Bản tin thời sự sáng 8/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là siết quản lý thuế với mua bán vàng, đá quý; được tạm sử dụng rừng để thi công đường dây 500 kV mạch 3 ra Bắc; Sở Du lịch TP.HCM muốn rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất; lô "đất vàng" tại Hà Nội sẽ xây 3 tòa nhà chung cư cao hơn 20 tầng…

Siết quản lý thuế với mua bán vàng, đá quý

Ngành thuế sẽ rà soát việc kê khai, nộp thuế VAT với kinh doanh, chế tác vàng (nguyên liệu, miếng), đá quý.

Người dân mua vàng, vàng SJC, trang sức tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh

Người dân mua vàng, vàng SJC, trang sức tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh

Yêu cầu rà soát của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đưa ra mới đây, nhằm phát hiện các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh mua bán, chế tác vàng, đá quý không kê khai, hoặc khai thiếu thuế (có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với kê khai thuế VAT).

Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có vi phạm và có dấu hiệu tội phạm, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế địa phương chuyển hồ sơ sang công an để điều tra, xử lý.

Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ vàng, như năm 2023 khoảng 55,5 tấn, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới.

Theo cơ quan thuế, kinh doanh vàng bạc, đá quý là một trong những lĩnh vực rủi ro cao về gian lận, trốn thuế. Họ cũng khó kiểm soát mua bán vàng miếng, nguyên liệu do tình trạng buôn lậu vẫn "nóng". Vì thế, ngành thuế liên tục có động thái siết quản lý thu với hoạt động này.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng trong nước liên tục "sốt nóng". Từ vùng giá 77,5 triệu đồng (ngày 19/2), vàng miếng SJC đã tăng 3,5 triệu đồng mỗi lượng chỉ sau chưa đầy hai tuần.

Được tạm sử dụng rừng để thi công đường dây 500 kV mạch 3 ra Bắc

Chủ đầu tư đường dây 500 kV mạch 3 kéo điện ra Bắc được sử dụng rừng để thi công các công trình tạm, theo Nghị định mới của Chính phủ.

Được tạm sử dụng rừng để thi công đường dây 500 kV mạch 3 ra Bắc

Được tạm sử dụng rừng để thi công đường dây 500 kV mạch 3 ra Bắc

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) phải hoàn thành vào tháng 6/2024 nhưng nguy cơ chậm tiến độ do vướng quy định về thủ tục tác động vào rừng để mở đường thi công tạm. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), diện tích rừng cho phần đường tạm của đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa gần 3,5 ha, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu là hơn 6 ha.

Do vậy, Nghị định 27 của Chính phủ sẽ gỡ vướng cho Dự án đường dây 500 kV mạch 3 và nhiều dự án lưới điện quan trọng khác.

Theo Nghị định, dự án nguồn, lưới điện sẽ được phép tạm tác động vào rừng để làm công trình tạm (đường tạm, bãi tạm tập kết vật liệu) trong trường hợp để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Phần rừng được tác động nhưng không chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác.

Các dự án chỉ được tạm sử dụng rừng khi không thể bố trí diện tích đất khác. Phương án sử dụng cũng phải hạn chế tối đa diện tích rừng bị tác động, được điều tra, đánh giá hiện trạng diện tích, trữ lượng.

Với các khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, phạm vi diện tích rừng có các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm sẽ không được sử dụng để thi công tạm. Sau khi thi công xong, rừng phải được phục hồi ngay trong mùa vụ trồng rừng gần nhất nhưng không quá 12 tháng.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phương án tạm sử dụng rừng. Trường hợp diện tích này thuộc phạm vi quản lý của các bộ ngành, UBND cấp tỉnh xin ý kiến của bộ ngành chủ quản.

Đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 514 km nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Các dự án này đều khởi công tháng 10/2023 và tháng 1/2024.

Sở Du lịch TP.HCM muốn rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Sở Du lịch TP.HCM đề xuất cần có làn (line) thủ tục xuất nhập cảnh dành riêng cho khách hạng thương gia, nhà đầu tư quốc tế, đồng thời có thể nghiên cứu thu phí dịch vụ ưu tiên làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất để giảm thời gian chờ đợi cho hành khách.

