nguyễn Việt Cường.

Đây không phải dự án đầu tiên mà các đối thủ là người quen với nhau. Tháng 3/2019, một dự án sử dụng đất có tổng chi phí thực hiện hơn 360 tỷ đồng tại Thái Bình có kết quả sơ tuyển với 2 nhà đầu tư trong danh sách ngắn. Với kết quả này, Dự án sẽ đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển có mối quan hệ khá mật thiết khi đều liên quan, có sự chi phối bởi 1 cổ đông sáng lập.

Những mối quan hệ giữa các đối thủ đặt ra sự nghi ngại về tính cạnh tranh thực sự của các cuộc đấu thầu rộng rãi này. Đây cũng là điều mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên lưu tâm khi đánh giá.

Hay những cuộc thầu gây ngạc nhiên

Tháng 10/2018, kết quả sơ tuyển tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình có tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng được công bố với 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển. Với kết quả này, đây có lẽ là dự án BOT nghìn tỷ đầu tiên đấu thầu rộng rãi. Đặc biệt, 2 nhà đầu tư BOT lớn có mặt trong danh sách ngắn gồm Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh hứa hẹn một cuộc thầu kịch tính.

Và ngày 13/2/2019, kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt khiến không ít người ngạc nhiên. Không phải vì ai thắng ai thua, vì giá cao hay thấp, mà vì tiến độ đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, hoàn thiện thủ tục phê duyệt kết quả, đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng dự án nghìn tỷ này diễn ra nhanh một cách hy hữu. Toàn bộ quá trình này chỉ mất 2 ngày kể từ khi đóng thầu (9 giờ ngày 11/2/2019). Kết quả của cuộc đánh giá siêu tốc này, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh được lựa chọn và khởi công công trình vào ngày 14/2/2019.

Một loạt dự án sử dụng đất tại Sơn La cũng gây bất ngờ khi đều tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, trong khi ở nhiều địa phương khác tỷ lệ chỉ định thầu chiếm đa số. Có thể kể đến 5 dự án: Khu dân cư thương mại suối Nậm La - Lô số 5 có tổng chi phí thực hiện (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) là 266 tỷ đồng; Khu đô thị số 1, phường Chiềng Sinh (202 tỷ đồng); Khu đô thị số 1 phường Chiềng An (510 tỷ đồng); Khu đô thị tại bản Buổn, phường Chiềng Cơi (270 tỷ đồng); Khu đô thị bản Buổn, bản Mé, phường Chiềng Cơi (212 tỷ đồng).

Cả 5 dự án này đều có 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, sau đó đấu thầu rộng rãi và đã lựa chọn được nhà đầu tư. Tuy nhiên, trước khi có kết quả đấu thầu khoảng 1 năm, 5 dự án trên đã được tỉnh Sơn La chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 nhà đầu tư trúng thầu. Hợp đồng cũng đã được ký kết, sau đó, do rà soát lại phát hiện một số điểm không phù hợp, Tỉnh đã thu hồi các quyết định, hủy hợp đồng đã ký, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Khá bất ngờ và cũng có thể coi là khá may mắn đối với các nhà đầu tư đã ký hợp đồng vì sau quá trình sơ tuyển, thậm chí đấu thầu rộng rãi, cả 5 dự án cuối cùng vẫn về với chủ cũ. 

Chuyên đề