Bản tin thời sự sáng 8/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lãi suất liên ngân hàng tăng lên 13% một năm; xin gia hạn khu đất 3.500m2 trước cổng Tân Sơn Nhất làm bãi đỗ taxi; hủy gần 30 chuyến bay đi và đến Thanh Hóa, Vinh do sương mù; giữa tháng 3, sẽ sửa chữa 3 cáp quang biển Internet…

Lãi suất liên ngân hàng tăng lên 13% một năm

Lãi suất vay mượn tiền đồng giữa các ngân hàng, kỳ hạn 9 tháng lên 13% một năm, nhưng doanh số giao dịch chỉ 200 tỷ đồng.

Theo NHNN, lãi suất liên ngân hàng tăng lên 13% một năm

Theo NHNN, lãi suất liên ngân hàng tăng lên 13% một năm

Đây là số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước cập nhật. Theo đó, kỳ hạn 9 tháng, lãi suất liên ngân hàng (các nhà băng vay mượn lẫn nhau) tăng từ 9,61% lên 13% với khối lượng giao dịch là 200 tỷ đồng - chiếm gần 0,1% khối lượng vay mượn giữa các nhà băng. Mức lãi suất này cao hơn so với trước Tết Nguyên đán và tăng đáng kể so với cuối năm ngoái.

Trong phiên, các ngân hàng vay mượn qua đêm lẫn nhau hơn 225.700 tỷ đồng với lãi suất 6,26% một năm, cao hơn 0,17% so với trước Tết và hơn 1,7% so với cuối năm ngoái. Hình thức vay mượn này chiếm tới 95% khối lượng giao dịch giữa các nhà băng.

Ngoài ra, lãi suất vay kỳ hạn 1 tuần cũng lên 6,46% một năm với khối lượng giao dịch 21.797 tỷ đồng. Các kỳ hạn khác như 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng cũng tăng lên so với trước Tết Nguyên đán.

Lãi suất liên ngân hàng tăng cao dù Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm thanh khoản trong 5 phiên giao dịch sau dịp Tết với tổng khối lượng cung ứng ròng gần 70.800 tỷ đồng.

Theo giới phân tích, lãi suất liên ngân hàng khó hạ nhiệt sớm trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu vẫn có thể tiếp diễn. Lãi suất huy động được dự báo đạt đỉnh vào giữa năm nay trước khi hạ nhiệt vào giai đoạn sau đó.

Xin gia hạn khu đất 3.500 m2 trước cổng Tân Sơn Nhất làm bãi đỗ taxi

Sau cao điểm Tết Nguyên đán 2023, đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất muốn tiếp tục sử dụng khu đất 3.500 m2 để làm bãi đệm cho taxi trong dịp lễ 30/4 và mùa hè sắp tới.

Bãi đệm cho taxi hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023

Bãi đệm cho taxi hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2023

Ngày 7/2, đại diện Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết, đơn vừa kiến nghị UBND TP.HCM, Cảng vụ hàng không Miền Nam để được tiếp tục sử dụng khu đất 3.500 m2 để làm bãi đệm cho taxi. Khu đất này nằm tiếp giáp đường vào ga quốc tế và góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình).

Theo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, dịp cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão, từ ngày 15/1 - 5/2, sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ hơn 37,5 triệu lượt khách (tương đương hơn 125.000 lượt khách/ngày).

Thống kê cho thấy lượng hành khách đến TP.HCM qua Cảng trung bình đạt 63.000 khách/ngày. Đặc biệt từ 25 - 31/1 (từ mùng 4 đến mùng 10 Tết) lên mức 80.000 - 95.000 khách/ngày.

Theo đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, mặc dù lượng hành khách tăng gấp đôi ngày thường nhưng việc có bãi đệm ngay sát sân bay đã giúp các hãng taxi điều tiết xe di chuyển nhanh chóng vào Cảng để giải tỏa hành khách, từ đó tình trạng thiếu xe gần như không còn xảy ra.

Dự kiến vào dịp cao điểm lễ 30/4 - 1/5, lượng khách qua sân bay cũng sẽ tăng cao nên cần lượng xe tương ứng như trong dịp cao điểm Tết. Do đó, Cảng HKQT cho rằng, việc duy trì bãi đệm taxi là rất cần thiết để tránh tình trạng thiếu xe.

Hủy gần 30 chuyến bay đi và đến Thanh Hóa, Vinh do sương mù

Sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế khiến 30 chuyến bay đi và đến Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An) phải hủy trong hai ngày.

Hủy gần 30 chuyến bay đi và đến Thanh Hóa, Vinh do thời tiết xấu

Hủy gần 30 chuyến bay đi và đến Thanh Hóa, Vinh do thời tiết xấu

Theo đại diện Vietnam Airlines, ngày 7/2, Hãng hủy 4 chuyến bay giữa TP.HCM và Thanh Hóa, 2 chuyến giữa Buôn Ma Thuột và Thanh Hóa.

