Bản tin thời sự sáng 8/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 5% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán; hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm xin phân kỳ nộp tiền; Bộ Xây dựng đề nghị xem xét lại công trình số 61 Trần Phú; ban quản lý, nhà thầu sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất bị phê bình…

5% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán

Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tính đến cuối tháng 3 đạt 4,93 triệu, tương đương 5% dân số cả nước.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tính đến cuối tháng 3 đạt 4,93 triệu

Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tính đến cuối tháng 3 đạt 4,93 triệu

Điều này đồng nghĩa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm do Thủ tướng ban hành đã hoàn thành trước hạn 3 năm.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia chứng khoán trong tháng 3/2022 tiếp tục lập kỷ lục mới với 270.000 tài khoản.

Tính chung ba tháng đầu năm, có 675.000 nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán, gần bằng phân nửa số lượng tài khoản mở mới của năm trước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 4,98 triệu tài khoản đang giao dịch. Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo với 98,9%, còn lại là của nhà đầu tư tổ chức trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, trong năm nay, bình quân mỗi tháng thị trường có thêm 150.000 tài khoản mới. Trong khi đó, ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư VinaCapital, dự đoán số lượng nhà đầu tư chứng khoán có thể tăng gấp 3 lần trong 10 năm tới.

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm xin phân kỳ nộp tiền

Dream Republic và Sheen Mega, hai doanh nghiệp còn lại chưa bỏ cọc, đề xuất được phân kỳ nộp tiền sử dụng đất thành 6 lần từ nay đến tháng 9/2022.

Cục Thuế đã nhận được văn bản của hai doanh nghiệp đề nghị phân kỳ nộp tiền sử dụng đất từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, chia thành 6 đợt.

Cục Thuế đã nhận được văn bản của hai doanh nghiệp đề nghị phân kỳ nộp tiền sử dụng đất từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, chia thành 6 đợt.

Đến hết ngày 6/4, Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega vẫn chưa nộp lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất.

Theo Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh, sáng ngày 7/4, Cục Thuế Thành phố đã nhận được văn bản của hai doanh nghiệp đề nghị phân kỳ nộp tiền sử dụng đất từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, chia thành 6 đợt.

Tuy nhiên, bà Hạnh cho biết, các lý do doanh nghiệp nêu ra không thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế nên Cục Thuế TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục thu tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất.

Theo quy định, cả hai phải chịu thêm tiền chậm nộp. Số tiền trên được tính bằng cách lấy số ngày chậm nộp nhân 0,03% lãi mỗi ngày.

Theo kết quả đấu giá hôm 10/12/2021, Công ty CP Dream Republic trúng lô đất số 3-5, diện tích 6.446 m2, phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Còn Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 có diện tích hơn 8.500 m2, phải đóng số tiền 4.000 tỷ đồng sử dụng đất và được miễn nộp lệ phí trước bạ với diện tích đất ở.

Nếu hai công ty này nộp tiền đúng kế hoạch, Cục thuế TP.HCM sẽ thu được khoảng 8.000 tỷ đồng.

Dream Republic thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng trong khi Sheen Mega có vốn điều lệ 500 tỷ và tuổi đời "gần hai tháng" tính tới ngày tham gia đấu giá. Dream Republic và Sheen Mega đều đăng ký số vốn vài trăm tỷ đồng nhưng cho tới cuối năm 2020, báo cáo tài chính của cả hai vẫn chưa ghi nhận phần vốn được góp. Tổng tài sản chỉ dừng ở mức vài chục triệu đồng và không phát sinh hoạt động kinh doanh.

Bộ Xây dựng đề nghị xem xét lại công trình số 61 Trần Phú

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội tạm dừng xây dựng, rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình đa năng tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình.

Các công trình trên lô đất số 61 Trần Phú đã phá dỡ gần hết, chỉ còn lại dãy nhà giáp phố Hùng Vương

Các công trình trên lô đất số 61 Trần Phú đã phá dỡ gần hết, chỉ còn lại dãy nhà giáp phố Hùng Vương

Trong văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng giải thích lý do đưa ra đề nghị trên là dư luận, báo chí mong muốn xem xét lại phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú, bảo vệ bức phù điêu đắp nổi với hình ảnh dân quân, tự vệ bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Mỹ.

Bộ Xây dựng dẫn lại Quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Chính trị Ba Đình tỷ lệ 1/2.000 được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh vào tháng 12/2013. Theo đó, Nhà máy Thiết bị Bưu điện tại lô G1 (số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo minh bạch khi thực hiện dự án tại lô đất số 61 Trần Phú. Bộ cũng nêu rõ, ngày 24/3/2016 từng lưu ý Hà Nội rà soát chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 Trần Phú đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu Trung tâm Chính trị Ba Đình.

Khu đất số 61 Trần Phú tiếp giáp 4 tuyến phố là Trần Phú, Lê Trực, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học, do Công ty CP Thiết bị bưu điện (Postef) quản lý, sử dụng. Nơi đây vốn là nhà máy được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Dãy nhà xưởng còn gắn với bức phù điêu ghi lại dấu ấn dân quân tự vệ bắn rơi máy bay Mỹ ngày 19/5/1967.

Hiện, các dãy nhà xưởng trên khu đất đã phá dỡ gần hết, chỉ còn dãy nhà giáp phố Hùng Vương. Dự kiến công trình thay thế gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm với chức năng tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp.

Hơn 24.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 3 TP.HCM

UBND TP.HCM đề xuất HĐND Thành phố bố trí hơn 24.000 tỷ đồng để đầu tư Dự án đường Vành đai 3, dự kiến triển khai từ năm 2023.

Hướng tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM

Hướng tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM

Nội dung này được Phó Chủ tịch UBND Thành phố Phan Thị Thắng nêu trong tờ trình đề xuất HĐND Thành phố ban hành nghị quyết triển khai Dự án đường Vành đai 3 tại Kỳ họp thứ 5, HĐND TP.HCM khoá X. Chính quyền Thành phố cũng xin chuyển mục đích sử dụng 17 ha rừng tràm ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, để thực hiện tuyến đường.

Vành đai 3 tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Công trình thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, thực hiện từ 2022 - 2027. Dự kiến, Chính phủ trình Quốc hội dự án này tại kỳ họp vào tháng 5 tới.

TP.HCM dự tính việc chuẩn bị đầu tư Dự án, giải phóng mặt bằng từ nay đến năm 2024. Năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước khi hoàn thiện năm 2026. Trong tổng vốn đề xuất, Thành phố dự kiến bố trí gần 19.500 tỷ đồng ở giai đoạn 2021 - 2025, hơn 4.500 tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030.

Vành đai 3 được quy hoạch 11 năm trước, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, tổng chiều dài gần 92 km. Hiện, toàn tuyến chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 15 km, đi qua Bình Dương đã đầu tư 6 làn xe. Ngoài ra, trên đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch hiện dự án thành phần 1A kết nối tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP. Thủ Đức), dùng vốn ODA sắp khởi công.

Ban quản lý, nhà thầu sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất bị phê bình

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải phê bình Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và nhà thầu xây lắp, tư vấn Dự án cải tạo, nâng cấp đường băng Tân Sơn Nhất.

Công trường thi công đường băng Tân Sơn Nhất

Công trường thi công đường băng Tân Sơn Nhất

Trong văn bản gửi Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận mới đây, Bộ Giao thông vận tải phê bình đơn vị này đã không quyết liệt tổ chức, đôn đốc nhà thầu, thường xuyên để công trình sửa chữa đường băng Tân Sơn Nhất, TP.HCM, bị chậm tiến độ.

Nhà thầu xây lắp là Cienco 4 bị phê bình do thi công chậm tiến độ, không bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc thực hiện theo đúng hợp đồng. Nhà thầu tư vấn thiết kế là Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) không chủ động phối hợp với phía sân bay, không cử cán bộ ra công trường để chỉnh sửa hồ sơ thiết kế, dẫn đến phải sửa nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ Dự án.

Để khai thác trở lại hai đường băng Tân Sơn Nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị để hoàn thành xây dựng, kéo rải cáp, đấu nối thiết bị, xử lý dứt điểm tồn tại. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận tổ chức nghiệm thu các hạng mục, đưa hai đường băng vào khai thác trước ngày 25/4. Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chất lượng và tiến độ của Dự án.

Dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất gồm cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song và nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu... Tổng đầu tư Dự án 2.015 tỷ đồng, thi công theo hai giai đoạn.

TP.HCM chi hơn 90 tỷ tăng kết nối Metro Số 1

HĐND TP.HCM nhất trí chi 93 tỷ đồng để cải tạo vỉa hè, xây các trạm dừng quanh các nhà ga để tăng kết nối Metro Số 1 với các tuyến xe buýt.

Ga Suối Tiên - một trong 11 ga trên cao của Metro Số 1

Ga Suối Tiên - một trong 11 ga trên cao của Metro Số 1

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án kết nối các tuyến xe buýt với tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được các đại biểu thông qua tại Kỳ họp thứ 5, HĐND TP.HCM khoá X, vào chiều ngày 7/4.

Dự án có tổng số vốn hơn 93 tỷ đồng, giảm hơn 20 tỷ đồng so với đề xuất trước đó của Sở Giao thông vận tải Thành phố. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM làm chủ đầu tư và thực hiện trong năm 2022 - 2024.

Mạng lưới các tuyến xe buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội sẽ được tổ chức lại để tăng khả năng tiếp cận với Metro Số 1 nâng cao hiệu quả khai thác. Dự án cũng xây các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, khu vực đón trả khách, bãi đậu xe... quanh 11 nhà ga trên cao; cải tạo vỉa hè đường song hành và xa lộ Hà Nội, tăng khả năng tiếp cận cho khách đi bộ đến các nhà ga.

Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.

Chuyên đề