Bắt giữ nhiều vụ bán thuốc giả, hết hạn sử dụng

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc triệt phá nhiều phi vụ sản xuất, buôn bán tân dược và thực phẩm chức năng giả, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Bắt giữ nhiều vụ bán thuốc giả, hết hạn sử dụng

Khảo sát của PV cho thấy, địa bàn TP Hà Nội có khoảng 200 ki ốt phân phối thuốc tân dược và thực phẩm chức năng nằm ở 2 khu vực là chợ đầu mối phố Ngọc Khánh, Ba Đình và Thanh Xuân (Hà Nội). Cụ thể, tại tòa nhà Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân có khoảng 180 ki ốt, khu vực phố Ngọc Khánh, Ba Đình, có khoảng 20 ki ốt. Mỗi ki ốt được chủ đầu tư cho thuê với giá 22 triệu đồng/42m2.

Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu sẽ đưa thuốc về 2 địa điểm trên để tiêu thụ. Tiếp đó, chủ các quầy thuốc trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh thành lân cận sẽ đổ về 2 địa điểm trên để nhập hàng rồi bán cho người dân. Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ buôn bán kinh doanh tân dược và thực phẩm chức năng vi phạm.

Cụ thể, ngày 20/8/2015, lực lượng QLTT Hà Nội đã phát hiện 8 quầy thuốc tại tòa nhà Hapulico vi phạm kinh doanh trang thiết bị y tế do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ và kinh doanh sản phẩm không có số đăng ký lưu hành gồm: 1.000 chai nước hồng sâm, 75 cuộn băng lụa dùng trong y tế, hơn 1.400 chiếc thông tiểu và 14 hộp thuốc nhãn Farmiga…

Tiếp đó, ngày 9/1/2016, lực lượng chức năng TP Hà Nội đồng loạt kiểm tra 3 cửa hàng thuốc tân dược thuộc cùng một hệ thống có địa chỉ ở số 11A An Dương (Tây Hồ), số 20 Nguyễn Biểu và 129 Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội), thu giữ hàng trăm nghìn đơn vị thuốc tân dược các loại hết hạn sử dụng bị tẩy xóa, sửa chữa. Toàn bộ số tân dược vi phạm đã bị cơ quan chức năng thu giữ để xử lý. Trần Thị Ánh Tuyết (51 tuổi, trú tại phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị xác định đã điều hành hơn 20 cửa hàng bán thuốc hết hạn sử dụng.

Mới đây, ngày 28/1/2016, Viện KSND cấp cao tại TPHCM, cho biết vừa ký kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng tăng án đối với Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (SN 1981) và Trần Đăng Trường (SN 1979, chồng Quỳnh) về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”. Ngoài ra, kháng nghị còn yêu cầu tịch thu xe hơi, máy móc là công cụ sản xuất, vận chuyển thuốc giả đi tiêu thụ.

Theo cáo trạng, từ tháng 6/2013, vợ chồng Quỳnh mua những loại thuốc rẻ tiền, trộn bột mì, bột kết dính, sau đó cho vào khuôn dập thuốc viên, in nhãn hàng thuốc ngoại đắt tiền mang đi tiêu thụ. Ngày 11/3/2014, khi vợ chồng Quỳnh đang chở thuốc giả đi tiêu thụ thì bị Công an TPHCM bắt quả tang cùng tang vật là 60 hộp thuốc giả…

Cần công khai thông tin để tránh “chạy án”

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Hùng - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói, để ngăn chặn việc sản xuất, tiêu thụ tân dược, thực phẩm chức năng giả, cơ quan chức năng khi phát hiện vụ việc cần thông tin cho báo chí. Theo ông Hùng, việc thông tin cho báo chí sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng “chạy án”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư