Bản tin thời sự sáng 8/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hủy thầu Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam vì hồ sơ nhà đầu tư “yếu”; Hà Nội, ô tô được lưu thông đường Vành đai 2 trên cao từ ngày 9/11; Gia Lai, khởi tố vụ án đường tránh 250 tỷ đồng bị sụt lún; cảnh báo nguy hiểm trước nhiều vết nứt, sạt lở gần thủy điện ở Đắk Nông…

Hủy thầu vì hồ sơ nhà đầu tư “yếu”

Bộ Giao thông vận tải vừa quyết định hủy thầu Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (DATP đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).

Hủy thầu Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam vì hồ sơ đề xuất kỹ thuật “yếu”

Hủy thầu Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam vì hồ sơ đề xuất kỹ thuật “yếu”

Đây là dự án thứ 2 trong tổng số 5 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam theo phương thức đối tác công - tư (PPP) phải hủy thầu. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phải hủy thầu dự án PPP đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu do không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

DATP đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km, đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, được đầu tư theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 6.333 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 2.033 tỷ đồng, còn lại là vốn của nhà đầu tư huy động.

Quyết định hủy thầu nêu rõ việc chấp thuận đề nghị của Ban Quản lý dự án 2 (QLDA). Bộ GTVT hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư DATP đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn do hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư không đáp ứng các yêu cầu của HSMT.

Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA2 có trách nhiệm tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thẩm định, hoàn thiện các thủ tục có liên quan về việc hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, DATP đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn được gia hạn thời gian mời thầu do đến thời điểm đóng thầu 5/10/2020 vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ.

Kết thúc thời gian gia hạn đóng thầu lần thứ 2 vào ngày 12/10, Ban QLDA 2 nhận được 1 hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư là liên danh Công ty CP Licogi16 - Công ty CP FECON - Công ty CP Đầu tư 468 - Công ty TNHH Xây dựng Điền Phước - Công ty CP Hạ tầng và Phát triển đô thị FECON.

Hà Nội: Ô tô được lưu thông đường Vành đai 2 trên cao từ ngày 9/11

Sở GTVT Hà Nội vừa có phương án phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ thông xe tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở sau hơn 2 năm thi công.

Đường Vành đai 2 trên cao được thông xe vào sáng thứ 2 (9/11) tuần sau

Đường Vành đai 2 trên cao được thông xe vào sáng thứ 2 (9/11) tuần sau

Tuyến đường trên cao Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP là nhà đầu tư sẽ được tổ chức thông xe vào ngày 9/11. Để phục vụ phương tiện lưu thông, Sở GTVT vừa thông báo phương án phân luồng, tổ chức giao thông. Theo đó, từ sáng thứ 2 tới, phương tiện ô tô được phép lưu thông trên đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại.

Tuyến đường trên cao Vành đai 2 cấm các phương tiện: xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ, người đi bộ lưu thông. Phương tiện lưu thông ở đường Vành đai 2 dưới thấp (đường Trường Chinh) theo sự hướng dẫn điều tiết của hệ thống biến báo, sơn kẻ, đèn tín hiệu giao thông.

Cũng tại phương án tổ chức giao thông này, Sở GTVT Hà Nội thực hiện thí điểm việc điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút Ngã Tư Sở. Theo đó, từ sáng thứ 2 tuần tới theo hướng cấm phương tiện trên đường Tây Sơn (dưới thấp) rẽ trái và đi thẳng qua nút giao Ngã Tư Sở, các phương tiện lưu thông theo hướng từ Tây Sơn rẽ phải sang đường Láng và quay đầu tại điểm mở dải phân cách trên đường Láng đê đi ra Trường Chinh, hoặc rẽ phải ra đường Nguyễn Trãi.

