Bản tin thời sự sáng 8/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tạm dừng thông quan hàng qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; sẽ có thêm chuyến bay thứ 3 đưa người Việt Nam tại Ukraine về nước; NHNN đề xuất kéo dài thêm 3 năm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42; tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TP.HCM chính thức hoạt động từ ngày 8/3…

Tạm dừng thông quan hàng qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị

Do phía Quảng Tây (Trung Quốc) phát hiện một số ca trong nội địa và khu vực cửa khẩu dương tính với virus SARS-CoV-2, phía Trung Quốc tạm thời dừng hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam).

Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Trung Quốc tạm dừng thông quan hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Tính đến sáng 7/3, tổng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 1.710 xe, trong đó khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là 921 xe (bao gồm 271 xe trong bãi tại cửa khẩu; 452 xe tại khu trung chuyển; 198 xe tại bãi xe Cốc Nam).

Trước đó, khi phát hiện có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Trung Quốc chỉ tạm dừng thông quan hàng hóa qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) trong 1 ngày, sau đó tiếp tục hoạt động thông quan trở lại.

Đây là lần đầu tiên cặp cửa khẩu này tạm dừng hoạt động 2 ngày liên tiếp và hiện phía Trung Quốc chưa thông báo lại thời gian cụ thể khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa.

Sẽ có thêm chuyến bay thứ 3 đưa người Việt Nam tại Ukraine về nước

Dự kiến chuyến bay thứ 3 của Vietnam Airlines sẽ cất cánh từ Nội Bài ngày 10/3 đến Bucharest (Romania) đón người Việt tại đây quay trở về, hạ cánh tại Nội Bài ngày 11/3.

Thêm chuyến bay thứ 3 sơ tán người Việt Nam tại Ukraine về nước vào ngày 10/3.

Thêm chuyến bay thứ 3 sơ tán người Việt Nam tại Ukraine về nước vào ngày 10/3.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết, trên cơ sở đề nghị của Cục Lãnh sự -Bộ Ngoại giao về việc tăng cường thêm chuyến bay để đưa người Việt Nam từ Ukraine về nước, Cục Hàng không đồng ý để Vietnam Airlines sẽ thực hiện chuyến bay thứ 3 chặng Bucharest (Romania) - Nội Bài (Hà Nội).

Dự kiến chuyến bay này sẽ cất cánh từ Nội Bài lúc 9h30 ngày 10/3/2022 đi Bucharest (Romania) và hạ cánh tại Nội Bài lúc 11h30 (giờ Hà Nội) ngày 11/3/2022.

Theo ông Sơn, vừa qua, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã hỏa tốc gửi văn bản đến Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tổ chức thêm chuyến bay để đưa người Việt Nam tại Ukraine về nước.

Cục Lãnh sự cho hay, trên cơ sở trao đổi thống nhất giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông vận tải, trước mắt sẽ tổ chức 2 chuyến bay từ Romania ngày 7/3/2022 do Vietnam Airlines thực hiện và từ Ba Lan ngày 9/3/2022 do hãng hàng không Bamboo Airways thực hiện.

Đáng chú ý, Cục Lãnh sự cho hay, theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Romania, trong ngày 5/3 đã có khoảng 600 người Việt Nam và gia đình tại Ukraine đã sơ tán sang Romania. Hầu hết trong số này đều có nguyện vọng được về Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam thông tin thêm, do việc khai thác đến Ukraine không thực hiện được vì là vùng chiến sự nên các hãng hàng không đều xây dựng phương án khai thác đến các điểm thuộc các quốc gia láng giềng của Ukraine như Warsaw (Ba Lan), Bucharest (Romania), Budapest (Hungary), Bratislava (Slovakia), Moscow (Nga) và Minsk (Belarus).

Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thêm 3 năm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42 kéo dài đến ngày 15/8/2025.

NHNN đề xuất kéo dài thêm 3 năm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025

NHNN đề xuất kéo dài thêm 3 năm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025

Ngày 7/3, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8/2022. Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Việc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022.

Vì vậy, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực thi hành và khi chưa ban hành được Luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 trong giai đoạn 2022 - 2025.

Ngoài ra, để đảm bảo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng trình tự thủ tục rút gọn và thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 tại 1 kỳ họp vào tháng 5/2022.

Theo đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết sau gần 5 năm thực hiện, báo cáo của các tổ chức tín dụng nêu rõ lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng...

Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TP.HCM chính thức hoạt động từ ngày 8/3

Tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TP.HCM chạy tuyến khu dân cư Vinhome Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn sẽ chính thức hoạt động từ ngày 8/3.

Tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TP.HCM sẽ hoạt động từ ngày 8/3.

Tuyến xe buýt điện đầu tiên ở TP.HCM sẽ hoạt động từ ngày 8/3.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, tuyến xe buýt điện đầu tiên của Thành phố chạy từ ngày 8/3. Đây là 1 trong 5 tuyến xe buýt điện có chất lượng, hiện đại, thân thiện với môi trường kết nối với các khu đô thị mới và trung tâm TP.HCM được Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus, Tập đoàn VinGroup đầu tư.

Tuyến xe buýt điện D4 tuyến khu dân cư Vinhome Grand Park (TP. Thủ Đức) - bến xe buýt Sài Gòn (Quận 1) chính thức hoạt động từ ngày 8/3. Tuyến D4 với cự ly tuyến là 29 km, mỗi ngày sẽ có 94 chuyến hoạt động, trung bình 20 phút sẽ có một chuyến.

Thời gian hoạt động trong ngày tại Vinhomes Grand Park (TP. Thủ Đức) là từ 5h đến 20h mỗi ngày; tại bến xe buýt Sài Gòn (Quận 1) là từ 5h35 đến 21h15 mỗi ngày.

Sau 24 tháng thí điểm, Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách.

Theo Sở GTVT, 4 tuyến xe buýt điện còn lại dự kiến sẽ hoạt động vào quý III và quý IV. Các tuyến này gồm: VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, dài 27km), VB02 (Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất, 30km), VB04 (Vinhome Grand Park - bến xe Miền Đông mới, 8,5km), VB05 (Vinhome Grand Park - bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị ĐH Quốc gia, 10km).

Chuẩn bị mở tuyến tàu cao tốc từ TP.HCM - Côn Đảo

Sở GTVT TP.HCM vừa có phản hồi với chủ đầu tư về việc mở tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo.

Thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Côn Đảo khoảng 5 giờ đồng hồ

Thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Côn Đảo khoảng 5 giờ đồng hồ

Theo đó, Sở GTVT ủng hộ đề xuất của Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (Greenlines DP), Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc về việc khai thác vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo và ngược lại.

Sở GTVT TP.HCM đánh giá việc khai thác tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo phù hợp với chủ trương UBND TP.HCM về việc thúc đẩy phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa trên địa bàn Thành phố…

Tuy nhiên, về thủ tục đăng ký vận tải hành khách cố định trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thì các tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến cảng vụ hàng hải. Do đó, Sở GTVT đề nghị các doanh nghiệp liên hệ Cảng vụ Hàng hải TP.HCM và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu để được hướng dẫn lập hồ sơ, giải quyết theo quy định.

Đối với bến đón trả hành khách tại TP.HCM, đề nghị chủ đầu tư chủ động liên hệ với chủ cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (Công ty CP Cảng Sài Gòn) để có ý kiến thống nhất cho phương tiện vào đón, trả hành khách.

Theo ông Trần Song Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (Greenlines DP), chủ đầu tư tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo, Công ty đang phối hợp cùng Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc để chuẩn bị các bước vận hành tuyến tàu cao tốc TP.HCM - Côn Đảo phục vụ du khách trong thời gian tới. Đội tàu được đóng có sức chuyên chở lớn tới 600 khách. Tàu có vận tốc khoảng 30 hải lý/giờ, thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Côn Đảo khoảng 5 giờ đồng hồ.

Từ 10/3, hãng xe công nghệ đầu tiên tăng giá cước vì áp lực giá xăng

Sau những lần lập đỉnh liên tiếp của giá xăng, Grab là hãng taxi công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước để hỗ trợ tài xế.

Giá xăng liên tục lập đỉnh, trong khi nhu cầu di chuyển giảm mạnh khiến các tài xế công nghệ tại TP.HCM khốn đốn.

Giá xăng liên tục lập đỉnh, trong khi nhu cầu di chuyển giảm mạnh khiến các tài xế công nghệ tại TP.HCM khốn đốn.

Theo thông báo mới nhất Grab vừa gửi các đối tác tài xế, hãng xe công nghệ này sẽ bắt đầu tăng cước phí tất cả các dich vụ từ 10/3.

Cụ thể, giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ tại Hà Nội, TP.HCM tăng từ thêm 2.000 đồng. Mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này tăng thêm 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000 - 2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.

Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng 1.500 đồng, mỗi km sau đó tăng 300 đồng... Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.

Grab cho biết, việc áp dựng mức cước phí mới nhằm thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng, giúp bù đắp một phần chi phí của đối tác...

Trong khi đó, đại diện các hãng xe công nghệ khác như Gojek, Be vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước.

Theo đại diện Gojek, giá cước mà hãng này đang áp dụng đã được xây dựng, tính toán bao gồm cả các yếu tố thay đổi của thị trường, không thể nhanh chóng điều chỉnh theo diễn tiến ngắn hạn của giá nhiên liệu. Bên cạnh đó, là đơn vị trung gian, hãng xe công nghệ cần cân đối giữa lợi ích của cả đối tác tài xế và khách hàng. Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của phía khách hàng.

Công an điều tra vụ cướp ngân hàng ở Hà Nội

Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ điều tra vụ cướp ngân hàng xảy ra trên địa bàn phường Xuân Tảo.

Khu vực xảy ra vụ việc.

Khu vực xảy ra vụ việc.

Theo thông tin ban đầu, vụ cướp ngân hàng xảy ra khoảng 9h sáng 7/3 tại phòng giao dịch của một ngân hàng trên địa bàn phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Nguồn tin cho biết, sáng 7/3, một đối tượng vào phòng giao dịch trên, dùng một vật giống súng để đe dọa nhân viên, lấy đi số tiền lớn.

Quá trình bỏ chạy, nghi phạm làm rơi một số tiền cùng vật giống súng. Cơ quan chức năng sau đó có mặt tại hiện trường, xác định vật trên là súng giả.

Hiện Công an quận Bắc Từ Liêm đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an Hà Nội điều tra, truy bắt nghi phạm gây án.

Chuyên đề