Tín dụng tăng 12,5%
Dư nợ tín dụng đến ngày 7/12 ước tính tăng trưởng 12,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% |
Thông tin này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu tại họp báo thường kỳ Chính phủ, ngày 7/12.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/11 đạt 11,9% so với cuối năm 2023. Còn tính tới 7/12, tín dụng tăng 12,5%. Con số này tích cực hơn khi so với thời điểm này năm ngoái (tăng 9%).
Cùng với đó, tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 15,3 triệu tỷ đồng. Huy động vốn cũng đạt 14,8 triệu tỷ đồng với tốc độ tăng thấp hơn so với dư nợ.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. "Theo thông lệ, cuối năm là thời điểm giải ngân lớn, do đó, chỉ tiêu này có thể đạt được", ông Tú nói.
Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng tích cực, Phó Thống đốc cho biết, nền kinh tế có nhiều thuận lợi trên tất cả các lĩnh vực. Chẳng hạn, xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi...
Thêm vào đó, việc điều hành đồng bộ, từ kinh tế ngành đến vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ hài hoà cũng giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn. Từ đó, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được cải thiện.
Ông Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng cải thiện còn do năm nay, các ngân hàng được chủ động xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng. Nhà băng nào hết hạn mức giao từ đầu năm cũng được chủ động nới thêm mà không phải chờ Ngân hàng Nhà nước thông báo như trước đây.
So với đầu năm, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96%. Việc này giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng tháo gỡ nhiều thủ tục, quy định, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ sau cơn bão số 3. Tín dụng cho bất động sản, chứng khoán được kiểm soát chặt nhưng vẫn tạo điều kiện cho 2 lĩnh vực này khởi sắc hơn.
Tập trung điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án với 2 tội danh: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh.
Công ty TNHH Cây xanh Công Minh trúng thầu thực hiện nhiều dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị tại Đồng Tháp với tổng trị giá hơn 60 tỷ đồng |
Tại họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 7/12, tại Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin về diễn biến mới các vụ án gần đây, trong đó có vụ án xảy ra đối với Công ty TNHH Cây xanh Công Minh tại Quảng Bình.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, ngày 8/5/2024, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án với 2 tội danh gồm: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và các tỉnh, thành phố. Đến nay, cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can.
Cũng theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, để có căn cứ giải quyết vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã gửi Hội đồng định giá 16 tỉnh định giá tài sản của 413 dự án. Đến nay mới có 1 tỉnh có kết quả định giá, một số hội đồng định giá đang xin gia hạn trả kết quả.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho hay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang đôn đốc Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và bổ sung hồ sơ, tài liệu phục vụ yêu cầu định giá, đồng thời, tập trung điều tra, cá thể hóa trách nhiệm hình sự của các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, về tiến độ điều tra các “đại án” như vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty CP Tập đoàn Thuận An…, các cơ quan điều tra Bộ Công an đang khẩn trương tập trung điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Xuất khẩu gạo lập kỷ lục mới
11 tháng, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 5,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ và vượt xa thành tích của cả năm ngoái.
Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa |
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 11 tháng qua, ngành lúa gạo đạt thành tích ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không chỉ vượt xa thành tích cả năm 2023 mà còn lập kỷ lục mới với mức tăng trưởng 10,8%.
Theo các doanh nghiệp, kết quả này phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất. Nông dân ngày càng tập trung vào các giống lúa thơm chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu. Nhờ chất lượng vượt trội, gạo được thị trường quốc tế ưa chuộng và đạt mức giá cao hơn nhiều quốc gia, thậm chí có thời điểm đứng đầu thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 95% giống lúa trồng tại Việt Nam là giống chất lượng cao, 89% sản lượng gạo cũng thuộc phân khúc này. Giá xuất khẩu bình quân duy trì ở mức 627 USD một tấn, bất chấp sự cạnh tranh khi Ấn Độ quay lại thị trường.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục dẫn đầu với 46,1% thị phần, theo sau là Indonesia (13,5%) và Malaysia (8,2%). Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Myanmar, Pakistan và Campuchia, tận dụng nguồn cung giá rẻ để đáp ứng nhu cầu trong nước và ổn định sản xuất. Những con số này không chỉ phản ánh sự linh hoạt trong chiến lược mà còn khẳng định vị thế ngày càng lớn của Việt Nam trên thị trường lúa gạo toàn cầu.