Vietjet Air hủy 2 chuyến bay chặng Cần Thơ - Thanh Hóa. 10 chuyến bay khác chặng TP.HCM đi Thanh Hóa phải chuyển hướng xuống Nội Bài. Hãng cũng điều chỉnh 10 chuyến chặng Thanh Hóa - TP.HCM và Hà Nội - TP.HCM.

Sân bay Vinh có khoảng 20 chuyến bay của các hãng bị hủy trong ngày 6 - 7/2. Một số máy bay phải chuyển hướng hạ cánh xuống Nội Bài và Đà Nẵng.

Do thời tiết xấu kéo dài, Vietnam Airlines, Vietjet Air cho biết các chuyến bay đi và đến khu vực phía Bắc có thể tiếp tục thay đổi kế hoạch. Hành khách bị ảnh hưởng sẽ được sắp xếp đổi chuyến.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, nửa đầu tháng 2, không khí lạnh hoạt động yếu và lệch đông nên miền Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An sẽ có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù vào đêm và sáng.

Giữa tháng 3, sẽ sửa chữa 3 cáp quang biển Internet

Kế hoạch sửa chữa cáp quang biển APG, AAG, IA diễn ra vào giữa tháng 3, đầu tháng 4 nên phải đến cuối tháng 3, thậm chí trung tuần tháng 4, chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế mới có thể tốt hơn.

Giữa tháng 3, sẽ sửa chữa 3 cáp quang biển Internet. Ảnh minh họa

Giữa tháng 3, sẽ sửa chữa 3 cáp quang biển Internet. Ảnh minh họa

Sáng 7/2, đại diện các nhà mạng trong nước cho biết, hệ thống NOC (Ban Quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế) đã thông báo kế hoạch sửa chữa 3 cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4.

Cụ thể, với tuyến APG, lỗi trên nhánh S6 dự kiến sẽ được sửa chữa từ ngày 22 - 27/3. Còn lỗi trên nhánh S9 từ ngày 5 - 9/4. Sự cố trên tuyến AAG dự kiến được sửa chữa từ ngày 30/3 - 4/4.

Tuyến cáp IA đang trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa. Thời gian dự kiến sửa chữa là giữa tháng 3.

Ngoài sự cố ở 3 tuyến cáp quang biển nêu trên, tuyến AAE-1 (Asia-Africa-Euro 1) cũng đang gặp sự cố do bị lỗi dò nguồn tại vị trí sát vùng biển thuộc Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, hiện hệ thống NOC chưa thông báo kế hoạch sửa chữa. Như vậy, theo kế hoạch, phải đến cuối tháng 3, thậm chí trung tuần tháng 4, chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế mới có thể tốt hơn.

Hiện tại, 4/5 tuyến cáp quang biển Internet là AAG, APG, AAE-1 và IA (Liên Á) đều đồng thời gặp sự cố khiến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng rõ nét. Tuyến cáp quang biển duy nhất đang hoạt động bình thường là SMW-3. Tuy nhiên, SMW-3 là tuyến cáp cũ, dung lượng khả dụng thấp và không đóng góp nhiều cho đường truyền Internet đi quốc tế của Việt Nam.

Thu ngân sách tháng 1/2023 ước đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng

Ngày 7/2, Bộ Tài chính cho biết, số thu ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 183,7 nghìn tỷ đồng, bằng 11,3% dự toán, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách tháng 1/2023 ước đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng

Thu ngân sách tháng 1/2023 ước đạt hơn 183 nghìn tỷ đồng

Trong số đó, thu nội địa ước đạt 160,4 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán, tăng 3,1% so cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô ước đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán, tăng 67,7% so cùng kỳ năm 2022; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 28 nghìn tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán, bằng 65% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ Tài chính cũng cho biết, đến ngày 26/1, Bộ đã nhận được quyết định phân bổ, giao dự toán chi ngân sách thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc của 64/78 (82,1%) bộ, cơ quan trung ương; quyết định phân bổ, giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các chủ đầu tư của 33/52 (63,5%) bộ, cơ quan trung ương được giao kế hoạch vốn năm 2023.

Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 114,9 nghìn tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội.

TP.HCM tính thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường

TP.HCM dự kiến cho sử dụng vỉa hè làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo... có thu phí, sau khi đã chừa đủ tối thiểu 1,5 m cho người đi bộ.

Bãi xe lấn chiếm vỉa hè

Bãi xe lấn chiếm vỉa hè

Đây là một phần nội dung nằm trong dự thảo thay thế Quyết định 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố vừa được Sở Giao thông vận tải (GTVT) gửi các quận, huyện và Sở Tư pháp thẩm định.

Theo đó, Sở GTVT thành phố bổ sung 7 trường hợp được tạm dùng vỉa hè và đóng phí, gồm: nơi tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; lắp đặt công trình, trụ quảng cáo tạm; tổ chức hoạt động văn hóa; điểm giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; nơi trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công của hộ gia đình; điểm giữ xe có thu phí.

Dự thảo cũng đề cập ba trường hợp được sử dụng tạm thời một phần lòng đường và đóng phí, gồm: tổ chức sự kiện văn hóa và trông, giữ ô tô phục vụ sự kiện có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.

Mức phí cụ thể với các trường hợp trên hiện chưa được nêu trong dự thảo. Các đơn vị liên quan sẽ phối hợp hoàn thiện đề án để báo cáo UBND thành phố trước khi trình HĐND xem xét. Ngoài ra, dự thảo cũng cho phép sử dụng một phần để tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội khác không thu phí khi đủ điều kiện tổ chức.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo thay thế Quyết định 74 vẫn giữ quan điểm vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5 m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Đầu tư, quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại TKV chưa hiệu quả

Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, năm 2021, TKV còn nhiều tồn tại trong đầu tư, quản lý vốn Nhà nước khi nợ phải thu khó đòi lớn, nhiều dự án nghìn tỷ thua lỗ.

Khai thác than tại một công ty thành viên của TKV

Khai thác than tại một công ty thành viên của TKV

Tổng nợ phải thu khó đòi của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) năm 2021 là hơn 279 tỷ đồng, riêng công ty mẹ hơn 146 tỷ đồng. Do giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn không thể thu hồi lớn, tập đoàn này phải trích lập dự phòng gần 238 tỷ đồng.

Về hiệu quả sử dụng tài sản cố định, chi phí xây dựng cơ bản của TKV vào cuối 2021 là trên 10.182 tỷ đồng, chủ yếu do một số dự án chậm hoặc tạm dừng triển khai như dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (gần 1.433 tỷ đồng), Khe Chàm II-IV (hơn 2.675 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp thành viên của TKV ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án dừng đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng tới cuối năm 2021 chưa xử lý dứt điểm.

Trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, công ty mẹ TKV còn một số khoản tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả, như đầu tư vào Công ty CP Cromit cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty CP Sắt Thạch Khê... Số dự án này thua lỗ hoặc tạm dừng triển khai khiến công ty mẹ TKV phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư hơn 302 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đánh giá về hiệu quả kinh tế tại 6 dự án đầu tư của TKV, gồm Suối Lại (Công ty Than Hòn Gai - TKV); Vi kẽm (Bát Xát, Lào Cai của Tổng công ty Khoáng sản TKV); đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất năm 2020 (Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin); Trung tâm Chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai (Công ty Tuyển than Hòn Gai - Vinacomin); Vận chuyển xít ngược (Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV) và Băng tải than Khe Chàm (Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV).

Theo đó, hầu hết dự án này đều thực hiện chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu dẫn đến phải điều chỉnh tiến độ, giảm chi phí đầu tư.

Ngành hóa chất lãi lớn trong năm 2022

Giá bán hàng tăng nguyên năm, các doanh nghiệp hóa chất - phân bón báo lãi kỷ lục trong năm 2022.

Nhiều doanh nghiệp ngành hóa chất lãi lớn trong năm 2022

Nhiều doanh nghiệp ngành hóa chất lãi lớn trong năm 2022

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính, lợi nhuận năm ngoái vượt 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với năm 2021. Tức bình quân mỗi ngày, Vinachem lãi hơn 16 tỷ đồng - mức kỷ lục từ năm 2014 đến nay.

Tương tự, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) lãi sau thuế khoảng 6.040 tỷ đồng năm 2022, gấp hơn 2,4 lần so với năm trước đó. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin năm 2007.

Hai "ông lớn" về khí - điện - đạm là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - DPM) và Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) cũng có kết quả kinh doanh kỷ lục năm 2022. Đạm Phú Mỹ báo lợi nhuận hơn 5.600 tỷ đồng, tăng 77%, trong khi Đạm Cà Mau lãi khoảng 4.280 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2021.

Giá bán sản phẩm tăng và tận dụng tốt thị trường xuất khẩu trở thành yếu tố chính khi lý giải về khoản lợi nhuận kỷ lục của các công ty. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam xuất khẩu hơn 3.100 triệu USD hóa chất trong năm ngoái, tăng gần 25% so với năm 2021. Riêng nhóm phân bón, chỉ số giá xuất khẩu đã tăng hơn 42% trong năm ngoái.

Ban lãnh đạo Vinachem cũng cho biết, năm 2022, giá phân bón thế giới tăng cao tại tất cả thị trường. DAP có thời điểm lên tới 1.000 USD một tấn, đạm urê đạt 900 USD một tấn tại khu vực châu Á. Nhờ thế, giá các loại phân bón của Việt Nam cũng tăng theo.

Theo Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, nhờ tăng sản lượng và hưởng lợi giá bán mà doanh thu phốt pho vàng tăng 112%, axit phosphoric trích ly tăng 62%... Trong khi đó, Đạm Phú Mỹ tận dụng thời điểm giá cao để xuất khẩu urê, nâng sản lượng xuất khẩu năm 2022 lên khoảng 190.000 tấn, tăng 280% so với kế hoạch năm.

Chuyên đề