Báo chí và thách thức của thời đại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi những chiếc máy dệt ra đời thì thách thức của thời đại công nghiệp đối với những người dệt vải bằng khung là khôn cùng. Khi truyền thông xã hội và trí tuệ nhân tạo ra đời, thách thức của thời đại số đối với những người làm báo cũng đang và sẽ như vậy.
Cần chuẩn bị tâm thế cho những đổi thay vô cùng lớn đang sắp xảy ra và chủ động đấu tranh cho một quy chế pháp lý, nhằm bảo đảm AI là công cụ, chứ không phải là ông chủ của chúng ta
Cần chuẩn bị tâm thế cho những đổi thay vô cùng lớn đang sắp xảy ra và chủ động đấu tranh cho một quy chế pháp lý, nhằm bảo đảm AI là công cụ, chứ không phải là ông chủ của chúng ta

Truyền thông xã hội đang tạo điều kiện cho hàng chục triệu người, nếu như không muốn nói là tất cả mọi người đều làm báo. Chỉ tính riêng trên Facebook, nước ta đã có khoảng 76 triệu tài khoản. Nghĩa là gần như tất cả những người biết đọc, biết viết ở Việt Nam đều có thể làm báo và làm truyền thông trên mạng xã hội Facebook. Facebook không phải là phương tiện truyền thông duy nhất. Người Việt còn có thể truyền thông trên Tiktok, Instagram, YouTube, Zalo… và trên muôn vàn phương tiện truyền thông hiện đại khác.

Bên cạnh đó, truyền thông xã hội tạo điều kiện cho các “nhà báo nghiệp dư” đưa tin nhanh đến chóng mặt. Một nhà báo không thể đưa ảnh, đưa tin trực tiếp từ chiếc điện thoại di động của mình lên báo điện tử thì khó có thể cạnh tranh nổi với một Facebooker bình thường nhất. Thế nhưng, các nhà báo không thể cứ thích là “post” ngay lên được, không thể cứ có tin, có bài là xuất bản ngay. Một ngàn lẻ một quy định về thủ tục có tên và không có tên đang “trói chân tay” của các nhà báo trong cuộc cạnh tranh đã khác trước rất xa. Cuộc chơi đã không còn là chuyện “cá lớn nuốt cá bé”, mà là chuyện “cá nhanh nuốt cá chậm”. Không khéo tất cả các nhà báo, tất cả các phóng viên đều đang chỉ là những “con cá chậm”. Và nhiều khi với sự tự kiểm duyệt gắt gao, không ít nhà báo trở thành những “con cá rất chậm”.

Phản ánh đúng sự thật không chỉ là thế mạnh mà còn là sứ mệnh của báo chí.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Trong thời đại truyền thông số bùng nổ như hiện nay, quản trị quy trình làm báo chắc chắn cần phải thay đổi nếu không muốn trở thành “con cá chậm” và quản lý báo chí chắc chắn cũng cần phải thay đổi theo. Tuy nhiên, có vẻ như quản lý báo chí đang chuyển đổi số chậm hơn truyền thông xã hội rất nhiều.

Trong cuộc cạnh tranh với truyền thông xã hội, báo chí không phải là không có thế mạnh. Truyền thông nhanh là một chuyện, truyền thông có chất lượng lại là một câu chuyện khác. Theo một số nhận định, có đến trên 50% các tin đưa trên mạng xã hội là “tin giả”. Thế nên, nếu đã biết nghi ngờ quảng cáo một, thì hãy biết nghi ngờ tin tức trên mạng xã hội 10 lần hơn thế. Trong khi đó, bạn đọc sẽ không phải nghi ngờ báo chí chính thống như vậy. Với quy trình thẩm định chặt chẽ, tin tức trên báo chí chính thống là đáng tin cậy. Tuy nhiên, rủi ro của việc đưa tin giật gân, đưa tin thổi phồng để câu view thì lúc nào cũng có. Các báo càng “lá cải” thì xu hướng nói trên càng áp đảo. Nhưng đây là cách hiệu quả nhất để giết chết một ấn phẩm, bởi vì đã không nhanh hơn lại còn không tốt hơn thì độc giả đến với báo chí để làm gì?

Một thế mạnh khác của báo chí là khả năng đóng gói thông tin. Tham gia truyền thông xã hội chỉ là các “nhà báo tay ngang”. Tin tức của họ nhanh nhưng chưa chắc đã dễ đọc, đọc chưa chắc đã thú vị. Các nhà báo, các phóng viên chuyên nghiệp chắc chắn là có nghề hơn. Tuy nhiên, xu hướng đưa tin cho có, đưa tin mà không đưa hồn vào đó không phải là không có. Xu hướng này cũng là rủi ro rất lớn của báo chí chính thống, bởi không ai bắt buộc phải nghe báo nói, xem báo hình, báo đọc.

Ngoài ra, sự thật chỉ có một, nhưng góc nhìn thì có rất nhiều. Đa số các nhà truyền thông xã hội chỉ đưa tin từ góc nhìn của họ. Con voi có thể như chiếc cột đình, mà cũng có thể như chiếc quạt mo. Ở đây, các nhà truyền thông xã hội có thể không sai, nhưng đồng thời cũng chưa chắc đúng. Báo chí lại có thể cung cấp thông tin từ nhiều góc nhìn giúp bạn đọc nhận thức đúng đắn, chính xác hơn về sự việc, chứ không chỉ là những bộ phận riêng rẽ của nó. Phản ánh đúng sự thật không chỉ là thế mạnh mà còn là sứ mệnh của báo chí.

Thách thức của truyền thông xã hội đối với báo chí là vô cùng lớn, nhưng thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ còn lớn gấp hàng vạn lần. Theo nhiều nhà nghiên cứu về máy tính và tương lai học, sắp tới AI có thể làm tin nhanh hơn và tốt hơn bất kỳ nhà báo nào. Khả năng nhiều công đoạn làm báo sẽ bị AI thay thế là gần như chắc chắn, nếu những công ước quốc tế điều chỉnh việc phát triển và áp dụng AI không sớm được ban hành. AI sẽ thay thế không chỉ các nhà báo, mà còn các lái xe, công nhân lắp ráp, luật sư, bác sĩ… và rất nhiều người làm những ngành nghề khác. Chưa biết chắc chắn những việc làm mới sẽ được tạo ra cho con người trong thời đại AI là gì, nhưng chắc chắn các nhà báo cũng như tất cả chúng ta cần phải chuẩn bị tâm thế cho những đổi thay vô cùng to lớn đang sắp xảy ra và chủ động đấu tranh cho một quy chế pháp lý mới nhằm bảo đảm rằng AI là công cụ của chúng ta, chứ không phải là ông chủ của chúng ta.

Chuyên đề