Bản tin thời sự sáng 8/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đề xuất lập 5 trung tâm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115; Bộ Y tế tiếp tục họp thẩm định vaccine Nano Covax vào tuần tới; dừng mọi chuyến bay chở khách giữa TP.HCM và Hà Nội; thu giữ hơn 17.000 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo thương hiệu 3M tại Hà Nội; đề xuất xây bệnh viện dã chiến ở khu công nghiệp…

TP.HCM đề xuất lập 5 trung tâm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115

Sở Y tế TP.HCM đề xuất lập 5 trung tâm cấp cứu vệ tinh dã chiến đặt ở các khu vực Phú Thọ, Quận 12, Bình Tân, Bình Chánh và Thủ Đức để phục vụ cấp cứu bệnh nhân.

Xe cứu thương đưa bệnh nhân Covid-19 từ các khu cách ly tập trung đến Bệnh viện dã chiến số 1 cách ly điều trị

Xe cứu thương đưa bệnh nhân Covid-19 từ các khu cách ly tập trung đến Bệnh viện dã chiến số 1 cách ly điều trị

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng vừa gửi Tờ trình UBND Thành phố với nội dung nêu trên nhằm chủ động ứng phó với diễn biến mới của dịch, tăng cường hiệu quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhất là các trường hợp nặng.

Các trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến được đề xuất thành lập gồm: khu vực Phú Thọ (Nhà thi đấu Phú Thọ, Quận 11); khu vực Quận 12 (Công viên phần mềm Quang Trung); Bình Tân (Trường THCS Bình Tân); khu vực Bình Chánh (Nhà thiếu nhi Bình Chánh) và trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến khu vực Thủ Đức.

Mỗi trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến có quy mô 20 xe cấp cứu với 280 nhân viên y tế và các nhân viên chuyên môn khác. Các trạm 115 này hoạt động trên cơ sở trưng dụng, chuyển đổi công năng một số xe vận chuyển hành khách thuộc Công ty CP Xe khách Phương Trang và Tập đoàn Mai Linh.

Các trạm cấp cứu vệ tinh này chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, Trung tâm cấp cứu 115 và do Sở Y tế hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ.

Sở Y tế TP.HCM cũng điều động 200 taxi thành xe vận chuyển F0 lên bệnh viện tuyến trên, có nhân viên y tế đi kèm và thiết bị hồi sức như bình oxy, mask thở, máy đo SpO2, kit xét nghiệm nhanh...

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch của TP.HCM cho biết, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM đã nâng số lượng đường truyền tổng đài viên lên 40, gấp 10 lần so với trước đây, mỗi ngày nhận khoảng 5.000 cuộc gọi.

Bộ Y tế tiếp tục họp thẩm định vaccine Nano Covax vào tuần tới

Bộ Y tế dự kiến tiếp tục họp đánh giá kết quả lâm sàng pha 3a vaccine Nano Covax trước khi đề xuất về việc xem xét cấp phép khẩn vào ngày 15/8.

Nano Covax hiện là ứng viên vaccine ngừa Covid-19 nội tiềm năng nhất

Nano Covax hiện là ứng viên vaccine ngừa Covid-19 nội tiềm năng nhất

Hội đồng Đạo đức thuộc Bộ Y tế đã họp thẩm định kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giữa kỳ giai đoạn 2 vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen vào sáng ngày 7/8.

Bước đầu, các chuyên gia đánh giá vaccine an toàn, có tính sinh miễn dịch khá tốt, có hiệu quả bảo vệ với người tiêm, đặc biệt ở hàm lượng 25 mcg. Sau tiêm, 71% tình nguyện viên có phản ứng nhẹ bao gồm sốt, đau, sưng tại vị trí tiêm, một trường hợp phản ứng độ 2 nhưng không phải nhập viện.

Hội đồng Đạo đức cho rằng, nhóm nghiên cứu cần tiếp tục theo dõi, đánh giá thêm về độ an toàn của vaccine, đồng thời cần đánh giá hiệu quả bảo vệ trên cỡ mẫu lớn hơn, khoảng 1.000 người.

Để có kết quả rõ hơn về độ an toàn, hiệu quả bảo vệ của vaccine, Hội đồng Đạo đức đề nghị Công ty Nanogen và nhóm nghiên cứu khẩn trương hoàn thiện báo cáo pha 3a, thử nghiệm trên 1.000 tình nguyện viên.

Dựa trên báo cáo pha 3a, dự kiến ngày 15/8, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức cuộc họp thẩm định. Nếu kết quả pha 3a tốt, Hội đồng Đạo đức sẽ có các đề xuất phù hợp với cơ quan có thẩm quyền để xem xét cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax.

Vaccine Covid-19 của Công ty Nanogen sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp, bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 từ ngày 17/12/2020. Đến nay, Nano Covax là ứng viên vaccine ngừa Covid-19 nội tiềm năng nhất và đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Kết quả ban đầu khá khả quan khi hiệu quả bảo vệ của vaccine Nano Covax cao gấp hơn 2 lần so với nhóm khỏi bệnh nhiễm chủng Vũ Hán, tương đương hiệu quả bảo vệ là 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19 có triệu chứng. Một số tỉnh, thành phố đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin được tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax trong bối cảnh nguồn cung vaccine còn hạn chế.

Dừng mọi chuyến bay chở khách giữa TP.HCM và Hà Nội

Cục Hàng không vừa có văn bản yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách thường lệ giữa các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16, trong đó có đường bay giữa TP.HCM và Hà Nội.

Cục Hàng không chưa nêu rõ thời điểm bắt đầu áp dụng yêu cầu dừng các chuyến bay thường lệ giữa TP.HCM và Hà Nội

Cục Hàng không chưa nêu rõ thời điểm bắt đầu áp dụng yêu cầu dừng các chuyến bay thường lệ giữa TP.HCM và Hà Nội

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cơ quan này đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép dừng toàn bộ các chuyến bay thường lệ giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó có đường bay giữa TP.HCM và Hà Nội.

Như vậy, cả 5 đường bay còn lại nối TP.HCM với các tỉnh, thành gồm Hà Nội, Bình Định, Đà Lạt, Khánh Hòa và Đà Nẵng đều được yêu cầu tạm dừng khai thác. Nhà chức trách hàng không chưa nêu rõ thời điểm bắt đầu áp dụng yêu cầu này.

Cục Hàng không cũng nêu rõ, chỉ ưu tiên chuyến bay phục vụ công vụ và nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, chuyến bay đưa lao động về quê cũng được xem xét song cần có sự thống nhất với địa phương nơi đến để kịp thời đón hành khách tại sân bay, xét nghiệm và cách ly theo quy định.

Các cảng hàng không phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch gồm: Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo; phía Bắc có Nội Bài. Ngành hàng không đã dừng đường bay từ Hà Nội đến Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Cần Thơ, Phú Quốc, còn đường bay từ TP.HCM đến Hà Nội giảm tối thiểu số chuyến bay.

Thu giữ hơn 17.000 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo thương hiệu 3M tại Hà Nội

Đây là lô hàng gồm 140 thùng khẩu trang y tế mang nhãn hiệu 3M không rõ nguồn gốc tại Công ty CP Thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam.

140 thùng khẩu trang y tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M, vốn đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam

140 thùng khẩu trang y tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M, vốn đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 22 thuộc Cục QLTT TP. Hà Nội đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm, kiểm tra đột xuất Công ty CP Thiết bị nguyên phụ liệu khẩu trang Việt Nam (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm).

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 140 thùng khẩu trang y tế mang nhãn hiệu 3M 1860, tổng cộng 17.100 chiếc khẩu trang.

Theo Đội QLTT số 22, số khẩu trang bị thu giữ do nước ngoài sản xuất. Tuy nhiên, đại diện cơ quan QLTT cho biết, lô hàng này có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M, vốn đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Để kiểm nghiệm, làm rõ nguồn gốc lô hàng, cơ quan quản lý đã hoàn thiện thủ tục tạm giữ và sẽ làm việc với đại diện nhãn hiệu 3M tại Việt Nam.

Trước đó, ngày 30/7/2020, Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổ công tác 368 đã phối hợp với Cục QLTT TP.HCM kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị Nam Anh (TP.HCM). Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan quản lý đã phát hiện 120 thùng carton chứa 151.000 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M. Đây là vụ triệt phá mặt hàng khẩu trang mang nhãn hiệu 3M giả mạo đầu tiên và lớn nhất của lực lượng QLTT.

Đề xuất xây bệnh viện dã chiến ở khu công nghiệp

Để không đứt gãy chuỗi sản xuất và hỗ trợ điều trị cho công nhân, Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp (HBA) đề nghị TP.HCM xây bệnh viện dã chiến ngay tại khu công nghiệp.

Việc đề xuất xây bệnh viện dã chiến ở khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi sản xuất

Việc đề xuất xây bệnh viện dã chiến ở khu công nghiệp nhằm duy trì chuỗi sản xuất

Đây là một trong những đề xuất vừa được HBA gửi Chủ tịch UBND TP.HCM, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cùng các bên liên quan.

Theo HBA, tính đến đầu tháng 8, có gần 50% doanh nghiệp của 17 khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP.HCM đăng ký thực hiện "3 tại chỗ". Qua thẩm định, có gần 84% trong số này đạt quy chuẩn "3 tại chỗ", còn 92 nhà máy đang bổ sung thêm các điều kiện cần thiết.

Để tiếp tục hoạt động, duy trì chuỗi sản xuất, tránh đứt gãy và mất đơn hàng, HBA kiến nghị Thành phố cho phép xây bệnh viện dã chiến tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

HBA cho biết, Công ty Sepzone Linh Trung đang cùng một số nhà đầu tư đề xuất Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho phép xây dựng bệnh viện dã chiến để chủ động phòng chống dịch. Công ty chọn Khu chế xuất Linh Trung 2 với nhà xưởng có sẵn là 1.800 m2 cùng trang thiết bị sẽ được đóng góp từ nhiều phía.

Cùng với đề xuất xây bệnh viện dã chiến, HBA cũng kiến nghị cơ quan y tế các cấp và bệnh viện hỗ trợ doanh nghiệp về mặt kỹ thuật, nghiệp vụ y tế, tạo điều kiện cho từng nhà máy, doanh nghiệp chủ động xét nghiệm nhanh theo quy trình giám sát công nhân viên tại chỗ.

Đề xuất ưu tiên một số lao động ngành thực phẩm tươi sống được lưu thông sau 18h

Lao động ngành thực phẩm tươi sống là đối tượng được Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương kiến nghị cho phép lưu thông sau 18h để đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời.

Hiện lao động ngành thực phẩm tươi sống đều phải lưu thông trong thời gian từ 6 - 18h theo quy định của UBND TP.HCM

Hiện lao động ngành thực phẩm tươi sống đều phải lưu thông trong thời gian từ 6 - 18h theo quy định của UBND TP.HCM

Tổ công tác của Bộ Công Thương vừa làm việc trực tuyến với một số doanh nghiệp phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail, Aeon Việt Nam, MM Mega Market…

Theo đó, một số đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp vận chuyển mặt hàng tươi sống phản ánh việc một số tỉnh, thành yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18-6h gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa tươi sống.

Tổ công tác cho biết sẽ kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến gửi lên Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo UBND các địa phương đang áp dụng giờ giới nghiêm có phương án ưu tiên cho một số lao động trong ngành thực phẩm tươi sống (sơ chế, chế biến, vận chuyển) được phép lưu thông sau 18h.

Đối với danh mục mặt hàng thiết yếu, Tổ công tác cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Tổ đề nghị Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành thống nhất danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong đó có các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Nhiều chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ Quảng Ninh dừng tiếp nhận phương tiện từ 0h ngày 8/8

Chốt kiểm soát Covid-19 ở cầu Triều, cầu Đá Vách (thị xã Đông Triều) và cầu Đá Bạc (TP. Uông Bí) dừng tiếp nhận người, phương tiện vào tỉnh Quảng Ninh.

Việc dừng tiếp nhận người, phương tiện qua một số chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ Quảng Ninh do một số huyện, thị ở Hải Dương xuất hiện ca nhiễm mới

Việc dừng tiếp nhận người, phương tiện qua một số chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ Quảng Ninh do một số huyện, thị ở Hải Dương xuất hiện ca nhiễm mới

Chánh văn phòng UBND thị xã Đông Triều Nguyễn Hoàng Thiện cho biết, từ 0h ngày 8/8 sẽ tạm dừng tiếp nhận người, phương tiện qua chốt kiểm soát cầu Triều và cầu Đá Vách theo hướng từ Hải Dương vào Quảng Ninh; trừ xe cấp cứu, xe của lực lượng công an, quân sự làm nhiệm vụ, xe vận chuyển thương thực, thực phẩm thiết yếu...

Hàng ngày, chốt kiểm soát tại cầu Triều và cầu Đá Vách đóng cửa từ 22h đến 4h sáng ngày hôm sau. Chốt tại cầu Đông Mai và Đường 345 trên địa bàn Thị xã sẽ chốt cứng không cho người và phương tiện qua lại. Thời gian thực hiện chủ trương này kéo dài đến khi có thông báo mới.

Việc siết chặt trên do một số huyện, thị ở Hải Dương xuất hiện ca nhiễm mới. Tuy nhiên, hiện chốt cổng Tỉnh trên Quốc lộ 18A giáp với Hải Dương nơi phương tiện qua lại nhiều vẫn hoạt động theo quy định.

UBND TP. Uông Bí cũng tạm dừng tiếp nhận người, phương tiện qua chốt cầu Đá Bạc trên Quốc lộ 10A, giáp với huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) từ 0h ngày 7/8, trừ xe chở công nhân đi làm theo tuyến cố định hàng ngày...

Chuyên đề