Bản tin thời sự sáng 8/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Điện lực TP.HCM làm rõ thông tin về sự cố mất điện tại HoSE; TP.HCM cần khoảng 160.000 lao động; khánh thành đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Google, Facebook, Netflix và nhiều ông lớn nước ngoài nộp hơn 4.000 tỷ đồng tiền thuế…

Điện lực TP.HCM làm rõ thông tin về sự cố mất điện tại HoSE

Chiều 7/7, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) có phản hồi và làm rõ thông tin về sự cố mất điện tại Công viên Phần mềm Quang Trung gây mất kết nối tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào sáng 5/7.

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM

Theo đó, ngày 5/7, Công ty Điện lực An Phú Đông (trực thuộc EVNHCMC) thực hiện công tác bảo trì lưới điện tại trạm CN2 Công viên Phần mềm Quang Trung. Xác định đây là phụ tải quan trọng nên đơn vị thực hiện phương án thi công đúng kỹ thuật và không gây mất điện khách hàng.

Tuy nhiên, lúc 9 giờ 17 phút, Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP.HCM báo sự cố điện làm mất điện một phần phụ tải của Công viên Phần mềm Quang Trung, thuộc sở hữu của HoSE. Ngay sau đó, Công ty Điện lực An Phú Đông đã khẩn trương xử lý để cấp điện lại sau 19 phút và tiến hành điều tra xác minh nguyên nhân sự cố.

Theo EVNHCMC, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, lưới điện do Công ty Điện lực An Phú Đông quản lý vẫn vận hành đúng tiêu chuẩn, không có bất thường. Các phụ tải có máy phát điện dự phòng vẫn bảo đảm cung cấp điện.

Tuy nhiên, máy phát điện của Trung tâm Dữ liệu dự phòng của HoSE vận hành không ổn định, dẫn đến gián đoạn điện trong thời gian 28 phút tại trung tâm này.

Đại diện EVNHCMC cho biết Công viên Phần mềm Quang Trung là một trong những phụ tải điện quan trọng nhất của TP.HCM và luôn được Tổng công ty quan tâm đặc biệt; nguồn cung cấp điện luôn được bảo đảm, có dự phòng đầy đủ. Lưới điện được trang bị hệ thống tự động hoá giám sát điều khiển từ xa và luôn được Công ty Điện lực An Phú Đông kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên theo quy định.

Trước đó, tại phiên giao dịch sáng 5/7, sự cố mất điện ở Trung tâm Dữ liệu dự phòng tại Công viên Phần mềm Quang Trung đã làm gián đoạn kết nối của một số công ty chứng khoán tới HoSE.

Đến 11 giờ 00, sự cố được khắc phục và kết nối của các công ty chứng khoán bị ảnh hưởng đã được khôi phục, hoạt động bình thường trở lại.

TP.HCM cần khoảng 160.000 lao động

6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp ở TP.HCM cần tuyển mới 153.500 - 161.500 lao động, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành thương mại, dịch vụ.

Lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức

Lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM tổ chức

Thông tin trên được bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), cho biết chiều 7/7. Số liệu được đưa ra khi đơn vị khảo sát cung - cầu lao động 6 tháng đầu năm tại các doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh tế và số doanh nghiệp thành lập mới.

Khảo sát của Falmi (đơn vị thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho thấy, 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp nhóm ngành thương mại - dịch vụ cần tuyển nhiều lao động nhất, từ hơn 102.000 - 108.000 người, chiếm gần 67% tổng nhu cầu nhân lực toàn Thành phố. Khu vực công nghiệp - xây dựng cần từ 50.700 - 53.300 chỗ làm, chiếm hơn 33%. Tỷ lệ này ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 0,08%, tương đương 123 - 129 vị trí.

Theo bà Hoàng Hiếu, hầu hết vị trí đều cần lao động đã qua đào tạo với tỷ lệ gần 88%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%, cao đẳng 23,16%, trung cấp 21,72%, sơ cấp 23,28%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tỷ lệ hơn 12%, tương đương khoảng 19.800 vị trí.

Theo đánh giá của Falmi, tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm ở TP.HCM có nhiều điểm sáng và đà tăng trưởng tiếp tục đến cuối năm, đặc biệt là các ngành ngành công nghiệp công nghệ, dịch vụ, du lịch và bất động sản. Cùng với những điểm tích cực của nền kinh tế, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng tăng theo. Tình trạng lao động mất việc làm giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố, 6 tháng đầu năm, đơn vị này tiếp nhận 75.327 người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 7.262 hồ sơ, tương đương 8,79%, so với cùng kỳ năm 2023.

Khảo sát của Falmi cũng chỉ ra, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Trong 654 doanh nghiệp được hỏi, có 154 doanh nghiệp (gần 24%) trả lời khó kiếm người, tập trung ở nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ... Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thành phố có các hoạt động kết nối cung - cầu lao động như sàn giao dịch liên tỉnh, trực tuyến, trực tiếp tại các địa phương, trường đại học - cao đẳng.

Khánh thành đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài gần 24 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng...

Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Sáng 7/7/2024 tại Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 2).

Dự án có chiều dài tuyến gần 24 km, nhằm nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc và giảm áp lực giao thông qua Thủ đô Hà Nội. Dự án có vai trò quan trọng trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo đó, đoạn qua tỉnh Hưng Yên có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, chia làm 2 giai đoạn, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Bên cạnh đó, đoạn qua tỉnh Hưng Yên đang được Tỉnh đầu tư, mở rộng thêm phần đường bên với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tới 30 phút so với đi cầu Yên Lệnh và Quốc lộ 39. Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ được nâng cấp lên thành đường cao tốc sau năm 2030.

Thanh Hóa sắp có khu công nghiệp gần 650 ha

HĐND tỉnh Thanh Hóa vừa thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa, quy mô lao động khoảng 40.000 người.

Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa

Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa

Theo đó, Khu công nghiệp phía Tây TP. Thanh Hóa thuộc địa bàn 4 xã huyện Đông Sơn và 2 xã huyện Triệu Sơn, một mặt giáp đường Vành đai 2.5 phía Tây. Mục tiêu xây dựng Khu công nghiệp nhằm đồng bộ hạ tầng, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Diện tích lập quy hoạch hơn 645 ha. Trong đó, đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp chiếm gần 70%, còn lại là đất hành chính, công cộng - dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, mặt nước và giao thông. Các ô đất có chức năng sản xuất công nghiệp được quy hoạch mật độ xây dựng cao, không quá 5 tầng. Khu hành chính bố trí gần lối ra của Khu công nghiệp.

Dự án gồm hai phân khu, trong đó khu A gần 380 ha nằm ở phía Nam tuyến đường từ TP. Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân. Khu B có diện tích khoảng 270 ha nằm ở phía Bắc tuyến đường trên.

Dự án được quy hoạch là khu công nghiệp đa ngành, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng đến công nghiệp 4.0. Các ngành nghề được ưu tiên đầu tư gồm điện - điện tử, viễn thông, cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, xe máy, thiết bị xây dựng, y tế, sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp hỗ trợ. Quy mô lao động khoảng 30.000 - 40.000 người.

Tỉnh yêu cầu khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp phải thực hiện đồng thời cả dự án tái định cư. Dự án này dự kiến bố trí 3 khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng.

Thanh Hóa hiện là địa phương dẫn đầu miền Trung trong thu hút đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, tỉnh này có 161 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 15 tỷ USD. Tới cuối năm 2023, Thanh Hóa có 1 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha và 45 cụm công nghiệp.

Google, Facebook, Netflix và nhiều ông lớn nước ngoài nộp hơn 4.000 tỷ tiền thuế

Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp qua cổng thương mại điện tử 6 tháng đầu năm là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế đến nay có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thương mại điện tử

Lũy kế đến nay có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thương mại điện tử

Bộ Tài chính cho biết, đã có thêm 26 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm.

Lũy kế đến nay có 102 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thương mại điện tử. Các nhà cung cấp này đến từ Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Ireland, Thụy Sĩ, Australia, Anh.

Theo Thông tư 80 của Bộ Tài chính, nhà cung cấp nước ngoài là đơn vị không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Các nhà cung cấp nước ngoài lớn đã kê khai, nộp thuế có thể kể đến Google, Meta (Facebook), Microsoft, Netflix, Apple...

Tổng cộng đến nay đã có 383 sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên cổng, tăng 22 sàn so với cuối năm 2023.

Hoạt động thương mại điện tử được ngành thuế chia thành 8 nhóm để quản lý, gồm: nền tảng sàn giao dịch thương mại điện tử; website/ứng dụng thương mại điện tử; nền tảng mạng xã hội; nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; nền tảng đại lý; thuê bao; quảng cáo và nền tảng kho ứng dụng.

Nhóm nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử cũng được phân theo 2 nhóm chính là cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước và xuyên biên giới. Theo Tổng cục Thuế, doanh thu quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử năm 2023 là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng.

Nghiên cứu làm đường trên cao giảm ùn tắc khu vực Tân Sơn Nhất

TP.HCM nghiên cứu xây tuyến trên cao theo trục Trường Chinh - Cộng Hòa, nối đến sân bay Tân Sơn Nhất, tổng vốn gần 12.000 tỷ đồng, giúp xóa ùn tắc cửa ngõ phía Tây Bắc.

Ùn tắc trên đường Cộng Hòa

Ùn tắc trên đường Cộng Hòa

Thông tin trên được nêu trong Tờ trình kế hoạch đầu tư các công trình giao thông trọng điểm tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2030, vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi UBND Thành phố. Kế hoạch này nhằm đưa ra lộ trình, xác định dự án cần ưu tiên bố trí ngân sách, hoặc chủ động phương án kêu gọi vốn từ bên ngoài nhằm sớm triển khai.

Dự án xây tuyến trên cao theo trục Trường Chinh - Cộng Hòa được nghiên cứu với chiều dài 11,2 km, 4 làn xe, từ ngã tư An Sương đến khu vực sân bay. Công trình dự kiến thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó ngân sách tham gia khoảng 50% tổng vốn đầu tư - tương đương gần 6.000 tỷ đồng, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.

Tuyến trên cao sẽ chủ yếu dùng mặt bằng dải phân cách giữa đường Trường Chinh, Cộng Hòa, nên ước tính chi phí giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật khoảng 800 tỷ đồng. Việc này được cho là khả thi, giảm tiền đền bù hơn so với mở rộng qua hai bên.

Trường Chinh - Cộng Hòa là trục huyết mạch ở cửa ngõ Tây Bắc, kết nối các quận 12, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn với trung tâm Thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, giao thông trên hai tuyến này hiện đều vượt năng lực thiết kế, thường xuyên ùn tắc. Trong đó, đường Cộng Hoà đoạn qua nút giao Hoàng Hoa Thám đang là một trong những "điểm đen" kẹt xe trên địa bàn Thành phố dù nơi này đã xây cầu vượt.

Ngoài tính toán triển khai dự án đường trên cao, tại khu vực trên còn một loạt công trình trọng điểm được Sở Giao thông vận tải đề xuất ưu tiên thực hiện để giảm ùn tắc, hoàn thiện mạng lưới giao thông. Trong đó, Thành phố sẽ cải tạo Quốc lộ 22, từ nút giao An Sương (Quận 12) đến Vành đai 3 (huyện Củ Chi) dài hơn 9 km, mở rộng lên 60 m, kinh phí hơn 7.000 tỷ đồng. Đường Trường Chinh, đoạn dài gần 800 m, từ Cộng Hòa đến Âu Cơ - điểm ùn tắc nhiều cũng sẽ được mở rộng, kinh phí khoảng 4.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, trục đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ đường Bình Long đến Cộng Hòa, tách thành 2 dự án riêng cũng dự kiến được mở rộng từ 8 lên 30 m, tổng vốn khoảng 5.700 tỷ đồng...

25 địa phương chưa hoàn thiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; còn lại 25 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Người dân đến Bộ phận phục vụ hành chính công xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái làm thủ tục hành chính

Người dân đến Bộ phận phục vụ hành chính công xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái làm thủ tục hành chính

Bộ Nội vụ cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Bộ đã chủ động đôn đốc các địa phương khẩn trương hoàn thiện Đề án “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025”.

Đến nay, 53 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã hoàn thiện phương án tổng thể. Trong đó, cấp huyện thực hiện sắp xếp 49 đơn vị, bao gồm 9 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 40 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 12 đơn vị.

Cấp xã thực hiện sắp xếp 1.247 đơn vị, bao gồm 745 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 502 đơn vị khuyến khích và liền kề, sau sắp xếp dự kiến giảm 624 đơn vị.

Tính đến hết tháng 6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ chủ trì tổ chức thẩm định, hoàn thiện trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Đề án của 5 tỉnh là Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh Thuận.

Có 9 địa phương đang hoàn thiện Đề án sau thẩm định, gồm: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Hải Dương, Quảng Trị, Cà Mau, Yên Bái, Bình Định, Tiền Giang. 14 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức thẩm định, trong đó đã tổ chức khảo sát Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh; 11 địa phương đang hoàn thiện hồ sơ là Thái Bình, Hà Nội, Điện Biên, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Bến Tre, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Khánh Hòa.

Còn lại 25 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án.

Chuyên đề