Bản tin thời sự sáng 8/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là máy bay từ Đức về TP.HCM phải hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu hành khách; kiểm toán gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng; Giám đốc CDC Quảng Ngãi bị kỷ luật; Bộ Tài chính không đồng ý giảm 100% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng; tranh Lê Phổ được bán với giá 1,3 triệu USD…

Máy bay từ Đức về TP.HCM phải hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu hành khách

Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thông báo chuyến bay VN30 khởi hành từ sân bay Frankfurt (Đức) đi TP.HCM lúc 19h40 (giờ Việt Nam) ngày 6/10 đã phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Baku Heydar Aliyev (Azerbaijan) sau 4 tiếng 35 phút bay để cấp cứu hành khách.

Sau khi hạ cánh khẩn cấp tại Azerbaijan, lúc 3h38 ngày 7/10 (giờ Việt Nam), chuyến bay VN30 tiếp tục cất cánh đi TP.HCM. Ảnh minh họa

Sau khi hạ cánh khẩn cấp tại Azerbaijan, lúc 3h38 ngày 7/10 (giờ Việt Nam), chuyến bay VN30 tiếp tục cất cánh đi TP.HCM. Ảnh minh họa

Khi hành khách A.Y. (18 tuổi, quốc tịch Đức) gặp vấn đề về sức khỏe, phi hành đoàn đã kêu gọi sự hỗ trợ của một bác sỹ tình nguyện (quốc tịch Đức) cùng một y tá tình nguyện (quốc tịch Đức, gốc Việt) trên chuyến bay và tiến hành các thao tác cấp cứu nhưng tình trạng sức khỏe của hành khách không được cải thiện.

Ngay lập tức phi hành đoàn đã thông báo, trao đổi trực tiếp với trực ban Điều hành khai thác của Vietnam Airlines và quyết định hạ cánh xuống sân bay gần nhất là Baku Heydar Aliyev (Azerbaijan) lúc 0h15 ngày 7/10 (giờ Việt Nam).

Vietnam Airlines đã liên hệ và phối hợp chặt chẽ với bộ phận Dịch vụ mặt đất của sân bay Baku Heyda Aliyev - một sân bay Hãng chưa từng khai thác thường lệ để hỗ trợ hành khách làm thủ tục nhập cảnh, xin visa và chuyển hành khách đi cấp cứu kịp thời.

Hãng cũng đã trao đổi với sân bay Baku Heyda Aliyev cử nhân viên đi cùng hành khách đến bệnh viện, theo dõi và cập nhật tình hình sức khỏe hành khách; thông báo với Đại sứ quán Đức tại Azerbaijan để hỗ trợ hành khách. Đồng thời, Chi nhánh Vietnam Airlines tại Đức đã thông báo tình trạng sức khỏe của hành khách với thân nhân hành khách tại Đức.

Sau đó, chuyến bay VN30 tiếp tục cất cánh từ sân bay Baku Heyda Aliyev đi TP.HCM lúc 3h38 ngày 7/10 (giờ Việt Nam).

Kiểm toán gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch.

Đến cuối tháng 9, gói phục hồi kinh tế giải ngân được 61.000 tỷ đồng

Đến cuối tháng 9, gói phục hồi kinh tế giải ngân được 61.000 tỷ đồng

Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội kế hoạch kiểm toán năm 2023 tại 31 bộ, cơ quan trung ương và 59 địa phương.

Năm 2023 giảm 39 nhiệm vụ kiểm toán so với năm 2022. Việc kiểm toán tập trung vào các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, hay lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...

Trong đó, cơ quan này sẽ kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường hồi tháng 1.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến cuối tháng 9, gói phục hồi kinh tế giải ngân được 61.000 tỷ đồng (khoảng 17,5% tổng gói 350.000 tỷ đồng). Trong đó, chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.552 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động giải ngân được 3.545 tỷ đồng cho hơn 5 triệu lao động. Hỗ trợ 2% lãi suất khoảng 13,5 tỷ đồng. Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường 39.422 tỷ đồng và chi phí cơ hội thông qua gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.

Giám đốc CDC Quảng Ngãi bị kỷ luật

Ông Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ngãi bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách do có vi phạm trong mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Giám đốc CDC Quảng Ngãi Hồ Minh Nên bị khiển trách do có vi phạm khi mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19

Giám đốc CDC Quảng Ngãi Hồ Minh Nên bị khiển trách do có vi phạm khi mua sắm vật tư, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19

Ngày 7/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, qua kiểm tra đã xác định ông Hồ Minh Nên, Giám đốc CDC Quảng Ngãi có một số vi phạm trong quá trình mua sắm hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định thi hành kỷ luật ông Hồ Minh Nên bằng hình thức khiển trách. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật các nguyên Bí thư Đảng ủy Sở Y tế Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025; nguyên Giám đốc Sở Y tế giai đoạn 2014 - 2018 và 2019 - 2022.

Trong các đợt bùng phát dịch, CDC Quảng Ngãi đã chi khoảng 60 tỷ đồng mua vật tư, trang thiết bị, sinh hóa phẩm y tế... Trong đó, đơn vị này có 3 lần mua kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng. Giá mua kit xét nghiệm cao nhất là 509 nghìn đồng, thấp nhất là 367 nghìn đồng.

Bộ Tài chính không đồng ý giảm 100% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Theo Bộ Tài chính, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu các loại

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu các loại

Mới đây, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế VAT đối với xăng dầu, gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi Chính phủ trình Quốc hội.

Theo đó, đối với đề nghị miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, cơ quan quản lý cho biết, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần phải sử dụng tiết kiệm, nên các nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.

Theo Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi golf...).

Theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, chỉ thu thuế này đối với xăng, không thu đối với dầu các loại. Mức thuế suất đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tranh Lê Phổ được bán với giá 1,3 triệu USD

Bức "The et Sympathie" của họa sĩ Lê Phổ được bán ở mức 1,36 triệu USD (32,4 tỷ đồng) trong phiên đấu giá của Sotheby's, chiều tối 7/10.

Bức "The et Sympathie". Ảnh: Sotheby's

Bức "The et Sympathie". Ảnh: Sotheby's

Mức giá đã bao gồm phí, được ấn định sau nhiều lần giơ bảng của các nhà sưu tập trong phiên Modern Evening Auction. Trước đó, nhà đấu giá dự đoán tranh đạt từ 484.000 đến 866.000 USD (11,5 - 20,6 tỷ đồng).

Tranh được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu trên vải, kích thước 131x195 cm, mô tả khung cảnh buổi trà chiều trong khu vườn yên tĩnh. Tiền cảnh là bốn thiếu nữ ngồi bên chiếc bàn màu trắng, bày trà, bánh và hoa quả. Phía xa là bảy nhân vật được chia theo từng nhóm nhỏ, đều đang ngồi thưởng trà. Tác phẩm có chữ ký của họa sĩ Lê Phổ ở phía dưới bên trái.

Trên website, nhà đấu giá nhận định, họa sĩ sử dụng bảng màu rực rỡ và những nét vẽ chi tiết để khắc họa khung cảnh ánh nắng mặt trời xuyên qua tán lá, chiếu vào các nhân vật. Với kích thước 1,3 m, tranh là một trong những tác phẩm sơn dầu trên vải lớn nhất của Lê Phổ từng xuất hiện trên thị trường. Trong 12 năm qua, chưa đến 10 bức có kích thước tương tự hoặc lớn hơn được bán đấu giá.

Bức họa thể hiện khả năng của họa sĩ Lê Phổ trong việc xây dựng bố cục phức tạp với 11 nhân vật và kết hợp các chủ đề nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông - hoa, thiếu nữ và tĩnh vật.

Louis Holdings bị xử phạt vì mua chui cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định xử phạt với Công ty CP Louis Holdings do doanh nghiệp này đã mua vào cổ phiếu TGG nhưng không báo cáo, công bố thông tin trước khi giao dịch.

Louis Holdings bị xử phạt 185 tỷ đồng

Louis Holdings bị xử phạt 185 tỷ đồng

UBCKNN vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Louis Holdings.

Cụ thể, cơ quan quản lý chứng khoán xác định, Louis Holdings là tổ chức có liên quan đến bà Nguyễn Thị Kiều Liên, Trưởng ban Kiểm soát Công ty CP Louis Capital (TGG). Từ ngày 15 đến ngày 19/7, công ty này đã mua vào 335.000 cổ phiếu TGG (tương ứng 3,35 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu TGG) nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch. Với vi phạm này, Louis Holdings bị phạt tiền 125 triệu đồng.

Ngoài quyết định xử phạt kể trên, UBCKNN còn phạt Louis Holdings thêm 60 triệu đồng do công ty này không báo cáo kết quả thực hiện giao dịch cổ phiếu khi bị Công ty CP Chứng khoán APG bán giải chấp 335.000 cổ phiếu TGG từ ngày 15 đến 19/7.

Tổng cộng, số tiền Louis Holdings bị xử phạt đợt này là 185 tỷ đồng.

Dừng triển khai dự án nhà máy nhiệt điện 55.000 tỷ đồng tại Quảng Trị

Bộ Năng lượng Thái Lan đã quyết định sẽ dừng triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 và sẽ sớm có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Trị.

Được khởi công từ năm 2019, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 đến nay vẫn chỉ là bãi cát trắng

Được khởi công từ năm 2019, Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 đến nay vẫn chỉ là bãi cát trắng

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn Năng lượng Việt Nam - Thái Lan lần 2 (VTEF lần 2) đang diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), Bộ Năng lượng Thái Lan đã thống nhất dừng triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết, sẽ sớm có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Trị.

Theo ông Võ Văn Hưng, trước khi đi đến quyết định nói trên, tại Diễn đàn, ông đã thông tin thực trạng của Dự án Nhà máy Nhiệt điện than BOT Quảng Trị 1 do Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư. Dù đã khởi công từ năm 2019, nhưng đến nay Dự án vẫn chưa thể triển khai.

Căn cứ vào kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Trị và đánh giá các yếu tố trở ngại, vướng mắc khách quan về thu xếp tài chính dự án, thực thi đầy đủ các cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan, Bộ Năng lượng Thái Lan đã thống nhất dừng triển khai Dự án.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Dự án có tổng công suất 1.320 MW, gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 660 MW, với tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng.

Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau tham ô hơn 6,5 tỷ đồng

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Cà Mau cho biết, ngày 7/10, đơn vị này đã bắt tạm giam Phan Quốc Khải, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và thuộc cấp để điều tra về hành vi tham ô tài sản và lập quỹ trái phép.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau

Theo đó, Cơ quan CSĐT đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Phan Quốc Khải và Mạc Huỳnh An, nguyên kế toán trưởng, để điều tra về hành vi tham ô tài sản và lập quỹ trái phép.

3 người bị khởi tố về hành vi tham ô tài sản nhưng cho tại ngoại để điều tra gồm: Nguyễn Hoàng Khánh, thủ quỹ; Nguyễn Khánh Linh, kế toán thanh toán; Nguyễn Văn Nuôi, cán bộ phòng Hành chính - Tổ chức.

Cơ quan CSĐT xác định, bị can Phan Quốc Khải lập quỹ trái phép với số tiền khoảng 450 triệu đồng. Đây là các khoản thu của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau mà Khải chỉ đạo không đăng nộp, mở quỹ riêng tự sử dụng.

Đối với hành vi tham ô, cơ quan điều tra xác định, bằng thủ đoạn giữ lại các khoản kinh phí hoạt động rót về các trạm thuộc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nhưng bắt các trạm phải thanh toán đủ số tiền Vườn rót về, nếu trạm nào không tìm đủ chứng từ thanh toán thì Khải chỉ đạo thuộc cấp tìm chứng từ thanh toán. Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2016 - 2018, Khải cùng thuộc cấp đã tham ô hơn 6,5 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2019, Thanh tra tỉnh Cà Mau có kết luận thanh tra tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Trong niên độ thanh tra từ 2016 - 2018, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có các khoản thu để ngoài sổ sách kế toán, lập quỹ trái phép hơn 436 triệu đồng và số tiền thanh toán khống nhiên liệu hơn 4,8 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau đang tiếp tục điều tra vụ việc tham ô tài sản này.

Chuyên đề