Hành khách làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động ở sân bay Tân Sơn Nhất

Hành khách làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động ở sân bay Tân Sơn Nhất

Sở Du lịch TP.HCM vừa báo cáo kết quả thực hiện kết luận của lãnh đạo UBND Thành phố về các hoạt động liên quan đến Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, Sở nhận được phản ánh của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp du lịch lớn, nhà đầu tư quốc tế tại Thành phố về việc gặp khó khăn, mất nhiều thời gian chờ đợi khi đi và đến sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt tại khu vực xuất nhập cảnh dù đã sử dụng dịch vụ hạng thương gia.

Các đơn vị này kiến nghị cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quầy thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay; có làn thủ tục xuất nhập cảnh dành riêng cho khách hạng thương gia và có thể nghiên cứu thu phí dịch vụ ưu tiên làm thủ tục này để du khách lựa chọn.

Về việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình xuất nhập cảnh, quy trình thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động được triển khai từ tháng 8/2023 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phần nào rút ngắn thời gian chờ của du khách. Tuy nhiên, Sở Du lịch vẫn nhận được nhiều phản hồi của du khách về việc phải xếp hàng trong nhiều giờ để làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Do đó, để cải thiện hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sở Du lịch đề xuất UBND TP.HCM có kiến nghị đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Cảng vụ Hàng không miền Nam chủ trì nghiên cứu cơ chế thí điểm làn (line) ưu tiên thủ tục xuất nhập cảnh dành riêng cho khách hạng thương gia.

Lô "đất vàng" tại Hà Nội sẽ xây 3 tòa nhà chung cư cao hơn 20 tầng

UBND Quận Ba Đình (Hà Nội) vừa lên phương án xây dựng 3 tòa nhà (1 tòa tái định cư, 2 tòa thương mại) cao hơn 20 tầng trên khu đất vàng 20.000 m2 tại cụm chung cư cũ ở ven hồ Thành Công, Hà Nội.

Phối cảnh minh họa cụm nhà chung cư sau khi được cải tạo, xây dựng lại

Phối cảnh minh họa cụm nhà chung cư sau khi được cải tạo, xây dựng lại

Ngày 7/3, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về phương án kiến trúc sơ bộ để cải tạo, xây dựng lại cụm nhà chung cư cũ G6A, G6B, G22, G23, G24 Thành Công.

Tại hội nghị, ông Đỗ Hà Thanh, Trưởng phòng Đô thị quận Ba Đình cho biết, nhà tập thể cũ G6A thuộc loại nguy hiểm cấp độ D, buộc phải phá dỡ để xây dựng lại.

Để đảm bảo tính đồng bộ cho cả khu vực và có quỹ đất xây nhà tái định cư tại chỗ, quận Ba Đình đã lấy ý kiến nhân dân về đề xuất cải tạo tổng mặt bằng của khu vực chung cư cũ Thành Công, gồm cả nhà G6A, G6B, G22, G23, G24.

Theo phương án đề xuất của quận Ba Đình, tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 20.000 m2. Trong đó, tòa chung cư cũ G6A được phá dỡ toàn bộ, trên nền tòa nhà này sẽ xây dựng chung cư tái định cư có 5 tầng đế và 24 tầng cao.

Đáng chú ý, toàn bộ người dân ở các tòa nhà G6A, G6B, G22, G23, G24 được tái định cư tại tòa nhà cao 24 tầng, 218 căn hộ. Bên cạnh đó, toà nhà này cũng sẽ có khoảng 70 căn hộ sử dụng mục đích thương mại, dịch vụ.

Trong đó, 2 tòa nhà dịch vụ thương mại không có chức năng ở. Toà 1 gồm 18 tầng nổi, 3 tầng hầm, tòa 2 gồm 24 tầng nổi và 4 tầng hầm. Phương án sơ bộ này được đưa ra để lấy ý kiến góp ý của người dân, trên cơ sở đó sẽ trình lên cấp có thẩm quyền nghiên cứu phê duyệt.

Bạc Liêu trùng tu đồng hồ xem giờ bằng ánh mặt trời duy nhất Việt Nam

Sau thời gian xuống cấp và hư hỏng, đồng hồ Thái Dương hơn 110 tuổi, xem giờ bằng ánh mặt trời độc nhất Việt Nam sẽ được trùng tu.

Phối cảnh khuôn viên dự kiến của di tích đồng hồ đá

Phối cảnh khuôn viên dự kiến của di tích đồng hồ đá

Theo phương án trùng tu của TP. Bạc Liêu, đồng hồ sẽ được phục hồi các giờ bị mục hỏng; tháo bỏ mặt đá granit trên đồng hồ thay thế bằng đất nung; bố trí hệ thống chiếu sáng nghệ thuật. Cách làm này sẽ bảo tồn được cách đo thời gian dựa trên nắng mặt trời; vật liệu đất nung có thời gian bền vững lâu.

Riêng mặt nền, phần đá granit sẽ được bóc dỡ, xử lý móng và đổ bêtông mặt nền, làm bậc tam cấp đi xuống, dựng hàng rào bảo vệ và hệ thống thu nước, chống ngập. Khuôn viên di tích sẽ trồng hoa, cây cảnh và cắt tỉa thường xuyên để đảm bảo ánh nắng chiếu vào đồng hồ. Kinh phí trùng tu dự kiến hơn 800 triệu đồng. Hiện phương án cải tạo được trình để UBND Tỉnh phê duyệt.

Đồng hồ Thái Dương do ông Lưu Văn Lang (còn gọi Bác Vật Lang, 1880-1969), kỹ sư ngành công chánh đầu tiên của Nam Bộ xây dựng năm 1913. Di tích nằm trên đường 30/4, Phường 3, TP. Bạc Liêu, đối diện Hội Văn học nghệ thuật Tỉnh.

Công trình được xây bằng gạch thẻ. Trên mặt có ba phần: hai khối hình vuông và ở giữa là gờ cao hình chữ nhật nhô ra phía trước, có vạch số La Mã từ một đến mười hai chỉ giờ. Khi ánh sáng chiếu vào gờ cao sẽ chia mặt đồng hồ làm hai mảng sáng - tối. Lằn ranh giới giữa hai mảng này chính là kim chỉ giờ.

Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, đây là đồng hồ xem giờ bằng ánh nắng duy nhất sót lại ở Việt Nam, độ sai lệch 5 - 7 phút so với đồng hồ thông thường. Năm 2006, đồng hồ được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cần bảo tồn.

Có khoảng 240 thửa đất vắng chủ tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Qua kiểm đếm tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn Đồng Nai, vùng dự án có khoảng 240 thửa đất (diện tích hơn 18 ha) chưa xác định được chủ sử dụng đất (đất vắng chủ).

Thi công tại dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Thi công tại dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Chiều 7/3, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị liên quan về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua địa bàn Đồng Nai.

Theo Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai (Ban Bồi thường), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai có chiều dài hơn 34 km, được chia làm 2 dự án thành phần (thành phần 1 và thành phần 2). Để thực hiện Dự án, ngành chức năng phải thu hồi hơn 290 ha đất của nhiều tổ chức và khoảng 3.500 hộ tại 11 xã, phường.

Đến nay, việc kiểm đếm đất đai, tài sản tại 2 dự án thành phần đã hoàn thành khoảng 93%. Nhưng kiểm đếm tại cao tốc chưa đạt yêu cầu là do vùng dự án có khoảng 240 thửa đất (diện tích hơn 18 ha) chưa xác định được chủ sử dụng đất (đất vắng chủ). Do không liên lạc được với chủ sử dụng đất nên Ban Bồi thường đã phối hợp cùng chính quyền các xã, phường, thị trấn để niêm yết công khai, thông báo tìm chủ sử dụng đất.

Đến nay, các thủ tục niêm yết, thông báo đã được thực hiện đúng trình tự. Dự kiến từ giữa tháng 3/2024, ngành chức năng sẽ thực hiện kiểm kê theo diện vắng chủ đối với các trường hợp nêu trên theo đúng quy định.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Bồi thường cho biết, trước đây việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án thành phần 1 và thành phần 2, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do Ban Bồi thường đảm nhận. Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã thống nhất chủ trương giao huyện Long Thành giải phóng mặt bằng dự án thành phần 2.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã khởi công cách đây hơn 8 tháng, nhưng đến nay tỉnh Đồng Nai mới bàn giao được khoảng 20% mặt bằng phục vụ dự án, không đáp ứng yêu cầu thi công.

Khách Việt du lịch Mông Cổ được miễn visa từ 7/3

Mông Cổ chính thức miễn visa cho khách du lịch Việt Nam từ ngày 7/3.

Khách Việt du lịch Mông Cổ được miễn visa từ 7/3

Khách Việt du lịch Mông Cổ được miễn visa từ 7/3

Chính phủ Mông Cổ công bố danh sách các nước được miễn thị thực, trong đó có Việt Nam. Danh sách này chính thức có hiệu lực từ 7/3.

Theo đó, công dân Việt Nam nhập cảnh Mông Cổ lưu trú không quá 30 ngày sẽ được miễn visa.

Bà Hồ Thị Phương - Giám đốc Công ty du lịch Premier Tour cho rằng, thủ tục xin cấp thị thực Mông Cổ không phức tạp, từ đầu năm 2023 khách Việt đã có thể xin e-visa.

Hiện nay, với chính sách miễn visa mới, khách Việt có thể tiết kiệm thêm chi phí khi du lịch Mông Cổ. Trước đó, khách Việt du lịch Mông Cổ cần xin visa hoặc e-visa, chi phí 25 USD và phụ phí.

"Tour Mông Cổ luôn có vị trí đặc biệt trong lòng du khách Việt Nam, một phần vì cảnh quan đẹp, người dân thân thiện và những nét văn hóa thú vị", bà Phương cho hay.

Blogger Nguyễn Thùy Trang cho rằng, Mông Cổ chính là điểm đến du khách Việt Nam nên ghé thăm trong năm 2024.

"Hiện tại quốc gia này miễn phí visa và có chuyến bay thẳng, rất thích hợp để khách Việt khám phá vùng đất nguyên sơ, xinh đẹp này", cô bày tỏ.

Tháng 11/2023, Việt Nam và Mông Cổ đã ký hiệp định miễn thị thực song phương. Hiệp định này góp phần mở rộng hợp tác thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân hai nước.

Từ cuối năm 2023, đường bay Ulaanbaatar - Nha Trang đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và du khách Mông Cổ đến với Nha Trang, Việt Nam và ngược lại.

Cựu Phó Chủ tịch huyện ở Lâm Đồng bị bắt

Ông Lê Ngọc Sanh, 67 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cùng cấp dưới bị cáo buộc sai phạm trong đền bù gây thiệt hại 500 triệu đồng.

Ông Lê Ngọc Sanh khi cơ quan điều tra đọc quyết định khám xét nơi ở


Ông Lê Ngọc Sanh khi cơ quan điều tra đọc quyết định khám xét nơi ở

Ngày 7/3, ông Sanh và ông Huỳnh Trí, Giám đốc chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cát Tiên, bị Công an tỉnh Lâm Đồng bắt tạm giam về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo điều tra, năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Cát Tiên làm chủ đầu tư Dự án hồ chứa nước Tư Nghĩa.

Năm 2011, UBND Huyện phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư (giai đoạn một), nhưng sau đó bị xác định sai phạm, khiến nhiều cán bộ của Ban giải phóng mặt bằng và tái định cư huyện Cát Tiên bị khởi tố.

Tiếp đó, Huyện thành lập Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng hồ Tư Nghĩa (giai đoạn 2) do ông Lê Ngọc Sanh, Phó Chủ tịch và ông Huỳnh Trí (lúc này giữ chức Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường) phụ trách tiếp tục thực hiện.

Khi xác định giá đất để đền bù, ông Sanh và ông Trí bị xác định sai phạm gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 500 triệu đồng, dù không tư lợi cá nhân.

Chuyên đề