Báo chí và doanh nghiệp: Kết chặt “tình thân”

(BĐT) - Trong thời kỳ hội nhập, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp (DN). Những cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh trong thời gian qua có vai trò lớn của báo chí. Đó cũng là kênh cổ vũ, biểu dương và bảo vệ DN, doanh nhân; tư vấn giúp doanh nhân cải thiện, nâng cao hiệu quả chiến lược kinh doanh.
Những năm qua, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang
Những năm qua, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang

Hợp tác và đồng hành

Những năm qua, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng DN trong nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo diễn đàn để DN bày tỏ quan điểm, phản ánh những quan điểm, tiếng nói chính đáng, hợp pháp của DN. Có thể nói, những cải thiện mạnh mẽ về môi trường kinh doanh trong thời gian qua có vai trò lớn của báo chí. Khi trao đổi về vấn đề này cùng Báo Đấu thầu, thêm một lần nữa các DN khẳng định đây là mối quan hệ rất cần thiết mang tính chất tương hỗ, hợp tác và đồng hành.

Thông qua báo chí, DN nắm bắt nhiều thông tin hơn. Tình hình chính trị ở nơi nào ổn định thì có thể đầu tư vào, nơi nào có bất trắc thì điều chỉnh chiến lược của mình. Báo chí được xem là kênh chính quảng bá thương hiệu, sản phẩm của DN bởi báo chí là phương tiện chính thống, phổ biến, được cộng đồng dân cư chú ý nhất. Bởi thế, mối quan hệ giữa DN và báo chí là mối quan hệ qua lại hữu cơ, có đi có lại, nhưng nói đúng bản chất thì đây là mối quan hệ sống còn, dựa vào nhau để tồn tại và phát triển, nếu quan hệ tốt thì sẽ hỗ trợ cho nhau phát triển và ngược lại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cả hai bên hoặc một bên.

DN cần báo chí để có thông tin phục vụ sản xuất - kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của mình, khích lệ thành quả lao động sáng tạo. Ngược lại, báo chí coi DN, doanh nhân là nguồn đề tài phong phú, đa dạng trong hoạt động nghiệp vụ, phục vụ nhu cầu thông tin của xã hội. DN còn là nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng, không thể thiếu đối với hoạt động xã hội của các cơ quan báo chí. 

Khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”

Báo chí vừa là người bạn đồng hành thân thiết, vừa là cầu nối hữu hiệu giữa DN và cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế mối quan hệ này có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Có tình trạng DN bưng bít thông tin, không muốn tiếp xúc và cung cấp thông tin cho báo chí do DN làm ăn vòng vo, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để kiếm lời, nên sợ bị phanh phui...

Cũng như vậy, vẫn còn hiện tượng báo chí chưa thận trọng trong tác nghiệp, đưa thông tin sai lệch, không khách quan trong cách đặt vấn đề, đưa thông tin có lúc làm cho DN gặp khó khăn, mất thương hiệu, uy tín với khách hàng, giữa DN và báo chí vẫn còn vướng mắc, né tránh thông tin, thậm chí gây hiểu lầm lẫn nhau…

Nhiều DN gần đây phàn nàn về những tiêu cực có tính khuynh hướng của báo chí. Thực tế, DN phản ánh về sự thiếu tích cực của báo chí, chủ yếu là phản ánh thông tin không chính xác gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Đây là “lỗi kỹ thuật” về mặt nhận thức, thuần túy về chuyên môn do nắm bắt thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác, nhưng cũng có một nguyên nhân khác là do bản thân nhà báo khi đến DN với động cơ không trong sáng, vụ lợi, gây khó khăn cho DN.

Đôi khi sai phạm của nhà báo cũng bắt nguồn từ động cơ DN. Một số DN mượn báo chí nhằm vào những điểm yếu của đối thủ cạnh tranh, tung những “đòn hiểm chí mạng” làm chao đảo đối phương mà thừa thắng xông lên.

Một giám đốc của công ty lớn chia sẻ: Làm việc với nhà báo nhiều khi rất khó khăn, trong nhiều trường hợp, DN phải chi tiền để được nhắc đến trên báo chí dù công việc DN làm xứng đáng được như vậy. Bên cạnh đó, nhiều nhà báo lại than phiền, không biết phản ánh thế nào khi nhận được thông tin từ phía DN kiểu ‘‘trong tin không có tin’’. Nhiều DN vì mong muốn được nhắc đến thường xuyên và liên tục trên báo chí bằng mọi giá không cung cấp, chia sẻ thông tin rõ ngọn ngành cho báo chí. Đây cũng chính là cánh cửa dẫn đến các tiêu cực và sự thụt lùi chất lượng của nhiều nhà báo, tờ báo. 

Cần lấp đầy “khoảng trống”

Không ngừng thắt chặt mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp chính là con đường để báo chí, doanh nghiệp cùng chia sẻ mọi khó khăn, thuận lợi; qua đó cùng hướng tới mục tiêu chung: Sự phát triển toàn diện mọi mặt của đất nước trong quá trình hội nhập.
Trong nhiều diễn đàn gần đây, các chuyên gia, DN đã chỉ ra rằng mối quan hệ “cộng sinh” giữa báo chí và DN cũng có lúc “nóng”, lúc “lạnh”, đặc biệt trong một môi trường kinh tế sôi động như hiện nay còn nhiều “khoảng trống” cần được lấp đầy. Khi người cần thông tin, kẻ cần xã hội biết đến đều thực hiện tốt “quyền công dân” của mình thì mối quan hệ này sẽ phát huy hiệu quả tích cực.

Trước những biến động mạnh mẽ của thị trường và những khó khăn chung của nền kinh tế, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay mà thực tiễn đang đặt ra là cần không ngừng thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác, đồng hành giữa báo chí và DN.

Cần tăng cường tổ chức ở các cấp những diễn đàn chia sẻ thông tin giữa báo chí và DN trên tinh thần giao lưu, hợp tác, trao đổi thông tin thẳng thắn, cởi mở. Trong đó, các DN cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tốt hơn, thường xuyên hơn, góp phần quan trọng tạo ra những thương hiệu, sản phẩm Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế, vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển đất nước.

Ở một góc nhìn khác, cộng đồng DN, các cơ quan báo chí và dư luận xã hội cũng cần đấu tranh, lên án hiện tượng báo chí sống “ký sinh” vào DN; hay hiện tượng phóng viên, nhà báo tìm mọi cách “nhũng nhiễu”, gây khó khăn cho DN vì động cơ vụ lợi cá nhân... Đây không chỉ là cách để báo chí tự làm “trong sạch” đội ngũ của mình, mà còn là cơ sở để các DN thực sự có được môi trường thuận lợi để sản xuất, kinh doanh phát triển.

Không ngừng thắt chặt mối quan hệ đồng hành, hợp tác giữa báo chí và DN chính là con đường để báo chí, DN cùng chia sẻ mọi khó khăn, thuận lợi; qua đó cùng hướng tới mục tiêu chung: Sự phát triển toàn diện mọi mặt của đất nước trong quá trình hội nhập.

Báo chí cần làm tốt hơn vai trò là diễn đàn chia sẻ với DN về những khó khăn, trở ngại, phiền hà đối với quá trình sản xuất, kinh doanh; cổ vũ, động viên các DN, doanh nhân phát huy sáng tạo; phát hiện, biểu dương những điển hình, nhân tố mới, sản phẩm tốt, đồng thời phát hiện, phê phán tiêu cực, sai trái, góp phần xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Các DN cũng nên có cách ứng xử công khai, nhất là về thông tin, để giúp báo chí hiểu về DN sâu sắc hơn. Các DN, doanh nhân cần hiểu thêm về Luật Báo chí và các văn bản dưới luật, khi gặp trục trặc thì có cách ứng xử đúng luật, thông tin được xử lý tốt hơn, giúp các nhà báo cùng cơ quan báo chí tránh được sai sót không đáng có.

Chuyên đề