Bản tin thời sự sáng 9/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông xe cầu Long Kiểng sau 23 năm được duyệt, 5 năm thi công; EVN đề nghị không tăng giá than cho sản xuất điện; giá gạo xuất khẩu giảm mạnh; dự trữ quốc gia với xăng dầu mới chỉ đạt 9 ngày; Khởi công đường nối Quốc lộ 19 với KCN Becamex VSIP Bình Định…

Thông xe cầu Long Kiểng sau 23 năm được duyệt, 5 năm thi công

Sau 23 năm được duyệt, 5 năm thi công, cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè (TP.HCM), vốn đầu tư 589 tỷ đồng được thông xe sáng 8/9, giúp tăng kết nối giao thông cho phía Nam Thành phố.

Thông xe cầu Long Kiểng

Thông xe cầu Long Kiểng

Cầu nằm trên đường Lê Văn Lương, bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức. Công trình dài gần 1 km, trong đó phần cầu dài gần 320 m, rộng 15 m, còn lại là đường dẫn hai đầu. Dự án cũng bao gồm hệ thống thoát nước, chiếu sáng đồng bộ.

Được duyệt từ năm 2001 nhưng đến tháng 8/2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công, dự kiến hoàn thành sau 2 năm giúp thay cầu sắt cũ kế bên đã xuống cấp. Tuy nhiên, do vướng giải phóng mặt bằng nên cuối năm 2019, công trình phải dừng khi mới xây xong 7 trụ cầu. Sau gần 3 năm ngưng trệ, tháng 9 năm ngoái, huyện Nhà Bè hoàn tất đền bù, giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, giúp Dự án được đẩy nhanh và thông xe trước 3 tháng so với kế hoạch.

Mong chờ Dự án hoàn thành, sáng 8/9, nhiều người dân địa phương có mặt từ sớm, chờ mở rào chắn cho xe qua cầu. Nhiều năm qua, công trình dang dở, mỗi ngày họ phải qua cầu sắt cũ nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc nên mong công trình sớm hoàn thành.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - Chủ đầu tư) cho biết, cầu Long Kiểng trước đây gặp nhiều vướng mắc liên quan đến quy mô, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, phải chờ điều chỉnh nên đến năm 2018 mới bắt đầu xây dựng.

EVN đề nghị không tăng giá than cho sản xuất điện

Do tài chính của ngành điện khó khăn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không tăng giá bán than cho sản xuất điện.

Kho than tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải

Kho than tại Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải

Theo EVN, ngày 5/9 đã nhận được văn bản của TKV về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại than trong nước cho sản xuất điện.

EVN cho rằng, năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu).

Mặc dù EVN và các đơn vị thành viên quyết liệt thực hiện các giải pháp nội tại, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét các phương án để giảm chi phí sản xuất, tuy nhiên do giá bán lẻ điện bình quân chưa được điều chỉnh kịp thời đã làm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng.

Vì vậy, EVN đề nghị TKV xem xét không tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện, giá than trong phương án pha trộn với than nhập khẩu.

EVN cũng đề nghị TKV cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện năm 2023, trong đó EVN đề nghị TKV xem xét giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện.

Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 15 USD/tấn do doanh nghiệp Philippines hủy và giãn tiến độ nhập khẩu sau lệnh áp trần giá gạo của giới chức nước này.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 15 USD/tấn

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 15 USD/tấn

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, từ ngày 6 - 7/9, giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giảm 15 USD/tấn so với phiên 5/9 về 628 USD; gạo 25% tấm cũng giảm 15 USD về mức 613 USD/tấn. Đây là 2 phiên giảm liên tiếp mạnh nhất kể từ sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.

Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 15 USD về 618 USD/tấn, 25% tấm sụt 12 USD về 563 USD/tấn so với ngày 5/9.

Giá gạo xuất khẩu đi xuống được cho là bị tác động bởi lệnh áp trần giá gạo của Philippines - nước tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gần 1,94 triệu tấn gạo sang nước này, chiếm gần 40% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) - đơn vị xuất khẩu gạo nằm trong top 10 - cho biết, sau thông tin trên, doanh nghiệp bị một số đối tác nhập khẩu từ Philippines xin hủy tàu, số khác giãn hợp đồng trong quá trình chờ quyết định mới của giới chức nước này.

Tại thị trường trong nước, giá gạo đang cao hơn nhiều so với giá xuất khẩu. Dữ liệu từ VFA cho thấy, giá gạo trong nước tuần cuối tháng 8 (từ 25 - 31/8) tiếp tục được điều chỉnh tăng từ 79 - 254 đồng/kg, tùy loại.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng qua đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2022.

Gia Lai kiểm điểm, kỷ luật nhiều cá nhân, tổ chức Đảng vi phạm

Ngày 8/9, tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, vừa tổ chức Kỳ họp lần thứ 36 xem xét, kết luận một số nội dung.

Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai bị kiểm điểm

Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai bị kiểm điểm

Theo đó, xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng: Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đảng ủy Sở Tài chính, Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông và các đảng viên có liên quan.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy, các tổ chức đảng nêu trên chưa thực hiện tốt quy chế làm việc, thực hiện nhiệm vụ tự kiểm tra và kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao, dẫn đến không kịp thời phát hiện các khuyết điểm, vi phạm của cán bộ, đảng viên.

Trong đó có việc thực hiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí và đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn Tỉnh.

Xem xét tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc đối với 4 tổ chức Đảng nêu trên và 8 đảng viên. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo tập trung khắc phục các vi phạm, khuyết điểm được chỉ ra.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Võ Như Minh Quang - Trưởng phòng Chính sách xã hội, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Báo cáo, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kỷ luật đối với bà Trần Thị Hoài Thanh - nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; bà RCom Sa Duyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực hiện quy trình xử lý kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Tư Sơn - nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Trương Quý Sửu - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch và Tài chính thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ông Sơn và ông Sửu đã bị cơ quan Công an tỉnh Gia Lai khởi tố bị can để điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Dự trữ quốc gia với xăng dầu mới chỉ đạt 9 ngày

Theo Bộ Tài chính, đến nay, mức dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu mới chỉ đạt khoảng 9 ngày nhập ròng, chưa có dự trữ quốc gia đối với dầu thô.

Dự trữ xăng dầu ngày càng quan trọng

Dự trữ xăng dầu ngày càng quan trọng

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM về việc nâng cao năng lực dự trữ năng lượng quốc gia, tránh tình trạng giá xăng dầu leo thang như thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết: Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/7 đã đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể đối với hạ tầng dự trữ quốc gia về xăng dầu.

Đó là “đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa từ 500 - 1.000 nghìn m3 sản phẩm xăng dầu và 1.000 - 2.000 nghìn tấn dầu thô, đáp ứng 15 - 20 ngày nhập ròng trong giai đoạn 2021 - 2030; đảm bảo sức chứa từ 500 - 800 nghìn m3 sản phẩm xăng dầu và 2.000 - 3.000 nghìn tấn dầu thô, đáp ứng 25 - 30 ngày nhập ròng trong giai đoạn sau năm 2030”.

Trong giai đoạn tới, việc tăng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng yêu cầu Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết.

“Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, làm cơ sở để Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch dự trữ quốc gia về xăng dầu trong thời gian tới cho phù hợp”, Bộ Tài chính cho biết.

Khởi công đường nối Quốc lộ 19 với KCN Becamex VSIP Bình Định

Đường nối Quốc lộ 19 với Khu công nghiệp (KCN) Becamex VSIP Bình Định dài gần 20 km, tổng mức đầu tư 1.171 tỷ đồng được khởi công sáng 8/9, giúp kết nối giao thương, thu hút đầu tư.

Hạ tầng giao thông trong KCN Becamex VSIP Bình Định
Hạ tầng giao thông trong KCN Becamex VSIP Bình Định

Trong tổng kinh phí đầu tư, vốn trung ương là 800 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương. Công trình dự kiến hoàn thành sau 2 năm.

Đường rộng 12 m, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h. Công trình có điểm đầu tại ngã tư giữa Quốc lộ 19 thuộc xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, điểm cuối giáp đường ĐS10 của KCN Becamex VSIP Bình Định. Dự án đi qua thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn, huyện Vân Canh. Trên tuyến có 7 cầu bằng bê tông với tổng chiều dài 410 m.

Nằm trong Khu kinh tế Nhơn Hội, Becamex VSIP Bình Định (1.425 ha, kinh phí đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng) là KCN và đô thị tích hợp được lập theo thỏa thuận giữa 2 tỉnh Bình Dương và Bình Định.

KCN là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ và mở rộng quan hệ giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với các vùng trong và ngoài nước, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; Nam Bộ và miền Trung của Lào, Thái Lan...

Việc đầu tư tuyến đường cũng nối liền huyện Tây Sơn, thị xã An Nhơn với huyện Vân Canh, tạo thuận lợi cho người lao động từ hai địa phương đến làm việc ở KCN Becamex VSIP Bình Định.

Vi phạm công bố thông tin, Tập đoàn Xuân Thiện bị phạt 60 triệu đồng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có quyết định xử phạt Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện 60 triệu đồng vì hành vi vi phạm hành chính công bố thông tin không đúng thời hạn quy định.

Tập đoàn Xuân Thiện bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Tập đoàn Xuân Thiện bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cụ thể, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa ban hành Quyết định số 280 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện.

Theo đó, Tập đoàn Xuân Thiện bị phạt 60 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (Công ty công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về Báo cáo tài chính năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021).

Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group) được thành lập năm 2000, là doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Thiện, anh trai ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Thông qua nhiều công ty thành viên, Xuân Thiện Group tập trung đầu tư vào nhiều lĩnh vực như vật liệu xây dựng (lĩnh vực truyền thống), nông nghiệp công nghệ cao, khách sạn - du lịch, bất động sản, logistics, giáo dục và đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Chuyên đề