Báo chí làm tốt vai trò phản ánh, phản biện và cầu nối

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong những năm vừa qua, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của báo chí.
Báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin tới độc giả và kịp thời ghi nhận, phản ánh những bất cập về cơ chế, chính sách phát sinh từ thực tiễn. Ảnh: Tường Lâm
Báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin tới độc giả và kịp thời ghi nhận, phản ánh những bất cập về cơ chế, chính sách phát sinh từ thực tiễn. Ảnh: Tường Lâm

Báo chí không chỉ phản ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để người dân gửi gắm tâm tư nguyện vọng đối với Ðảng và Nhà nước.

Còn nhớ, vào dịp này năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Phát biểu tại cuộc gặp mặt ấy, Thủ tướng đã lấy ví dụ mang tính hình tượng: Ở đầu cầu này là Chính phủ, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh”… Còn đầu cầu bên kia là nhân dân mong muốn Chính phủ liêm chính, hành động hiệu quả, tất cả vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Các cơ quan báo chí là cầu nối truyền cảm hứng, tạo niềm tin để nhân dân hiểu về tầm nhìn, chiến lược, hành động của Chính phủ; để nhân dân cổ vũ, động viên, hưởng ứng những việc Chính phủ đang làm tốt; chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn và góp ý, phản biện những khó khăn, hạn chế, vướng mắc để Chính phủ phân tích, lắng nghe và tiếp thu, khắc phục trong việc ban hành, thực thi và giám sát chính sách khi vào cuộc sống.

Ở chiều ngược lại, báo chí cũng sẽ phản ánh nguyện vọng, mong muốn, những việc hài lòng, không hài lòng của nhân dân với Chính phủ để Chính phủ có những phản ứng, điều chỉnh chính sách kịp thời, hiệu quả, khả thi và sát tình hình thực tế.

Báo chí cũng phản ánh quan điểm, hành động của Chính phủ trong điều hành và xây dựng nền hành pháp, lấy lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân là trung tâm cải cách, thực thi và vận hành nền hành pháp, tạo sự đồng thuận, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ.

Qua sự kiện này cho thấy, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong việc “đưa chính sách vào cuộc sống, đưa cuộc sống vào chính sách”.

Quả thực, xã hội càng phát triển thì nhu cầu thông tin ngày càng tăng. Tiếp cận thông tin trở thành nhu cầu quan trọng trong xã hội hiện đại; trong đó phương tiện chủ yếu để đem thông tin đến cho công chúng là báo chí, truyền thông. Trong xã hội hiện đại, báo chí và truyền thông ngày càng thể hiện vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Điều dễ nhận thấy là trong những năm qua, báo chí nước ta đã tham gia một cách tích cực, có hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Trước hết, báo chí đã thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp thông tin, phục vụ nhu cầu thông tin kinh tế - xã hội đối với người dân. Theo số liệu điều tra của Ban Tuyên giáo Trung ương, trên 70% người dân đã tiếp nhận được những nội dung về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua báo chí, thông tin đại chúng. Như vậy, các cơ quan báo chí, truyền thông đã góp phần to lớn vào việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực sự đóng vai trò là động lực thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, con người, khoa học, kỹ thuật, bảo vệ Tổ quốc.

Không chỉ là cầu nối mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, báo chí còn là kênh kết nối nhân dân Việt Nam với nhân dân tiến bộ trên thế giới, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí đã thực hiện tốt chức năng phản biện, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia trực tiếp vào quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt.

Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây 10 năm, vào tháng 3/2012, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp thực hiện Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” phát trên VTV1 tối Chủ nhật hàng tuần. Chương trình này là một kênh truyền thông uy tín, chất lượng và chính thống, kịp thời thông tin về hoạt động của các bộ, ngành hoặc những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của bộ, ngành đang được nhân dân quan tâm…. Do đó, chương trình này đã thu hút được sự chú ý và quan tâm theo dõi của đông đảo tầng lớp nhân dân. Sau khi chương trình này dừng phát sóng, nhiều đài truyền hình các địa phương đã mở chuyên mục “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”. Các chương trình này đã trở thành một kênh cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp đến người dân, góp phần đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật, đồng thời “kéo” người dân và chính quyền xích lại gần nhau hơn.

Đặc biệt, báo chí, truyền thông đã trở thành vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tệ nạn xã hội. Thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là do báo chí, truyền thông phát hiện. Thông qua phản ánh dư luận xã hội, các hoạt động truyền thông báo chí đã góp phần tích cực ngăn chặn các hiện tượng, vụ việc tiêu cực, có tác dụng giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hành lối sống kỷ cương, nghiêm túc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Về vai trò cầu nối, báo chí nước ta đã và đang thực sự trở thành “trường học xã hội”, góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ nhận thức cho người dân, tôn vinh các giá trị dân tộc, nhân văn tốt đẹp trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Không chỉ là cầu nối mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, báo chí còn là kênh kết nối nhân dân Việt Nam với nhân dân tiến bộ trên thế giới, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Kể từ ngày 21/6/1925 - ngày ra đời tờ báo “Thanh Niên” do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có gần một thế kỷ không ngừng phát triển và lớn mạnh. Trong suốt chặng đường dài đó, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn luôn đi tiên phong, chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Báo chí luôn đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân vì sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội. Các cơ quan thông tấn báo chí đã và đang góp phần kiến tạo bầu không khí dân chủ trong xã hội, ngày càng thể hiện tốt hơn vai trò vừa hướng dẫn dư luận xã hội, vừa tham gia có hiệu quả phản biện xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư