Bất lực trước vấn nạn nhà thầu “chân gỗ”?

(BĐT) - Ngày càng nhiều thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu mà khi công bố, thông tin về nhà thầu trúng thầu, giá trúng thầu có sức hấp dẫn ngang ngửa với thông tin về những nhà thầu bị loại vì lý do… mờ ám. 
Bất lực trước vấn nạn nhà thầu “chân gỗ”?

Những người làm công tác đấu thầu cho biết, hiện tượng các nhà thầu bất chấp để đóng vai “chân gỗ”, quấy rối các gói thầu thực sự chưa có thuốc đặc trị.

Đóng tròn vai “chân gỗ”

Ngày 23/1/2018, Huyện ủy Anh Sơn (Nghệ An) công bố thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Mua sắm 01 xe ô tô phục vụ công tác chung loại 5 chỗ, mới 100% cho đơn vị này. Đây là gói thầu sử dụng vốn từ nguồn kinh phí trang thiết bị phương tiện làm việc năm 2017 của tỉnh Nghệ An. Theo thông báo này, nhà thầu trúng thầu là Công ty cổ phần Toyota Vinh, với giá trúng thầu 720.000.000 đồng. Danh sách các nhà thầu không được lựa chọn và lý do không được lựa chọn cũng được Bên mời thầu công bố. Cụ thể, có hai nhà thầu đã tham gia nộp hồ sơ đề xuất (HSĐX) và bị loại là Công ty cổ phần Toyota Quảng Bình và Công ty TNHH MTV Toyota Đà Nẵng. Điều đáng nói, dù hai nhà thầu này đến từ hai địa phương khác nhau nhưng đều có chung một lý do bị loại được nêu rõ là “Tính hợp lệ và sự đầy đủ của HSĐX không đáp ứng theo yêu cầu của hồ sơ yêu cầu (HSYC)”.

Bên mời thầu Gói thầu Cung cấp bàn ghế hội trường mới 100% của Qũy đầu tư phát triển TP. Cần Thơ cũng vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Tham gia dự thầu gói thầu trên có 4 nhà thầu là: Công ty TNHH Nhựt Thanh, Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất đồ gỗ  Thanh Thắng, Doanh nghiệp tư nhân Gỗ Phát Đạt và Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Anh. Theo thông báo của Bên mời thầu, Công ty TNHH Nhựt Thanh được lựa chọn trúng thầu. Hai nhà thầu khác là Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất đồ gỗ Thanh Thắng và Doanh nghiệp tư nhân Gỗ Phát Đạt đều bị loại bởi cùng một lý do giống hệt nhau là “không có bảo lãnh dự thầu”. Trong khi đó, một sự trùng hợp khác khiến nhiều người hồ nghi về sự tham gia của 2 nhà thầu này là cả hai nhà thầu đều chào giá vượt giá gói thầu được phê duyệt.

Trên đây chỉ là 2 gói thầu mà chỉ cần thông qua những thông tin từ thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu nhiều người đã “đọc vị” được cuộc chơi thực sự của những nhà thầu này. Bốn nhà thầu trong hai gói thầu được nêu trên đã đóng tròn vai “chân gỗ” của mình một cách lộ liễu thông qua việc bị loại bởi những yêu cầu tối thiểu khi dự thầu. 

Chưa thể khắc phục?

Nhà thầu đóng vai “chân gỗ” trong các gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh gần như đang trở thành vấn nạn và ngày càng biến tướng phức tạp hơn bao giờ hết. Hiện tượng này xuất hiện ở rất nhiều gói thầu, từ mua sắm hàng hóa thông dụng, dịch vụ, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp dân dụng cho đến những gói thầu phức tạp, quy mô lớn. Độ bất chấp của vai nhà thầu “chân gỗ” tại một gói thầu vừa diễn ra ở Phú Yên đã lên đến mức, dù là gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ nhưng khi dự thầu lại không thèm nộp HSĐX về tài chính.

Câu hỏi tại sao những hành vi “quân xanh, quân đỏ” trong các gói thầu rất dễ nhận diện mà trên thực tế gần như không có nhà thầu nào bị xử lý đến nơi đến chốn để làm gương cho những nhà thầu khác? Ngay trong Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước đã chỉ ra vấn nạn này. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Các hành vi vi phạm chưa được giải quyết triệt để, tình trạng biến tướng với những biểu hiện phức tạp và tinh vi như dàn xếp quân xanh, quân đỏ, quây thầu, vây thầu… vẫn tiếp diễn, chưa được khắc phục”.

Theo các chuyên gia về đấu thầu, hành vi đóng vai “quân xanh”, “chân gỗ” của một số nhà thầu hiện nay vẫn còn đất diễn là do đã có sự chấp thuận ngay từ đầu của bên mời thầu, sự tiếp tay của tư vấn cùng các chiêu thức cạnh tranh thiếu lành mạnh của chính các nhà thầu. Do đó, nếu những bên mời thầu làm việc khách quan, mong muốn xây dựng một môi trường cạnh tranh thực sự cho các nhà thầu, hoàn toàn có thể cung cấp thông tin, dữ liệu về những nhà thầu chuyên đóng vai “chân gỗ” đến các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, đến người có thẩm quyền để có thể từ đó xem xét hướng xử lý phù hợp.

Chuyên đề