Bản tin thời sự sáng 7/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vận hành thương mại đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội từ ngày 8/8; ông Hoàng Quốc Khánh được phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; chốt hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính trong tháng 9; 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã ký hợp đồng với nhà đầu tư…

Vận hành thương mại đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội từ ngày 8/8

Sáng 8/8, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ được vận hành thương mại, miễn phí cho tất cả hành khách trải nghiệm trong 15 ngày đầu.

Tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chạy từ ngày 8/8

Tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chạy từ ngày 8/8

Thông tin được đưa ra tại buổi kiểm tra thực tế Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội của Chủ tịch thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, ngày 6/8. Thời gian chạy tàu từ 5h30 đến 22h, tần suất 10 phút một chuyến tại tất cả nhà ga trên cao.

Ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đến nay, toàn bộ đoạn trên cao từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy đã hoàn thành thi công, lắp đặt và vận hành thử. Công tác nghiệm thu cũng đã xong, đủ điều kiện để vận hành thương mại.

Với đoạn ngầm, từ ga S9 đến S12, bao gồm cả đoạn hạ ngầm sau ga S8 đến ga S9, tiến độ tổng thể đạt 43,5%. Hoạt động thi công diễn ra trên tất cả công trường. Theo kế hoạch, việc khoan và lắp dựng hầm sẽ hoàn thành vào tháng 11/2025. Toàn bộ phần ngầm của Dự án sẽ xong vào tháng 12/2027.

Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km, đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km.

Lộ trình của tuyến: Điểm đầu Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (đường Trần Hưng Đạo). Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, đoạn trên cao chạy thương mại từ tháng 8, toàn tuyến hoàn thành năm 2027.

Ông Hoàng Quốc Khánh được phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

Chiều 6/8, Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Ông Hoàng Quốc Khánh được phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Sơn La.

Tân Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh (bên trái).

Tân Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh (bên trái).

Tại chương trình, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc chuẩn y giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Trước đó, người tiền nhiệm của ông Hoàng Quốc Khánh là ông Nguyễn Hữu Đông đã được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Ông Hoàng Quốc Khánh sinh ngày 2/9/1969, dân tộc Thái, quê quán xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Trước khi được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, ông Hoàng Quốc Khánh từng công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Sơn La và giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên; Bí thư Huyện ủy Phù Yên; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Chốt hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính trong tháng 9

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức triển khai, hướng dẫn, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tháng 9/2024.

Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tháng 9/2024

Hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tháng 9/2024

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 363/TB-VPCP ngày 6/8/2024 kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tại Phiên họp thứ 8.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo - yêu cầu, trong thời gian tới khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách đang cản trở hoạt động CCHC, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ.

Trong đó, ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, nhất là đối với văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV.

Đồng thời, tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9/2024; bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội Đảng bộ các cấp năm 2025 theo Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ.

Khẩn trương phân bổ xong vốn đầu tư công trong tháng 8/2024 và thúc đẩy giải ngân đầu tư công trên 95%; từ đó tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Tăng cường thông tin truyền thông về CCHC như bài học kinh nghiệm đã chỉ ra, lưu ý truyền thông về những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai và giải pháp tháo gỡ hiệu quả, kinh nghiệm quốc tế trong công tác CCHC.

Đối với 4 địa phương thực hiện mô hình thí điểm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm từ tháng 9/2024, thực hiện sơ kết, đánh giá vào cuối năm 2025.

Tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tháng 9/2024.

8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã ký hợp đồng với nhà đầu tư

8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư để chuẩn bị thi công các hạng mục thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu người đi đường.

Một trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác

Một trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác

Cục Đường cao tốc Việt Nam đã hoàn tất công tác đàm phán và thực hiện ký kết hợp đồng Dự án Đầu tư kinh doanh của 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết (2 trạm), Phan Thiết - Dầu Giây.

Cục Đường cao tốc Việt Nam đang yêu cầu các Ban quản lý dự án 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh khẩn trương cung cấp thông tin về tiến độ, lộ trình bàn giao mặt bằng (bằng văn bản) cho nhà đầu tư/doanh nghiệp trước ngày 10/8/2024 để nhà đầu tư xây dựng bảng tiến độ thực hiện Dự án và triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu của hợp đồng.

Các ban quản lý dự án nêu trên cũng được yêu cầu việc trực tiếp với các địa phương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai xây dựng các trạm dừng nghỉ chậm nhất trong tháng 8 này nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Các nhà đầu tư xây dựng bảng tiến độ thực hiện Dự án, trong đó thể hiện khối lượng, tiến độ, thời gian thực hiện… của các hạng mục cụ thể.

Ngoài ra, ban quản lý dự án phối hợp với nhà đầu tư làm việc với các cơ quan liên quan của địa phương để thống nhất và có hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc nộp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày 15/8/2024.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp khẩn trương tổ chức khảo sát, thiết kế lập dự án đầu tư, lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng để phê duyệt dự án đầu tư, hoàn thiện các thủ tục liên quan về môi trường, phòng cháy…, lựa chọn nhà thầu thi công để triển khai thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu.

“Mục tiêu đến cuối năm 2024, cả 8 trạm đều hoàn thành công trình thiết yếu. Các công trình thương mại khác có thể hoàn thành sau đó một thời gian”, ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho hay.

Đà Nẵng rà soát vị trí xây dựng khu thương mại tự do

Chính quyền TP. Đà Nẵng đang rà soát vị trí phù hợp làm khu thương mại tự do, quy mô khoảng 1.000 - 1.500 ha để trình Chính phủ phê duyệt.

Khu vực dưới chân đèo Hải Vân đang được xây dựng đường giao thông và hạ tầng dùng chung cho cảng Liên Chiểu

Khu vực dưới chân đèo Hải Vân đang được xây dựng đường giao thông và hạ tầng dùng chung cho cảng Liên Chiểu

Tại họp báo 6 tháng đầu năm ngày 6/8, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, khu thương mại tự do được Trung ương đồng ý cho thí điểm sẽ gồm khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các khu chức năng khác.

Thành phố đang xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do trình Chính phủ phê duyệt, ban hành quyết định thành lập. Hiện Đà Nẵng rà soát vị trí phù hợp, thể hiện rõ ranh giới, quy hoạch.

Trước đó ngày 21/6, Sở Công Thương đã gửi công văn đề nghị các các sở ngành liên quan và UBND quận Liên Chiểu xem xét, cho ý kiến về 4 vị trí đề xuất làm khu thương mại tự do đã được UBND Thành phố khảo sát.

Theo dự kiến, vị trí 1 hình thành khu logistics và sản xuất khoảng 536 ha nằm phía tây đường tránh Nam hầm Hải Vân đến hết thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang. Vị trí 2 hình thành khu sản xuất rộng khoảng 538 ha tại khu vực khu công nghệ cao mở rộng, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Vị trí 3 hình thành khu thương mại dịch vụ khoảng 132 ha tại khu vực được định hướng là khu phi thuế quan, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Vị trí thứ 4 là đề xuất lấn biển dự kiến rộng 250 - 1.000 ha tại vịnh Đà Nẵng (chưa được định hướng trong quy hoạch xây dựng).

Tuy nhiên theo bà Phương, vị trí khu thương mại tự do sẽ nêu rõ trong quyết định thành lập. Khi Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt mới xác định chính xác những vị trí này.

Đà Nẵng dự kiến tổng diện tích khu thương mại tự do khoảng 1.000 - 1.500 ha. Các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù; đánh giá về các lĩnh vực liên quan đến lao động, xã hội, an ninh quốc phòng... sẽ được Thành phố xem xét, đánh giá trong quá trình xây dựng đề án, bà Phương cho biết.

Thành phố sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo thuận lợi cho việc hình thành và phát triển khu thương mại tự do. Hiện một số nhà đầu tư đã liên hệ, tìm hiểu các chính sách.

Đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Bộ Công Thương đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch.

Bộ Công Thương đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Bộ Công Thương đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Tại cuộc họp chiều 6/8, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội về đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ về việc này.

Dự kiến, Hội đồng sẽ do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch, cùng hai Phó Chủ tịch là Bộ trưởng Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây sẽ là tổ chức liên ngành công thương - nông nghiệp, tham mưu giúp Thủ tướng nghiên cứu chiến lược, chính sách và giải quyết các vấn đề liên quan tới ngành hàng lúa gạo. Việc này nhằm phát triển thị trường gạo ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, sản xuất, xuất khẩu bền vững.

Thực tế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh lúa gạo đã được cơ quan quản lý nông nghiệp, công thương xây dựng. Song, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, khung pháp lý này bộc lộ nhiều vấn đề, cần sửa đổi.

"Cơ chế chưa tạo động lực đủ mạnh, môi trường thuận lợi cho người sản xuất, thương nhân xuất khẩu gạo", ông Lê Minh Hoan nói, thêm rằng các thông tin, số liệu liên quan thị trường không đầy đủ, gây khó khăn cho điều hành, quản lý.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là một trong số ít quốc gia được xem là cường quốc xuất khẩu gạo. Nhưng sản xuất mặt hàng này còn manh mún, xuất khẩu phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Doanh nghiệp chưa chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, gặp khó trong giao dịch. Chưa kể, tại một số thị trường khó tính, gạo Việt Nam có "chỗ đứng" nhưng doanh nghiệp không duy trì được thành tựu, tự đánh mất bạn hàng.

Do đó, ông Diên cho rằng cần thiết có một cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương như Hội đồng Lúa gạo quốc gia. Đề xuất này cũng nhận được thống nhất từ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lúa gạo là ngành hàng quan trọng với nông nghiệp Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo, tăng 36,6% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức cao nhất trong 16 năm qua. 7 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng này mang về gần 3,3 tỷ USD với 5,18 triệu tấn.

Hơn 2.000 người tìm được việc làm trong một ngày

Trong một ngày tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, kết nối giữa TP.HCM và 22 tỉnh thành đã có 2.038 người lao động được kết nối việc làm.

Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm liên kết vùng

Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm liên kết vùng

Ngày 6/8, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, thông tin kết quả tổ chức sàn giao dịch việc làm liên kết vùng giữa Thành phố với Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành lân cận năm 2024.

Theo đó, trong 1 ngày tổ chức, sàn giao dịch liên kết vùng đã kết nối việc làm cho 2.038 lượt người.

Trong đó, tại điểm cầu chính TP.HCM tổ chức giao dịch việc làm trực tiếp ở Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã có 107 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng 7.231 vị trí việc làm. Tại sàn có 1.772 người lao động tham gia, 884 người được kết nối việc làm.

Tại điểm cầu 22 tỉnh, thành phố lân cận (kết nối trực tuyến) có 412 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng 42.780 vị trí việc làm. Tuy nhiên, chỉ có 2.416 người lao động tham gia, sàn đã kết nối việc làm được cho 1.154 người.

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, sàn giao dịch việc làm liên kết vùng đã hoàn thành tốt vai trò là cầu nối, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm có cơ hội tiếp cận nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Từ đó, người lao động có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành.

Đường 750 tỷ sạt lở, Hòa Bình công bố tình huống khẩn cấp

UBND tỉnh Hòa Bình công bố tình huống khẩn cấp sau sự cố sạt lở đường tỉnh 435.

Đường tỉnh 435 bị sạt lở nghiêm trọng

Đường tỉnh 435 bị sạt lở nghiêm trọng

Ngày 6/8, UBND tỉnh Hòa Bình đã Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông từ Km27+700 đến Km28+500 đường tỉnh 435 do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và cơn bão số 2 từ ngày 15 - 28/7.

Theo đó, mưa lớn gây sạt sụt đã làm hư hỏng toàn bộ nền, mặt đường tại Km27+750, đường tỉnh 435, tiềm ẩn nguy cơ đứt đường nếu không được khắc phục kịp thời.

Hiện tại phương tiện lưu thông phía lề bên phải tuyến với bề rộng 3,5m chỉ đủ một làn xe chạy, hơn nữa kết cấu lề đất nên giao thông đi lại khó khăn.

Đường tỉnh 435 là tuyến đường huyết mạch kết nối thành phố Hòa Bình với xã Bình Thanh, Thung Nai của huyện Cao Phong và Ngòi Hoa của huyện Tân Lạc. Việc hư hỏng nền mặt đường do sạt trượt nói trên đe dọa đến an toàn công trình; ảnh hưởng đến giao thông đi lại của nhiều hộ dân thuộc xóm Ngòi, xóm Liếm, xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc.

Bên cạnh đó theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc tại xã Suối Hoa, có 8 hộ, 36 nhân khẩu thuộc xóm Ngòi, do mưa lớn kéo dài gây sụt lún, nứt có nguy cơ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân đang sinh sống tại khu tái định cư xóm Ngòi…

UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, bao gồm rào chắn toàn bộ mặt đường, người và phương tiện lưu thông về phía lề đường bên phải tuyến.

Bên cạnh đó, cử người trực gác theo dõi tình hình lún sụt, báo cáo hàng ngày về Sở Giao thông vận tải hàng ngày và khi có sụt lún gia tăng đột ngột.

Chuyên đề