Bản tin thời sự sáng 9/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nguyên Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong bị cảnh cáo; sáu cựu cán bộ ở Khánh Hòa bị xem xét kỷ luật; Hà Nội sẽ xây 5 khu nhà ở xã hội tập trung; đường ven sông Vàm Cỏ Tây lún sâu 5 m; đề xuất không xây dựng cầu Mã Đà qua vùng lõi khu sinh quyển thế giới…

Nguyên Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong bị cảnh cáo

Bộ Chính trị cảnh cáo Ban cán sự đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Chủ tịch TP.HCM.

Ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM

Ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM

Quyết định kỷ luật được đưa ra tại cuộc họp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì chiều 8/7, 16 ngày sau đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Theo Văn phòng Trung ương Đảng, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy Ban cán sự đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo.

Hậu quả là UBND Thành phố và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài chính, tài sản nhà nước; xảy ra nhiều vụ án, vụ việc trên địa bàn. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật; một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt của UBND Thành phố và một số sở, ngành bị xử lý hình sự.

Ông Nguyễn Thành Phong trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương. Ông cũng chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bộ Chính trị đánh giá những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 "đã gây hậu quả rất nghiêm trọng", vi phạm của ông Phong "đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản nhà nước".

Trước đó ngày 22/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Nguyễn Thành Phong.

Sáu cựu cán bộ ở Khánh Hòa bị xem xét kỷ luật

Năm nguyên lãnh đạo cấp sở, một Phó cục Thuế bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị xem xét kỷ luật do liên quan sai phạm ở khu đất hơn 7.300 m2 tại TP. Nha Trang.

Khu đất Trường Chính trị được xây dựng hai tòa cao ốc (màu trắng) dùng làm khách sạn, trung tâm thương mại

Khu đất Trường Chính trị được xây dựng hai tòa cao ốc (màu trắng) dùng làm khách sạn, trung tâm thương mại

Ngày 8/7, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hoà Nguyễn Văn Ghi cho biết, cơ quan này đã đề nghị xem xét kỷ luật các ông Trần Ngọc Tâm, Trần Văn Thọ và Trần Quang Bửu (đều nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng); Vũ Xuân Thiềng (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Văn Nhựt (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) và Trần Sỹ Quân (Phó cục Thuế).

Động thái này được đưa ra sau khi nhiều lãnh đạo Tỉnh bị khởi tố do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí trong việc giao khu đất hơn 7.300 m2 là trụ sở Trường Chính trị Tỉnh, nằm ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo và Lý Tự Trọng.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, những người trên đã thiếu trách nhiệm trong thẩm định giá đất tại dự án BT (xây dựng - chuyển giao) tại Trường Chính trị Tỉnh; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; vi phạm các quy định đảng viên không được làm...

Những sai phạm này đã dẫn tới Tỉnh giao đất giá rẻ cho doanh nghiệp không đúng quy định, gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát ngân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận.

Liên quan dự án trên, cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Đào Công Thiên, cùng nhiều người khác đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Hà Nội sẽ xây 5 khu nhà ở xã hội tập trung

Thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung, trong đó hai khu đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Khu nhà ở xã hội CT3, CT4 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh

Khu nhà ở xã hội CT3, CT4 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh

Sáng ngày 8/7, HĐND TP Hà Nội thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030, với 100% đại biểu có mặt tán thành.

Để đáp ứng nhu cầu gần 7 triệu m2 sàn nhà ở xã hội đến 2030, thành phố lên kế hoạch đầu tư xây 1-2 khu nhà ở tập trung và chuẩn bị đầu tư các khu còn lại. Hai khu đã được quy hoạch ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh gồm khu nhà ở xã hội tập trung và khu nhà ở xã hội thành phố kết nối xanh (Green Link City).

Ba khu nhà ở xã hội tập trung đang nghiên cứu quy hoạch tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì và xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có nhà ở xã hội phục vụ người lao động; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tăng từ 27 m2 hiện nay lên 32 m2.

Thành phố sẽ xây mới gần 20 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; mỗi căn hộ có diện tích tối thiểu 40 m2. Trong đó, những căn khoảng 45 m2 sẽ tăng lên, đảm bảo giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân.

Chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội nêu rõ sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai và ưu tiên cải tạo, xây dựng lại 6 khu có nhà nguy hiểm cấp D; tiếp tục chỉnh trang nhà ở, khu phố cũ.

Nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 11.700 tỷ đồng.

Đường ven sông Vàm Cỏ Tây lún sâu 5 m

Đoạn đường 6 km trải nhựa ven sông Vàm Cỏ Tây (Long An) vừa đưa vào sử dụng bị sạt lở, hàng chục mét đường sụt lún tới 5 m, cản trở giao thông khu vực.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ sạt lở

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ sạt lở

Sáng ngày 8/7, người dân tại ấp Đầu Sấu, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng (Long An) phát hiện nhiều vết rạn nứt trên đường bờ bắc sông Vàm Cỏ Tây nên báo chính quyền. Một giờ sau, mặt đường nhựa bị xé toạc, một đoạn 60 m bị sụt lún hoàn toàn, chỗ sâu nhất đến 5 m. Sạt lở làm gãy một cầu nhỏ gần đó.

Ông Nguyễn Hoàng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Bình Tây cho biết, trong buổi sáng địa phương đã cho rào chắn, cắm biển cảnh báo không cho xe qua lại, đồng thời bố trí phà phục vụ người dân trong khi chờ khắc phục.

Đường bị sạt lở vừa được đầu tư nâng cấp trải nhựa, đưa vào sử dụng hơn hai tuần. Hồi đầu tháng 5, hơn 1,5 km đường dẫn cầu Bắc Chiên bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, cũng ở huyện Vĩnh Hưng, đang trong quá trình thi công bị sạt lở, nhiều đoạn nứt toác 2-3 m, sâu hơn 2m.

Đề xuất không xây dựng cầu Mã Đà qua vùng lõi khu sinh quyển thế giới

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà xuyên qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển, đồng thời đưa ra phương án kết nối giao thông từ tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 qua TP.HCM.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Cụ thể, sau nghiên cứu và tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, Bộ GTVT đánh giá xây cầu Mã Đà và đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai kinh phí rất lớn, diện tích chiếm dụng đất rừng lớn, không khả thi. Vì vậy, Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4-TP.HCM, không qua cầu Mã Đà là khả quan nhất.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT chủ trì làm việc với các bộ và địa phương liên quan với Bình Dương để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến Đường tỉnh 753 và xây dựng cầu Mã Đà.

Theo đề xuất của tỉnh Bình Phước về phương án tuyến kết nối Đường tỉnh 753 với tỉnh Đồng Nai có điểm đầu tại Đường tỉnh 741, TP. Đồng Xoài với tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà và đi qua vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Nai. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT phương án tuyến này có khó khăn là tuyến đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai gây ra các tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học do các phương tiện lưu thông.

Bên cạnh đó, nếu làm đường xuyên lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai còn gây ra các tác động lớn đến hệ sinh thái, vướng mắc về Luật Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế.

Hà Nội đề xuất tạm đóng tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho phép tạm dừng không khai thác tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch trong thời gian thực hiện dự án nước thải.

Làn đường đi bộ ven sông Tô Lịch

Làn đường đi bộ ven sông Tô Lịch

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất tạm đóng tuyến đường đi bộ dọc sông Tô Lịch để thi công Dự án Xây dựng Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

Theo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, qua khảo sát, kiểm tra hiện trường tuyến đường đi bộ dọc sông Tô Lịch và chạy song song với đường Láng cho thấy trên tuyến đường đi bộ, nhà thầu đang thi công Dự án Xây dựng Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội thực hiện. Hiện nhà thầu thi công đã rào chắn kín 20 điểm trên tuyến đi bộ dọc đường Láng. Do vậy, tuyến đường không còn phù hợp, đảm bảo an toàn với người đi bộ.

Ngoài ra, một hộ dân lợi dụng khu vực rào chắn để tập kết rác thải xây dựng. Nhà thầu cũng tập kết vật liệu, dầu mỡ làm hư hỏng mặt đường, mất vệ sinh môi trường và an toàn trên công trường.

Để đảm bảo an toàn giao thông, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề nghị Sở Giao thông Vận tải cho phép tạm dừng không khai thác tuyến đường đi bộ trong thời gian thực hiện Dự án cho đến khi hoàn thành bàn giao công trình, bố trí hai đầu tuyến đường biển báo thông báo dừng khai thác và tổ chức rào chắn.

Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải kiểm tra việc thi công rào chắn, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lao động của Dự án.

Chuyên đề