Bản tin thời sự sáng 9/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Long Thành dự kiến đón chuyến bay thương mại từ 2/9/2026; Việt Nam chuẩn bị phương án bảo hộ công dân tại nhiều điểm nóng; TP.HCM trình Trung ương Dự án Vành đai 4 vào tháng 10; sắp đấu giá hơn trăm lô đất tại các huyện ven Hà Nội…

Long Thành dự kiến đón chuyến bay thương mại từ 2/9/2026

Chủ đầu tư dự kiến sân bay Long Thành hoàn thành và xong chạy thử trước 31/8/2026 để hai ngày sau đón chuyến bay thương mại đầu tiên.

Đường băng sân bay Long Thành dần thành hình so với phối cảnh

Đường băng sân bay Long Thành dần thành hình so với phối cảnh

Thông tin được ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV, Chủ đầu tư Dự án) cho biết, tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sáng 8/8.

Ông Thanh cho biết, gói thầu nhà ga sân bay Long Thành khởi công ngày 31/8/2023, nhà thầu huy động 2.400 nhân sự và hơn 1.500 thiết bị máy móc. Đến nay, Dự án hoàn thành phần bêtông cốt thép cột, dầm sàn lầu 3. Dự án sẽ xong phần thi công toàn bộ hạng mục kết cấu bêtông cốt thép vào tháng 9/2024, vượt tiến độ 20 ngày, vượt tổng thể gói thầu 10 ngày.

Theo Chủ đầu tư, phần xây dựng nhà ga sẽ xong trước năm 2025, lắp dựng mặt đứng trước tháng 3/2026. Song song với công tác hoàn thiện, nhà thầu cho lắp đặt thiết bị vận hành thử từ đầu năm 2026, phấn đấu đưa vào khai thác nhà ga trước 31/8/2026.

"Ngày 2/9/2026, sân bay Long Thành sẽ đón chuyến bay thương mại đầu tiên", ông Thanh nói.

Ngoài tiến độ các gói thầu đang được đảm bảo, lãnh đạo ACV kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và triển khai thi công san nền khu vực nhà ga T3 để tránh việc "phát tán bụi" khi sân bay hoạt động.

"Việc kết nối giao thông với TP.HCM cũng rất quan trọng, ACV mong muốn Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai Dự án mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây trong thời gian tới", ông Thanh kiến nghị.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn một, sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Giai đoạn hai, sân bay xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm. Giai đoạn 3, sân bay hoàn thành hạng mục còn lại để đạt công suất 100 triệu khách/năm.

Việt Nam chuẩn bị phương án bảo hộ công dân tại nhiều điểm nóng

Trước tình hình căng thẳng tại Trung Đông, Bangladesh và Myanmar, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam ở các khu vực trên đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt

Thông tin được Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết tại họp báo chiều 8/8.

Ông Đoàn Khắc Việt cho biết, trước tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông tiếp tục diễn biến rất phức tạp, Bộ Ngoại giao đã ra cảnh báo công dân Việt Nam không đến Lebanon, Iran và Israel trong thời điểm này.

Theo đó, Bộ Ngoại giao khuyến cáo nếu đang ở các khu vực trên, người dân cần sơ tán người và tài sản, nhất là Lebanon, đến các nước thứ 3 hoặc trở về Việt Nam. Người dân cũng cần tuân thủ quy định và hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ an toàn, an ninh theo quy định của chính quyền sở tại.

Trước tình hình diễn biến phức tạp tại Bangladesh, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Bangladesh vào thời điểm này.

"Công dân tại Bangladesh cần tự ý thức bảo vệ bản thân và gia đình, không đến những khu vực đông người có nguy cơ xảy ra biểu tình", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nói.

Thông tin về tình hình bảo hộ công dân tại Myanmar, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam nếu thực sự không cần thiết, không nên đến những khu vực đang có diễn biến phức tạp như bang Shan, bang Kayin.

Trường hợp đang ở các khu vực đó, người dân cần nhanh chóng có phương án chủ động sơ tán an toàn người và tài sản tới các khu vực an toàn hoặc về Việt Nam.

Ông Việt cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại khu vực Trung Đông, Bangladesh, Myanmar đã đề nghị các cơ quan chức năng sở tại đảm bảo an toàn tối đa cho công dân Việt Nam.

Đồng thời, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chủ động xây dựng, triển khai phương án bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Các cơ quan đại diện của Việt Nam được đề nghị tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo và hỗ trợ công dân di chuyển tới các khu vực an toàn.

"Chúng tôi cũng lưu ý công dân ta tại các nước trên thường xuyên theo dõi thông tin, khuyến cáo của chính quyền sở tại, cảnh báo của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trên để nắm bắt kịp thời", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.

TP.HCM trình Trung ương Dự án Vành đai 4 vào tháng 10

TP.HCM cùng các địa phương cơ bản hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vành đai 4, dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10.

TP.HCM trình Trung ương Dự án Vành đai 4 vào tháng 10

TP.HCM trình Trung ương Dự án Vành đai 4 vào tháng 10

Thông tin trên được ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, báo cáo Thủ tướng tại buổi họp về tình hình triển khai các dự án trọng điểm trên cả nước diễn ra sáng 8/8. Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, TP.HCM đang làm việc với hội đồng cố vấn, hội đồng nghiệm thu để được hướng dẫn, đảm bảo thông xe kỹ thuật Dự án Vành đai 3 vào tháng 1/2026.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, để đảm bảo Dự án Vành đai 3 TP.HCM thông xe kỹ thuật vào tháng 1/2026 và khánh thành vào quý II/2026, TP.HCM cùng các đơn vị cần rà soát lại phương án, có biện pháp thi công, xử lý kỹ thuật song song sau khi gia tải.

Ngoài ra, ông Mãi cho biết, Dự án đường Trần Quốc Hoàn kết nối ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đảm bảo tiến độ hoàn thành vào 30/4/2025. Trong tuần này, TP.HCM tổ chức thông xe đoạn hầm chui để đến tháng 12, Dự án hoàn thành đồng bộ với ga T3.

Dự án Vành đai 4 quy hoạch từ năm 2011, đi qua TP.HCM và 4 địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường hiện được nghiên cứu tổng chiều dài gần 207 km; trong đó, đoạn qua Long An dài hơn 78 km, Bình Dương 47,5 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1 km, TP.HCM 17,3 km. Tổng mức đầu tư ước tính 106.000 tỷ đồng.

Sắp đấu giá hơn trăm lô đất tại các huyện ven Hà Nội

Trong tháng 8, các huyện như Sóc Sơn, Thanh Oai, Hoài Đức, Quốc Oai đều có kế hoạch đấu giá đất với tổng số hơn trăm lô.

Sắp đấu giá hơn trăm lô đất tại các huyện ven Hà Nội. Ảnh minh họa

Sắp đấu giá hơn trăm lô đất tại các huyện ven Hà Nội. Ảnh minh họa

16 thửa đất ở khu Đầm Ngái, xã Xuân Thu với diện tích hơn 2.300 m2 sẽ được UBND huyện Sóc Sơn đưa ra đấu giá. Trong đó, 11 thửa diện tích 110 m2, còn lại là 220 m2. Giá khởi điểm chưa được Trung tâm Phát triển quỹ đất Huyện công bố.

Huyện Sóc Sơn cho biết, khu đất đấu giá có một mặt giáp Tỉnh lộ 16, một mặt giáp khu sản xuất nông nghiệp. Đây là vị trí thuận lợi về giao thông, phù hợp kinh doanh, sinh sống. Cuộc đấu giá dự kiến tổ chức trong tháng 8.

Cũng trong tháng này, các huyện ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức, Quốc Oai có kế hoạch tổ chức đấu giá. Đơn cử, ngày 10/8, gần 70 lô đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất. Các thửa có diện tích 60 - 85 m2 một lô. Giá khởi điểm từ 8,6 - 12,6 triệu đồng mỗi m2. Để đấu giá, nhà đầu tư phải đặt cọc 118 - 200 triệu đồng cho một thửa đất.

Tại huyện Hoài Đức, 19 thửa đất ở nông thôn tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên cũng chuẩn bị được đấu giá vào ngày 19/8. Số lô đất có tổng diện tích khoảng 1.800 m2, trong đó mỗi lô dao động 74 - 118 m2. Giá khởi điểm 7,3 triệu đồng mỗi m2. Nhà đầu tư cần đặt cọc 20% giá trị thửa đất để đủ điều kiện tham gia.

Theo thông báo của Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Phong, 4 thửa đất tại thôn Trán Voi, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai sẽ được đấu giá vào ngày 29/8. Đây là tài sản của Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội, diện tích 324 -6 40 m2 một thửa, gồm đất ở và trồng cây lâu năm. Giá khởi điểm từ 3 - 6,3 tỷ đồng một thửa.

UBND TP. Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, liên tiếp các phiên được tổ chức thành công, chủ yếu ở các huyện ven như Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Thường Tín... Tại nhiều phiên, số tiền thu về chênh hàng chục tỷ đồng so với khởi điểm. Đơn cử, phiên đấu giá 54 thửa đất ở huyện Mê Linh hồi tháng 6 thu về gần 187 tỷ đồng, cao hơn 52 tỷ đồng so với khởi điểm.

Hải Phòng dự kiến lắp camera 33 điểm phạt nguội

TP. Hải Phòng dự kiến lắp camera tại 30 nút giao và máy đo tốc độ tự động tại ba tuyến đường để giám sát, xử lý vi phạm giao thông.

Camera phạt nguội lắp đặt ở nút giao Nguyễn Đức Cảnh - Trần Nguyên Hãn

Camera phạt nguội lắp đặt ở nút giao Nguyễn Đức Cảnh - Trần Nguyên Hãn

Hoạt động này nằm trong Dự án nâng cao năng lực trung tâm quản lý, điều hành giao thông đô thị thông minh. Việc thi công dự kiến thực hiện trong quý IV/2024, đầu năm 2025 đưa vào khai thác.

30 nút giao dự kiến lắp camera đa số nằm ở nội thành, trong đó có nhiều tuyến đường mật đô ôtô đông như: Lạch Tray, Cầu Đất, Hoàng Văn Thụ, Mê Linh, Tô Hiệu.

3 tuyến đường lắp thiết bị đo tốc độ gồm: Phạm Văn Đồng (vị trí lắp ở đoạn phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn), Hùng Vương (đoạn phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng) và đường tỉnh 360 (đoạn Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe - Trường Cao đẳng nghề số 3).

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố, hệ thống camera thông minh sẽ tự động xác định lưu lượng giao thông để cung cấp thông tin tư vấn, cảnh báo tới người điều khiển phương tiện; giám sát, phát hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ với ôtô và tình hình an ninh trật tự tại các nút giao.

Hiện Hải Phòng có hệ thống camera giám sát để phạt nguội lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông đối với ôtô tại 5 nút giao. Kể từ khi triển khai tháng 5/2023, hệ thống này đã ghi nhận hơn 8.420 trường hợp vi phạm. Trong đó, Phòng Cảnh sát giao thông trực tiếp lập hồ sơ, ra quyết định xử lý 2.440 lượt trường hợp, thu phạt hơn 13,1 tỷ đồng. Công an địa phương, đơn vị nơi cư trú của chủ ôtô xử lý 307 trường hợp.

Metro số 1 ở TP.HCM được điều chỉnh thời gian hoàn thành đến quý IV/2024

Dự án metro số 1 vừa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công từ cuối quý IV/2023 thành cuối quý IV/2024.

Người dân TP.HCM chờ trải nghiệm tuyến metro số 1 tại ga Bến Thành

Người dân TP.HCM chờ trải nghiệm tuyến metro số 1 tại ga Bến Thành

Thủ tướng vừa phê duyệt quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV/2024.

Các nội dung còn lại không thay đổi so với chủ trương đầu tư Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đó.

UBND TP.HCM có trách nhiệm tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; có cam kết ràng buộc trách nhiệm các bên; đúng tiến độ.

Bên cạnh đó UBND TP.HCM tích cực, chủ động có giải pháp hòa giải hoặc biện pháp xử lý phù hợp đối với các nhà thầu đang có khiếu nại, không để các vướng mắc gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành Dự án.

UBND TP.HCM chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác, trung thực của các thông tin, số liệu báo cáo, bố trí đủ vốn...

Lý do điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án là tại quyết định điều chỉnh trước đây, metro số 1 có mốc tiến độ hoàn thành thi công cuối quý IV/2023. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP.HCM, khối lượng công việc của Dự án đến nay đạt khoảng 98% và vẫn chưa hoàn tất các đầu việc cuối cùng để đưa Dự án vào nghiệm thu.

Vì vậy, việc phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công tuyến metro số 1 từ cuối quý IV/2023 thành cuối quý IV/2024, để có cơ sở tiếp tục giải ngân cho Dự án.

Dự án metro số 1 hiện đạt 98% tổng khối lượng, dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).

Xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc giảm hơn 80%

7 tháng đầu năm, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt hơn 8.000 tấn, giảm 84,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vườn tiêu tại Tây Nguyên

Vườn tiêu tại Tây Nguyên

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Trung Quốc từng là thị trường lớn thứ hai của tiêu Việt Nam, nay đã tụt xuống vị trí thứ năm, sau Mỹ, Đức, Ấn Độ và UAE.

Sản lượng xuất khẩu loại nông sản này từ Trung Quốc tính tới hết tháng 7 giảm gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái, trên 8.000 tấn. Trong khi đó, Mỹ nhập tới 43.349 tấn loại gia vị này, tăng hơn 48% cùng kỳ. Đức cũng nhập 10.941 tấn, UAE là 10.897 tấn hạt tiêu Việt.

Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc giảm mua là do giá hạt tiêu nội địa của nước này đang thấp hơn so với hàng nhập khẩu. Thêm vào đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo trong nửa đầu năm nay, nên nhu cầu chi tiêu của người dân giảm và lượng hàng tồn kho còn đủ dùng.

Trung Quốc giảm mua, nhưng tính chung tổng lượng xuất khẩu của hạt tiêu Việt vẫn đạt 164.357 tấn trong 7 tháng đầu năm. Mức này thấp hơn khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tới hết tháng 7 là hơn 764 triệu USD, tăng gần 41% nhờ giá tiêu tăng. Mỗi tấn tiêu đen Việt Nam xuất đi bình quân 4.568 USD và tiêu trắng là 6.195 USD, tăng lần lượt 32,7% và 25% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện tiêu thụ mặt hàng này trên toàn cầu chững lại, khiến giá tiêu trong nước quay đầu giảm. Mỗi kg hạt tiêu hạ khoảng 25% trong một tháng qua, về 135.000 - 137.000 đồng mỗi kg. Còn trên thị trường thế giới, giá nông sản này duy trì ở mức 6.000 - 7.000 USD mỗi tấn tiêu đen, còn tiêu trắng khoảng 8.800 USD.

Tổng kiểm tra hàng trăm cây xăng trên cả nước, phát hiện nhiều vi phạm

Trong 7 tháng, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra 1.355 vụ việc liên quan đến kinh doanh xăng dầu, trong đó xử lý 246 vụ vi phạm.

Trong 7 tháng, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra 1.355 vụ việc liên quan đến kinh doanh xăng dầu

Trong 7 tháng, cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra 1.355 vụ việc liên quan đến kinh doanh xăng dầu

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong tháng 7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai kiểm tra 309 việc liên quan đến kinh doanh xăng dầu, trong đó xử lý vi phạm 54 vụ, nộp ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.355 vụ việc, trong đó, xử lý 247 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu. Số tiền nộp ngân sách nhà nước (bao gồm số tiền buộc nộp lại bất hợp pháp do thực hiện các hành vi vi phạm hành chính) là hơn 8,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt 3 "ông lớn" đầu mối như Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức (Nghệ An); Công ty CP Appollo Oil (TPHCM); Công ty TNHH Trung Linh Phát (Ninh Bình). Các doanh nghiệp này vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo báo cáo của lực lượng chức năng, các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu chủ yếu là không đăng ký hệ thống phân phối, sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định. Một số vi phạm khác gồm: buôn bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn, kinh doanh không có giấy phép kinh doanh hoặc đã hết hiệu lực.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không đăng ký thời gian bán hàng, giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng...

Cấm ô tô qua cầu Rạch Miễu trong 3 ngày để thử tải

Từ ngày 13 - 15/8, ô tô bị cấm qua cầu Rạch Miễu trong khoảng thời gian 22h - 4h để cơ quan chức năng thực hiện thử tải.

Cầu Rạch Miễu đã quá tải sau 15 năm đưa vào sử dụng

Cầu Rạch Miễu đã quá tải sau 15 năm đưa vào sử dụng

Thông tin được bà Trần Thị Kim Uyên, Giám đốc Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu cho biết ngày 8/8. Việc cấm xe vào khung giờ khuya nhằm hạn chế ùn tắc trong quá trình thử tải. Mỗi đợt cấm xe qua cầu là 30 phút, sau đó cho các xe sẽ lưu thông và tiếp tục lặp lại việc cắt dòng phương tiện cho đến khi việc thử tải hoàn tất.

Thử tải cầu là phương pháp để xác định khả năng chịu tải trọng của cầu. Trong quá trình thực hiện, xe hai bánh và xe cứu thương được phép lưu thông. Sau khi kết thúc thử tải, đơn vị kiểm định sẽ dọn dẹp hiện trường hoàn trả hiện trạng để bảo đảm an toàn giao thông.

Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km là điểm ùn tắc thường xuyên những năm gần đây. Hiện, mỗi ngày có khoảng 20.000 xe qua cầu, vượt gấp ba lần thiết kế cho phép của công trình.

Sau 15 năm khai thác, hiện cầu Rạch Miễu đã bắt đầu xuất hiện những hư hỏng, cần được sửa chữa để không làm suy giảm tuổi thọ công trình, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Chuyên đề