Bản tin thời sự sáng 9/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là bệnh viện có thể được lấy báo giá trực tiếp mua thiết bị độc quyền; Việt Nam có hơn 7 triệu tài khoản chứng khoán; Hội An lùi việc thu phí toàn bộ du khách; nhà mạng Việt muốn dịch vụ OTT trả phí Internet; sẽ sắp xếp, sáp nhập ít nhất 52 huyện, hơn 1.000 xã trong giai đoạn 2023 - 2025…

Bệnh viện có thể được lấy báo giá trực tiếp mua thiết bị độc quyền

Bộ Y tế đang dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập. Theo đó, bệnh viện có thể được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua trang thiết bị y tế độc quyền hoặc để đảm bảo tương thích về công nghệ, bản quyền.

Theo quy định trước đây, bệnh viện phải tham khảo ba báo giá khi xác định giá gói thầu trang thiết bị y tế
Theo quy định trước đây, bệnh viện phải tham khảo ba báo giá khi xác định giá gói thầu trang thiết bị y tế

Dự kiến khi xây dựng giá gói thầu, nếu cùng chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất, bệnh viện giao hội đồng khoa học xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn. Trên cơ sở này, bệnh viện xác định giá gói thầu.

Giá gói thầu được xác định căn cứ vào giá thị trường tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp. Báo giá của các nhà cung cấp được lấy bằng cách gửi thông báo mời chào đến một trong các địa chỉ: cổng thông tin điện tử của bệnh viện; cổng thông tin mua sắm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cổng thông tin của Bộ Y tế; cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế; cổng kê khai giá trang thiết bị y tế.

Sau 10 ngày, bệnh viện căn cứ vào số báo giá nhận được để xây dựng giá gói thầu. Nếu chỉ có một hoặc hai nhà phân phối (hoặc doanh nghiệp) cung cấp báo giá, bệnh viện được sử dụng các báo giá này để xây dựng giá gói thầu…

Với các trang thiết bị y tế chỉ có một nhà phân phối (độc quyền) hoặc để đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ đơn vị khác, bệnh viện được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối.

Theo quy định trước đây, bệnh viện phải tham khảo ba báo giá khi xác định giá gói thầu trang thiết bị y tế. Đây là một trong những điểm nghẽn khiến nhiều bệnh viện không mua, không sửa được máy móc hiện đại.

Đầu tháng 3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30, cho phép bệnh viện thí điểm một số cơ chế mới mua sắm trang thiết bị y tế trong năm 2023. Thông tư của Bộ Y tế sẽ giúp các bệnh viện có cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm thiết bị y tế.

Việt Nam có hơn 7 triệu tài khoản chứng khoán

Thị trường chứng khoán vừa cán mốc 7 triệu tài khoản vào cuối tháng 3, nhưng tốc độ mở mới đang chậm lại đáng kể so với cách đây một năm.

Nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký gần 40.000 tài khoản trong tháng 3

Nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký gần 40.000 tài khoản trong tháng 3

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký gần 40.000 tài khoản trong tháng 3, đưa quy mô tài khoản giao dịch toàn thị trường lần đầu vượt mức 7,03 triệu. Con số này tương đương khoảng 7% dân số cả nước, vượt xa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều người mở hơn một tài khoản.

Tuy nhiên, tốc độ mở mới tài khoản tiếp tục chậm lại. Diễn biến này đã kéo dài từ tháng 7/2022, khi VN-Index giảm sâu từ vùng đỉnh 1.500 điểm xuống dưới 1.000 điểm.

Lượng mở mới trong tháng 3 giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Đây cũng là tháng thứ 6 liên tiếp thị trường không ghi nhận trên 100.000 tài khoản mới. Trong khi đó, ở những giai đoạn bùng nổ về điểm số và thanh khoản, cộng thêm các công ty chứng khoán liên tục ra chính sách hút nhà đầu tư mới, lượng đăng ký mỗi tháng thường dao động 200.000 - 450.000 tài khoản.

Thiếu vắng nhà đầu tư mới, còn nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn trước thận trọng hơn khiến thanh khoản thị trường giảm sâu. Giá trị khớp lệnh bình quân mỗi phiên trên sàn TP.HCM trong tháng 3 đạt 7.900 tỷ đồng, giảm 7% so với tháng trước và là mức thấp nhất một năm qua.

Một số chuyên gia cho rằng, lượng tài khoản giảm sâu phản ánh sự khó khăn nhất thời của thị trường chứng khoán. Về dài hạn, lượng tài khoản có thể tăng mạnh bởi điều kiện tiếp cận thị trường ngày càng được cải tiến, thu nhập tăng và nhu cầu phân bổ vốn đầu tư ra nhiều kênh khác nhau.

Hội An lùi việc thu phí toàn bộ du khách

Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam) yêu cầu nghiên cứu phương án nhận được đồng thuận cao mới áp dụng cho tất cả du khách.

Đường phố Hội An chật kín du khách từ 17h đến 21h mỗi ngày

Đường phố Hội An chật kín du khách từ 17h đến 21h mỗi ngày

Ngày 8/4, ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An cho biết, đã đề nghị UBND Thành phố chưa thực hiện phương án phân luồng và bán vé cho tất cả du khách vào phố cổ từ 15/5 như dự kiến.

Lý giải về việc này, ông Ánh cho biết, Hội An sẽ họp với người dân, các hộ kinh doanh để tìm giải pháp tối ưu, có sự đồng thuận cao nhất thì họp báo công khai rồi từng bước triển khai. Hiện việc phân luồng, cách quản lý kiểm soát sao để vừa chống thất thu, vừa tạo sự thoải mái cho du khách đang được nghiên cứu.

Ông Ánh cho biết thêm, thời điểm 15/5 chưa áp dụng vì chưa làm kịp. Hội An cần tham khảo thêm kinh nghiệm trong nước và thế giới để tìm phương án tối ưu, chỉ áp dụng với khách du lịch thực sự.

Hiện khách vào phố cổ Hội An muốn tham quan những điểm nhất định kèm thuyết minh mới phải mua vé, khách đi dạo phố và ăn uống được miễn phí. Giá vé khách quốc tế là 120.000 đồng và khách nội địa là 80.000 đồng một lượt.

Cầu Long Kiểng ở cửa ngõ TP.HCM hoàn thành vào tháng 9

Dự án cầu Long Kiểng mới trên đường Lê Văn Lương, vốn đầu tư 589 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 9 tới, giúp giảm ùn tắc ở cửa ngõ phía Nam TP.HCM.

Công trường cầu Long Kiểng

Công trường cầu Long Kiểng

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP - Chủ đầu tư) cho biết thông tin trên.

Cầu Long Kiểng mới dài gần một km (gồm cả cầu và đường dẫn), xây song song cầu cũ, nối hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Công trình khởi công tháng 8/2018, dự kiến hoàn thành sau hai năm. Tuy nhiên, cuối năm 2019, Dự án phải dừng vì không có mặt bằng. Sau gần 3 năm đình trệ, tháng 9 năm ngoái, địa phương hoàn tất đền bù, giao toàn bộ mặt bằng cho Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.

Theo ông Phúc, sau 6 tháng thi công trở lại, công trình hiện đạt 70% khối lượng, dự kiến hoàn thành dịp lễ Quốc khánh 2/9, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch. Hiện công trình chỉ còn một số vướng mắc liên quan đến di dời hệ thống lưới điện, dây thông tin... dọc tuyến.

Nhà mạng Việt muốn dịch vụ OTT trả phí Internet

Một số nhà mạng cho biết, họ phải đầu tư cho hạ tầng Internet, nhưng bị cạnh tranh bởi chính các dịch vụ trên mạng, nên cần được chia sẻ.

Hàng loạt ứng dụng OTT có tính năng nhắn tin, gọi điện được cài trên smartphone

Hàng loạt ứng dụng OTT có tính năng nhắn tin, gọi điện được cài trên smartphone

Theo ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, đang có sự dịch chuyển từ dịch vụ thoại và nhắn tin truyền thống sang các dịch vụ OTT. "OTT" là thuật ngữ để chỉ dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người dùng thông qua Internet, điển hình như các ứng dụng gọi điện, nhắn tin, xem truyền hình.

Theo ông Sơn, trong khi các doanh nghiệp viễn thông đang chứng kiến sự suy giảm lớn trong các dịch vụ như gọi điện thoại và SMS, những OTT nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, với một số OTT tăng trưởng ở mức hai con số. Trong sự dịch chuyển này, nhà mạng luôn đảm bảo hạ tầng cho các OTT phát triển, tuy nhiên lại không được chia sẻ về đầu tư hạ tầng. Gánh nặng cho nhà mạng trong đầu tư hạ tầng là vấn đề lớn.

Đồng quan điểm, ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết, các nhà mạng luôn cố gắng đầu tư hạ tầng viễn thông để đưa ngành phát triển cùng thế giới. Doanh thu của các nhà mạng thời gian qua có xu hướng giảm, trong khi các nền tảng xuyên biên giới hoạt động dựa trên hạ tầng được họ đầu tư lại tăng trưởng, nhưng không có sự chia sẻ.

Tại Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Cục Viễn thông cũng đề nghị đưa các dịch vụ OTT như Zalo, Telegram... vào diện quản lý. Theo Cục, những dịch vụ này có tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện, nhắn tin, nên cần được coi là dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet và cần quản lý theo Luật Viễn thông.

Tuy nhiên, việc quản lý mà Cục nhắc đến tập trung vào việc đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người dùng, chứ không nhắc đến việc chia sẻ doanh thu cho nhà mạng.

Sẽ sắp xếp, sáp nhập ít nhất 52 huyện, hơn 1.000 xã trong giai đoạn 2023 - 2025

Hiện có 52 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.037 đơn vị hành chính cấp xã có cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nằm trong diện đề nghị sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025.

Trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chỉ có 127 đơn vị có cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên

Trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chỉ có 127 đơn vị có cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt từ 100% trở lên

Ngày 8/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký tờ trình gửi Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Bộ Nội vụ đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định…

Bộ Nội vụ cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định...

Bộ Nội vụ cho biết, kết quả sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019 - 2021 tuy đã giảm được 8 huyện và 563 xã, nhưng đến nay đa số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Cụ thể, trong tổng số 705 đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, so với tiêu chuẩn quy định về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, chỉ có 127 đơn vị có cả 2 tiêu chuẩn đạt từ 100% trở lên.

Có 382 đơn vị có 1 tiêu chuẩn đạt từ 100% trở lên và 1 tiêu chuẩn chưa đạt 100%; 196 đơn vị có cả 2 tiêu chuẩn chưa đạt 100%; 89 đơn vị có 1 tiêu chuẩn chưa đạt 100% và 1 tiêu chuẩn chưa đạt 50%; 92 đơn vị có cả 2 tiêu chuẩn chưa đạt 80%. Đáng chú ý, 52 đơn vị có cả 2 tiêu chuẩn chưa đạt 70%, thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025…

Trong tổng số 10.599 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ có 2.438 có cả 2 tiêu chuẩn đạt từ 100% trở lên. Đáng chú ý, có 1.037 đơn vị có cả 2 tiêu chuẩn chưa đạt 70% thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2023 - 2025.

Long An có 5 chủ đầu tư chưa giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

Tại tỉnh Long An, trong 29 chủ đầu tư, có 13 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn 20% kế hoạch, trong đó có 5 chủ đầu tư chưa giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

TP. Tân An, tỉnh Long An

TP. Tân An, tỉnh Long An

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, tổng vốn đầu tư công thực hiện dự án đã giao của Tỉnh đến nay là 8.775,451 tỷ đồng. Tính đến ngày 29/3/2023, khối lượng thực hiện là 2.023,83 tỷ đồng, đạt 23,06% kế hoạch; giải ngân 1.982,199 tỷ đồng, đạt 22,59% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân 10,3% kế hoạch).

Trong đó, vốn huyện quản lý là 2.203,837 tỷ đồng, đến ngày 29/3/2023 khối lượng thực hiện và giải ngân là 354,638 tỷ đồng, đạt 16,09% kế hoạch.

Vốn Tỉnh quản lý là 6.571,614 tỷ đồng, đến ngày 29/3/2023 khối lượng thực hiện là 1.669,192 tỷ đồng, đạt 25,40%; giải ngân 1.627,560 tỷ đồng, đạt 24,77% kế hoạch.

Trong 29 chủ đầu tư, có 16 chủ đầu tư giải ngân trên 20% kế hoạch (trong đó, 1 chủ đầu tư đã giải ngân 100% kế hoạch là Công an Tỉnh); 13 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn 20% kế hoạch (trong đó có 5 chủ đầu tư chưa giải ngân là: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Y tế; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Liên đoàn Lao động Tỉnh).

Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An cho rằng, khó khăn lớn nhất của Tỉnh hiện nay là thiếu vốn bố trí để tiến hành chi trả ngay cho người dân Dự án Giải phóng mặt bằng ĐT.830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT.830) vì số vốn bố trí 800 tỷ đồng cho dự án này từ nguồn vốn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đang được Sở Tài chính hoàn chỉnh các thủ tục để phát hành.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa thực hiện dứt điểm giải phóng mặt bằng (chủ yếu do người dân chưa đồng thuận về giá) bàn giao cho đơn vị thi công hay việc giao mặt bằng không liên tục ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.

Công an TP.HCM đề nghị truy tố ông Diệp Dũng và 8 đồng phạm

Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Diệp Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và 8 đồng phạm về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Diệp Dũng khi còn đương chức

Ông Diệp Dũng khi còn đương chức

Ngày 8/4, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển qua Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp đề nghị truy tố Diệp Dũng, Võ Thành Trung, Tôn Thất Hào, Nguyễn Thành Nhân, Hồ Mỹ Hòa, Trần Trung Liệt, Hàng Thanh Dân, Nguyễn Thị Thùy Trang, Phạm Thị Minh Ngọc về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Saigon Co.op.

Việc điều tra bổ sung này nhằm làm rõ 5 nội dung trong vụ án mà VKSND TP.HCM yêu cầu.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra đã thu thập hồ sơ tài liệu, xác minh, ghi lời khai 41/56 người đại diện pháp luật của các công ty (cá nhân) tham gia góp vốn vào Saigon Co.op năm 2016.

Trong số này, có 4 cá nhân không có mặt tại địa phương nên không thể tiến hành ghi lời khai, 15 cá nhân còn lại có địa chỉ ngoài TP.HCM nên chưa tiến hành xác minh, ghi lời khai.

Cơ quan An ninh điều tra xác định số tiền 3.000 tỷ đồng mà 56 công ty tham gia góp vốn vào Saigon Co.op (huy động lần 1) có nguồn gốc từ Công ty Bất động sản Sài Gòn Vina (1.000 tỷ đồng), Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An (800 tỷ đồng), Công ty Thùy Dương Đức Bình (750 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Anh Anh Minh (150 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Phước Hùng Anh (150 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư phát triển Đô Thị Mới (150 tỷ đồng).

Theo kết luận điều tra, Công ty Bất động sản Sài Gòn Vina sử dụng hợp đồng hợp tác đầu tư ký với Công ty Thủy Dương Đức Bình, sử dụng hợp đồng hợp tác đầu tư ký với Công ty Đông Dương để làm tài sản thế chấp vay tiền từ ngân hàng; 4 công ty còn lại không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng hợp tác để làm tài sản thế chấp vay tiền do không tìm được hồ sơ, tài liệu.

Chuyên đề