“Bắt mạch” sức khỏe doanh nghiệp năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực dầu khí, phân bón, dệt may, hạ tầng… vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với những gam màu đan xen sáng tối. Năm 2024, kỳ vọng nhiều ngành kinh tế như năng lượng, ngân hàng, logistics, bán lẻ, công nghệ, vật liệu… sẽ phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đầu ngành và góp sức hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Một số ngành như dầu khí, thép, logistics được dự báo có triển vọng tích cực trong năm 2024. Ảnh: Hoàng Hà
Một số ngành như dầu khí, thép, logistics được dự báo có triển vọng tích cực trong năm 2024. Ảnh: Hoàng Hà

Trong đánh giá mới đây về bức tranh hiệu quả doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, đà giảm của lợi nhuận ròng của DN niêm yết toàn thị trường đã thu hẹp đáng kể trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng có xu hướng cải thiện vào những tháng cuối năm 2023. Theo đó, lợi nhuận của DN niêm yết dự kiến tăng trưởng dương trong quý IV năm 2023, nhưng lợi nhuận của năm 2023 dự báo vẫn giảm nhẹ 2% so với năm 2022. Sang năm 2024, với sự quyết liệt trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cùng kỳ vọng khởi sắc của nhiều ngành kinh tế, MBS kỳ vọng lợi nhuận khối DN niêm yết sẽ tăng khoảng 16-17% so với năm 2023, khẳng định đà phục hồi rõ nét kể từ năm này.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) là một trong số ít DN có hoạt động kinh doanh tương đối thuận lợi trong năm 2023. Tại Hội nghị tổng kết năm 2023, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết đã tận dụng tốt cơ hội thị trường, nên tăng trưởng vượt bậc về sản lượng kinh doanh kể từ trước đến nay. Cụ thể, sản lượng kinh doanh của Công ty đạt 5,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, hoàn thành 158% kế hoạch năm và tăng 28% so với thực hiện năm 2022.

Điều kiện thuận lợi về giá dầu và sản lượng tiêu thụ đã giúp doanh thu hợp nhất của PVOIL đạt 110.000 tỷ đồng, bằng 220% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với năm 2022. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hoàn thành 125% kế hoạch năm, ước đạt 750 tỷ đồng, giảm 17,7% so với năm trước đó.

Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (Pacific) cho biết, đến thời điểm này, doanh thu ước đạt 117% kế hoạch năm 2023, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt 115% kế hoạch. Theo ước tính, mức lợi nhuận trước thuế của Pacific đạt khoảng 234 tỷ đồng, giảm 15,2% so với thực hiện năm 2022.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết, Giám đốc Pacific Hoàng Đức Chính cho biết, kinh tế thế giới năm 2023 bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính sách vĩ mô của các quốc gia, niềm tin người tiêu dùng suy giảm, xung đột địa chính trị chưa có hồi kết; qua đó tác động không nhỏ đến thị trường dầu mỏ, khiến giá dầu thô biến động liên tục với biên độ lớn. Theo đó, giá cung cấp tại Singapore có thời điểm tăng lên mức 710 USD/MT (dầu VLSFO) và 980 USD/MT (dầu MGO), sau đó quay đầu giảm về mức 540 USD/MT (dầu VLSFO) và 680 USD/MT (dầu MGO)… Nhiều doanh nghiệp trong ngành dù có nhiều cố gắng, cũng không thể vượt qua được các thách thức khách quan của giá dầu để ghi nhận kết quả tăng trưởng lợi nhuận.

Năm 2023, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau ước đạt 13.572 tỷ đồng doanh thu, giảm 17% so với năm 2022. Ảnh: Quỳnh Trang

Năm 2023, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau ước đạt 13.572 tỷ đồng doanh thu, giảm 17% so với năm 2022. Ảnh: Quỳnh Trang

Trong lĩnh vực phân bón, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau) cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại trong năm 2023 của Công ty ước đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022.

Dù sản lượng tăng trưởng, nhưng trong bối cảnh giá bán ure thấp, Phân bón Cà Mau cũng không thể đạt được mục tiêu lợi nhuận cả năm. Theo đó, Công ty ước đạt 13.572 tỷ đồng doanh thu và 1.031 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm lần lượt 17% và 78% so với năm 2022. Với kết quả này, Công ty vượt 1% kế hoạch doanh thu và thực hiện 71% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Với lĩnh vực dệt may, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, đến giữa tháng 12/2023, Công ty đã hoàn thành kế hoạch doanh thu cả năm khi đạt 6.800 tỷ đồng. Theo ước tính của lãnh đạo TNG, doanh thu của Công ty có thể đạt 7.030 tỷ đồng cả năm 2023, vượt 3% so với kế hoạch năm và tăng 4% so với năm 2022, trở thành số ít doanh nghiệp dệt may hoàn thành kế hoạch năm. Tuy nhiên, về lợi nhuận, 11 tháng đầu năm 2023, Công ty báo lãi sau thuế đạt 203 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, dù chưa công bố con số ước tính cả năm, nhưng theo báo cáo kết quả kinh doanh tháng 11/2023, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công ghi nhận doanh thu giảm 56% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 285 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tháng 11/2023 giảm 16%, xuống gần 9 tỷ đồng, nối dài chuỗi 6 tháng liên tiếp suy giảm lợi nhuận. Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, Công ty thu về hơn 3.115 tỷ đồng doanh thu và 183 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 25% và 29% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Công ty thực hiện 79% chỉ tiêu doanh thu và gần 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Điểm sáng trong số các doanh nghiệp đầu tiên công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2023 là Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả, với dự kiến doanh thu đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế khoảng 370 tỷ đồng, tăng 24%. Ban lãnh đạo Công ty cho biết, kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng nhờ các dự án BOT có lưu lượng xe tăng trưởng trở lại sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, với hoạt động xây lắp (chiếm tỷ trọng 36% trong tổng doanh thu), Công ty đang triển khai thi công đồng thời nhiều dự án lớn.

Đánh giá về triển vọng năm 2024, một số chuyên gia nhận định, các ngành như bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp, thép, logistics, dầu khí (khu vực thượng nguồn) sẽ có triển vọng tích cực. Trong đó, bất động sản dân cư sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh lãi suất thấp, các nút thắt pháp lý được giải quyết và rủi ro thanh khoản bắt đầu giảm. Trong khi đó, ngành thép sẽ phục hồi nhờ giá thép xây dựng nội địa dự kiến tăng 8% so với 2023 và nhu cầu trong nước cũng như trên thế giới phục hồi.

Chuyên đề