Gia Lai: Khởi tố vụ án đường tránh 250 tỷ đồng bị sụt lún

Cơ quan điều tra khởi tố vụ án vì có dấu hiệu tội phạm trong sự cố đường Hồ Chí Minh qua huyện Chư Sê, vốn đầu tư 250 tỷ đồng, bị hư hỏng nặng.

Đoạn đường tránh bị sụt lún

Đoạn đường tránh bị sụt lún

Quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng được Công an tỉnh Gia Lai đưa ra ngày 7/11, sau hơn một năm vào cuộc điều tra.

Dự án đường Hồ Chí Minh có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Tuyến đường được thiết kế theo quy mô đường cấp 3 đồng bằng với tổng chiều dài 10,8 km. Đầu tháng 9 năm ngoái, sau trận mưa lớn, đoạn đường dài 3,8 km (được làm với chi phí hơn 71 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần 471 thi công) bị sụt lún khoảng 150 m.

Kết quả giám định của Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân tuyến tránh bị lún nứt do có hai lớp đất yếu nằm dưới lớp vỏ cứng, phân bổ rộng khắp khu vực xảy ra sự cố và xuất hiện nước ngầm. Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện Dự án, hiện tượng này chưa được phát hiện để xử lý triệt.

Cơ quan chức năng cho rằng, tư vấn thiết kế chưa phát hiện ra cũng như chưa đề xuất khảo sát bổ sung khi đoạn tuyến đi qua khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn đặc biệt, bất lợi.

Bộ GTVT yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan. Khi đơn vị thi công đang tổ chức san ủi, sửa chữa thì Công an tỉnh Gia Lai yêu cầu tạm dừng để điều tra.

Quảng Nam: Nước lũ dâng ở Hội An

Sáng 7/11, lũ thượng nguồn đổ về khiến một số tuyến đường ở TP. Hội An bị nước bủa vây.

Người dân Hội An phải di chuyển bằng thuyền trong những vùng bị ngập lũ
Người dân Hội An phải di chuyển bằng thuyền trong những vùng bị ngập lũ

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch TP. Hội An, nước lũ ở Hội An sáng nay ghi nhận ở mức báo động II (1,5 m); dự báo đạt đỉnh ở mức 1,8m và rút xuống.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, từ 19h ngày 5 đến 4h ngày 7/11 trên địa bàn mưa to; lượng mưa đo được tại Trà My là 451 mm, tại Hiệp Đức là 266 mm, tại Tiên Phước là 232 mm, tại Phước Sơn là 194 mm và tại Hội An là 88 mm.

Nước từ thượng nguồn đổ về lòng hồ nên một số hồ thủy điện tiết xả lũ. Trong đó, thủy điện sông Tranh 2, thời điểm xả qua tràn cao nhất lưu lượng trên 3.000 m3/s.

Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam dự báo, trong 24 giờ tới, lượng mưa và phạm vi mưa ở các địa phương sẽ giảm nhanh, tổng lượng mưa phổ biến dưới 20 mm.

Cảnh báo nguy hiểm trước nhiều vết nứt, sạt lở gần thủy điện ở Đắk Nông

Đất gần thủy điện Đắk R’tih (Đắk Nông) xuất hiện nhiều điểm nứt, lún. Có nơi đất bị sụt lún lên đến hàng chục ha, gây chia cắt khiến người dân lo sợ.

Một cửa nhận nước của thủy điện Đắk R’tih

Một cửa nhận nước của thủy điện Đắk R’tih

Sáng 7/11, thông tin từ Sở Công Thương Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa có công văn đề nghị các cơ quan chức năng, chủ đầu tư Thủy điện Đắk R’tih (Gia Nghĩa) có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân gần khu vực hồ, đập.

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND TP. Gia Nghĩa chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương thông báo đến người dân sinh sống, canh tác trong khu vực biết hiện trạng nứt, sạt lở đất.

Tại khu vực sạt lở, địa phương phối hợp doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cảnh báo nguy hiểm và khuyến cáo người dân trong khu vực chủ động phòng tránh, tuyệt đối không được ở, đi lại, canh tác trên khu vực đã có vết nứt, sạt lở đất khi có mưa.

Công ty CP Thủy điện Đắk R’tih phải có biện pháp theo dõi xu hướng diễn biến các vết nứt, điểm sạt lở, kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định... Trong trường hợp cần thiết, công ty nên mời các đơn vị có chuyên môn về địa hình, địa chất xem xét đánh giá các vấn đề liên quan, khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình; có giải pháp, biện pháp ứng phó, xử lý phù hợp, bảo vệ an toàn hồ, đập thủy điện.

Công trình Thủy điện Đăk R’Tih khởi công vào tháng 7/2008 có công suất 144MW, tổng mức đầu tư 4.300 tỉ đồng.

Bình Định: Lũ lớn xô sập nhà điều hành thủy điện, 1 xã bị chia cắt

Mưa lũ lớn đã làm sập nhà điều hành công trình Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5. Lũ cũng làm sập nhiều nhà dân tại các huyện miền núi của tỉnh Bình Định…

Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 phải tạm dừng hoạt động vì sạt lở cuốn trôi nhà điều hành

Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 phải tạm dừng hoạt động vì sạt lở cuốn trôi nhà điều hành

Ngày 7/11, ông Đinh Mun, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) cho biết, cơn mưa lớn vào đêm qua 6/11 và rạng sáng ngày 7/11 đã gây lũ lớn làm sạt lở nặng nề tại địa phương.

Trong đó, mưa lũ đã gây sạt lở ở nhiều hạng mục tại khu vực Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn 5. Nhà máy này đã phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho các công nhân, người lao động.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho thấy, lũ lớn đã cuốn trôi nhà điều hành công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5; sạt lở bờ phải kênh dẫn nước gây tắc nghẽn một số vị trí cục bộ trên kênh dẫn nước vào nhà máy; hệ thống đường vận hành đoạn đường bê tông từ nhà làm việc đến đập Vĩnh Sơn 5 đang bị tắc nghẽn giao thông; khu vực nhà máy bị sạt lở nhẹ, bùn cát phía trên chảy vào nhà trạm biến áp nâng áp 110KV và một số nơi tại Nhà máy…

Theo ông Mun, khi xảy ra mưa lớn sạt lở, các công nhân, người lao động ở Thủy điện Vĩnh Sơn 5 đã kịp thời đến nơi an toàn nên không có thiệt hại về người.

TP.HCM sẽ lắp hệ thống điện mặt trời tại trụ sở công

Mái các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công tại TP.HCM sẽ được lắp hệ thống điện mặt trời từ nguồn vốn ngân sách.

Công nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TPHCM

Công nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại TPHCM

Chủ trương này vừa được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chấp thuận theo đề xuất của Sở Công Thương, sau khi làm việc với các sở ngành và đơn vị liên quan.

Việc này được đánh giá là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và Thành phố; đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Để triển khai đại trà, lãnh đạo Thành phố giao Sở Công Thương, Sở Khoa học - Công Nghệ cùng Tổng công ty Điện lực TP.HCM đánh giá kỹ kết quả thực hiện thời gian qua như: phương thức, quy trình thực hiện, chi phí đầu tư bình quân, hiệu quả thực tế, thời gian hoàn vốn các dự án đã triển khai từ nguồn ngân sách cũng như những tồn tại, hạn chế.

UBND Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị liên quan khảo sát hiện trạng, không gian, điều kiện thực tế tại từng đơn vị để đề xuất chủ trương, phương thức, lộ trình, nguồn vốn thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi.

Theo Tổng công ty Điện lực thành phố, TP.HCM còn rất nhiều tiềm năng để phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Hiện nay, toàn thành phố có 11.031 hệ thống điện mặt trời với với tổng công suất là 177,02 MWp. Các dự án được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều, giá 1.943 VND/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương 8,38 UScents/kWh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư