Báo chí khẳng định vai trò phản biện chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những vấn đề vĩ mô, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội không dễ hiểu, nhưng thông qua báo chí, đã đến gần hơn với người dân, với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, báo chí chính thống và những quan điểm mang tính xây dựng của những nhà báo chân chính luôn là nguồn thông tin quý báu giúp cơ quan quản lý tham khảo nhằm điều chỉnh, hoạch định chính sách cho phù hợp thực tiễn.

Lãnh đạo nhiều đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chia sẻ tại Tọa đàm “Báo chí và truyền thông trong hành trình phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư” diễn ra mới đây.

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, chỉ số gia nhập thị trường được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là chỉ số cải cách nổi bật nhất năm 2021. Để có được sự ghi nhận của người dân, cộng đồng DN, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải kịp thời những cải cách trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Báo chí chính thống và những quan điểm mang tính xây dựng của những nhà báo chân chính luôn là nguồn thông tin quý báu giúp cơ quan quản lý tham khảo nhằm điều chỉnh, hoạch định chính sách. Ảnh Quốc Tuấn

Báo chí chính thống và những quan điểm mang tính xây dựng của những nhà báo chân chính luôn là nguồn thông tin quý báu giúp cơ quan quản lý tham khảo nhằm điều chỉnh, hoạch định chính sách. Ảnh Quốc Tuấn

Theo ông Tuấn, báo chí còn là lực lượng đồng hành cùng cơ quan nhà nước trong giám sát, hậu kiểm. Những vụ việc như DN 144 nghìn tỷ, 500 nghìn tỷ, mua bán hóa đơn, biếu tặng xe sang được báo chí phản ánh giúp cơ quan quản lý kịp thời có chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước đối với DN.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, thời gian qua, CIEM đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho các cấp về cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo dựng không gian mới cho phục hồi và phát triển kinh tế thông qua các mô hình kinh tế mới... Không ít nội dung được thực hiện bài bản và có chuyển biến đáng kể như cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Vì vậy, tìm kiếm những sáng kiến, cách làm mới là không dễ. “Chính lúc này, chúng tôi may mắn có được sự đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông. Trong không ít trường hợp, chúng tôi tiếp nhận ý kiến, chia sẻ của các phóng viên, từ đó có thêm những “chất liệu”, “ý tưởng” để làm cụ thể, vững chắc hơn những kiến nghị, giải pháp liên quan”, bà Minh chia sẻ.

Viện trưởng CIEM đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19, cơ quan báo chí, truyền thông đã phản ánh các điểm nóng chính sách được DN và người dân quan tâm, từ đó cung cấp những thông tin, ý kiến góp ý “quý hơn vàng” để Viện thực hiện tốt hơn chức năng nghiên cứu, tham mưu chính sách.

Theo bà Minh, hoạt động tham mưu xây dựng chính sách không phải là những nhiệm vụ riêng lẻ để chỉ “làm cho xong”, mà là cả một tiến trình dài, liên tục. Vì vậy, với mỗi chính sách, đề án hoàn thành, đều muốn thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông để đưa những nhiệm vụ, giải pháp vào cuộc sống.

Mới đây nhất, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã giao CIEM “tổ chức truyền thông để quán triệt nâng cao nhận thức về vấn đề mới, khó này”. Hay với định hướng tham mưu chính sách mới, lãnh đạo CIEM tin tưởng những phân tích, kiến nghị ấy sẽ có tính thời sự, được lan tỏa rộng hơn nếu được sự đồng hành, phản biện của các cơ quan báo chí và truyền thông.

Nhận thức vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong tăng cường quan hệ giữa cơ quan nhà nước và DN, trong suốt quá trình hoạt động, Bộ KH&ĐT luôn chủ động cung cấp thông tin cần thiết, tiếp nhận sự phản hồi của cơ quan báo chí trong quá trình hoàn thiện chính sách.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hồng Minh, vai trò phản biện chính sách của các cơ quan báo chí, truyền thông đang đứng trước một số thách thức. Một mặt, các vấn đề chính sách đang ngày càng trở nên phức tạp, đa chiều, thậm chí có tính thời sự ở một số thời điểm. Chính vì vậy, cơ quan báo chí và truyền thông cần không ngừng cập nhật, tiếp thu đánh giá thực tiễn về dư địa chính sách, nhu cầu của DN để có những kiến nghị đủ khả thi. Mặt khác, không chỉ đưa tin, mà báo chí cần tham gia phản biện hiệu quả hơn với những vấn đề chính sách mới.

Để nhà báo có hiểu biết đủ sâu để đưa ra những câu hỏi, ý kiến phản biện quan trọng, đòi hỏi nỗ lực không chỉ của các cơ quan báo chí, truyền thông, mà còn cả cách tiếp cận mở hơn trong chia sẻ thông tin của các bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ KH&ĐT, cá nhân Bộ trưởng đánh giá rất cao vai trò của truyền thông trong việc truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, đoàn kết, tin tưởng trong xã hội.

Chuyên đề