Bản tin thời sự sáng 9/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM siết việc xuất hóa đơn của các tiệm vàng khi mua bán vàng miếng; Khánh Hòa đấu giá nhà đất công, bổ sung ngân sách địa phương; đầu tư 10.080 tỷ đồng làm dự án đốt rác phát điện ở Đa Phước TP.HCM; đường sắt thiệt hại hơn 50 tỷ đồng do sạt lở hầm Bãi Gió…

TP.HCM siết việc xuất hóa đơn của các tiệm vàng khi mua bán vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM yêu cầu các cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn phải thực hiện nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định khi mua bán vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước TPHCM yêu cầu các cửa hàng vàng cần chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định

Ngân hàng Nhà nước TPHCM yêu cầu các cửa hàng vàng cần chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn về việc chấp hành quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh vàng cần chấp hành các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng tại Nghị định số 24/2012 (Nghị định 24) của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn Nghị định 24, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Các cửa hàng vàng cần chấp hành nghiêm chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, đồng thời tuân thủ pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Các đơn vị kinh doanh vàng miếng phải thường xuyên nắm bắt thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến hoạt động mua, bán vàng miếng để bảo đảm chấp hành đúng quy định về niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.

Đơn vị kinh doanh vàng miếng là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng trên địa bàn phải kịp thời báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị (nếu có) liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đề nghị lãnh đạo các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trên địa bàn nắm bắt và chỉ đạo tốt nội dung nhiệm vụ này, góp phần thực hiện tốt các giải pháp ổn định thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn.

Khánh Hòa đấu giá nhà đất công, bổ sung ngân sách địa phương

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa đề nghị các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá một số nhà đất công sản tại những tuyến phố sầm uất ở thành phố Nha Trang, bổ sung ngân sách địa phương.

Đường Thống Nhất, thành phố Nha Trang có nhiều nhà, đất sẽ được bán đấu giá

Đường Thống Nhất, thành phố Nha Trang có nhiều nhà, đất sẽ được bán đấu giá

Từ đầu năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đưa ra đấu giá một số căn nhà tại trung tâm thành phố Nha Trang. Đây là những căn nhà có diện tích từ gần 100 m2 đến hơn 300 m2, tại những tuyến phố chính, sầm uất như đường Thống Nhất, đường Trần Quý Cáp, đường 2 tháng 4.

Trước đây, những căn nhà này được Nhà nước cho thuê để tổ chức các hoạt động dịch vụ, thương mại. Tỉnh Khánh Hòa bán đấu giá các công sản này nhằm mục đích bổ sung nguồn lực cho địa phương.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đấu giá cơ sở nhà đất đang gặp nhiều khó khăn vì yếu tố cung cầu của thị trường. UBND Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư phát triển phối hợp tổ chức hội nghị đối với các nhà đầu tư bất động sản, ngân hàng, doanh nghiệp có nhu cầu mua các cơ sở nhà đất. Qua đó, giới thiệu, xúc tiến các kỳ đấu giá thành công, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đầu tư 10.080 tỷ đồng làm dự án đốt rác phát điện ở Đa Phước TP.HCM

Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam đầu tư 420 triệu USD (10.080 tỷ đồng) làm dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, TP.HCM.

Đầu tư 10.080 tỷ đồng làm dự án đốt rác phát điện ở Đa Phước TP.HCM

Đầu tư 10.080 tỷ đồng làm dự án đốt rác phát điện ở Đa Phước TP.HCM

Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng.

Báo cáo ĐTM do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) chủ trì, hợp tác với đơn vị tư vấn là Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC) thực hiện.

Theo báo cáo ĐTM, Dự án được triển khai tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, diện tích khoảng 9 ha.

Công ty VWS dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày nằm ở phía Tây Nam của Khu liên hợp. Dự án sẽ bao gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có một tổ hợp (mỗi tổ hợp 2 lò đốt, công suất thiết kế 750 tấn/ngày/lò).

Với công suất thiết kế dự kiến, chủ đầu tư ước tính Dự án sẽ sản xuất được 46,06MW (sau khi khấu trừ điện tiêu thụ cho vận hành nội bộ và tổn thất) được đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Tổng mức đầu tư của Dự án ước tính 420 triệu USD, tương đương 10.080 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 30%, vốn vay ngân hàng chiếm 70%.

Đường sắt thiệt hại hơn 50 tỷ đồng do sạt lở hầm Bãi Gió

Trong 10 ngày xảy ra sạt lở hầm Bãi Gió, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) bị thiệt hại 50,4 tỷ đồng để khắc phục sự cố, chuyển tải hành khách bằng đường bộ.

Sạt lở trong hầm Bãi Gió

Sạt lở trong hầm Bãi Gió

Theo VNR, chi phí khắc phục sự cố là 3,6 tỷ đồng, thiệt hại trực tiếp 18,7 tỷ đồng và giảm doanh thu 28 tỷ đồng.

Hầm Bãi Gió sạt lở khiến tuyến đường sắt Bắc Nam bị gián đoạn, phải phong tỏa khu gian giữa ga Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và ga Đại Lãnh (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).

Trong 10 ngày, ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tải 30.100 hành khách bằng ôtô từ ga Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và ngược lại, phục vụ ăn uống miễn phí cho khách bị ảnh hưởng. Khoảng 11.700 vé bị khách trả lại do sự cố sạt lở.

Ngoài ra, nhiều chuyến tàu hàng phải ngừng chạy, hàng trăm nghìn tấn hàng phải chuyển tải bằng đường bộ. Nhiều hành khách và chủ hàng đã thay đổi vận chuyển tàu bằng phương tiện khác dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố bị giảm, chưa hồi phục như trước.

Ngày 12/4, khối đất đá khoảng 180 m3 sạt lở từ trần hầm Bãi Gió xuống đường ray khiến đường sắt Bắc Nam phải tạm dừng khai thác để sửa chữa. Hầm được thông tàu vào tối 21/4.

Bản đúc nổi trên Cửu đỉnh được công nhận di sản tư liệu thế giới

Những bản đúc nổi trên bảo vật quốc gia Cửu đỉnh ở Thế Tổ Miếu được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới, ngày 8/5.

Cửu đỉnh được trưng bày trong sân Thế Tổ Miếu

Cửu đỉnh được trưng bày trong sân Thế Tổ Miếu

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hồ sơ Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế đã được đưa vào Danh mục Ký ức thế giới tại Hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (UNESCO) tổ chức ở Mông Cổ.

Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh đồng lớn được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835, với hơn 20.000 kg đồng, chì, kẽm và hoàn thành năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời đến nay.

Cả 9 chiếc đỉnh đều có hình dáng giống nhau: Bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Mỗi chiếc đỉnh cao 2,3 - 2,5 m, thiết kế quai và chân riêng biệt. Trọng lượng mỗi đỉnh từ 3.200 kg đến hơn 4.300 kg. Trên thân đỉnh có các dòng ghi chú bằng chữ Hán về niên đại, trọng lượng và tên đỉnh, kèm hình tượng chạm nổi núi sông, văn vật nước Đại Nam thế kỷ 19.

Vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài đánh giá cao.

Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có 6 di sản thế giới, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế; Nhã nhạc, âm nhạc cung đình Việt Nam; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh.

TP.HCM sẽ làm tuyến đường 'mẫu' về không gian đô thị ở khu trung tâm

Đường Thái Văn Lung, Quận 1, dài 400 m, được đề xuất cải tạo, bổ sung các tiện ích hình thành tuyến phố kiểu mẫu về không gian đô thị, kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Phối cảnh đường Thái Văn Lung sau khi cải tạo

Phối cảnh đường Thái Văn Lung sau khi cải tạo

Phương án thí điểm cải thiện giao thông, không gian đường Thái Văn Lung vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM sau khi phối hợp với nhóm chuyên gia quy hoạch Nhật - Việt và các bên liên quan hoàn thiện. Việc cải tạo tuyến đường trên nhằm hình thành công trình mang dấu ấn văn hóa giao thông, văn minh đô thị, kiểu mẫu ở Thành phố.

Theo phương án thiết kế, phần mặt đường hiện hữu sẽ thu hẹp lại còn khoảng 5 m và nới rộng vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng bình quân 5 m. Cả vỉa hè và mặt đường đều được lát đá granite. Trên tuyến bố trí các điểm dừng xe đón trả khách; biển báo, bảng thông tin điện tử. Hệ thống cây xanh, chiếu sáng cũng sẽ được cải tạo, thay thế nhằm đồng bộ cảnh quan. Ngoài ra, các địa điểm kinh doanh dọc đường Thái Văn Lung sẽ được bố trí lại, kết hợp các công trình phụ trợ, tiện ích mang tính biểu tượng, nghệ thuật...

Sở Giao thông vận tải dự kiến các ngày trong tuần giữ nguyên phương án tổ chức giao thông trên đường Thái Văn Lung như hiện nay. Riêng thứ Bảy và Chủ nhật, tuyến sẽ chuyển thành phố đi bộ trong thời gian 19 - 23h, tương tự như đường Nguyễn Huệ.

Trong tổng kinh phí đầu tư, Sở Giao thông vận tải đề xuất ngân sách chi 24 tỷ đồng cải tạo mặt đường, vỉa hè, bổ sung các công trình tiện ích... Những hạng mục khác như cổng chào, thùng rác, cây xanh, chiếu sáng... có kinh phí khoảng 5,6 tỷ đồng thực hiện từ nguồn xã hội hoá. Dự kiến, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác trước ngày 30/4 năm sau.

Thanh toán không tiền mặt gấp 23 lần GDP

Theo Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần quy mô GDP, ước tính khoảng 250 triệu tỷ đồng.

Một giao dịch thanh toán bằng mã QR

Một giao dịch thanh toán bằng mã QR

Thông tin này được đại diện Ngân hàng Nhà nước nhắc tới tại sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024, sáng 8/5.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, nhiều chỉ tiêu trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng tiệm cận hoặc vượt mục tiêu đặt ra đến năm 2025.

Trong đó, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đã gấp 23 lần GDP. Với quy mô GDP năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, ước tính thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 9.890 tỷ USD (tương đương 250 triệu tỷ đồng).

Trước đó, theo đề án phát triển đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Như vậy, quy mô hiện nay đạt khoảng 90% kế hoạch.

Thực tế, người Việt ít giữ tiền trong ví hơn trước đây. Kết quả khảo sát của Visa hồi cuối tháng 3 cho thấy, thời gian trung bình người Việt không tiêu tiền mặt là 11 ngày liên tiếp trong tháng, tăng gần 4 lần so với năm 2022. Hơn một nửa số người Việt được hỏi (56%) cho biết họ ít mang tiền mặt hơn so với năm 2022, theo khảo sát của Visa.

Một tín hiệu khác trên thị trường cũng cho thấy, người Việt dần giảm nhu cầu rút tiền. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 1/2024, thị trường có 20.986 máy ATM, giảm gần 2% so với cùng kỳ 2023. Hiện tượng quá tải tại các ATM thường thấy vào dịp lễ, Tết không còn diễn ra.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng thực hiện bình quân 830.000 tỷ đồng mỗi ngày. Mỗi ngày hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch. Cùng đó, mạng lưới ATM, POS bao phủ khắp các tỉnh, thành phố. Việt Nam cũng hoàn thành kết nối thanh toán QR code xuyên biên giới với Thái Lan, Campuchia và sắp tới tại Lào.

Hiện, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, cao hơn mục tiêu vào năm 2025. Với các chỉ tiêu khác, tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân mỗi năm đạt trên 50%. Trong đó, giao dịch trên điện thoại tăng gấp đôi, còn kênh Internet gấp rưỡi. Tỷ lệ khách hàng dùng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 49%.

Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam bị cấp sai quy định

56.200 chứng chỉ IELTS của IDP được cấp vào năm 2022 là sai quy định, theo kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam bị cấp sai quy định

Hơn 56.000 chứng chỉ IELTS ở Việt Nam bị cấp sai quy định

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 8/5 công bố kết luận thanh tra việc liên kết tổ chức thi, cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài với Công ty TNHH Giáo dục IDP Việt Nam, trụ sở tại Quận 3, TP.HCM.

Cơ quan này cho rằng, ngày 17/11/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới cho phép IDP cùng các bên Việt Nam liên kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ, nhưng từ đầu năm đó, IDP đã làm việc này.

Từ 1/1 - 9/9/2022, Công ty đã tổ chức 458 đợt thi tại hơn 30 tỉnh, thành và cấp khoảng 46.600 chứng chỉ IELTS. Sau đó, từ 10/9 - 16/11/2022, Công ty tổ chức gần 100 đợt thi trực tiếp, cùng các kỳ thi trên máy tính ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, cấp thêm khoảng 9.600 chứng chỉ.

Tổng cộng, IDP đã cấp hơn 56.200 chứng chỉ IELTS trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Lệ phí thi thời điểm đó là 4,6 triệu đồng một lượt. Theo quy định, các chứng chỉ này sẽ không có giá trị khi xét tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển đại học.

Thanh tra Bộ đề nghị IDP rà soát toàn bộ hoạt động liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, đồng thời báo cáo Cục Quản lý chất lượng, đề xuất hướng xử lý đối với những chứng chỉ đã cấp khi chưa được phép.

Động thái của Bộ liên quan đến sự kiện hoãn thi IELTS ở Việt Nam hồi đầu tháng 11/2022. Theo Nghị định 86 năm 2018 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/8/2018), việc liên kết đào tạo và tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, Bộ mới ra thông tư hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ làm đề án, trình Bộ cấp phép. Nhiều bên không đáp ứng nên bị Bộ tuýt còi, phải đồng loạt dừng các kỳ thi IELTS, TOEFL, HSK (tiếng Trung), TOPIK (tiếng Hàn), NAT- TEST (tiếng Nhật)...

Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp cho rằng, việc ban hành thông tư chậm khiến các đơn vị tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ không thể nộp hồ sơ "do chưa có hướng dẫn cụ thể".

Việc này khiến hàng nghìn học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng vì chứng chỉ không được các đại học chấp nhận khi xét tuyển đầu vào hay công nhận chuẩn đầu ra để cấp bằng tốt nghiệp.

SJC đặt mục tiêu lãi cao nhất 6 năm

Theo kế hoạch kinh doanh năm nay, Công ty SJC đặt mục tiêu lãi hơn 70 tỷ đồng - mức cao nhất từ năm 2018, dù giảm gần 4.500 lượng vàng miếng.

Khách xếp hàng chờ mua vàng ở cửa hàng SJC

Khách xếp hàng chờ mua vàng ở cửa hàng SJC

Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đề ra kế hoạch doanh thu khoảng 30.145 tỷ đồng, giảm gần 1% so với kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, Công ty muốn có lãi 70,2 tỷ đồng, tăng thêm 24%.

Nếu thành công, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp SJC đạt doanh thu hơn tỷ USD và ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong 6 năm qua.

SJC dự phóng lãi sau thuế tăng lên dù họ có chủ trương giảm sản lượng. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này chỉ sản xuất gần 31.700 lượng vàng miếng (gia công và dập SJC móp), giảm gần 4.500 lượng so với chỉ tiêu của năm trước. Còn về nữ trang, chỉ tiêu đưa ra hơn hơn 444.900 món, giảm 22%.

Năm nay, SJC tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang. Công ty đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và kinh doanh nữ trang, mở rộng sang thị trường Đông Nam Á.

Thời gian tới, Công ty lên kế hoạch ra mắt những sản phẩm mới chế tác từ trầm hương, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồng hồ và kính mắt, kết hợp các công ty du lịch để đưa sản phẩm SJC tới khách trong và ngoài nước. Theo ban lãnh đạo SJC, hướng kinh doanh mới này sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách.

SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Nhiều năm qua, doanh nghiệp này đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. SJC nằm trong nhóm 27 doanh nghiệp mà nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không sở hữu sau cổ phần hóa.

Công ty là đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cho phép độc quyền sản xuất vàng miếng từ năm 2014 đến nay. Những năm gần đây, giá vàng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ.

Chuyên đề