Bản tin thời sự sáng 9/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ; bốt Hàng Đậu - công trình cổ 129 năm tuổi của Hà Nội sắp được mở cửa; xây nút giao 1.800 tỷ đồng trên Quốc lộ 5; Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông Việt Nam…

Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Trong báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, đồng thời đưa ra nhận xét tích cực đối với kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam.

Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tại báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Mỹ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Mỹ trên cơ sở 3 tiêu chí: thặng dư thương mại song phương với Mỹ; thặng dư cán cân vãng lai; và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa 6 nền kinh tế vào danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam vượt ngưỡng 2 tiêu chí là thặng dư thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ với Mỹ (đạt 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD) và thặng dư cán cân vãng lai (đạt 19 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP, vượt ngưỡng 3% GDP).

Trong thời gian qua, tại các cuộc làm việc song phương với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, do đã thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.

Tại Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, Mỹ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam, trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Bốt Hàng Đậu - công trình cổ 129 năm tuổi của Hà Nội sắp được mở cửa

Không gian bên trong tháp nước Hàng Đậu (Hà Nội) sẽ được cải tạo, tổ chức trưng bày để người dân đến tham quan từ ngày 17/11 - 31/12.

Sắp mở cửa Bốt Hàng Đậu để người dân tham quan

Sắp mở cửa Bốt Hàng Đậu để người dân tham quan

Kế hoạch trên nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, do Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức.

Theo đó, sau nhiều năm gần như không được sử dụng, tháp nước Hàng Đậu sẽ được các kiến trúc sư, chuyên gia cải tạo, tổ chức trưng bày không gian sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu.

Tháp nước Hàng Đậu (tên thường gọi là bốt Hàng Đậu) nằm tại ngã 6 giao giữa các phố: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội).

Công trình được xây dựng vào năm 1894, là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội do người Pháp xây dựng nhằm phục vụ việc cung cấp nước sạch cho binh lính và công dân của họ trong thời gian Pháp đô hộ tại Hà Nội, cùng với việc xây dựng Nhà máy nước Yên Phụ.

Tháp nước Hàng Đậu có hình trụ tròn, đường kính 19 m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250 m3, nằm trên đỉnh 8 bức tường đá.

Hệ thống đường ống dẫn lên, xuống với những chiếc van bằng sắt vẫn nguyên vẹn, phủ đầy bụi. Đến nay, tháp cơ bản vẫn giữ được hiện trạng như ban đầu, nhưng 17 cửa sổ ở tầng một đã được bịt kín.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 với chủ đề "Dòng chảy" sẽ diễn ra trong các ngày 17 - 26/11.

Ngoài di sản tháp nước Hàng Đậu, nhiều công trình khác cũng sẽ được thiết kế thành không gian nghệ thuật sáng tạo như cầu Long Biên; di sản Công nghiệp Nhà máy xe lửa Gia Lâm...

Xây nút giao 1.800 tỷ đồng trên Quốc lộ 5

Nút giao kết nối Quốc lộ 17B với Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Phối cảnh nút giao sắp được xây dựng trên quốc lộ 5

Phối cảnh nút giao sắp được xây dựng trên quốc lộ 5

Theo quyết định chủ trương đầu tư dự án của HĐND tỉnh Hải Dương ban hành ngày 6/11, nút giao được xây dựng ở xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành và xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn.

Tổng mức đầu tư Dự án hơn 1.860 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách tỉnh Hải Dương trong nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025.

Nút giao có cầu vượt trên Quốc lộ 5, kết cấu bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực. Mặt cắt ngang cầu gồm cầu chính hình vòng xuyến với chiều rộng khoảng 19 m, bề rộng 4 nhánh cầu dẫn kết nối với Quốc lộ 5 khoảng 7 m, bề rộng 4 nhánh cầu dẫn kết nối phía Kinh Môn và Kim Thành khoảng 11 m.

Phần đường dẫn tại Quốc lộ 5 thiết kế theo nguyên tắc đảm bảo quy mô làn xe như hiện tại. Đường dẫn kết nối phía Kinh Môn và Kim Thành theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng.

Trung Quốc ngưng nhập tôm hùm bông Việt Nam

Trung Quốc - thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam - ngưng nhập sản phẩm này từ Việt Nam và đến nay chưa công bố rõ nguyên nhân.

Tôm hùm bông nuôi ở Phú Yên

Tôm hùm bông nuôi ở Phú Yên

Trong văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Hội nghề cá các tỉnh, thành, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết một số cơ sở xuất khẩu và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên phản ánh Trung Quốc dừng nhập khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus). Tương tự, các hộ nuôi trồng tôm hùm bông ở Khánh Hòa cũng cho biết, Trung Quốc ngưng mua từ tháng 10 đến nay.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.

Mỗi kg tôm hùm bông đang được các hộ nuôi bán với giá 1 - 1,3 triệu đồng, giảm một nửa so với cách đây hai tháng. Mức này giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là sức tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh.

Để xác minh và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, trong tháng 9, Bộ đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Cục Hải quan Nam Ninh (Tổng cục Hải quan Trung Quốc). Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan nước này đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam nhưng chưa thu xếp làm việc theo đề xuất của Bộ.

Trong khi chờ phản hồi từ Trung Quốc, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường kiểm soát chất lượng tôm hùm giống, phòng trị bệnh; hướng dẫn đăng ký nuôi lồng bè và bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng kế hoạch. Đồng thời, Cục khuyến cáo người dân lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp, trong đó, giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh và thu hoạch vào thời điểm thích hợp. Cơ quan này cũng yêu cầu tổ chức xây dựng chuỗi liên kết tôm hùm chất lượng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc.

BIDV hoàn trả 270 tỷ đồng cấn nợ từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp

Theo đó, số tiền này được hoàn trả vào đầu tháng 11 và BIDV đã có văn bản thông báo việc này với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Bộ Tài chính cho biết, BIDV Long Biên đã trả lại gần 270 tỷ đồng cấn nợ từ quỹ bình ổn giá xăng dầu của Hải Hà

Bộ Tài chính cho biết, BIDV Long Biên đã trả lại gần 270 tỷ đồng cấn nợ từ quỹ bình ổn giá xăng dầu của Hải Hà

Ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Long Biên đã trả lại số tiền gần 270 tỷ đồng cấn nợ từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà.

Theo đó, số tiền này được hoàn trả vào đầu tháng 11 và BIDV đã có văn bản thông báo việc này với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Trước đó, cuối tháng 5/2023, BIDV chi nhánh Long Biên đã thực hiện cấn nợ gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu do Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà trích lập, được mở tại ngân hàng này.

Ngay sau đó, ngày 5/6, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã gửi công văn đến BIDV Long Biên đề nghị ngân hàng này trả lời bằng văn bản về khoản tiền tự động trích thu nợ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cấn trừ nợ từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu là không đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Ngay khi sự việc của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà xảy ra, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp, chỉ đạo vấn đề này. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ vấn đề này.

Dragon Capital Việt Nam bị xử phạt 125 triệu đồng

Dragon Capital Việt Nam bị xử phạt do vi phạm quy định về hạn chế đối với nhân viên làm việc tại công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Dragon Capital Việt Nam bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đối với nhân viên làm việc tại công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Ảnh minh họa

Dragon Capital Việt Nam bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế đối với nhân viên làm việc tại công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (Dragon Capital Việt Nam).

Theo đó, Dragon Capital Việt Nam bị phạt 125 triệu đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ do vi phạm quy định về hạn chế đối với nhân viên làm việc tại công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 9 - 12/2022, các giao dịch chứng khoán của nhân viên Công ty không được báo cáo đầy đủ cho bộ phận kiểm soát nội bộ trước và ngay sau giao dịch.

Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (có địa chỉ tại Tầng 15, Tòa nhà Mê Linh Point, 02 Ngô Đức Kế, Quận 1, TP.HCM) được thành lập bởi hai tổ chức tài chính hàng đầu Việt Nam là Dragon Capital và Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam, có vốn điều lệ hơn 311 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, tổng quy mô tài sản mà Dragon Capital Group đang quản lý đến nay là hơn 77.000 tỷ đồng (gần 4 tỷ USD). Công ty có dịch vụ sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu cho cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

24 tuyến xe buýt ở Hà Nội được thí điểm vé điện tử từ ngày 15/11

Thay vì thanh toán tiền mặt, nhận lại vé giấy, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thanh toán điện tử trên 24 tuyến xe buýt.

Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thanh toán điện tử trên 24 tuyến xe buýt từ ngày 15/11

Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thanh toán điện tử trên 24 tuyến xe buýt từ ngày 15/11

Dự kiến từ ngày 15/11, Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội thực hiện triển khai thí điểm hệ thống vé liên thông đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố.

Loại hình được chọn triển khai đầu tiên là xe buýt (gồm có xe buýt thường, xe buýt nhanh và xe buýt điện).

Nội dung và phạm vi thí điểm áp dụng trên vé lượt, vé tháng 1 tuyến, vé tháng liên tuyến đang áp dụng trên với 24 tuyến xe buýt đang chở khách của thành phố.

Theo đó, từ thời gian nói trên, hành khách đi lại bằng vé lượt, vé tháng 1 tuyến và vé tháng liên tuyến trên 24 tuyến xe buýt thí điểm, gồm các tuyến buýt: Buýt nhanh - BRT; 02; 08; 21; 32; 58; 64; 65; 74; 103; 142; 143; 146; 157; 159; buýt điện E01; E02; E03; E04; E05; E06; E07; E08; E09 sẽ được sử dụng vé thanh toán điện tử.

Sau việc thí điểm thanh toán điện tử trên 24 tuyến buýt, dự kiến, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội sẽ tiếp tục thí điểm hệ thống vé điện tử kết nối liên thông với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Bắt cán bộ trung tâm đăng kiểm ở Kiên Giang làm khống hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới

Đặng Phi Long cùng với nhóm thi công, cải tạo của Công và Lộc đã làm khống 49 hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới sau khi cải tạo, bán hồ sơ thiết kế, bỏ qua những lỗi trong quá trình đăng kiểm để kết luận các phương tiện trên đều “Đạt” khi đăng kiểm.

Từ trái sang: 3 đối tượng Long - Công - Lộc bị khởi tố, trong đó, Long và Công bị tạm giam 4 tháng, Lộc bị cấm đi khởi nơi cư trú
Từ trái sang: 3 đối tượng Long - Công - Lộc bị khởi tố, trong đó, Long và Công bị tạm giam 4 tháng, Lộc bị cấm đi khởi nơi cư trú

Ngày 8/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang (Phòng Cảnh sát kinh tế) phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Kiên Giang đã thực hiện lệnh bắt tạm 4 tháng đối với Đặng Phi Long (ngụ xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận); Đặng Văn Công (ngụ xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) về tội Giả mạo trong công tác (theo khoản 4, điều 159, Bộ luật Hình sự).

Đồng thời, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Lộc (ngụ phường An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) với cùng tội danh nói trên.

Theo kết quả điều tra, Đặng Phi Long là Đăng kiểm viên bậc cao của Trung tâm Đăng kiểm 68.01S, là người trực tiếp thẩm định hồ sơ đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đối với xe cải tạo có thiết kế và miễn thiết kế. Nguyễn Văn Công là kỹ sư cơ khí, Nguyễn Văn Lộc làm nghề kinh doanh sửa chữa xe. Do là đăng kiểm viên nên Long biết được việc đăng kiểm xe có thiết kế và miễn thiết kế là bắt buộc phải có hồ sơ kiểm định, Long móc nối với Công và Lộc để làm khống hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới để bán.

Từ tháng 12/2021 đến ngày bị bắt, Đặng Phi Long cùng với nhóm thi công, cải tạo của Công và Lộc đã làm khống 49 hồ sơ nghiệm thu xe cơ giới sau khi cải tạo. Riêng Long đã nhận của 6 chủ phương tiện với số tiền trên 86 triệu đồng để bán hồ sơ thiết kế, bỏ qua những lỗi trong quá trình đăng kiểm để kết luận các phương tiện trên đều “Đạt” khi đăng kiểm.

Khám xét nơi làm việc và nơi ở của Long và Công, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến việc thực hiện hành vi phạm tội.

Chuyên đề