Bảo hiểm Tiền gửi chi mua cốc pha lê làm quà tặng và đã chia nhỏ gói thầu để chào hàng cạnh tranh với tổng số tiền là 2 tỷ đồng không đúng quy định. Ảnh: NC st |
Vi phạm thời gian trong đấu thầu
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra 3 nhóm nội dung nhằm đánh giá việc chấp hành chính sách pháp luật trong việc (1) quản lý vốn, tài sản, thu chi; (2) việc cấp, thu hồi giấy chứng nhận, quản lý thu phí, chi trả tiền bảo hiểm và (3) công tác đầu tư xây dựng cơ bản.
Nhìn chung, sau 15 năm hoạt động, Bảo hiểm Tiền gửi duy trì được tăng trưởng, đảm bảo quỹ dự trữ đền bù bảo hiểm và đầu tư vốn nhàn rỗi hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số sai sót, vi phạm ở nhiều nội dung như thu phí, chi trả bảo hiểm, đầu tư vốn, đầu tư xây dựng cơ bản..., đặc biệt là vi phạm các quy định trong lĩnh vực đấu thầu.
Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra công trình trụ sở làm việc của Bảo hiểm Tiền gửi chi nhánh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và phát hiện một số sai phạm. Cụ thể, tại dự án này, xảy ra tình trạng lựa chọn nhà thầu với giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu được phê duyệt của Bảo hiểm Tiền gửi.
Ngày 17/6/2011, Bảo hiểm Tiền gửi có quyết định phê duyệt dự toán công trình với tổng mức đầu tư là 55,5 tỷ đồng, trong đó có gói thầu xây dựng và thiết bị với tổng giá trị là 44,3 tỷ đồng, nhưng giá trúng thầu của CTCP Lắp máy và Điện nước là 45,99 tỷ đồng, cao hơn giá được phê duyệt. Theo Bảo hiểm Tiền gửi, việc này đã được khắc phục bằng cách điều chỉnh giá trị hợp đồng.
Theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 31 Luật Đấu thầu 2005, thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, thời gian thẩm định tối đa là 20 ngày cho việc thực hiện từng nội dung về kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu. Tuy nhiên, kiểm tra cho thấy thực tế từ thời điểm mở thầu đến khi có Báo cáo kết quả xét thầu gửi Bảo hiểm Tiền gửi là 64 ngày, vượt thời gian quy định.
Sai phạm trong ứng vốn, thủ tục đấu thầu
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện sai phạm trong việc tạm ứng hợp đồng thi công nhưng nhà thầu không đưa tiền vào thi công công trình, dẫn đến Bảo hiểm Tiền gửi bị chiếm dụng vốn.
Tại Điều 10 Thông tư 86/2011/TT-BTC quy định trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi nhưng không sử dụng, nếu quá thời hạn 6 tháng quy định trong hợp đồng phải thực hiện khối lượng mà nhà thầu chưa thực hiện do nguyên nhân khách quan hay chủ quan hoặc sau khi ứng vốn mà nhà thầu sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm cùng Kho bạc Nhà nước (KBNN) thu hồi, hoàn trả cho ngân sách nhà nước vốn đã tạm ứng...
Điều 17 Nghị định 48/2010/NĐ-CP quy định nghiêm cấm việc tạm ứng mà không sử dụng hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích. Trường hợp vốn tạm ứng chưa thu hồi nhưng không sử dụng hoặc sử dụng vào việc khác, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi.
Tại thời điểm 30/9/2014, Thanh tra Chính phủ phát hiện số dư tạm ứng nhà thầu vẫn đang giữ là 14,5 tỷ đồng. Khối lượng đã thực hiện chỉ có 3,8 tỷ đồng.
Về khối lượng thi công cọc móng, việc điều chỉnh cọc dẫn đến giá trị sau điều chỉnh là 46,5 tỷ đồng. Số lượng cọc nhà thầu đã mua của CTCP Bê tông ly tâm điện lực Khánh Hòa là 2.764m dài, giá trị hợp đồng là hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó bao gồm 10% VAT và công vận chuyển là 91 triệu đồng. Tuy nhiên, bảng dự toán cọc tròn ly tâm D350 được thẩm tra lại có khối lượng chiều dài là 3.350m, đơn giá 0,336 triệu đồng. Như vậy, phải loại bỏ 587m dài khỏi giá trị quyết toán, tương ứng với hơn 197 triệu đồng.
Từ năm 2012, Bảo hiểm Tiền gửi thuê trụ sở tại tòa nhà 109 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) nhưng không đăng báo, không đấu thầu, không thuê thẩm định là sai quy định. Tháng 8/2014, Bảo hiểm Tiền gửi thuê thêm hơn 400m2 diện tích tại tòa nhà này nhưng việc thực hiện gói thầu ngăn phòng vi phạm trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kết luận khoản chi mua vali, cặp công vụ hơn 3,2 tỷ đồng vào năm 2013 là vi phạm quy quy định, bởi không thuộc danh mục công cụ, phương tiện được trang bị cho cán bộ theo quy định tại Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg. Khi mua, Bảo hiểm Tiền gửi cũng không tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng là sai quy định.
Trong giai đoạn 2012 - 2013, Bảo hiểm Tiền gửi chi mua cốc pha lê làm quà tặng với tổng số tiền 3,9 tỷ đồng và đã chia nhỏ gói thầu để mua sắm bằng chào hàng cạnh tranh với tổng số tiền là 2 tỷ đồng là vi phạm quy định.
Với những sai phạm này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân để xảy ra sai phạm.