Bản tin thời sự sáng 9/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1, nhóm bất động sản dẫn đầu; nhiều đường bay đã hết sạch vé trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; thí điểm Wifi miễn phí, quét mã du lịch ở Móng Cái; Bộ TT&TT cảnh báo 2 loại hình lừa đảo chính trên không gian mạng Việt Nam; chưa thể du lịch tự do giữa Việt Nam và Trung Quốc…

17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1, nhóm bất động sản dẫn đầu

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn tháng đầu năm 2023 là gần 17.500 tỷ đồng. Số này tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng, với giá trị đạt lần lượt 10.500 tỷ đồng và 5.900 tỷ đồng.

17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2023

17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2023

Năm 2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.500 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng trong tháng 12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 39.542 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ tháng 12/2021.

Cũng trong tháng 12/2022, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận với tổng giá trị 1.700 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm đến 30/12/2022 là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.565 tỷ đồng, giảm 66% và chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành.

Tổng khối lượng phát hành trái phiếu năm 2022 là 337.713 tỷ đồng.

Nhiều đường bay đã hết sạch vé trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão

Theo thông tin từ Cục Hàng không, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay này đang có xu hướng tăng nhanh và nhiều đường bay có tỷ lệ đặt chỗ trên 90 - 100% vào các ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Nhiều đường bay đã hết sạch vé trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Nhiều đường bay đã hết sạch vé trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Sau khi Cục Hàng không Việt Nam cấp phép bổ sung trên cơ sở tham số điều phối Slot được bổ sung tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào các khung giờ ngày và đêm, các hãng hàng không đã tăng đáng kể ghế cung ứng trên hầu hết các đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, đặc biệt vào các ngày cao điểm cận Tết Nguyên đán và các ngày sau Tết Âm lịch trên các đường bay chiều ngược lại.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay này đang có xu hướng tăng nhanh và nhiều đường bay có tỷ lệ đặt chỗ trên 90 - 100% vào các ngày sát Tết.

Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố số liệu báo cáo của các hãng về tình hình đặt vé máy bay dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 tính đến ngày 6/1, với nhiều đường bay trong nhiều ngày tỷ lệ đặt vé đã đạt 100%.

Cụ thể, giai đoạn trước Tết Nguyên đán từ ngày 14 - 19/1 (tức 23-28 tháng Chạp năm Nhâm Dần), nhiều đường bay từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc có tỷ lệ đặt chỗ đạt từ 80 - 100% như TP.HCM đi Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Thanh Hoá, Quy Nhơn (Bình Định), Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Chu Lai (Quảng Nam).

Với giai đoạn sau Tết, các ngày từ 26 - 30/1 (mùng 5-10 tháng Giêng năm Quý Mão), một số đường bay từ phía Bắc, miền Trung về TP.HCM cũng có tỷ lệ đặt vé cao hoặc đã hết vé như Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Thanh Hoá, Quy Nhơn, Chu Lai, Đồng Hới, Vinh đi TP.HCM.

Thí điểm Wifi miễn phí, quét mã du lịch ở Móng Cái

Việc thí điểm Wifi miễn phí, quét mã du lịch ở Móng Cái nhằm đẩy nhanh xu hướng phát triển công nghệ số về du lịch, hướng đến xây dựng du lịch Móng Cái trở thành “thành phố du lịch thông minh”.

Mã QR code và hệ thống wifi miễn phí được lắp đặt ở Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Mã QR code và hệ thống wifi miễn phí được lắp đặt ở Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Ngày 8/1, UBND thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) vừa khánh thành và đưa vào hoạt động thí điểm hệ thống Wifi miễn phí và điểm quét QrCode thông tin du lịch trên địa bàn.

Đây là chương trình nằm trong Đề án phát triển du lịch thành phố Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 290 của UBND thành phố Móng Cái về việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch.

Việc lắp đặt và phát sóng Wifi công cộng miễn phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, nhân dân truy cập internet để tìm hiểu các nội dung thông tin, hình ảnh, video clip giới thiệu khu, điểm du lịch, danh sách cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của thành phố Móng Cái.

Qua đó góp phần đẩy nhanh xu hướng phát triển công nghệ số về du lịch trên địa bàn, góp phần nâng cao việc người dân và khách du lịch sử dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng du lịch Móng Cái trở thành “Thành phố du lịch thông minh”.

Bộ TT&TT cảnh báo 2 loại hình lừa đảo chính trên không gian mạng Việt Nam

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24.4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).

Một nạn nhân bị lừa đảo tới trụ sở công an trình báo

Một nạn nhân bị lừa đảo tới trụ sở công an trình báo

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa phát đi thống kê cho biết, Việt Nam hiện có hơn 100 triệu dân, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet.

Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số như hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại (như tương tác qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin OTT...) để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).

Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, nhưng có thể phân làm 3 nhóm chính: Giả mạo thương hiệu chiếm 72,6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính,…); chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo,..) chiếm 11,4%; các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay,..) chiếm 16%.

Bộ TT&TT cho biết, trong năm 2022 đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu

Không lâu sau khi Bộ Tài chính đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương, Bộ Công Thương nêu đề xuất ngược lại - chuyển về Bộ Tài chính để đúng chuyên môn, nhiệm vụ.

Bộ Công Thương nêu đề xuất ngược lại - chuyển về Bộ Tài chính

Bộ Công Thương nêu đề xuất ngược lại - chuyển về Bộ Tài chính

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.

Cơ quan này cho rằng, xăng dầu là mặt hàng do nhiều bộ, ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Chẳng hạn, Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, còn quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công Thương và Tài chính đảm trách...

Nếu giữ nguyên các quy định hiện nay về điều hành, quản lý với xăng dầu sẽ đúng với phân công nhiệm vụ của các bộ từ nhiều năm qua. Tức là, trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở. Nhưng khi có vấn đề phát sinh, như thời điểm thị trường thiếu hụt nguồn cung cuối năm 2022, sự phối hợp giữa các bộ, ngành xử lý vấn đề trong điều hành chưa được chặt chẽ, lúng túng.

Vì thế, Bộ Công Thương cho rằng, nên đưa về một đầu mối điều hành giá xăng dầu, cũng như rà soát, hướng dẫn và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu là Bộ Tài chính. Bộ Công Thương sẽ phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Trước năm 2014, Bộ Tài chính từng là cơ quan chủ trì, đảm trách việc tính toán, điều hành và công bố giá bán lẻ xăng dầu trước năm 2014. Sau thời điểm này, khi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, việc điều hành, công bố giá được giao Bộ Công Thương chủ trì, và Bộ Tài chính phối hợp tính toán các chi phí xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở...

Chưa thể du lịch tự do giữa Việt Nam và Trung Quốc

Trung Quốc mở cửa biên giới từ 8/1 nhưng các trường hợp tham quan du lịch, cụ thể với Việt Nam, hiện vẫn phải chờ đợi.

Dòng người Trung Quốc hồi hương tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn

Dòng người Trung Quốc hồi hương tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn

Sáng 8/1, sau ba năm gián đoạn vì Covid-19, hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu đường bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc được khôi phục. Các trường hợp làm thủ tục xuất nhập cảnh sáng nay thuộc diện hồi hương, cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Hoạt động du lịch phải đợi sự cho phép của chính quyền và sẽ khôi phục dần dần.

Trong văn bản gửi UBND thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), phía chính quyền thành phố Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, căn cứ tình hình dịch bệnh trên thế giới và khả năng dịch vụ đảm bảo, sẽ từng bước cho phép công dân Trung Quốc xuất cảnh với mục đích du lịch. Việc thay đổi có thể được thực hiện sớm, nhưng chưa có thời điểm cụ thể.

Cũng trong ngày 8/1, các cửa khẩu đường bộ khác giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Lạng Sơn cũng không ghi nhận các trường hợp đi lại với mục đích du lịch. Trạm trưởng Biên phòng cửa quốc tế Hữu Nghị, Thiếu tá Phạm Tuấn Hùng, cho biết, không có du khách nào xuất nhập cảnh ngày 8/1 và hiện chưa có các thông tin liên quan về việc mở cửa với du lịch. Khách xuất nhập cảnh hiện đều theo dạng hồi hương hoặc công tác đối với các chuyên gia cao cấp.

Với du khách từ Việt Nam sang Trung Quốc, hiện chưa có thông tin đối với việc cấp lại visa du lịch.

Hà Nội thí điểm cho thuê xe đạp từ 20/1

Hà Nội bắt đầu thí điểm cho thuê xe đạp tại 6 quận nội thành từ 20/1, mỗi khách hàng được tặng 1 giờ đi xe miễn phí khi tải ứng dụng sử dụng xe.

Mẫu xe đạp sử dụng cho thuê

Mẫu xe đạp sử dụng cho thuê

Theo ông Đỗ Bá Quân, đại diện Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, đơn vị thực hiện Dự án Phát triển xe đạp công cộng ở Hà Nội, ngày 9/1, đơn vị này bắt đầu thi công trạm xe đạp công cộng đầu tiên tại Hà Nội. Địa điểm ở số 12 Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình.

Hiện có hai quận bàn giao mặt bằng để lắp trạm, trong đó quận Ba Đình 23 điểm và quận Hoàn Kiếm 11 điểm. Sau khi lắp đặt xong trạm, ngày 12/1, xe đạp phục vụ dự án với khóa thông minh sẽ được đưa tới các địa điểm. Đến 20/1, mỗi điểm sẽ được bố trí khoảng 10 xe cho khách hàng đi trải nghiệm. Việc thử nghiệm kéo dài trong hai tuần.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất Thành phố cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên một số quận. Trí Nam sẽ cung cấp 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng xin miễn phí vỉa hè và thu phí dịch vụ trong 12 tháng.

Theo đề án thí điểm, quận Ba Đình dự kiến có 340 xe đặt tại tuyến Kim Mã, Trần Huy Liệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, Quán Thánh. Quận Tây Hồ có 242 xe tại các tuyến Lạc Long Quân, Thanh Niên, Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Trích Sài.

Quận Đống Đa có 100 xe tại Giảng Võ, Hào Nam, Hoàng Cầu, Thái Hà, Láng. Quận Hoàn Kiếm có 280 xe tại Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng... Gần 300 xe còn lại được đặt tại quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.

Xi măng Vicem lãi hơn 1.500 tỷ đồng, thấp kỷ lục từ khi công bố thông tin

Giá đầu vào tăng trong khi nhu cầu xuất khẩu suy giảm khiến Tổng công ty Xi măng Việt Nam lãi hơn 1.500 tỷ đồng năm 2022, thấp nhất từ khi công bố thông tin.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam lãi hơn 1.500 tỷ đồng năm 2022, thấp nhất từ khi công bố thông tin

Tổng công ty Xi măng Việt Nam lãi hơn 1.500 tỷ đồng năm 2022, thấp nhất từ khi công bố thông tin

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt gần 27,5 triệu tấn, không hoàn thành kế hoạch năm và giảm 6,7% so với năm 2021. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa đạt hơn 21 triệu tấn, tăng nhẹ so với năm 2021. Tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) giảm đến gần một nửa so với năm 2021.

Vicem ước đạt hơn 39.450 tỷ đồng tổng doanh thu. Con số trên tăng 17% so với năm 2021 nhưng vẫn không hoàn thành kế hoạch năm. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước hơn 1.530 tỷ đồng, đạt gần 90% kế hoạch và giảm 30,5% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi thấp nhất kể từ khi Vicem công bố thông tin từ năm 2015.

Ban lãnh đạo Vicem lý giải nhiều nguyên nhân về kết quả trên. Vicem gặp khó về nguồn cung than khi thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá tăng đột biến. Riêng giá than tăng cao đã làm chi phí đầu vào của riêng nhiên liệu này đội thêm khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Năm 2023, thị trường xi măng trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, các công trình, dự án cũng chậm triển khai khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Ngoài ra, thị trường bất động sản nhiều khả năng tiếp tục trầm lắng do "khát" vốn và ứ đọng thanh khoản.

Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt là giá than dự báo vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, giá bán xi măng chưa thể bù đắp, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm mạnh. Với nhiều thách thức, Vicem đặt mục tiêu cho năm 2023 với tổng doanh thu khoảng 40.919 tỷ đồng, tăng gần 4%.

Lợi nhuận Vinachem tăng mạnh theo giá phân bón

Trong năm 2022, giá urê, DAP, NPK giữ ổn định ở mức cao giúp Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lãi hơn 16,5 tỷ đồng mỗi ngày.

Doanh thu toàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ước đạt hơn 62.260 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay

Doanh thu toàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ước đạt hơn 62.260 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay

Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, doanh thu toàn tập đoàn ước đạt hơn 62.260 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Con số trên vượt kế hoạch cả năm khoảng 19% và tăng 17% so với năm 2021.

Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 6.023 tỷ đồng, tăng hơn 2,8 lần so với thực hiện năm 2021. Trong đó, nhiều đơn vị có tốc độ tăng lợi nhuận hai chữ số như Apatit Việt Nam tăng 175%, Hóa chất Việt trì tăng 152%, DAP - Vinachem tăng 97%, Phân lân Ninh Bình tăng 87%, Cao su Miền Nam tăng 84%, Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 81%...

Trong năm, Tập đoàn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 3 triệu tấn phân bón các loại, hơn 3.700 triệu chiếc lốp ôtô, hơn 2.300 triệu kWh ắc quy, gần 280.000 tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm khác. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Vinachem tăng 15% lên hơn 780 triệu USD, riêng xuất khẩu tăng 27% so với năm 2021.

Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết, năm qua giá phân bón thế giới tăng cao tại tất cả thị trường. DAP có thời điểm lên tới 1.000 USD một tấn, đạm urê đạt 900 USD một tấn tại khu vực châu Á. Nhờ thế, giá các loại phân bón nước ta cũng tăng theo, một số sản phẩm phân bón chủ lực của Vinachem như urê, DAP, NPK giữ ổn định ở mức cao là điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả.

Xử lý 18.000 xe quá tải, phạt tiền hơn 147 tỷ đồng

Kết quả xử lý xe quá tải trong năm 2022 chưa phản ánh đầy đủ được tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Lực lượng Thanh tra Khu Quản lý đường bộ III kiểm tra, xử lý xe quá tải

Lực lượng Thanh tra Khu Quản lý đường bộ III kiểm tra, xử lý xe quá tải

Tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong năm 2022, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, Thanh tra các Sở GTVT đã kiểm tra hơn 114.000 xe, trong đó có hơn 18.000 xe vi phạm, tước gần 3.000 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước hơn 147 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, Cục Đường bộ cho rằng, kết quả nêu trên chưa phản ánh đầy đủ được tình trạng xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường. Thực tế còn nhiều phương tiện cơi nới kích thước thành thùng, chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, xử lý.

Tình trạng xe quá tải vẫn tiếp diễn, lưu thông trên nhiều tuyến quốc lộ như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 6, Quốc lộ 20, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Quốc lộ 51, Quốc lộ 70, Quốc lộ 279, đường Hồ Chí Minh và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, mỏ quặng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng sử dụng xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc lắp ben thủy lực và thùng chở hàng gắn vào sắt xi của sơmi rơmoóc dùng để chở quá tải hơn 200%, xe chở các thùng dạng container “phi tiêu chuẩn” đang lưu thông trên đường bộ thuộc các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai.

Nguyên nhân được Cục Đường bộ chỉ ra là do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm, tuyến đường nhỏ nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Chuyên đề