Nhập khẩu gạo cũng tăng đột biến, đạt 1,24 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, tăng 57% so với năm ngoái. Nhu cầu nội địa đối với gạo giá rẻ để làm bún, phở khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gạo từ Myanmar, Pakistan và Campuchia - những nguồn cung có giá thấp hơn gạo trong nước để giảm chi phí và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất.
Việc đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu và nhập khẩu giúp Việt Nam vừa tối ưu hóa nguồn cung trong nước vừa đáp ứng các đơn hàng quốc tế vào cuối năm.
TP.HCM thu hút hơn 490 triệu USD đầu tư vào khu công nghiệp
Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố ước tính, hết năm 2024 thu hút 550 triệu USD tổng vốn đầu tư, đạt 100% kế hoạch năm và dự kiến năm 2025 cũng thu hút được 550 triệu USD tổng vốn đầu tư.
Công ty TNHH Năng lượng Sojitz Osaka Gas tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 |
Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết, tính đến đầu tháng 12/2024, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt 491,7 triệu USD, bằng 89,4% kế hoạch năm, giảm 51,43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diện tích đất cho thuê đạt 25,35 ha; diện tích nhà xưởng cho thuê hơn 80.200 m2. Suất đầu tư trung bình tương đương 8,5 triệu USD/ha.
Hiện một số dự án có vốn đầu tư lớn trong khu chế xuất, khu công nghiệp đang triển khai, khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ sử dụng vốn đầu tư khoảng 23.700 tỷ đồng.
Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố dự ước hết năm 2024, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 550 triệu USD (100% kế hoạch năm) và dự kiến năm 2025, tổng vốn đầu tư đạt 550 triệu USD.
Để tiếp tục khai thác có hiệu quả diện tích đất, nhà xưởng cho thuê, Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp Thành phố đề xuất UBND TP.HCM các giải pháp để hình thành thêm khoảng 800 ha đất công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các khu công nghiệp chuyên đề, công nghiệp kỹ thuật cao. Trong đó có Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2, Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II.
Đề xuất cá nhân nợ thuế 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính đề xuất cá nhân nợ thuế 120 ngày từ 10 triệu đồng, đại diện doanh nghiệp nợ từ 100 triệu đồng sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể khi áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế quá hạn |
Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định số 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể khi áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.
Tại dự thảo nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Với cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ bị áp dụng biện pháp này nếu đơn vị nợ quá hạn trên 120 ngày và từ 100 triệu đồng trở lên.
Biện pháp cấm xuất cảnh sẽ được áp dụng ngay với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký. Tức là, việc áp dụng sẽ không cần theo ngưỡng quy định. Việc này nhằm thu hồi được nợ thuế vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan thuế sẽ thông báo tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử cho người nộp thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng cách này, cơ quan quản lý thuế sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của ngành thuế. Sau đó 30 ngày, nếu người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ, nhà chức trách sẽ gửi văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện.
Các biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, từ đầu năm đến nay, trên 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, gấp 3 lần so với năm ngoái. Nhà chức trách đã thu 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Bộ Tài chính ước tính cả nước có khoảng 380.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh nếu áp dụng quy định trên. Trường hợp ngưỡng nợ thuế với cá nhân, chủ hộ kinh doanh từ 50 triệu đồng, doanh nghiệp từ 500 triệu đồng trở lên thì có khoảng 81.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.
EVNCPC khởi công, đóng điện hàng loạt dự án 110 kV
Tính đến đầu tháng 12/2024, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã khởi công 7 dự án và đóng điện 9 dự án tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tổng công ty Điện lực miền Trung đã khởi công 7 dự án và đóng điện 9 dự án tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh minh họa |
Dự kiến trong tháng 12, EVNCPC sẽ tiếp tục khởi công 2 dự án và đóng điện 5 dự án, hoàn thành và vượt kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho năm 2024.
