Bản tin thời sự sáng 8/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ trình dự thảo về chính quyền đô thị tại TP.HCM; EVN mở gói thầu trên 30.000 tỷ đồng Dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1; 4.800 tỷ đồng xây đường kết nối sân bay Long Thành; chốt trình Quốc hội chuyển quản lý giấy phép lái xe sang Bộ Công an…

Chính phủ trình dự thảo về chính quyền đô thị tại TP.HCM

Chính phủ thông qua dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và đang trong quá trình báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét.

Quận 2, một phần của TP. Thủ Đức, TP.HCM

Quận 2, một phần của TP. Thủ Đức, TP.HCM

Ngày 7/10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra tờ trình về dự thảo nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Theo Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn, TP.HCM là đô thị loại đặc biệt, song chưa phát huy hết tiềm năng, trong đó có nguyên nhân là mô hình chính quyền địa phương chưa phù hợp với đô thị loại đặc biệt. Trong khi đó, tổng kết hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại TP.HCM cho thấy nhiều kết quả tích cực, như tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách...

Về tên gọi, Chính phủ đề nghị là nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, áp dụng trực tiếp, lâu dài, chứ không thí điểm, thử nghiệm trước khi tổng kết để áp dụng chính thức trên phạm vi rộng như Hà Nội, Đà Nẵng. Chính phủ cũng đề xuất nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021 và thực hiện từ 1/7/2021.

Trước đó, trong phiên họp ngày 2/10, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Tại phiên họp này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, cùng với đề án thành lập thành phố Thủ Đức đang được triển khai, đề án tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM hướng tới nhiều mục tiêu.

EVN mở gói thầu trên 30.000 tỷ đồng Dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I là một trong những dự án nguồn điện lớn, quan trọng của EVN; sau khi đi vào vận hành, mỗi năm Nhà máy cung cấp khoảng 8,4 tỷ kWh.

Quảng cảnh buổi mở thầu

Quảng cảnh buổi mở thầu

Ngày 7/10, Ban Quản lý dự án Điện 2 (EVNPMB2) (bên mời thầu) tiến hành mở thầu Gói thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I là một trong những dự án nguồn điện lớn, quan trọng của EVN; sau khi đi vào vận hành, mỗi năm Nhà máy cung cấp khoảng 8,4 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Gói thầu thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I là gói thầu chính của Dự án, có giá trị trên 30.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn của EVN và vốn vay thương mại trong nước, với hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Theo tiến độ dự kiến, Gói thầu sẽ được khởi công vào quý I/2021 và hoàn thành đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 sau 42 tháng và tổ máy số 2 sau 48 tháng.

Đồng Nai: 4.800 tỷ đồng xây đường kết nối sân bay Long Thành

Hai tuyến đường dài hơn 7 km sẽ được xây dựng để kết nối sân bay Long Thành, tổng kinh phí khoảng 4.800 tỷ đồng.

Bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông kết nối sân bay Long Thành trong tương lai, trong đó hai tuyến đường kết nối được Đồng Nai đề xuất xây dựng bên trái (vòng tròn đỏ)

Bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông kết nối sân bay Long Thành trong tương lai, trong đó hai tuyến đường kết nối được Đồng Nai đề xuất xây dựng bên trái (vòng tròn đỏ)

UBND Đồng Nai vừa kiến nghị Thủ tướng xin làm chủ đầu tư xây dựng hai tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với Quốc lộ 51 (tuyến số một dài 3,8 km) và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (tuyến số hai dài 3,5 km).

Trong báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến số một với quy mô 8 làn xe chính và 6 làn đô thị song hành, rộng 85 - 120 m. Đây sẽ là đường chính để ra vào thi công giai đoạn đầu của Dự án sân bay Long Thành.

Tuyến số hai có quy mô 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đường này kết nối tuyến một với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Để thực hiện hai tuyến đường, Đồng Nai sẽ thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với diện tích khoảng 136 ha. Hiện địa phương đã chủ động cắm mốc ranh giới, đưa vào kế hoạch sử dụng đất đối với hai tuyến đường này.

Trước đó, để tạo điều kiện kết nối sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động năm 2025, đồng bộ với các địa phương, Bộ Giao thông vận tải đồng ý mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành từ 4 lên 10 làn xe.

Chốt trình Quốc hội chuyển quản lý giấy phép lái xe sang Bộ Công an

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được gửi tới Quốc hội, thống nhất thiết kế theo phương án, việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe đặt ở luật này…

Chốt trình Quốc hội chuyển quản lý giấy phép lái xe sang Bộ Công an

Chốt trình Quốc hội chuyển quản lý giấy phép lái xe sang Bộ Công an

Hồ sơ dự án luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được gửi đến Quốc hội, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, dự kiến khai mạc ngày 20/10.

Theo tờ trình dự án luật, việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý quá trình chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các nội dung quan trọng nhất, xuyên suốt, quyết định kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe khi tham gia giao thông, quyết định đến trật tự, an toàn giao thông và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho biết, còn có ý kiến đề nghị quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo 2 phương án. Trong đó, theo Phương án 1, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Còn với Phương án 2, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

Theo tờ trình dự án luật, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tư pháp đã thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo Phương án 1.

Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến đối với lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ

Trừ đường bay Việt Nam - Hàn Quốc, hiện 6 đường bay khác chỉ khai thác chở khách từ Việt Nam đi quốc tế, trong khi nhu cầu của hành khách từ Trung Quốc, Nhật Bản về nước rất lớn.

Trừ đường bay Việt Nam - Hàn Quốc, hiện 6 đường bay khác chỉ khai thác chở khách từ Việt Nam đi quốc tế

Trừ đường bay Việt Nam - Hàn Quốc, hiện 6 đường bay khác chỉ khai thác chở khách từ Việt Nam đi quốc tế

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM lấy ý kiến đối với lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ. Trên cơ sở góp ý của các địa phương, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét, cấp phép bay cho các hãng hàng không trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Bộ GTVT, với đường bay Quảng Châu (Trung Quốc) - TP.HCM do Vietnam Airlines khai thác vào thứ 6 hàng tuần.

Đường bay Nhật Bản do Vietnam Airlines và Vietjet khai thác với tuần suất 2 chuyến/tuần, đường bay Seoul (Hàn Quốc) đi Hà Nội/TP.HCM tần suất 2 chuyến/tuần. Đường bay Đài Bắc (Đài Loan) đi Hà Nội, TP.HCM 2 chuyến/tuần. Đường bay đi Campuchia và Lào tần suất 1 chuyến 1 tuần do Vietnam Airlines khai thác.

Hàng tuần, có 4 chuyến bay hạ cánh Hà Nội và có 5 chuyến bay hạ cánh TP.HCM do Vietnam Airlines và Vietjet Air thực hiện.

Ngày 11/9, Cục Hàng không Việt Nam đã có thư chính thức gửi Nhà chức trách hàng không 4 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) thông báo phương án mở lại các chuyến bay chở khách giữa Việt Nam và từng đối tác.

Theo Bộ GTVT, đối tượng khách nhập cảnh và các yêu cầu đối với hành khách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện theo Thông báo số 330/TB-VPCP ngày 15/9 của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh.

Hải Phòng duyệt chi 1.220 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10

UBND TP.Hải Phòng phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền với tổng mức đầu tư 1.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Cầu Đá Bạc (Hải Phòng)

Cầu Đá Bạc (Hải Phòng)

UBND thành phố Hải Phòng vừa có Quyết định phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền do Ban Quản lý Dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng làm chủ đầu tư.

Dự án có quy mô cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 10 đoạn từ đường cầu Đá Bạc đến cầu Kiền với chiều dài 12,9km (không bao gồm chiều dài từ tim cầu Kiền đến hết phần đường dẫn dài 780m và chiều dài tim cầu Đá Bạc đến hết phần đường dẫn dài 420m) theo quy mô đường cấp III đồng bằng, 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,5m (đoạn qua khu dân cư bề rộng nền đường 28,5m), vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án thuộc công trình giao thông cấp II, tổng mức đầu tư của Dự án hơn 1.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Thành phố. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022.

Cảnh báo mưa lũ phức tạp ở miền Trung kéo dài đến ngày 15/10

Dự báo sau ngày 11/10, mưa to đến rất to vẫn sẽ xảy ra trên diện rộng và chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn ở Trung Trung Bộ cho tới ngày 15/10.

Cầu tràn ở xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị ngập nước do mưa lớn

Cầu tràn ở xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị bị ngập nước do mưa lớn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 6 - 11/10, các tỉnh, thành phố ở Trung Bộ có khả năng mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300 - 500mm/đợt.

Sự kết hợp của các yếu tố gây mưa cho khu vực Trung Bộ sẽ mạnh mẽ nhất trong các ngày từ 7 - 10/10.

Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300 - 600mm. Nghệ An có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn tại Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là cấp 3.

Sau ngày 11/10, mưa to đến rất to vẫn sẽ xảy ra trên diện rộng và chưa có dấu hiệu chấm dứt hoàn toàn ở Trung Trung Bộ cho tới ngày 15/10.

Mưa với cường độ và tổng lượng mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày gây nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt diện rộng trên lưu vực sông và các khu đô thị lớn. Mưa lũ, ngập lụt có khả năng ảnh hưởng đến các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ, xung yếu có thể bị sự cố.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư