Bản tin thời sự sáng 9/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá vàng trong nước xuống thấp nhất 5 tháng; dự án hóa dầu hơn 5 tỷ USD lo chậm tiến độ; khu công nghiệp tại Bạc Liêu báo cáo lấp đầy hơn 90% nhưng chỉ có hơn 1.600 công nhân; Cà Mau đề nghị hỗ trợ cung ứng nhiên liệu sẵn sàng mở đường bay đến Hà Nội; cổ phiếu cuối cùng trong 'họ FLC' bị đình chỉ giao dịch…

Giá vàng trong nước xuống thấp nhất 5 tháng

Giá vàng nhẫn giảm mạnh 350.000 đồng xuống 53,1 triệu đồng, vàng miếng SJC cũng hạ 250.000 đồng về mức thấp nhất 5 tháng qua.

Giá vàng miếng rơi xuống vùng thấp nhất 5 tháng, hiện chỉ được bán ra quanh ở mức 66,5 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng rơi xuống vùng thấp nhất 5 tháng, hiện chỉ được bán ra quanh ở mức 66,5 triệu đồng/lượng

Tính đến kết phiên giao dịch 8/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua vào đối với vàng miếng SJC ở mức 65,85 triệu đồng/lượng và giá bán ra là 66,55 triệu đồng/lượng. So với cuối ngày 7/3, giá giao dịch mặt hàng này đã giảm 150.000 đồng ở cả hai chiều mua - bán.

Không chỉ đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp của giá vàng miếng SJC trong nước, phiên giảm ngày 8/3 cũng đã đưa giá giao dịch mặt hàng này rơi xuống vùng thấp nhất 5 tháng qua (kể từ tháng 10 năm ngoái).

Nếu so với cách đây một tháng, giá vàng miếng SJC đã giảm gần 1 triệu đồng một lượng.

Giá kim loại quý tại các nhà kinh doanh vàng như PNJ, DOJI cũng chung xu hướng, hạ về 65,8 - 66,5 triệu đồng trong sáng 8/3.

Với nhẫn tròn trơn, vốn là mặt hàng được nhiều người quan tâm, giá còn điều chỉnh mạnh hơn. Tại PNJ, giá mua bán vàng nhẫn giảm 350.000 đồng cả hai chiều, xuống 53,1 - 54,1 triệu đồng. So với đầu tháng 2, mỗi lượng vàng nhẫn đã giảm 1,5 - 1,7 triệu đồng một lượng.

Dự án hóa dầu hơn 5 tỷ USD lo chậm tiến độ

Chủ đầu tư Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam lo nguy cơ bị chậm tiến độ, phát sinh chi phí nếu vướng mắc về các ưu đãi đầu tư, chủ yếu là thuế, không được xử lý.

Phối cảnh Nhà máy Lọc dầu Long Sơn khi đi vào hoạt động

Phối cảnh Nhà máy Lọc dầu Long Sơn khi đi vào hoạt động

Lo ngại này được Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn nêu trong văn bản gửi các Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính, liên quan tới duy trì các ưu đãi đầu tư của Dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Dự án này có tổng vốn 5,4 tỷ USD, hiện đã hoàn thành các hạng mục thành phần và bước vào giai đoạn cuối để khởi động các nhà máy, tiến tới vận hành toàn bộ trong năm nay. Tuy nhiên, ba ưu đãi đầu tư của Dự án được cấp trong Giấy chứng nhận đăng ký vẫn chưa được cơ quan quản lý xác nhận, hướng dẫn.

Các ưu đãi này gồm thuế suất nhập khẩu 0% trong 30 năm từ ngày sản xuất với nguyên liệu chính như propan, butan, naphtha, muối công nghiệp, than đá - loại trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng khối lượng, chất lượng.

Dự án cũng được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) 3% với các sản phẩm PP, PE, xút, VCM trong 10 năm từ ngày vận hành thương mại. Trường hợp Chính phủ áp dụng thuế suất nhập khẩu dưới mức ưu đãi trên, Dự án không được bù thuế.

Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp cho Tổ hợp Hóa dầu miền Nam là 10% trong 30 năm từ khi có doanh thu; miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo từ khi có thu nhập chịu thuế.

Các ưu đãi này đã được nêu trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần 6 (năm 2020) điều chỉnh mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư và tiến độ đầu tư giai đoạn 2019 - 2022. Theo Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn, gần 3 năm, việc xem xét các ưu đãi đầu tư vẫn chưa được cơ quan quản lý hoàn thành.

Ưu đãi thuế nhập khẩu 0% với nguyên liệu chính là quan trọng nhất để doanh nghiệp nhập các nguyên liệu nhằm khởi động, vận hành nhà máy. Theo kế hoạch, các nguyên liệu nhập khẩu này phải được giao vào tháng 2/2023 và doanh nghiệp cần xác nhận đơn hàng trước đó từ 1 - 2 tháng. Do chưa có xác nhận từ cơ quan quản lý nên việc triển khai bị ngừng trệ…

Khu công nghiệp tại Bạc Liêu báo cáo lấp đầy hơn 90% nhưng chỉ có hơn 1.600 công nhân

Khu công nghiệp (KCN) Trà Kha (địa chỉ tại Phường 8, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) được thành lập gần 20 năm nay, nhưng đến nay chỉ có 1.612 công nhân. Số công nhân này thậm chí còn ít hơn một doanh nghiệp nằm ngoài KCN.

Khu công nghiệp Trà Kha theo báo cáo là đã lấp đầy trên 90%, nhưng chỉ có 1.612 lao động làm việc

Khu công nghiệp Trà Kha theo báo cáo là đã lấp đầy trên 90%, nhưng chỉ có 1.612 lao động làm việc

KCN Trà Kha có tổng diện tích 65 ha, trong đó đất công nghiệp cho thuê 44,1122 ha. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh (đạt 100% khối lượng); hiện chủ đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Trà Kha.

Tổng số dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) trong KCN Trà Kha là 25 dự án (gồm các ngành nghề sản xuất bia, bao bì, may mặc, phân bón, gạch không nung, cơ khí công nghệ cao,…), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.850,54 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã cho thuê là 43,722/44,1122ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 99,16%. Trong đó, 19 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; 3 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng và lắp đặt thiết bị và 3 dự án đang chuẩn bị xây dựng.

Dù báo cáo đã lấp đầy KCN Trà Kha, nhưng thực tế việc xây dựng nhà máy, nhà xưởng chậm, một số doanh nghiệp khởi công rồi để đó. Nghĩa là chỉ lắp đầy trên cơ sở đăng ký kinh doanh, còn ngoài thực địa vẫn còn nhiều bãi đất trống.

Cà Mau đề nghị hỗ trợ cung ứng nhiên liệu sẵn sàng mở đường bay đến Hà Nội

Việc đảm bảo cung ứng nhiên liệu bay là một trong những điều kiện tiên quyết để đưa vào khai thác đường bay Cà Mau đi Hà Nội và ngược lại.

Cà Mau dự kiến mở chuyến bay đi Thủ đô Hà Nội và ngược lại trong dịp 30/4

Cà Mau dự kiến mở chuyến bay đi Thủ đô Hà Nội và ngược lại trong dịp 30/4

Ngày 8/3, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex về việc hỗ trợ sớm khai thác đường bay Cà Mau đi Hà Nội và ngược lại.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong tháng 2/2023, tỉnh này đã có cuộc làm việc với các đơn vị chức năng về công tác chuẩn bị mở đường bay Cà Mau đi Hà Nội và ngược lại.

Các bên đã thống nhất phối hợp đảm bảo các điều kiện để khai thác đường bay vào dịp lễ 30/4 tới đây. Kế hoạch dự kiến bay kỹ thuật vào ngày 20/4.

UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, việc đảm bảo cung ứng nhiên liệu bay là một trong những điều kiện tiên quyết để đưa vào khai thác đường bay này.

Do đó, Cà Mau đề nghị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, có phương án cung ứng nhiên liệu bay phù hợp, đảm bảo điều kiện để kịp thời đưa vào khai thác đường bay vào thời gian trên.

Tỉnh Cà Mau cũng cam kết sẽ phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Hiện tại, Cảng hàng không Cà Mau chỉ khai thác mỗi ngày một tuyến bay từ Cà Mau đến TP.HCM và ngược lại, với tàu bay cỡ nhỏ, đạt 35.000 - 40.000 lượt khách/năm.

Đề xuất dỡ bỏ vòng xoay ở trung tâm Sài Gòn

Cảnh sát giao thông (CSGT) TP.HCM đề xuất nghiên cứu dỡ bỏ vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ, Quận 1, để tổ chức giao thông cho xe theo đèn tín hiệu đi qua giao lộ.

Vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ

Vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm - Điện Biên Phủ

Kiến nghị nêu trong công văn Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an TP.HCM vừa gửi Sở Giao thông vận tải, sau khi đánh giá tình hình kẹt xe ở khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm đang phức tạp.

Khu vực trên là điểm giao cắt của hai tuyến đường lớn Điện Biên Phủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, kết nối giao thông giữa cửa ngõ phía Đông với trung tâm TP.HCM. Vòng xoay được xây dựng tại đây hơn 10 năm trước, đường kính khoảng 60 m, đang trồng nhiều cây xanh. Giữa vòng xoay có tháp đồng hồ 4 mặt, cao khoảng 16 m, được xem là biểu tượng ở nút giao. Hiện, khu vực không có đèn tín hiệu giao thông mà cho xe chạy theo vòng xoay để quay đầu, vào đường xung quanh.

Theo PC08, lượng xe qua khu vực trên tập trung đông nên vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm đang thường xuyên ùn ứ, đặc biệt là giờ cao điểm sáng và chiều. Do vậy, đơn vị đề xuất tổ chức giao thông theo đèn tín hiệu, đồng thời kéo dài dải phân cách trên đường Điện Biên Phủ về nút giao để hạn chế xe máy chạy ngược chiều và quay đầu.

Trước đề xuất trên, đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, các đơn vị đang nghiên cứu, trong đó sẽ dựa theo mô hình mô phỏng lưu lượng xe chạy qua để lựa chọn phương án phù hợp. Trước đây, vòng xoay được xây dựng nhằm tổ chức giao thông theo dạng ngã 5, vì ngoài đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Bỉnh Khiêm, nút giao còn nhánh rẽ qua tuyến Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc.

Cổ phiếu cuối cùng trong 'họ FLC' bị đình chỉ giao dịch

KLF trở thành cổ phiếu cuối cùng trong "họ FLC" bị đình chỉ giao dịch. Quyết định có hiệu lực từ ngày 14/3.

KLF trở thành cổ phiếu cuối cùng trong "họ FLC" bị đình chỉ giao dịch.

KLF trở thành cổ phiếu cuối cùng trong "họ FLC" bị đình chỉ giao dịch.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ban hành quyết định đưa cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF) vào diện bị đình chỉ giao dịch.

Cụ thể, do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét quá thời hạn 6 tháng so với quy định, KLF chính thức bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 14/3. Doanh nghiệp sẽ phải giải trình nguyên nhân, đồng thời đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch và công bố thông tin.

Hồi tháng 10/2022, KLF từng bị liệt vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét quá 45 ngày so với quy định.

KLF là cổ phiếu cuối cùng trong “họ FLC” không còn được giao dịch. Gần nhất cổ phiếu mã AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC cũng bị rơi vào diện đình chỉ giao dịch với lý do chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2022 quá 6 tháng.

Các mã thuộc “họ FLC” bị đình chỉ giao dịch còn có FLC, HAI, ART, GAB. Mã ROS bị hủy niêm yết. Cổ phiếu FLC sau khi bị HoSE hủy niêm yết đã được giao dịch trên sàn UPCoM nhưng cũng bị HNX đình chỉ giao dịch ngay sau đó. Nguyên nhân chịu phạt của các mã đều liên quan đến vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Giá thép tăng liên tiếp

Nhu cầu tiêu thụ ảm đạm nhưng các doanh nghiệp liên tục nâng giá thép, có loại vượt 17,5 triệu đồng một tấn khi chịu áp lực đầu vào.

Các doanh nghiệp liên tục nâng giá thép

Các doanh nghiệp liên tục nâng giá thép

Từ đầu năm đến nay, giá thép đã có khoảng 5 - 6 lần điều chỉnh đồng loạt. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, bình quân giá thép vào cuối tháng 2 tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 8%.

Theo số liệu của Steel Online - đại lý toàn quốc của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoie, Pomina - giá thép Hòa Phát đang ở mức 15,96 triệu đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và 15,84 triệu đồng một tấn với thép D10 CB300. Các thương hiệu như thép Việt Ý, Việt Đức, Thép Miền Nam, Việt Nhật cũng bán quanh 16 triệu đồng một tấn. Riêng Pomina, từ giữa tháng 2 đã nâng giá bán loại CB240 lên 17,57 triệu đồng một tấn và D10 CB300 lên 17,6 triệu đồng một tấn.

Nếu cứ tiếp tục điều chỉnh, giá vật liệu này chỉ còn cách đỉnh hồi giữa tháng 5/2022 khoảng 1,5 triệu đồng một tấn. Mặt bằng giá thép hiện đã cao hơn rất nhiều mức trung bình 12,5 triệu đồng trước đợt tăng nóng kéo dài từ tháng 3/2022 đến đầu tháng 5/2022.

VSA cũng nêu lý do nguyên liệu đầu vào tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước nâng giá bán để giảm lỗ.

Steel Online dự đoán, tiêu thụ thép thời gian tới sẽ chậm lại khi các dự án dân dụng khởi động rất ít do kinh tế vĩ mô. Động lực của năm 2023 và 2024 chủ yếu dựa vào vốn đầu tư công và vốn FDI. Tuy nhiên, rủi ro chậm triển khai của nhóm này vẫn còn lớn.

Dự đoán về diễn biến thời gian tới, đại diện Steel Online cho rằng, giá thép nhiều khả năng sẽ đi ngang. Một số nhà máy đã khởi động lại các lò luyện phôi nên tình trạng khan hiếm có thể chấm dứt vào gần cuối quý II.

Cần Thơ tính xây khu hành chính mới năm 2025

Văn phòng UBND TP. Cần Thơ vừa ra thông báo kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Dương Tấn Hiển tại buổi họp về tình hình triển khai thực hiện Dự án Khu hành chính TP. Cần Thơ (tại quận Cái Răng).

Trụ sở UBND TP. Cần Thơ hiện tại

Trụ sở UBND TP. Cần Thơ hiện tại

Theo đó, Phó Chủ tịch TP. Cần Thơ thống nhất công trình phải qua thi tuyển thiết kế để đảm bảo về mặt kiến trúc. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố sẽ làm chủ đầu tư, tập trung các bước chuẩn bị; triển khai xây hạ tầng kỹ thuật khu hành chính trong năm 2024; khởi công công trình trong năm 2025. Sở Xây dựng cần phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 khu Trung tâm văn hóa Tây Đô, có cập nhật khu hành chính thành phố.

Trước đó, đầu năm 2022, TP. Cần Thơ thống nhất phương án quy hoạch xây dựng khu hành chính gồm các khối nhà cao tầng đủ 1.300 cán bộ, nhân viên; trung tâm hội nghị đa năng sức chứa 1.000 - 1.200 người. Phương án này thay thế cho dự án 22 tầng được Thành phố quy hoạch năm 2022. Vốn đầu tư của khu hành chính khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó 1.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương, còn lại địa phương đối ứng từ tiền đấu giá các trụ sở cũ.

Thanh Hóa xem xét chi 300 tỷ đồng xử lý tài liệu tồn đọng

Ngày 8/3, lãnh đạo Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự thảo Đề án Chỉnh lý dứt điểm tài liệu tồn đọng tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn Tỉnh và số hóa tài liệu tại lưu trữ lịch sử giai đoạn 2023 - 2025 đang được UBND Tỉnh xem xét phê duyệt.

Hồ sơ tài liệu của Ban giao thông Thanh Hoá trước vụ mất trộm không được bảo quản, lưu trữ đúng quy định

Hồ sơ tài liệu của Ban giao thông Thanh Hoá trước vụ mất trộm không được bảo quản, lưu trữ đúng quy định

Theo tính toán, các địa phương cần khoảng 304 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện hai phần việc: chỉnh lý tài liệu tồn đọng và số hóa tại kho lưu trữ lịch sử Tỉnh. Dự toán kinh phí chỉnh lý tài liệu tại 20 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 27 huyện thị, thành phố tiêu tốn hơn 256 tỷ đồng. Dự án số hóa lưu trữ lịch sử sẽ mất hơn 47 tỷ đồng.

Theo khảo sát của Chi cục Văn thư lưu trữ Tỉnh, 47 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các huyện thị, thành phố (chưa kể cấp xã, phường, thị trấn) đang tồn đọng hơn 29.000 m tài liệu không được phân loại, bảo quản đúng quy định của Luật Lưu trữ.

Chi cục trưởng Văn thư lưu trữ tỉnh Thanh Hóa Đỗ Văn Chính cho biết, Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 xử lý dứt điểm tài liệu tồn đọng tại các cơ quan nhà nước cấp huyện trở lên. Mục tiêu của Đề án nhằm phân loại khoa học, quản lý thống nhất và sử dụng hiệu quả tài liệu lưu trữ. Việc chuyển đổi phương thức lưu trữ truyền thống sang lưu trữ điện tử, xây dựng công cụ tra cứu hiện đại...

Vừa qua, Thanh Hóa xảy ra một vụ án hy hữu khi một nữ cán bộ công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông lén bán 60 thùng hồ sơ cho người buôn phế liệu lấy 9 triệu đồng. Ngày 7/3, bị can Lê Thùy Linh đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thanh Hóa khởi tố về tội Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Chuyên đề