Cụ thể, EVNCPC đã khởi công các dự án: Nâng công suất trạm biến áp (TBA) 110 kV Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); TBA 110 kV Khu công nghiệp Phong Điền và đấu nối (Thừa Thiên Huế); Nâng tiết diện đường dây 110 kV TBA 220 kV Quảng Ngãi - Núi Bút (Quảng Ngãi); Lắp máy biến áp T2 TBA 110 kV Đăk R'Lấp 2 (Đắk Nông); Nâng công suất TBA 110 kV Nhơn Tân (Bình Định); Đường dây 110 kV trạm cắt 220 kV Phước An - Đồn Phó (Bình Định); TBA 110 kV Cát Nhơn và đấu nối (Bình Định).
Trong tháng 12/2024, EVNCPC sẽ khởi công 2 dự án còn lại là: Đấu nối 110 kV sau TBA 220 kV Chân Mây (Thừa Thiên Huế) và Nâng công suất TBA 110 kV Kỳ Hà (Quảng Nam).
Như vậy, tính cả năm 2024, EVNCPC sẽ hoàn thành đóng điện cho 14 dự án 110 kV, vượt 3 công trình so với kế hoạch EVN giao. Đến đầu tháng 12, đã có 9 công trình được đóng điện, gồm: Đường dây 110 kV Chi Lăng - Hải Châu (TP. Đà Nẵng); TBA 110 kV Mỹ Khê và đấu nối (Quảng Ngãi); Lắp máy biến áp T2 TBA 110 kV Krông Năng (Đắk Lắk); Lắp máy biến áp T2 TBA 110 kV Krông Nô (Đắk Nông); Nâng công suất và hoàn thiện sơ đồ TBA 110 kV Bắc Đồng Hới (Quảng Bình); Nâng công suất TBA 110 kV Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); TBA 110 kV Bảo Ninh và đấu nối (Quảng Bình); TBA 110 kV Khu công nghiệp Phong Điền và đấu nối (Thừa Thiên Huế); Công trình TBA 110kV Cảng Quy Nhơn và đấu nối (Bình Định).
Còn 5 công trình dự kiến sẽ được đóng điện trong tháng 12, gồm: TBA 110 kV Phú Hòa và đấu nối (Phú Yên); TBA 110 kV Thuận Phước (TP. Đà Nẵng); TBA 110 kV Trà Đa và đấu nối (Gia Lai); TBA 110 kV Buôn Đôn và đấu nối (Đắk Lắk); Đường dây 110kV Duy Xuyên - Hội An (Quảng Nam).
Đà Nẵng siết quản lý đất đai trên địa bàn
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam đã ký Chỉ thị số 06 về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Hiện có 141 khu đất lớn, 2.954 lô đất ở chia lô tại TP. Đà Nẵng bị các cá nhân, tổ chức lấn chiếm, sử dụng sai mục đích |
Chỉ thị được ban hành nhằm thực hiện nghiêm minh pháp luật đất đai, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai trên địa bàn Thành phố; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất.
Theo Chỉ thị, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai của Đà Nẵng vẫn còn tồn tại những hạn chế: Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa triệt để, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu chia sẻ thông tin giữa Trung ương và địa phương nên còn tình trạng chuyển đơn, hướng dẫn lòng vòng, gây mất thời gian, bức xúc cho người dân; công tác thanh, kiểm tra chưa chặt chẽ; công tác tham mưu, xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập…
UBND TP. Đà Nẵng giao nhiệm vụ cho các địa phương, yêu cầu tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Lãnh đạo Thành phố yêu cầu thực hiện kiểm tra, rà soát thống kê đầy đủ 100% và đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (đất 5%) của các địa phương. Các địa phương, sở ngành kiên quyết xử lý đối với trường hợp cho thuê đất vi phạm quy định của pháp luật như: cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng đối tượng, không đúng mục đích, không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thiết lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ thuê đất theo quy định..., truy thu các nghĩa vụ tài chính để tránh gây thất thoát.
Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng), Trung tâm đang quản lý 349 khu đất lớn, 20.402 lô đất tái định cư. Qua rà soát, hiện có 141 khu đất lớn, 2.954 lô đất ở chia lô đang bị các cá nhân, tổ chức lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Thời gian tới, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra thực tế các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép và tình trạng xả thải các loại rác thải sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng.