Bản tin thời sự sáng 9/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất công khai người bỏ cọc đấu giá đất; 134 doanh nghiệp nhà nước lỗ hơn 115.000 tỷ đồng; giá vàng miếng lên 85 triệu đồng; TP.HCM giữ nguyên hạn mức công nhận đất ở…

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất công khai người bỏ cọc đấu giá đất

Để tránh tình trạng thổi giá, trục lợi thông qua đấu giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương công khai thông tin người bỏ cọc.

Khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội hồi tháng 8

Khu đất đấu giá tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội hồi tháng 8

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản diễn ra chiều 8/10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến tình hình đấu giá đất thời gian qua.

Theo ông Lê Minh Ngân, việc lập, công khai quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch đã tạo điều kiện để các đối tượng đầu cơ đất đai. Các địa phương thiếu sự chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.

Thậm chí, sau khi đấu giá, một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc, gây dư luận không tốt tại một số địa phương.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng cho biết, có địa phương sử dụng bảng giá đất chưa điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế, dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm chênh lệch lớn. Mức giá khởi điểm thấp đã thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.

"Qua nắm bắt tình hình nêu trên cho thấy những vấn đề nổi lên trong thời gian qua xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt ở một số địa phương", ông Lê Minh Ngân nói.

Từ thực tế này, Thứ trưởng Lê Minh Ngân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các địa phương khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất.

Đặc biệt, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất giải pháp công khai đối tượng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.

134 doanh nghiệp nhà nước lỗ hơn 115.000 tỷ đồng

Tính đến cuối 2023, 134 doanh nghiệp có vốn Nhà nước lỗ lũy kế 115.270 tỷ đồng (khoảng 4,6 tỷ USD), theo báo cáo của Chính phủ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục lỗ 26.700 tỷ đồng năm 2023, tăng 29% so với khoản lỗ một năm trước đó

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục lỗ 26.700 tỷ đồng năm 2023, tăng 29% so với khoản lỗ một năm trước đó

Thông tin nêu tại báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình tài chính, sản xuất - kinh doanh năm 2023 của 671 doanh nghiệp nhà nước. Số này gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ và 198 đơn vị có trên 50% vốn Nhà nước.

Theo đó, 134 doanh nghiệp còn lỗ lũy kế, tổng cộng 115.270 tỷ đồng, tương đương 4,6 tỷ USD (tính theo tỷ giá quy đổi ngày 8/10) tới cuối năm ngoái. Mức lỗ lũy kế này gấp 1,7 lần so với ghi nhận cuối năm 2022 (gần 69.900 tỷ đồng).

Trong đó, 72 doanh nghiệp lỗ phát sinh hơn 33.700 tỷ đồng. Chẳng hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục lỗ 26.700 tỷ đồng năm 2023, tăng 29% so với khoản lỗ một năm trước đó. Số này cao hơn mức ước tính của Bộ Công Thương trước đó (17.000 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu do tập đoàn này phải huy động các nguồn phát giá cao, chi phí sản xuất tăng, trong khi giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp.

Số các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải chưa phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Trong đó, Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) lỗ hơn 8.850 tỷ đồng trong hai năm (2022 - 2023). Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 8.377 tỷ đồng.

2023 cũng là năm rất khó khăn với ngành xi măng do sản lượng, giá bán giảm. Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) lỗ 1.078 tỷ đồng trong năm này. Cùng với đó, 6 công ty con và 2 đơn vị liên doanh sản xuất xi măng cũng lỗ. Trước đó, năm 2022, hầu hết các công ty này đều có lãi (chỉ riêng Xi măng Hạ Long bị lỗ).

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có lãi trên 5.000 tỷ đồng chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty. Chẳng hạn, trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lãi trước thuế gần 56.400 tỷ đồng; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lãi sau thuế 6.329 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hàng hải, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn - nhà khai thác cảng container lớn nhất nước - lãi 5.072 tỷ đồng. Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) lãi trước thuế 46.331 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022. Ngoài ra, một số đơn vị lãi trên nghìn tỷ đồng, như VNPT là 2.931 tỷ đồng và Mobifone 1.958 tỷ đồng.

Tính chung 671 doanh nghiệp nhà nước, nhóm này vẫn lãi gần 211.200 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Trong đó, khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con chiếm tới 90%, lãi trên 188.800 tỷ đồng. Song, hiệu quả kinh doanh tính qua tỷ lệ lãi trước thuế trên vốn chủ sở hữu hay tổng tài sản, đều giảm so với năm 2022.

Tính đến cuối 2023, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước là hơn 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước đầu tư khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Năm ngoái, các doanh nghiệp này nộp ngân sách hơn 365.500 tỷ đồng.

Giá vàng miếng lên 85 triệu đồng

Sau một tuần đi ngang, mỗi lượng vàng miếng SJC sáng 8/10 tăng thêm 1 triệu đồng lên vùng 85 triệu.

Ngày 8/10, giá vàng miếng lên 85 triệu đồng

Ngày 8/10, giá vàng miếng lên 85 triệu đồng

Động thái điều chỉnh này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước sáng 8/10 thay đổi giá bán can thiệp. Theo đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá thu mua từ người dân tăng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng, lên 83 triệu đồng, còn mua vào là 85 triệu đồng. Các doanh nghiệp khác như DOJI, PNJ cũng điều chỉnh mức tương tự.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn trơn đi ngang đầu ngày. Nhẫn trơn được các thương hiệu như SJC, DOJI, Bảo Tín Minh Châu... mua vào với giá dao động 82 - 82,75 triệu đồng một lượng. Chiều bán ra từ 83 - 83,6 triệu đồng.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, vàng miếng ghi nhận hiệu suất sinh lời gần 15%, kém hơn so với mức tăng 30% của vàng nhẫn, sau chính sách định giá can thiệp vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện giao dịch vàng miếng SJC bị hạn chế so với trước đây khi 5 đơn vị được uỷ thác bán ra với số lượng giới hạn và yêu cầu đăng ký trực tuyến. Các thương hiệu được kinh doanh vàng miếng còn lại cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp "định giá" vàng miếng, do không có nguồn.

Từ đầu tháng đến nay, kim loại quý trên thị trường quốc tế có thời điểm biến động mạnh, song chưa cho thấy xu hướng rõ ràng. Hiện mỗi ounce vàng neo quanh 2.647 USD, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank tương đương 79,9 triệu đồng một lượng. Theo đó, giá vàng trong nước cao hơn từ 3 - 5 triệu đồng so với thế giới.

TP.HCM giữ nguyên hạn mức công nhận đất ở

Hạn mức đất ở với hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 15/10/1993 tại TP.HCM được giữ nguyên 160 - 300 m2, như quy định thực hiện từ năm 2016.

Hạn mức đất ở tại TP. Thủ Đức, quận 7, 12 và Bình Tân được giữ nguyên tối đa 200 m2

Hạn mức đất ở tại TP. Thủ Đức, quận 7, 12 và Bình Tân được giữ nguyên tối đa 200 m2

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định quy định hạn mức công nhận đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 và từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 trên địa bàn TP.HCM. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/10.

Theo đó, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú có hạn mức đất ở không quá 160 m2/hộ gia đình, cá nhân.

Các quận 7, 12, Bình Tân, TP. Thủ Đức và thị trấn các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè là không quá 200 m2 mỗi hộ gia đình, cá nhân.

Hạn mức đất ở tại khu quy hoạch phát triển đô thị tại các xã thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 250 m2 mỗi hộ gia đình, cá nhân.

Trong khi đó, huyện Cần Giờ và các khu dân cư nông thôn tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè không quá 300 m2/hộ mỗi hộ gia đình, cá nhân.

Như vậy, Thành phố đã giữ nguyên hạn mức công nhận đất ở như Quyết định 18/2016, thay vì giảm như quyết định trước đó.

Trước đó, ngày 30/9, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về việc quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân trên địa bàn.

Theo đó, hạn mức đất ở tại TP. Thủ Đức, quận 7, 12 và Bình Tân từ 200 m2 mỗi hộ giảm xuống còn tối đa 160 m2. Các khu dân cư nông thôn thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ, hạn mức đất ở được đề xuất không quá 250 m2, thay vì 300 m2 mỗi hộ.

Việc giảm hạn mức đất ở trước đó cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đề xuất, tuy nhiên, đề xuất trên đã gặp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ các đơn vị do chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đặc biệt trong bối cảnh Thành phố đang dự thảo điều chỉnh bảng giá đất theo hướng tăng lên để tiệm cận giá thị trường.

Thanh Hóa ban bố tình huống khẩn cấp vì ký túc xá bị đổ sập

Ký túc xá Trường THCS Trung Lý ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) bị hàng nghìn m3 đất đá sạt lở gây hư hỏng nặng nề, chính quyền phải ban bố tình huống khẩn cấp.

Đất đá vùi lấp nhiều phòng ở khu ký túc Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý

Đất đá vùi lấp nhiều phòng ở khu ký túc Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý

Ngày 8/10, ông Trịnh Văn Thế, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban bố tình huống khẩn cấp tại điểm sạt lở phía sau Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý để tìm phương án xử lý sự cố sạt lở tại đây.

Nửa tháng trước, hàng nghìn m3 đất đá sạt lở, tràn vào khu ký túc xá 15 phòng của trường khi hơn 200 học sinh đang ngủ trưa. Giáo viên trực ban phát hiện nên hô hoán và phối hợp với bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương sơ tán học sinh đến khu lớp học hai tầng gần đó.

Ký túc xá của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý được xây dựng kiểu nhà lắp ghép, có 15 phòng ở dành cho 460 học sinh ở lại bán trú cả tuần. Hôm xảy ra vụ việc là cuối tuần nên 246 học sinh về thăm gia đình, 214 em ở lại trường. Dù đảm bảo an toàn cho học sinh, song nhiều đồ dùng, sách vở, quần áo của các em đã bị đất đá vùi lấp.

Theo ông Thế, do ký túc xá hiện không thể sử dụng nên nhà trường phải tận dụng 7 phòng học và các phòng chức năng làm nơi ở tạm thời cho học sinh bán trú. Hoạt động giảng dạy tại trường đã trở lại bình thường, nhưng do thiếu phòng học nên khối lớp 6 và 7 phải học ghép, thầy cô phải dạy hai ca để đảm bảo chương trình.

UBND huyện Mường Lát đang lên lập kế hoạch, tìm quỹ đất an toàn và xin cấp ngân sách để sớm xây dựng lại ký túc xá mới cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý.

Ngoài điểm trường nói trên, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng ban bố tình huống khẩn cấp tại bốn điểm sạt lở uy hiếp các khu dân cư ở các xã Trung Lý, Pù Nhi, Mường Chanh của huyện Mường Lát do ảnh hưởng từ đợt mưa lũ lớn cuối tháng 9. Lực lượng chức năng theo dõi diễn biến sạt lở, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, lập rào chắn, cử người canh gác 24/24h để đảm bảo an toàn.

Xét xử cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến vào ngày 29/10

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cùng 11 bị cáo khác sẽ được đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Bắc Ninh vào ngày 29/10 tới đây.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh

TAND tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, liên quan vụ án “Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo hầu toà gồm cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cùng 11 bị cáo khác.

Phiên tòa xét xử cựu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh sẽ diễn ra từ ngày 29 - 31/10/2024, tại trụ sở TAND tỉnh Bắc Ninh.

Trong vụ án, các ông Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Hạnh Chung (cựu Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ". Cùng bị truy tố về tội này còn có ông Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế Tỉnh (Ban Quản lý).

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC (đang bỏ trốn), bị cáo buộc phạm tội "Đưa hối lộ". Bà Nhàn trước đó đã 3 lần bị xét xử vắng mặt trong các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Quảng Ninh, TP.HCM với tổng mức án 30 năm tù.

Các bị can bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Hồng Sơn, Phó giám đốc Công ty AIC (đang bỏ trốn); Lã Tuấn Hưng, Tổng giám đốc Công ty Sông Hồng; Nguyễn Đằng An, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Kim Huân, cựu Phó phòng Kế hoạch Ban Quản lý; Nguyễn Viết Toản và Nguyễn Đăng Linh, cùng là cựu nhân viên Công ty AIC; Đặng Xuân Minh, Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTC VALCE.

Cáo trạng xác định, trong quá trình thực hiện 6 gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại bệnh viện các huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành, một số cá nhân thuộc Ban Quản lý dự án và một số đơn vị liên quan đã có hành vi sai phạm quy định về đấu thầu. Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án, nhiều bị can đã thực hiện các hành vi trái pháp luật vì những lợi ích vật chất, gây hậu quả thiệt hại hơn 48,6 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Đề xuất tiếp tục chỉnh trang bến Bạch Đằng (TP.HCM)

Cầu bến B - Ba Son, một trong những vị trí mặt tiền ở bến Bạch Đằng dự kiến được chỉnh trang giúp phát triển du lịch đường thuỷ, cải tạo cảnh quan khu trung tâm.

Cầu bến B - Ba Son hiện hữu

Cầu bến B - Ba Son hiện hữu

Phương án cải tạo vừa được Sở Giao thông vận tải báo cáo UBND TP.HCM, nhằm đưa ra các tiêu chí chọn nhà đầu tư sau khi có nhiều doanh nghiệp muốn tự bỏ vốn thực hiện.

Cầu B - Ba Son là một trong 6 cầu tàu thuộc bến Bạch Đằng, Quận 1. Nơi này nằm phía bờ phải sông Sài Gòn, giáp công viên bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng. Dự kiến, cầu sẽ được cải tạo theo dạng chữ T, gồm cầu bến chính bêtông hướng ra mặt sông dài 18 m, ngang 172 m và hai cầu dẫn.

Cầu bến cũng được cải tạo các lối ra vào, lan can che chắn đảm bảo thuận tiện và an toàn cho người dân khi ra vào. Đồng thời, nơi này sẽ được bổ sung nhiều tiện ích như nhà chờ, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe máy, mảng xanh... giúp chỉnh trang cảnh quan ở khu vực.

Theo Sở Giao thông vận tải, toàn bộ kinh phí cải tạo cầu bến B sẽ do nhà đầu tư chi trả, dự kiến khoảng 8 tỷ đồng. Họ sẽ được ưu tiên khai thác một phần cầu bến nhằm phục vụ đón trả khách, hoạt động vận tải đường thủy hoặc kết hợp quảng cáo. Tuy nhiên, để công khai, minh bạch khi chọn nhà đầu tư, cơ quan này đề xuất lập tổ công tác với nhiều đơn vị chuyên ngành nhằm xây dựng các nội dung chi tiết trước khi thực hiện.

Bến Bạch Đằng có vị trí mặt tiền trung tâm TP.HCM, sát phố đi bộ Nguyễn Huệ, đối diện là Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khu vực hiện có các tuyến vận tải hành khách như buýt sông, tàu thuỷ cao tốc cùng các tàu du lịch, nhà hàng lớn hoạt động.

Gỗ Trường Thành chậm công bố thông tin theo quy định

Ngày 8/10, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) nhắc nhở Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) chậm công bố thông tin theo quy định.

Gỗ Trường Thành chậm công bố thông tin theo quy định

Gỗ Trường Thành chậm công bố thông tin theo quy định

Thông tin Gỗ Trường Thành phải công bố theo quy định là việc tài khoản bị phong toả. Theo văn bản của HoSE, ngày 1/10, HoSE nhận được công bố thông tin của Gỗ Trường Thành về việc tài khoản bị phong toả theo quyết định của Tòa án Nhân dân thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, do liên quan đến tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá. Theo quy định, công ty đại chúng phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ, kể từ khi xảy ra vụ việc.

HoSE nhắc nhở Gỗ Trường Thành nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin theo quy định để đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời có công văn giải trình.

Trước đó, Gỗ Trường Thành cũng bị nhắc nhở do chậm công bố thông tin giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024.

Xét về hoạt động kinh doanh, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 699,24 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tiếp tục âm 5,45 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế lên tới 3.241,33 tỷ đồng và bằng 78,8% vốn điều lệ.

TTF từng là doanh nghiệp gỗ đầu ngành và đã suy sụp dưới thời cha con ông Võ Trường Thành hồi những năm giữa thập kỷ trước. Doanh nghiệp nợ nần chồng chất và giá cổ phiếu TTF sau đó có lúc xuống dưới 2.000 đồng/cp.

Vào đầu 2022, ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất một thời cũng đã có thêm bước tiến mới sau tái cấu trúc. Dưới thời của ông chủ mới Mai Hữu Tín, Gỗ Trường Thành có những bước đi táo bạo, thâm nhập thị trường nước ngoài.

Ông Mai Hữu Tín có tham vọng khá lớn, đặt kế hoạch 10 năm tới đây là thập kỷ nhảy vọt, đưa Gỗ Trường Thành trở thành doanh nghiệp gỗ hàng đầu ASEAN cả về công nghệ, sản lượng, doanh thu, nhất là thị trường đồ gỗ nội thất.

Chuyên đề