Bản tin thời sự sáng 8/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 400.000 tài khoản chứng khoán đóng trong một tháng; 33 huyện và 1.327 xã thuộc 58 tỉnh thành phải sáp nhập trước 10/2024; lãi suất tiết kiệm về dưới 6% tại hầu hết ngân hàng; địa ốc P&G - chủ khu phố không phép ở TP. Vĩnh Long bị phạt 500 triệu đồng…

400.000 tài khoản chứng khoán đóng trong một tháng

Số tài khoản chứng khoán cá nhân giảm gần 400.000 trong tháng 10 - giai đoạn thị trường lao dốc.

Số tài khoản chứng khoán cá nhân giảm gần 400.000 trong tháng 10

Số tài khoản chứng khoán cá nhân giảm gần 400.000 trong tháng 10

Đến cuối tháng 10, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) ghi nhận hơn 7,38 triệu tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, giảm hơn 378.000 tài khoản so với cuối tháng trước. Trong khi đó, số tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 164 tài khoản, của nhà đầu tư nước ngoài tăng 246 tài khoản.

Việc giảm số lượng tài khoản cá nhân có thể do nhà đầu tư đóng bớt các tài khoản không hoạt động. Theo quy định, tại mỗi công ty chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản. Tuy nhiên, nhà đầu tư không bị giới hạn số lượng tài khoản chứng khoán. Tức là, mỗi người có thể mở một tài khoản tại mỗi công ty chứng khoán khác nhau.

Đến cuối năm 2022, toàn thị trường có 81 công ty được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư chứng khoán.

Mức độ quan tâm của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán có xu hướng tăng trở lại từ giữa năm nay, trong nhịp hồi của VN-Index lên hơn 1.200 điểm. Trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9, quy mô số tài khoản mở mới mỗi tháng đều vượt mốc 100.000 tài khoản. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, thị trường đã lao dốc từ vùng 1.250 điểm về gần ngưỡng 1.000 điểm.

33 huyện và 1.327 xã thuộc 58 tỉnh thành phải sáp nhập trước 10/2024

Qua tổng rà soát, cả nước có 58 tỉnh phải rà soát, sắp xếp 33 huyện và 1.327 xã.

Qua tổng rà soát, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết cả nước có 58 tỉnh phải rà soát, sắp xếp 33 huyện và 1.327 xã.

Qua tổng rà soát, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết cả nước có 58 tỉnh phải rà soát, sắp xếp 33 huyện và 1.327 xã.

Thông tin này được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết khi trả lời chất vấn trước Quốc hội trong phiên họp chiều 7/11.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là chủ trương lớn nhằm tập trung tổ chức cải cách bộ máy. Đây cũng là việc khó đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Vừa qua, qua tổng rà soát, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, cả nước có 58 tỉnh phải rà soát, sắp xếp 33 huyện và 1.327 xã. "Đây là số lượng rất lớn, phải làm sao đảm bảo sắp xếp trong khoảng thời gian ngắn, kết thúc vào tháng 10/2024 để chuẩn bị Đại hội cấp cơ sở", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Nhiệm vụ khác được Bộ trưởng Nội vụ lưu ý là đảm bảo đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính.

"Trước hết cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt người đứng đầu cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong sắp xếp các đơn vị hành chính, tạo sự đồng thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp các yêu cầu thực tiễn đặt ra và các yếu tố đặc thù", bà Trà nhấn mạnh.

Tư lệnh ngành Nội vụ cho biết đã nhận được phương án sắp xếp của 48/58 tỉnh thành trên cả nước gửi về Bộ Nội vụ. Bà đề nghị địa phương còn lại gửi phương án để các bộ cho ý kiến, sau đó khẩn trương triển khai đề án sắp xếp.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cần chủ động bố trí nguồn lực cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vì đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm. "Phải hết sức lưu ý đảm bảo đối tượng tác động không bị ảnh hưởng, nhất là đội ngũ cán bộ công chức cấp xã dôi dư", Bộ trưởng Nội vụ cho biết.

Lãi suất tiết kiệm về dưới 6% tại hầu hết ngân hàng

Đà giảm lãi suất tiết kiệm chưa dừng lại khi có 20 ngân hàng điều chỉnh thêm trong tháng qua, đưa mức cao nhất về quanh 6% một năm.

Đà giảm lãi suất tiết kiệm chưa dừng lại khi có 20 ngân hàng điều chỉnh thêm trong tháng qua

Đà giảm lãi suất tiết kiệm chưa dừng lại khi có 20 ngân hàng điều chỉnh thêm trong tháng qua

Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và dồn dập từ tháng 4, thậm chí về thấp hơn giai đoạn Covid-19, nhưng đà giảm vẫn chưa dừng lại. Trong 34 ngân hàng trong nước, có hơn 20 ngân hàng giảm tiếp lãi suất trong khoảng một tháng gần đây.

Đan xen với xu hướng giảm, vẫn có một vài nhà băng điều chỉnh tăng ở một vài kỳ hạn, nhưng mức tăng không đáng kể.

Hiện, hầu hết ngân hàng đã đưa lãi suất niêm yết cao nhất về dưới 6% một năm. Chưa đến 10 đơn vị còn trả lãi từ 6% một năm trở lên gồm PVComBank, BaoVietBank, DongABank, VietABank, Oceanbank, CBBank và HDBank, Saigonbank.

Tín dụng khó cho vay cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng giúp thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, kéo lãi suất huy động xuống đáy.

Năm ngoái, các ngân hàng chạy đua dự phòng thanh khoản kéo lãi suất huy động có thời điểm lên 11 - 12% một năm. Và lãi suất tiết kiệm đã nhanh chóng hạ nhiệt từ tháng 4 năm nay nhưng theo giới ngân hàng, các khoản tiền huy động với lãi suất cao từ cuối năm ngoái vẫn chưa đáo hạn khiến họ vẫn phải gánh chi phí vốn trung bình cao.

Trong cuộc họp gần đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện lãi suất cho vay đã về bằng so với trước dịch Covid-19, thậm chí thấp hơn 0,3%. Theo dữ liệu của ngành ngân hàng, lãi suất cho vay trung bình giai đoạn 2017 - 2018 khoảng 8,86 - 8,91% một năm.

Kiến nghị giảm gần một nửa kinh phí cải tạo chợ Bến Thành

Kinh phí cải tạo chợ Bến Thành (TP.HCM) được đề xuất giảm từ 255 tỷ đồng còn gần 140 tỷ đồng, triển khai trong 2 giai đoạn để phù hợp khả năng đóng góp của thương nhân.

Chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành

Đề xuất nêu trong báo cáo của Quận 1 vừa gửi UBND TP.HCM về kế hoạch chỉnh trang chợ Bến Thành - một trong những công trình kiến trúc biểu tượng của đô thị 10 triệu dân, thu hút nhiều người dân, du khách đến mỗi ngày.

Trước đó, chợ Bến Thành dự kiến được cải tạo tổng thể với kinh phí khoảng 255 tỷ đồng. Do công trình là chợ loại một, không được cấp ngân sách để cải tạo, sửa chữa nên nguồn thực hiện từ xã hội hóa. Tuy nhiên, làm việc với các đơn vị liên quan, UBND Quận 1 đánh giá phương án xã hội hóa từ nay đến năm 2025 với kinh phí trên là không khả thi.

Căn cứ khả năng đóng góp của thương nhân và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của chợ Bến Thành, Quận đề xuất cải tạo chợ theo hai giai đoạn với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng, giảm 45% so với kế hoạch ban đầu và có thêm nguồn vốn ngân sách. Với phương án này, một số hạng mục của chợ sẽ không được cải tạo.

Cụ thể, giai đoạn một (hoàn thành trước 30/4/2025) sẽ sửa chữa, thay mới một số hạng mục trong chợ như: hệ thống thoát nước, điện, phòng cháy chữa cháy, nền.. với kinh phí gần 45 tỷ đồng. Trong đó, 15 tỷ đồng từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị và gần 30 tỷ đồng từ nguồn thu của các thương nhân tại chợ thông qua thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng trong 7 năm.

Giai đoạn hai, Quận 1 đề xuất triển khai sau khi chợ Bến Thành được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Lúc này, nguồn vốn thực hiện sẽ được ngân sách cấp theo quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Các hạng mục cải tạo gồm: mái, kết cấu đỡ mái, cổng chợ, phù điêu, tháp đồng hồ, vách, cột... Kinh phí dự tính khoảng 95 tỷ đồng.

Chợ Bến Thành được xây từ năm 1912 đến cuối tháng 3/1914 hoàn tất. Công trình có tổng diện tích hơn 13.000 m2, giới hạn bởi 4 trục đường: Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Lê Thánh Tôn - Công trường Quách Thị Trang.

Địa ốc P&G - chủ khu phố không phép ở TP. Vĩnh Long bị phạt 500 triệu đồng

Công ty TNHH Địa ốc P&G - chủ đầu tư khu phố 6.800 m2 bị UBND tỉnh Vĩnh Long phạt 500 triệu đồng do kinh doanh bất động sản khi chưa đủ điều kiện.

Một góc trong khu phố Khang Thị xây dựng không phép ở TP Vĩnh Long

Một góc trong khu phố Khang Thị xây dựng không phép ở TP Vĩnh Long

Thông tin được ông Trần Hoài Hiệp, Phó giám đốc Sở xây dựng Vĩnh Long, công bố tại buổi họp báo thường kỳ của UBND Tỉnh, ngày 7/11. Chủ đầu tư khu phố xây trái phép đã nộp phạt.

Khu phố Khang Thị nằm trên đường Nguyễn Huệ, Phường 2, rộng gần 6.800 m2. Chủ đầu tư đã bỏ ra gần 100 tỷ đồng xây 42 căn hộ rộng 220 - 240 m2, rao bán mỗi căn khoảng 5 tỷ đồng. Hồi đầu năm nay, Công ty mang hồ sơ đến đề nghị cấp chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư phát hiện còn thiếu các thủ tục như đăng ký sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

Quá trình kiểm tra, Sở Xây dựng phát hiện dự án mới được Tỉnh chấp thuận chủ trương từ tháng 11/2021. Tuy nhiên trước đó nửa năm, chủ đầu tư nhận chuyển nhượng gần 6.800 m2 đất làm dự án nhà phố. Trong đó, gần 4.300 m2 đất trồng cây lâu năm và trồng thủy sản được chủ đầu tư tự ý làm đường (gần 2.300 m2) và xây nhà ở (hơn 2.000 m2). Thời điểm phát hiện sai phạm, dự án chưa có giấy phép xây dựng.

UBND tỉnh Vĩnh Long đã yêu cầu dừng tất cả hoạt động xây dựng, mua bán và đặt cọc căn hộ để kiểm tra toàn bộ dự án. Tỉnh xác định để xảy ra xây cả khu phố không phép trên diện tích 6.800 m2 đất do chính quyền địa phương, ngành chức năng quản lý lỏng lẻo...

Xây dựng không phép tại Quảng Nam, một doanh nghiệp bị phạt 260 triệu đồng

Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình Minh Sơn bị phạt 260 triệu đồng vì tổ chức thi công xây dựng công trình mà không có giấy phép với hai công trình khu dân cư.

Phối cảnh Khu đô thị Điện Minh và Khối phố 7 phường Vĩnh Điện

Phối cảnh Khu đô thị Điện Minh và Khối phố 7 phường Vĩnh Điện

Ngày 7/11, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 260 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình Minh Sơn, do tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng.

Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình Minh Sơn có địa chỉ tại tầng 1, tòa nhà Cường Thịnh, số 276 - 282 đường 2/9, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, đã vi phạm hành chính trong việc tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng đối với hai công trình tại Dự án Khu dân cư đô thị Điện Minh (giai đoạn 1) thuộc phường Điện Minh và Dự án Khu dân cư Khối phố 7 phường Vĩnh Điện, tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình Minh Sơn phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt này. Nếu quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, Công ty không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Đề xuất lập 3 bãi giữ xe gần phố đi bộ Nguyễn Huệ

Quận 1 đề xuất cho giữ xe máy dưới lòng các đường gần phố Nguyễn Huệ (TP.HCM) gồm Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Hải Triều, để đáp ứng nơi gửi cho người dân.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi thường diễn ra sự kiện lớn ở thành phố

Phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi thường diễn ra sự kiện lớn ở thành phố

Kiến nghị vừa được Quận 1 gửi UBND TP.HCM, với kế hoạch triển khai từ đầu năm 2024 vào mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật, dịp có sự kiện lớn.

Nơi giữ xe máy được đề xuất dưới lòng đường các tuyến: Mạc Thị Bưởi (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ), Ngô Đức Kế (từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ và từ Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu), Hải Triều (từ Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu). Đây là các đường nhánh quanh phố Nguyễn Huệ. Các bãi giữ xe máy dưới lòng đường được sắp xếp cách bó vỉa tối thiểu 2 m, để người dân, du khách dễ tiếp cận…

Phố đi bộ Nguyễn Huệ cùng công viên bến Bạch Đằng nằm kế bên hiện là địa điểm tập trung người dân, du khách đến vui chơi, nhất là dịp cuối tuần. Tuy nhiên, khu vực thiếu bãi giữ xe trầm trọng, chỉ có một số địa điểm như ở đường Tôn Đức Thắng, bến buýt sông, nhưng chủ yếu phục vụ khách của tuyến này.

Tình trạng thiếu bãi giữ xe đã ảnh hưởng giao thông cũng như trật tự đô thị tại khu vực do người dân dừng đậu bát nháo trên vỉa hè. Vào các dịp lễ, khách bị tăng giá giữ xe gấp nhiều lần so với ngày thường.

Ngoài phương án lập các bãi giữ xe cho khách, Quận 1 đề xuất thành phố cho thí điểm các khách sạn, nhà hàng ở đường Nguyễn Huệ được kinh doanh giải khát, thức ăn nhanh trên vỉa hè từ giữa tháng 12 năm nay. Hiện tuyến có 4 khách sạn, 24 cơ sở kinh doanh ăn uống, khi được kinh doanh loại hình trên sẽ đáp ứng nhu cầu của khách, nhất là dịp Tết Dương lịch 2024.

Chuyên đề