Bất động sản khởi sắc, nhiều doanh nghiệp vẫn lỗ

Thị trường bất động sản năm 2015 phục hồi nên nhiều dự án được tái khởi động, không ít dự án mới cũng “ra hàng” và được NĐT đón nhận, giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp thua lỗ.

Thị trường bất động sản “ấm” lên, nhưng nhiều DN chưa thể giải quyết những tồn đọng
Thị trường bất động sản “ấm” lên, nhưng nhiều DN chưa thể giải quyết những tồn đọng

Quý III/2015, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) lãi hơn 3 tỷ đồng, thoát lỗ nhờ khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ tiền phạt vi phạm hợp đồng và hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TDC lỗ 67 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ trên là do một số công trình xây dựng chưa nghiệm thu, trong khi nguồn thu từ bất động sản giảm do hàng bán bị trả lại và TDC cũng chưa triển khai bán hàng.

Đáng chú ý, chi phí tài chính của Công ty giai đoạn này tăng gần 3 lần cùng kỳ năm trước (chi phí tài chính hơn 72 tỷ đồng) do phải trả lãi vay tăng do nâng hạn mức tín dụng và phát sinh thêm lãi trái phiếu đã phát hành năm 2014.

Tính đến cuối quý III/2015, hàng tồn kho của TDC là hơn 3.458 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 6.434 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 3.816 tỷ đồng.

Chuyển động tích cực của TDC là Dự án TDC Dragon Hill tại Khu đô thị mới Bình Dương đã được tái khởi động và Công ty thực hiện thành công kế hoạch phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư dự án này.

Đối với CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL), Công ty lỗ hơn 41 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015, tăng gần 3 lần so với số lỗ cùng kỳ năm 2015, do doanh thu thấp không đủ bù đắp các chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay. Năm 2012 - 2013, Công ty cũng thua lỗ, năm 2014 nhờ khoản lợi nhuận khác gần 21 tỷ đồng (từ khoản thu vi phạm hợp đồng) nên thoát “án” huỷ niêm yết. Giá cổ phiếu PTL nhiều tháng nay dao động dưới ngưỡng 2.000 đồng/CP (mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay là 3.100 đồng/CP).

Tương tự, CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) lỗ gần 18 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí - IDICO (PXL) lỗ gần 6,4 tỷ đồng. CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) lỗ 7,2 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Giá cổ phiếu của các DN này vì thế giảm sâu, chỉ còn 1.800 - 3.000 đồng/CP.

Một DN khác lỗ lớn trong 9 tháng đầu năm là CTCP Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT), lỗ hơn 82 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong quý II, doanh thu thuần của NVT âm hơn 51 tỷ đồng do hàng bán trả lại trong kỳ có giá trị gần 94 tỷ đồng.

Theo giải trình từ NVT, do thi công chậm tiến độ, việc bàn giao không thể thực hiện nên các hợp đồng bán biệt thự của Công ty từ năm 2010 bị trả lại, dẫn đến thua lỗ.

Công ty TNHH Hải Dung (công ty con của NVT) đã ký các biên bản thanh lý hợp đồng cho biệt thự đã bán năm 2010 với số tiền gần 93 tỷ đồng. Sang quý III, NVT tiếp tục thua lỗ, trong đó chi phí lãi vay tăng lên 9,5 tỷ đồng, các chi phí khác cũng ở mức cao.

Tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Intresco (ITC), Công ty ghi nhận lỗ gần 1 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm, cải thiện so với số lỗ của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số đáng lưu ý trong quý III/2015 là doanh thu giảm 90% so với quý III/2014. Các dự án của Công ty vẫn trong giai đoạn đầu tư, chưa bàn giao nên chưa ghi nhận doanh thu.

Nhiều DN khác như CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG), CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu (VRC), CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ)... cũng ghi nhận kết quả lỗ trong 9 tháng đầu năm 2015.

Có thể thấy, thị trường bất động sản “ấm” lên, nhưng để DN trong ngành có thể giải quyết những tồn đọng như dự án “đắp chiếu”, xây dựng dở dang, chi phí lãi vay cao…, thì cần có chiến lược tái cấu trúc phù hợp.

Xu hướng là hợp tác, mua bán, sáp nhập các DN nhằm bù trừ những yếu điểm, phát huy lợi thế của mỗi bên. Nếu các DN không tìm được hướng đi thích hợp, doanh thu ngày càng giảm, áp lực lãi vay đè nặng…, thì kết cục bị huỷ niêm yết, thậm chí phá sản không còn xa.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư