Đề nghị dùng Quỹ bảo tồn di sản Huế để hồi hương ấn vàng
Ngày 7/11, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị lên Thủ tướng được huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế và sử dụng quỹ này để kịp thời mua lại và hồi hương ấn Hoàng đế chi bảo.
Ấn của vua Minh Mạng. Ảnh: Millon |
Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao phối hợp và hỗ trợ Tỉnh, các tổ chức, cá nhân thương lượng với nhà đấu giá Millon, Pháp, về việc mua ấn để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.
Trước đó, ngày 1/11, đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, sau quá trình xác minh, Cục khẳng định ấn vàng Hoàng đế chi bảo dự kiến sắp được đấu giá ở Pháp là hàng thật. Các cơ quan chức năng mong muốn huy động mọi nguồn lực để đưa ấn về nước.
Theo Cục, việc hãng Millon thông báo dời ngày đấu giá từ 31/10 sang 10/11 tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp. Ngoài ra, phương án khác là các cơ quan, tổ chức trong nước có thể quyên góp, tham gia đấu giá ấn, đưa về và hiến tặng cho bảo tàng.
Nhà đấu giá Millon chào bán ấn vàng của vua Minh Mạng với giá 2 - 3 triệu euro (48 - 72 tỷ đồng). Hiện vật được đặt tên Con dấu vàng quý hiếm Kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791 - 1841).
Chiếc ấn là di sản văn hóa của Việt Nam, biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử. Theo cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ấn được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn như lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, sắc thư ban cho nước ngoài... Cục Di sản Văn hóa khẳng định, Hoàng đế chi bảo là ấn vàng lớn, đẹp, quý và quan trọng nhất của vương triều Nguyễn.
Xem xét 'tước' danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú đối với ông Nguyễn Quang Tuấn
Lãnh đạo Ban Thi đua khen thưởng (Sở Nội vụ Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng của Thành phố đang xem xét ‘tước’ danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú đối với ông Nguyễn Quang Tuấn - cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Hà Nội xem xét 'tước' danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú đối với ông Nguyễn Quang Tuấn |
Trước khi bị khởi tố, bắt giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Nguyễn Quang Tuấn từng làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội rồi làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Năm 2016, ông Nguyễn Quang Tuấn là 1 trong 9 người được trao danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
Vụ án liên quan đến ông Nguyễn Quang Tuấn xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ông Tuấn bị xác định có liên quan đến những sai phạm tại bệnh viện này thời kỳ ông còn là Giám đốc tại đây.
Những sai phạm xảy ra trong quá trình Bệnh viện Tim Hà Nội thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015.
Trong dịp này, Ban Thi đua khen thưởng Hà Nội còn tham mưu với cơ quan chức năng của Thành phố xem xét phương án xử lý với một cá nhân từng được trao danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2021.
Khách bay Vietnam Airlines được check-in online tại 22 sân bay
Từ ngày 7/11, tất cả sân bay nội địa đều chấp nhận cho khách bay Vietnam Airlines làm thủ tục trực tuyến.
Từ ngày 7/11, khách bay Vietnam Airlines được check-in online tại 22 sân bay |
Thông tin này vừa được Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) công bố ngày 7/11.
Như vậy, khách bay Vietnam Airlines ở 22 sân bay trên toàn quốc đều có thể check-in trực tuyến trước khi bay. Riêng sân bay Cà Mau sẽ áp dụng từ 8/11, sân bay Rạch Giá triển khai vào 22/11.
Từ năm 2009 đến nay, Vietnam Airlines đã triển khai dịch vụ làm thủ tục trực tuyến ở các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh, Chu Lai, Côn Đảo, Phú Quốc, Đà Lạt, Điện Biên, Cần Thơ, Thọ Xuân, Pleiku, Phù Cát, Phú Bài, Đồng Hới, Tuy Hòa và Buôn Ma Thuột.
Hiện, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam áp dụng dịch vụ tiện lợi này trên toàn mạng lưới sân bay nội địa.
Trong khi đó, Bamboo Airways mới cho làm thủ tục trực tuyến tại Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Nội Bài. Vietravel Airlines tương tự Bamboo Airways nhưng có thêm sân bay Phú Quốc. Khách đi Vietjet Air có thể check-in online tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi.
4 thủy điện ở Lâm Đồng bị phạt 800 triệu đồng khi chưa nghiệm thu đã vận hành
Các công ty thủy điện đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước.
4 thủy điện ở Lâm Đồng bị phạt 800 triệu đồng khi chưa nghiệm thu đã vận hành. Ảnh minh họa |
Ngày 7/11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 công ty thủy điện chưa nghiệm thu công trình nhưng đã đưa nhà máy vào vận hành, khai thác.
Ba doanh nghiệp bị xử phạt ở mức 180 triệu đồng gồm Công ty CP Thủy điện Bồng Lai, chủ đầu tư công trình thủy điện Da Cho Mo 2 (huyện Đức Trọng); Công ty CP Thủy điện Đa Dâng 3, chủ đầu tư công trình nhà máy thủy điện Đạ Dâng 3 (huyện Đức Trọng); Công ty CP Cao Nguyên - Sông Đà 7, chủ dự án thủy điện Yan Tann Sien (huyện Lạc Dương).
Riêng trường hợp Công ty CP Đầu tư phát triển Đam B’ri, chủ đầu tư công trình nhà máy thủy điện Đạm B’ri (huyện Bảo Lâm), ngoài mức phạt 180 triệu đồng như các công ty ở trên, còn bị phạt thêm 80 triệu đồng vì không xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trong 2 năm 2021 - 2022.
Tổng số tiền mà UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt cả 4 công ty là 800 triệu đồng; đồng thời yêu cầu các công ty nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt, nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.
80 dự án ‘ôm đất’ chậm tiến độ ở Hà Nội vào diện rà soát
Hà Nội sẽ rà soát 80 dự án khu đô thị, nhà ở “ôm đất” chậm triển khai trong đó có những dự án với vốn đầu tư “khủng” của nhiều ông lớn bất động sản.
Phối cảnh Dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai |
Đánh giá về việc phát triển các dự án nhà ở thương mại thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra một số tồn tại. Nhiều dự án triển khai chậm so với tiến độ được duyệt do thời gian giải phóng mặt bằng thường kéo dài; một số dự án được giao đất, cho thuê đất còn chậm triển khai, để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng…
Từ thực tế trên, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ chủ trì cùng với các sở, ngành tiếp tục rà soát những dự án chậm tiến độ để hàng năm cập nhật vào danh mục thực hiện giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, có 80 dự án khu đô thị, nhà ở tại các quận, huyện nằm trong danh sách rà soát. Trong đó có những dự án với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng của nhiều ông lớn bất động sản.
Chẳng hạn như, Dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai do Công ty CP Tuần Châu Hà Nội làm chủ đầu tư với diện tích khoảng 198 ha, có mức đầu tư 7.523 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị Thanh Hà tại phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) có tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng của Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 cũng nằm trong diện rà soát.
Trong danh sách rà soát còn có 57 dự án chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư gồm Khu phức hợp đỗ xe, văn phòng, thương mại, dịch vụ và nhà ở cho thuê tại phường Dịch Vọng, Cầu Giấy do liên danh có Công ty CP Him Lam và Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 2.727 tỷ đồng...
Huyện Đông Sơn dự kiến sáp nhập vào TP. Thanh Hóa
14 xã, thị trấn của huyện Đông Sơn dự kiến sáp nhập vào TP. Thanh Hóa, nâng tổng diện tích thành phố lên hơn 228 km2 với 48 đơn vị hành chính cấp xã.
Huyện Đông Sơn dự kiến sáp nhập vào TP. Thanh Hóa |
Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa thông báo kết luận sau Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc thống nhất chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa và thành lập các phường.
TP. Thanh Hóa hiện nay có diện tích tự nhiên 147 km2, 30 phường và 4 xã, quy mô dân số gần 500.000. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất cả nước. Theo dự thảo đề án, toàn bộ gần 83 km2, dân số hơn 88.000 của huyện Đông Sơn sẽ nhập vào TP. Thanh Hóa.
Sau sáp nhập, TP. Thanh Hóa sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số gần 594.000, với 37 phường và 11 xã. Có 7 phường dự kiến được lập mới gồm Rừng Thông, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Tiến, Đông Văn, Đông Khê và Đông Thịnh.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm một đơn vị hành chính cấp huyện, còn hai thành phố (Sầm Sơn, Thanh Hóa), hai thị xã (Nghi Sơn, Bỉm Sơn) và 22 huyện với 559 đơn vị hành chính cấp xã.
Đề án của UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ việc sáp nhập nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại một, với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của một trong những tỉnh lớn nhất cả nước...
Ngoài ra, Ban soạn thảo đề án đề xuất lựa chọn hai phương án tên gọi mới sau sáp nhập là TP. Thanh Hóa hoặc TP. Đông Sơn.
Ông Lê Anh Xuân, Bí thư TP. Thanh Hóa cho biết, quy trình sẽ phải lấy ý kiến nhân dân, trình HĐND các cấp và Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua... Thời gian sáp nhập dự kiến trong năm 2023.
Cân nhắc đưa xe máy khỏi diện bắt buộc mua bảo hiểm xe cơ giới
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy.
Tỉ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp |
Cụ thể, VCCI vừa nêu ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.
Theo VCCI, thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Sau hơn 10 năm thực hiện, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp.
Chẳng hạn như năm 2019, theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy là 765 tỷ đồng, nhưng các doanh nghiệp chỉ bồi thường cho các vụ tai nạn 45 tỷ đồng. Với số tiền chi trả ít ỏi, rất khó có thể thuyết phục rằng, lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường này lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra. Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ trường hợp xe máy. Theo đó, việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác, sẽ dựa trên sự tự nguyện thoả thuận của các bên.
Hà Nội rào một phần đường Nguyễn Xiển để thi công hố ga
Bốn điểm trên đường Nguyễn Xiển bị quây tôn chiếm quá nửa lòng đường để thi công hố ga, thuộc Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá.
Phần quây tôn tạo thành nút thắt trên đường Nguyễn Xiển |
Bốn điểm quây tôn nằm đối diện chung cư Eco Green City, chung cư Housinco Premium, số 300 và 306 đường Nguyễn Xiển. Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đơn vị cấp phép rào đường cho biết, việc thi công dự kiến kéo dài 6 tháng, từ 3/11/2022 tới 3/5/2023.
Trong bốn điểm trên, điểm đối diện số 306 Nguyễn Xiển được rào chắn cách đây hai ngày, trở thành điểm ùn tắc. Sáng 7/11, tuyến này tắc nghẽn kéo dài hơn một km, bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Nguyễn Trãi, theo hướng đi Linh Đàm.
Trong sáng 7/11, lực lượng liên ngành gồm Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, đơn vị thi công đã tới khảo sát thực tế để đưa ra phương án phân luồng, giảm thiểu tắc nghẽn...
Đường Nguyễn Xiển chạy phía dưới tuyến vành đai 3 trên cao, nằm trên trục giao thông huyết mạch kết nối Hà Nội với các tỉnh phía bắc và nam. Tuyến đường đi qua hai quận nội thành Thanh Xuân, Hoàng Mai, vì thế mật độ giao thông rất lớn, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều.
Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá được khởi công năm 2016, có tổng diện tích 13,8 ha, bao gồm một nhà máy công suất 270.000 m3/ngày đêm và tuyến cống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch, sông Lừ, Khu đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài trên 52 km. Tổng mức đầu tư Dự án hơn 16.000 tỷ đồng. Dự án từng dự kiến được bàn giao vào quý II/2022, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.