Bản tin thời sự sáng 8/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM sẽ giảm còn 210 phường sau khi sắp xếp; 14 công ty di dời khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam trước tháng 12/2024; khu đất vàng bỏ hoang giữa lòng TP. Điện Biên Phủ chuẩn bị được đấu giá; Quân khu 9 điều tàu chở nước cho người dân vùng hạn…

TP.HCM sẽ giảm còn 210 phường sau khi sắp xếp

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TP.HCM, từ nay đến năm 2030, Thành phố có 80 phường phải sắp xếp, thuộc các Quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận.

TP.HCM dự kiến sáp nhập 80 phường từ nay đến 2030

TP.HCM dự kiến sáp nhập 80 phường từ nay đến 2030

Sau sắp xếp từ 80 phường thuộc 10 quận sẽ hình thành 38 phường mới, giảm 39 phường. Trong đó, đa số nhập từ hai phường thành một phường mới, có 7 trường hợp thành ba phường hoặc một phần phường cũ hình thành phường mới. Có 9 phường phải điều chỉnh ranh giới.

Từ năm 1975 đến nay, TP.HCM trải qua 7 lần tách, nhập các đơn vị hành chính. Gần nhất là năm 2021, TP.HCM sáp nhập 3 quận: 2, 9, Thủ Đức thành TP. Thủ Đức. Cũng trong năm này, TP.HCM sáp nhập 19 phường thuộc Quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận.

Sau 7 lần tách nhập đơn vị hành chính, hiện TP.HCM có TP. Thủ Đức, 16 quận và 5 huyện; 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn.

Như vậy, với phương án sắp xếp 80 phường trên, TP.HCM sẽ giảm còn 210 phường.

UBND TP.HCM nhìn nhận, việc giảm số lượng phường góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Tuy nhiên, nhiều phường mới sau khi sáp nhập có quy mô dân số trên 45.000 người, đạt trên 300% so với tiêu chuẩn nhưng diện tích vẫn không đạt so với quy định.

Mật độ dân số trung bình rất cao và số lượng thủ tục hành chính phải giải quyết tăng gấp đôi, gấp ba lần, trong khi công chức, viên chức phải giảm, mà chế độ chính sách lại không tăng. Tình huống này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Mặt khác, việc xử lý tài sản, trụ sở dư thừa do sắp xếp đơn vị hành chính để không lãng phí, hư hỏng cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc sáp nhập phường ảnh hưởng rất lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp do phải điều chỉnh hàng loạt giấy tờ có liên quan.

14 công ty di dời khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam trước tháng 12/2024

Ở giai đoạn 1, có 14 công ty nằm trong phần diện tích Khu 1 (khoảng 75,1 ha), nằm về phía nam Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội) phải di dời trước tháng 12/2024. Các doanh nghiệp còn lại thuộc giai đoạn 2 di dời trước tháng 12/2025.

Một góc Khu công nghiệp Biên Hoà 1 ở TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai - nằm ven sông Đồng Nai

Một góc Khu công nghiệp Biên Hoà 1 ở TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai - nằm ven sông Đồng Nai

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai mới đây đã có văn bản triển khai đến các doanh nghiệp nội dung Quyết định số 324/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hoà 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường của UBND tỉnh Đồng Nai. Thời gian di dời được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, các doanh nghiệp hoàn thành di dời trước tháng 12/2024 (các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích Khu 1 - khoảng 75,1 ha, nằm về phía Nam Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội).

Trong giai đoạn này, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến 14 công ty, trong đó có toàn bộ mặt bằng của 10 công ty (Công ty CP Cơ giới và Xây lắp số 9, Công ty CP Bê tông Biên Hòa, Công ty CP Chương Dương, Công ty CP Bibica, Công ty CP Đầu tư phát triển vận tải Vĩnh Phú, Công ty TNHH Giặt mài Texma Vina, Công ty CP Miền Đông, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai, Công ty CP Hàng tiêu dùng Biên Hòa, Công ty CP Đồng Nai) và một phần diện tích của 4 công ty (Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam, Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam, Công ty CP Điện tử Biên Hòa, Công ty CP Gạch ngói Đồng Nai).

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đề nghị, 14 công ty có mặt bằng nằm trong lộ trình di dời của giai đoạn 1 chủ động tìm kiếm vị trí phù hợp để di dời ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hoà 1 trước tháng 12/2024.

Đối với giai đoạn 2, các doanh nghiệp hoàn thành di dời trước tháng 12/2025 gồm các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại. Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, các doanh nghiệp còn lại trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 chủ động sắp xếp công tác di dời và hoàn thành công tác di dời doanh nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp theo đúng lộ trình đã được phê duyệt trong đề án.

Về chính sách bồi thường và hỗ trợ, dự kiến phương án bồi thường và hỗ trợ được UBND Tỉnh trình HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua trong quý II/2024.

Khu đất vàng bỏ hoang giữa lòng TP. Điện Biên Phủ chuẩn bị được đấu giá

Thêm một khu đất vàng giữa trung tâm TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã bị bỏ hoang nhiều năm chuẩn bị được đưa ra đấu giá.

Một khu đất vàng giữa trung tâm TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã bị bỏ hoang nhiều năm chuẩn bị được đưa ra đấu giá

Một khu đất vàng giữa trung tâm TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã bị bỏ hoang nhiều năm chuẩn bị được đưa ra đấu giá

Đó là khu đất rộng hơn 900 m2 trước đây do Cảng hàng không Điện Biên - thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sử dụng để làm nhà bán vé, kho hàng, nhà khách... phục vụ sân bay Điện Biên (Khách sạn Hàng không).

Khu đất này tọa lạc tại số 14, đường Trần Đăng Ninh, thuộc Tổ 2, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ. Từ năm 2016, Cảng hàng không Điện Biên không còn sử dụng cơ sở này do đã xuống cấp nên bỏ hoang từ đó đến nay.

Năm 2021, UBND tỉnh Điện Biên đã có chủ trương quy hoạch khu đất trên để bố trí dân cư, đấu giá quyền sử dụng đất ở tạo nguồn thu ngắn hạn cho ngân sách Tỉnh.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2023, ACV mới hoàn tất thủ tục để tiến hành bàn giao khu đất này cho tỉnh Điện Biên. Nguyên nhân của việc chậm bàn giao được cho là liên quan đến một số thủ tục và phải thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Tháng 12/2023, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định thu hồi diện tích 917,2 m2 đất của Cảng hàng không Điện Biên (thuộc ACV). Đồng thời, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện xây dựng công trình chỉnh trang đô thị.

Đến ngày 26/3/2024, UBND tỉnh Điện Biên quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án chỉnh trang đô thị tại khu đất này. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Theo ông Vũ Ngọc Vương - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên cho biết, hiện đơn vị đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và đang triển khai gói thầu thi công xây dựng, lắp đặt các hạng mục công trình.

Theo đó, nhà thầu sẽ phá dỡ toàn bộ các hạng mục công trình hiện trạng; xây dựng lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt, lát vỉa hè nhằm tạo mặt bằng sạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

"Sau khi tạo mặt bằng sạch, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo công khai và tiến hành lựa chọn đơn vị đứng ra tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất này", Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên cho hay.

Quân khu 9 điều tàu chở nước cho người dân vùng hạn

Bộ Tư lệnh Quân khu 9 sử dụng ba tàu tải trọng 60 - 200 tấn mang hơn 1.600 m3 nước sạch cấp miễn phí cho người dân thiếu nước sạch ở Cà Mau.

Tàu vận chuyển nước cấp miễn phí cho người dân vùng hạn mặn

Tàu vận chuyển nước cấp miễn phí cho người dân vùng hạn mặn

Ba tàu thuộc Lữ đoàn Vận tải 659 trang bị máy bơm, bồn chứa từ TP. Cần Thơ mang nước sạch cung cấp miễn phí cho người dân tại xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời; xã Biển Bạch, huyện Thới Bình và xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Đây là các địa bàn thiếu nước nghiêm trọng ở tỉnh Cà Mau, người dân phải mua nước đưa ở nơi khác tới.

Theo kế hoạch, sáng 8/4, các tàu có mặt tại những địa điểm nói trên, bộ đội sẽ tiến hành cấp nước cho người dân. Việc vận chuyển nước sạch cung cấp miễn phí cho bà con vùng hạn mặn được lực lượng Quân khu 9 thực hiện từ nay đến hết mùa khô, tùy thuộc vào tình hình thời tiết và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Các điểm cấp nước miễn phí cụ thể gồm đoạn trên sông Ông Đốc, đoạn gần cầu Khánh An, xã Khánh Bình Đông; sông Trẹm, đoạn đối diện UBND xã Biển Bạch và ấp 20, xã Khánh Thuận.

Theo thống kê từ ngành chức năng, hiện toàn tỉnh Cà Mau có hơn 2.600 hộ bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Trong đó, có hơn 1.700 hộ đặc biệt khó tiếp cận nguồn nước do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông bị chia cắt...

Chủ tịch UBND Tỉnh vừa thống nhất sử dụng gần 500 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Tỉnh để hỗ trợ 3 huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình mua dụng cụ trữ nước cho người dân. Tỉnh cũng tổ chức mở rộng mạng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân (mua vật tư, thiết bị khoảng 9,5 tỷ đồng).

Ngoài Cà Mau, hạn hán còn ảnh hưởng nhiều tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, hàng chục nghìn ha lúa, cây trồng thiếu nước.

11 chuyến bay đi, đến Điện Biên bị hủy do thời tiết xấu, hạn chế tầm nhìn

Theo Cảng hàng không Điện Biên, việc hủy chuyến và tạm dừng bay liên quan đến các chuyến bay đi/đến sân bay Điện Biên là do ảnh hưởng của hiện tượng mù khô và khói khiến tầm nhìn bị hạn chế.

Một góc Sân bay Điện Biên.

Một góc Sân bay Điện Biên.

Trong hai ngày 6 và 7/4, đã có 11 chuyến bay đi/đến sân bay Điện Biên phải hủy do hạn chế tầm nhìn, máy bay không thể cất/hạ cánh vì tầm nhìn dưới mức tiêu chuẩn.

Cụ thể, trong ngày 6/4 có đã có 5 chuyến bay đi/đến sân bay Điện Biên phải hủy do điều kiện thời tiết xấu, chỉ có 1 chuyến bay duy nhất hạ cánh thành công nhưng sau đó không thể cất cánh trở về sân bay Nội Bài. Chuyến bay từ TP.HCM đến sân bay Điện Biên chỉ sau đó hơn 10 phút nhưng không thể hạ cánh nên phải bay về sân bay Nội Bài.

Ngày 7/4, bầu trời tại thành phố Điện Biên Phủ vẫn trong tình trạng mù, tầm nhìn xa hạn chế nên 6 chuyến bay đi/đến sân bay Điện Biên đều không thể thực hiện cất/hạ cánh. Đến 17 giờ chiều 7/4, chuyến bay đã hạ cánh ngày 6/4 tại sân bay Điện Biên vẫn chưa thể cất cánh quay về Nội Bài - Hà Nội.

Theo Cảng hàng không Điện Biên, việc hủy chuyến và tạm dừng bay liên quan đến các chuyến bay đi/đến sân bay Điện Biên là do ảnh hưởng của hiện tượng mù khô và khói khiến tầm nhìn thấp hơn mức tiêu chuẩn.

Tháng 5/2024, hoàn thành đường nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

Chủ đầu tư và các nhà thầu được yêu cầu tăng tốc thi công để hoàn thành, đưa vào khai thác dự án đường nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên trong tháng 5/2024.

Thi công dự án đường nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

Thi công dự án đường nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên

Thông tin tình hình triển khai Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tính đến đầu tháng 4/2024, sản lượng đạt khoảng 86,63%, chậm gần 1,4% so với kế hoạch.

Với các hạng mục chính, hiện 18/18 cầu trên tuyến đã cơ bản hoàn thành. Công tác đắp nền đường; dỡ tải đạt khoảng 82%, cấp phối đá dăm đạt khoảng 8%.

Yêu cầu bàn giao, đưa Dự án vào khai thác trước ngày 31/5/2024 theo đúng cam kết, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu huy động đầy đủ nguồn lực, triển khai thi công theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT.

Dự án Đầu tư xây dựng đường nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên có tổng chiều dài hơn 15 km, đi qua địa phận An Giang và Cần Thơ. Đoạn nâng cấp cải tạo Quốc lộ 80 dài khoảng 2 km.

Theo thiết kế, Dự án được đầu tư quy mô 2 làn xe cơ giới, mặt đường rộng 11 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia (DFAT); vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Đề nghị bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt kết nối tỉnh Bình Dương với Sân bay Biên Hòa

Theo Sở Giao thông vận tải Bình Dương, mới đây, UBND Tỉnh đã có văn bản góp ý bổ sung một số nội dung về Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, địa phương này đề nghị bổ sung quy hoạch thêm tuyến đường sắt kết nối với Cảng hàng không (sân bay) Biên Hòa.

Tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Sân bay Biên Hòa. Ảnh minh họa

Tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Sân bay Biên Hòa. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong nội dung góp ý chưa làm rõ nội dung hướng tuyến của tuyến đường sắt này. Do đó, thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương sẽ làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương để làm việc cụ thể về hướng tuyến của tuyến đường sắt được đề nghị bổ sung vào quy hoạch.

Hiện nay, về giao thông kết nối đường bộ, giữa Đồng Nai và Bình Dương đã có các cầu được đầu tư xây dựng gồm cầu Đồng Nai, Hóa An và Thủ Biên. Cùng với đó, cầu Bạch Đằng 2 hiện cũng đang được triển khai xây dựng.

Ngoài ra, 2 địa phương cũng đã thống nhất bổ sung quy hoạch thêm 4 vị trí xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai, sông Bé gồm: Hiếu Liêm 2, Tân An - Lạc An, Tân Hiền - Thường Tân và Thạnh Hội 2.

Đồng thời, để tăng cường kết nối giao thông khi Sân bay Biên Hòa được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng, tỉnh Đồng Nai cũng đã thống nhất bổ sung thêm vị trí xây dựng cầu kết nối giữa thành phố Biên Hòa và thành phố Dĩ An tại khu vực bến đò Xóm Lá, phường Bửu Long...

Xuất khẩu hạt điều tăng vọt

Tháng 3, Việt Nam xuất khẩu 55.000 tấn hạt điều, trị giá 289 triệu USD, gấp đôi so với tháng trước.

Lũy kế quý I, xuất khẩu hạt điều đạt 147.000 tấn, trị giá 782 triệu USD

Lũy kế quý I, xuất khẩu hạt điều đạt 147.000 tấn, trị giá 782 triệu USD

Số liệu trên vừa được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trích dẫn từ Hải quan. Lũy kế quý I, xuất khẩu hạt điều đạt 147.000 tấn, trị giá 782 triệu USD, lần lượt tăng 32% và 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt điều trên thế giới tăng cao. Đặc biệt, hạt này ngày càng trở thành món ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe được nhiều người sử dụng hằng ngày.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hạt điều W320 (điều trắng loại 320 hạt) và W240 (loại 240 hạt), tỷ trọng chiếm 56,71% tổng lượng hạt điều xuất khẩu. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt điều W320 và W240 tác động tích cực lên hoạt động của ngành.

Về thị trường, Mỹ là thị trường nhập khẩu hạt điều của Việt Nam lớn nhất, còn Trung Quốc nổi lên là một người mua tích cực.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, với sự phát triển công nghệ, hạt điều Việt đang bị cạnh tranh với các quốc gia khác, nhất là những quốc gia có thế mạnh về nguyên liệu điều thô như Bờ Biển Ngà. Do đó, ngành điều cần chú trọng chất lượng chế biến và đa dạng sản phẩm chế biến để tăng lợi thế cạnh tranh.

Năm 2023 xuất khẩu điều đạt kỷ lục 3,64 tỷ USD, vượt 18% kế hoạch. Dự báo năm nay, ngành điều còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu và có thể cán đích 4 tỷ USD.

Chuyên đề